Sự kỳ bí và hoang sơ của núi Đá Dựng
Núi Đá Dựng là một tuyệt tác của thiên nhiên, còn mang nét hoang sơ, thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Nơi đây không chỉ có nhiều hang động đẹp, mà còn là khu căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta.
Núi Đá Dựng là một khối đá vôi cao khoảng 100 mét với nhiều vách đá dựng đứng nên được gọi là núi Đá Dựng. Núi Đá Dựng vẫn còn hoang dã với những cụm núi non xen kẽ đầm lầy, đồng cỏ năn và rừng cây bụi, trông giống như một lâu đài cổ sừng sững giữa trời.
Do đặc trưng cấu tạo, cấu trúc địa chất, cùng với sự xâm thực và tác động của thiên nhiên qua thời gian dài, nên trong lòng núi có rất nhiều hang động… Chỉ khoảng 100m nhưng đã có tới 14 hang động lớn nhỏ, nhưng mỗi hang động mang nét bí ẩn, lạ lùng khác nhau.
Hang Thần Kim Qui có khối đá xanh, dẹp hình con rùa, Hang Dơi có thạch nhũ hình bầu hồ lô. Sang động Bồng Lai thì không khí luôn trong lành và còn có hình bàn tay Phật in ở vách đá, vào động Mẹ Sinh Con, bạn sẽ có cảm giác hơi khó thở vì càng đi sâu, hang càng nhỏ dần, tối tăm. Động Khổ Qua với những thạch nhũ có hình như trái khổ qua khổng lồ và động Sám Hối, có một tượng đá to như hình một nhà sư đang cúi đầu vào vách đá trầm tư.
Không những vậy, Núi Đá Dựng còn rất nhiều hang thông với nhau tạo thành những “mê cung”. Hang Cổng Trời có cảm giác rất lạng và khó thở vì càng đi sâu, hang càng nhỏ khiến ta có cảm giác như đang đi xuống lòng đất. Nhưng cuối hang lại đưa ta lên cao dần và bất ngờ thông ra bên ngoài.
Thêm vào đó là hang Bà Chúa Xứ, hang Trống Ngực (khi vỗ tay vào ngực thì vách hang dội lại thanh âm giống như tiếng trống thùng thình). Hang Lầu Chuông có nhiều thạch nhũ khi gõ vào sẽ tạo nên những tiếng ngân nga trong vắt như tiếng chuông… và còn vô số những nhũ đá mang hình dáng kì lạ.
Núi Đá Dựng không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng với nhiều truyền thuyết, huyền thoại. Mà nó còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử của vùng đất Hà Tiên. Chính vì vậy, núi Đá Dựng ngày càng thu du khách đến với danh lam thắng cảnh này.
Theo nguoihanoi
* Nếu bài viết này hữu ích với bạn, hãy “tiếp lửa” cho Tâm Học bằng cách bấm Like, Google +1, Tweet hoặc Chia Sẻ, Gửi….cho bạn bè , người thân. Chân thành cảm ơn!