Tháp cổ Bình Thạnh - Kiến trúc tiêu biểu thời hậu Óc Eo

Tháp Bình Thạnh.(Ảnh: Internet)

Tháp cổ Bình Thạnh nằm phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, tọa lạc tại ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
 
Đây là một trong những kiến trúc tháp cổ quý hiếm, tồn tại gần như nguyên vẹn, tiêu biểu cho kiến trúc thuộc hậu nền văn hóa Óc Eo, có niên đại xây dựng khoảng thế kỷ VIII.
 
Tháp cổ Bình Thạnh là một trong rất ít những ngôi tháp còn nguyên vẹn ở Nam Bộ (kể từ khi phát hiện năm 1886).
 
Tháp được xây dựng bằng gạch với kỹ thuật tương tự như ở các đền Tháp Chăm nổi tiếng ở miền Trung nước ta. Kỹ thuật xây dựng này đã bị thất truyền từ lâu và hiện vẫn là một thách đố đối với khoa học.
 
Các viên gạch được liên kết với nhau không bởi một chất kết dính nào. Chúng liền khít với nhau đến mức khó có thể tưởng tượng được người xưa đã làm cách nào để xây dựng nên ngôi tháp này.
 
Tháp có kết cấu dạng hình vuông, cao 10m, mỗi cạnh dài 5m, các cạnh được xây dựng đúng bốn hướng. Cửa chính của tháp được mở về hướng Đông, 3 mặt tháp còn lại (mặt Tây, Nam và Bắc) đều được làm cửa “giả”, đắp nổi các hoa văn, trang trí tinh xảo.
 
Cửa tháp chính Đông được làm từ 4 phiến đá lớn và được đục, đẽo và mài nhẵn các cạnh. Trong 4 phiến đá này có một tấm được đặt phía dưới, một tấm được đặt phía trên cùng, hai tấm còn lại được đặt ở hai bên cửa.
 
Tấm đá phía dưới được khoét 2 lỗ tròn tại hai góc cửa, nhằm gắn con "quay" cánh cửa. Tấm đá phía trên cũng được làm như vậy. Cả hai tấm đá này kết hợp với hai tấm đá hai bên đã tạo thành một khung cửa đá vững chắc, rộng 1m, cao 2m.
 
Tại mặt ngoài tháp, phía trên cửa Đông có gắn một phiến đá lớn, hình chữ nhật, có kích thước 0,8 m x 2 m. Phiến đá này được chạm nổi hình bức phù điêu cách điệu, tương tự như hai vách bên cửa chính.
 
Do cửa chính và ba cửa "giả" của tháp đều được xây nhô hẳn ra ngoài, cùng với các hình trang trí liên tục được lặp lại và thu nhỏ dần từ dưới lên đỉnh tháp, cộng thêm vào các bức phù điêu được đắp nổi quanh ngôi tháp đã tạo cho toàn bộ công trình tháp là một kiến trúc vững chắc và công phu.
 
Về điêu khắc trang trí, Tháp cổ Bình Thạnh là một tác phẩm tuyệt mỹ. Các họa tiết, phù điêu xung quanh ngôi tháp không chỉ đẹp về tạo hình, tỉ mỉ đến trau chuốt trong tạo tác mà còn mang tính biểu tượng cao, thể hiện cho tôn giáo tín ngưỡng và tâm linh người xưa cũng như phong tục tập quán và đời sống văn hóa của họ.
 
Tháp cổ Bình Thạnh với nét kiến trúc độc đáo đã trở thành di sản kiến trúc quý giá của dân tộc. Nơi đây có sức cuốn hút rất lớn đối với khách trong nước và khách quốc tế.
 
Ngày 23/7/1993, Tháp cổ Bình Thạnh đã được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark