Cơn mưa đầu mùa kéo dài suốt đêm , buổi sáng thành phố ướt đẩm hơi nước. Lâu lắm mới có được buổi sáng như hôm nay, 7g phố xá vẫn như chưa chịu thức giấc…Tôi đón xe đến Cần Thơ, vài hạt mưa vẫn còn lất phất, trên cao cầu vồng bắt ngang đầu.
Đến cù lao Tân Lộc thuộc huyện Thốt Nốt tỉnh Cần Thơ lúc 11g ngày 27 / 4 / 2012, nơi đây chúng ta sắp xếp, chuẩn bị việc trao quà cho học sinh nghèo trong thời gian sắp tới. Loay hoay với công việc từ Tân Lộc đến Bò Ót ( Thới Thuận ) qua Long Xuyên… trời tối lúc nào không hay!
Sáng 28 / 4 ngồi uống café với Cường. Duyên… ngắm mặt hồ Nguyễn Du của Long Xuyên bổng thấy cuộc đời buồn da diết!
Buổi trưa Cường chở qua Chợ Mới tham quan buổi lể cúng giổ ông Ba Thới
Ông Ba Thới tên thật là Nguyễn Văn Thới. Sinh năm 1866, mất năm 1927. Ông là một nhân sĩ yêu nước và cũng là một tu sĩ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, chính ông là tác giả của bộ sách Kim Cổ Kỳ Quan. Sinh ra và lớn lên trong gian đọan người Pháp chiếm Việt Nam, cuộc đời ông phải chịu nhiều gian truân, cay đắng với thân phận của người dân một quốc gia bị chiếm đóng. Ngày nay, hàng năm người dân miền Nam Việt Nam lấy ngày mùng 9 tháng 3 ÂL là ngày mất của ông để làm ngày tưởng niệm
( Nấu cơm ) Hàng chục ngàn người đến dự lể tưởng nhớ ông Ba. Thức ăn, đồ uống được nấu nướng, chế biến tại chổ và hoàn toàn miễn phí ( Free ) ( Làm đậu hủ – đậu phụ )Giã từ phủ thờ ông Ba, tôi đến nhà thầy hiệu phó trường Kiến An ( Chợ Mới ). Vì trước đây chúng ta đã nhiều lần giúp các học sinh nghèo của trường nên hôm nay nhân dịp trường tổ chức cho 100 em học sinh đi tham quan Hà Tiên, ban giám hiệu có lời mời, vốn chưa biết Hà Tiên nên dịp này tôi nhận lời để cùng giao lưu với nhà trường
Khởi hành lúc 4g sáng ngày 29 / 4 / 2012. Từ cổng trường Kiến An chúng tôi qua phà Thuận Giang, rồi qua phà Năng Gù hướng về Châu Đốc.
Xe chạy đến Tịnh Biên, rồi Nhà Bàn…và tiếp tục lăn bánh theo con đường dọc kinh Vĩnh Tế.. Được thực hiện từ năm 1819, hoàn thành năm 1824, kinh Vĩnh Tế nối liền hai tỉnh An Giang – Kiên Giang và nằm song song với đường biên giới Việt – Miên đây là con kinh lớn nhất trong lịch sử Việt Nam ( kể từ thế kỷ 20. trở về trước )
Chúng tôi đến Hà Tiên lúc 10g30 cùng ngày. Đầu tiên tham quan khu di tích Đá Dựng
Khu Đá Dựng là một hòn núi nhỏ với nhiều hang động. Có một con đường rất đẹp phủ bóng mát cây xanh, chạy từ chân núi bên này đến chân núi bên kia. Trên con đường ấy chúng tôi ghé vào tham quan một số thạch động
( Từ núi nhìn xuống )
( Lâu lắm mới gặp lại trái này…)
Biển Hà Tiên không đẹp như Vũng Tàu hoặc Nha Trang vì thiếu cát trắng. Tuy vậy với hàng cây trồng dọc theo bờ biển nơi du khách nghỉ ngơi khiến nơi này trông cũng khá đẹp. Vì thời gian quá ngắn nên chúng tôi không được đến tham quan hòn Phụ Từ – một thắng cảnh nỗi tiếng của đất Hà Tiên
Điểm tham quan cuối cùng của chúng tôi là chùa Phù Dung.
Chùa nằm dưới chân ngọn núi Bình San, thuộc phường Bình San, thị xã Hà Tiên. Trong chùa thờ Phật và phía sau chùa có đền Ngọc Hoàng.
Chùa Phù Dung nỗi tiếng không phải chỉ vì cảnh đẹp, chùa nỗi tiếng vì lai lịch bí ẩn và câu chuyện tình bi thương. Tương truyền nàng Phù Cừ, tên thật Nguyễn Thị Xuân vốn xinh đẹp và giỏi thơ văn, vì vậy bà được ông Mạc Thiên Tích ( 1706 – 1780, con trai ông Mạc Cửu ) lấy làm vợ hai. Vì bà được yêu quý nhiều hơn nên người vợ lớn ghen ghét, nhân lúc ông Mạc Thiên Tich đi duyệt binh vắng nhà, người vợ lớn nhốt bà trong một cái chậu úp. Ngay lúc ấy trời đổ mưa to và ông Mạc Thiên Tích bất ngờ trở về, ông thấy lạ vì sao trời mưa không ngữa chậu hứng nước nên ông truyền lệnh mở chậu ra thì thấy bà thoi thóp. May thay vẫn còn cứu được, nhưng chán ngán thế sự bà xin ông cho cất một thảo am để tu hành, Mạc công đành phải nhận lời. Ngôi thảo am ngày ấy bây giờ là chùa Phù Dung.
Câu chuyện chỉ là truyền thuyết, một số nhà nghiên cứu không tìm thấy tài liệu nào nói về sự tích trên mặc dù thời gian chỉ khoảng 300 năm. Thực ra câu chuyện trên thật sự nỗi tiếng và lan tỏa sau khi tập tiểu thuyết “ Nàng Ái Cơ trong chậu úp” của nữ sĩ Mộng Tuyết ( người Hà Tiên ) ra đời vào năm 1957 và sau đó soạn giả Kiên Giang ( Hà Huy Hà ) chuyển thể thành vở cải lương “ Áo cưới trước cổng chùa “. Nhưng dù thực hay hư câu chuyện trên cho thấy đời người, dù là ai cũng vẫn đầy đau khổ
“ Áo cưới em treo trước cổng chùa
Tình đầu trao trả lại người xưa
Đời em như đóa phù dung rụng
Trước cổng chùa tầm tả gió mưa..”
Hôm đến chùa Phù Dung trời mưa bay lất phất. Những cơn mưa đầu mùa trong mấy ngày liền làm bầu trời u ám não nề. Đứng trước cổng chùa nhớ đến tiền nhân chợt thấy mình bâng khuâng…Cuộc đời ai cũng đầy đau khổ…Phật nói : nước mắt chúng sinh góp lại nhiều hơn cả đại dương! Nhưng thôi,
“ Đừng nói yêu đương trước cổng chùa
Nhắc làm chi nữa mối tình xưa
Xuân tự quay lưng vào cửa Phật
Tô Châu trở bước xuống Đông Hồ ( Kiên Giang )
Mưa vẫn rơi từng hạt, trên thăm thẳm từng cao không biết có đấng tối linh chăng? Nhưng dù có hay không thế gian vẫn không hề có hạnh phúc. Nếu bạn tin có nhân quả, luân hồi thì trần gian là nơi chúng ta đến để trả nghiệp! Không phải đến để hưởng phước! Và hơn lúc nào hết tôi đã nghe được tiếng gọi ở trên cao…Có lẽ chỉ còn vài năm nữa thôi tôi sẽ trở về…sẽ được tránh xa chốn trần gian đầy phiền lụy và đau khổ
“ Duyên xưa chẳng bận chi tình
Bụi trần chi để vương cành hoa sen…”
Rời Chợ Mới đến Sa Đéc – Đồng Tháp vào buổi sáng 1 / 5 / 2012. Nhiều con đường ở Sa Đéc hôm nay đỏ màu hoa phượng – trời đang vào hạ. Đến nơi đây để chuẩn bị làm một cây cầu bê tông và chuẩn bị chương trình phát quà cho học sinh nghèo nhân dịp cuối niên học.
Dịp này cũng đến thăm trường tiểu học Phú Long – điểm Phú Bình vào buổi sáng 2 / 5, nơi này chúng ta đang thực hiện chương trình phát sữa hàng ngày cho học sinh để chống suy dinh dưỡng. Chương trình dù mới thực hiện được ba tháng nhưng các cô giáo nói tình trạng sức khỏe của các em được cải thiện rõ rệt. Các em đi học thường xuyên hơn, ham đến trường hơn, rất ít trường hợp nghĩ học ( vì đi học mới có sữa, nghĩ học không có! ).
Hôm đến nơi tôi cùng thầy hiệu trưởng trao sữa cho các em, nhìn lũ trẻ tíu tít với mấy hộp sữa bổng cảm thấy vui lây…Thế đấy, niềm vui thế gian nó nhỏ bé và mong manh như tơ nhện!
Comments