Công viên Lê Văn Tám
Công viên Lê Văn Tám | |
---|---|
Vòi phun nước và tượng đài Lê Văn Tám ở giữa công viên
|
|
Vị trí | Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam |
Tọa độ | 10°47′19″B 106°41′37″Đ / 10,788613°B 106,693715°ĐTọa độ: 10°47′19″B 106°41′37″Đ / 10,788613°B 106,693715°Đ |
Khai trương | 1985 |
Tình trạng | Đang hoạt động |
Công viên Lê Văn Tám là một công viên tại phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Công viên nằm giữa bốn tuyến đường là Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu và Phan Liêm. Đây là nơi luyện tập thể dục thể thao quen thuộc của người dân. Khu vực công viên được bố trí cây xanh, vườn hoa hài hòa và một số trò chơi dành cho trẻ em. Trên danh nghĩa, người ta đang triển khai bãi đậu xe ngầm bên dưới công viên.
Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]
Thời Pháp thuộc, nơi đây là nghĩa địa dành cho người Pháp nên được gọi tên là Đất Thánh Tây. Một thời gian nghĩa trang này được gọi là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Năm 1983, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra chỉ thị 17/CT-UBND yêu cầu di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi khỏi thành phố để lấy đất xây Cung văn hóa Thiếu nhi.[1] Sau đó, khu vực này được giải toả và xây dựng thành công viên, đặt tên là Lê Văn Tám theo tên của một thiếu niên người Việt dũng cảm thời Chiến tranh Đông Dương. Đây là công trình chào mừng 10 năm sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 (1975-1985).
Hiện trạng và dự án bãi đỗ xe[sửa | sửa mã nguồn]
Tại công viên Lê Văn Tám có dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm bên dưới công viên. Dự án đã được cấp phép đầu tư với số vốn 100 triệu đô la Mỹ, một bên là năm tầng hầm sức chứa 2.000 xe máy, 1.250 ô tô, 28 xe buýt, xe tải và một bên là ba tầng hầm dành cho thương mại. Dự án động thổ lần đầu vào tháng 8 năm 2010 và dự kiến sẽ hoàn thành sau 3 năm, song tính đến tháng 3 năm 2014 vẫn chưa làm được gì.[2]
Hội sách thành phố Hồ Chí Minh[sửa | sửa mã nguồn]
Cứ hai năm một lần, Hội sách thành phố Hồ Chí Minh lại diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, tính đến năm 2014 đã trải qua 8 lần tổ chức. Trong một tuần Hội sách năm 2014, tại đây có 500 gian hàng của 156 đơn vị nhà xuất bản, công ty phát hành sách - truyền thông văn hóa, công ty kinh doanh văn phòng phẩm - văn hóa phẩm và trung tâm ngoại ngữ. Trên 20 triệu cuốn sách được đưa đến đây với nhiều mức giảm giá khác nhau. Ngoài trưng bày và bán sách, tại đây còn có các buổi giao lưu với tác giả sách và biểu diễn văn nghệ.[3]
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ “Chỉ thị 17/CT-UBND năm 1983 về việc di chuyển nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ra khỏi thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành”. Thư viện luật trực tuyến. 1983.
- ^ “Vướng thủ tục, dự án bãi đậu xe ngầm "bất động"”. Báo Giao thông vận tải. 3 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Khai mạc Hội sách TP.HCM”. Báo Thanh Niên. 25 tháng 3 năm 2014.