RSS

LĂNG MỘ TRƯƠNG ĐỊNH

30 Tháng 6

 

100_8413

 

Trương Định hay Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định (1820 – 1864 ) là võ quan nhà Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859 – 1864 trong lịch sử Việt Nam .

Ông sinh năm 1820 tại làng Tư Cung , phủ Bình Sơn Quảng Ngãi ( nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh , tỉnh Quảng Ngãi ) và mất ngày 19 tháng 8 năm 1864 tại Biên Hòa . Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ uý ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị .

Ông theo cha vào Nam năm 1844 , sau khi cha ông mất ông ngụ tại ngay nơi cha ông đóng quân . năm 1854 Ông kết hôn với bà Lê Thị Thưởng là con gái của một hào phú ở huyện Tân Hòa ( Gò Công ngày nay ) nhờ sự trợ giúp của gia đình bên vợ, Trương Định xuất tiền của, chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận (Gò Công) .

Năm 1850 , hưởng ứng chính sách khẩn hoang của tướng Nguyễn Tri Phương , Trương Định xuất tiền ra chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận ( Gò Công ), vì thế, ông được nhà Nguyễn bổ làm Quản cơ, hàm lục phẩm

Năm 1859 , quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định . Sau đó, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều (Gia Định), và từng đánh thắng đối phương ở Cây Mai – Thị Nghè .

Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai,vào đầu năm 1861 Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công , cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định – Định Tường .

Ở đây, Trương Định tổ chức lại lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công , Tân An , Mỹ Tho , Chợ Lớn , Sài Gòn , Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia.

Trên thực tế, ông đã từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp là Bonard, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh do Phan Thanh Giản truyền vào và rút quân về Gò Công , xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, lấy nơi này làm bản doanh, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến.

Ngày 16 tháng 12 năm 1862 , Trương Định đã ra lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đẩy Pháp vào tình thế lúng túng, bị động. Tháng 2 năm 1863 , nhờ có viện binh, Pháp phản công tại Biên Hòa , Chợ Lớn, bao vây Gò Công . Ngày 26 tháng 2 năm 1863 , Pháp đánh chiếm thành trì, ông thoát khỏi vòng vây và kéo quân về Biên Hòa .

Tháng 9 năm 1863 , tướng Lagrandière sang thay Bonard, mở cuộc càn quét thứ hai, bắt được vợ con và một số tùy tùng của Trương Định.

Ngày 19 tháng 8 năm 1864 , Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương (gãy xương sống). Để bảo toàn khí tiết, ông đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công) vào rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864 . Khi ấy, ông 44 tuổi.

Hay tin Trương Định tuẫn tiết, vua Tự Đức sai truy tặng ông phẩm hàm, và năm 1871 lại cho lập đền thờ ông tại Tư Cung (Quảng Ngãi). Con ông là Trương Quyền đã rút lên vùng Châu Đốc tiếp tục chống Pháp thêm 6 năm nữa.

Sau khi Trương Định tuẫn tiết, bà Trần Thị Sanh , vợ thứ Trương Định, đã nhận thi hài của ông mang về an táng rất trọng thể. Mộ được làm bằng hồ ô dước, trên bia mộ khắc: ” Đại Nam – An Hà lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân Trương công húy Định chi mộ.”, nhưng nhà cầm quyền Pháp tại Gò Công ra lệnh đục bỏ hàng chữ “Bình Tây Đại Tướng Quân” và phạt bà Trần Thị Sanh 10.000 quan tiền vì lập bia trái phép.

100_8406

Năm 1874, bà Trần Thị Sanh đứng đơn xin lập mộ cho chồng. Mộ xây bằng đá hoa cương cùng với 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trương Định. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá bị đục bỏ. Ngôi mộ trở nên hoang phế trong thời gian Pháp thuộc bởi sự cấm đoán và dòm ngó của mật thám.

Năm 1964, Gò Công tái lập tỉnh, để thu phục nhân tâm, chính quyền cũ đã xuất công quỹ tu bổ ngôi mộ khang trang như ngày nay.

Năm 1972, xây dựng thêm Đền thờ dựa theo bản vẽ của kỹ sư Nguyễn Ngọc Thiệt do ông Cung Tất Mai làm Trưởng ban. Đền thờ xây dựng theo kiến trúc Đông phương vừa cổ kính, vừa tân thời với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thiếp vàng. Đền thờ hoàn thành năm 1973, lễ khánh thành Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định diễn ra rất trọng thể và trang nghiêm.

Sau ngày miền Nam giải phóng . Chính quyền và nhân dân Gò Công đã đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích.

Lăng Trương Định là di tích lịch sử là kiến trúc dạng mộ tang tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ. Lăng hiện tọa lạc tại đường Lý Thường Kiệt thị xã Gò Công , tỉnh Tiền Giang . Khu lăng Trương Định có hai phần:

-Mộ được xây bằng đá ong với hồ ô dước (vôi đường mật và cây ô dước). trên diện tích 67m2.

-Đền thờ xây dựng theo kiến trúc Đông phương vừa cổ kính, vừa tân thời với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thiếp vàng.

Trải nhiều năm Pháp thuộc, mộ Trương Định trở thành hoang phế. Sau có bà Huỳnh Thị Điệu, còn gọi là bà Phủ Hải( Bà Điệu là con gái út của bà Dương Thị Hương và là cháu ngoại của bà Trần Thị Sanh . Bà Điệu lấy chồng là Đốc Phủ sứ là Nguyễn Văn Hải, nên gọi là bà Phủ Hải ) cho sửa chữa lại. Năm 1956 , được sửa sang lần nữa’’

Từ năm 1972 đến năm 1973 xây thêm đền thờ. Lăng mộ và đền thờ Trương Định đã được Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia ngày 6 tháng 12 năm 1989

Lễ hội tưởng niệm ông diễn ra tại đây các ngày 19 và 20 tháng 8 dương lịch hàng năm.

 

 

 

Thân thế bà Trần Thị Sanh vợ thứ Trương Công Định

Bà Trần Thị Sanh sinh ngày 7/1/1820 và mất ngày 21/12/1882, con gái thứ sáu của Bá hộ Trần Văn Đổ và Phạm Thị Phụng (1782-1875). Bà Phụng là em gái của Đại thần Phạm Đăng Hưng – thân sinh của bà Phạm Thị Hằng ( Hoàng Thái hậu Từ Dũ). Tức bà Trần Thị Sanh là em con cô cậu ruột với Hoàng Thái hậu Từ Dũ – thân mẫu của vua Tự Đức.

Lúc nhỏ, mẹ mất sớm, cha ra Huế làm quan, Phạm Thị Hằng ở với cô Phạm Thị Phụng, được cô nuôi dạy nữ công nữ hạnh, cho đi học chữ Hán với dượng Trần Văn Đổ. Nhiều lần chị Phạm Thị Hằng ẵm bồng em Trần Thị Sanh nhỏ hơn mình mười tuổi. Năm 14 tuổi, Phạm Thị Hằng xa gia đình cô Phụng ở Gò Công để ra Huế và được tiến cung, sau trở thành Giai phi Từ Dũ của vua Thiệu Trị. Năm 19 tuổi, Trần Thị Sanh được cha mẹ cho thành hôn với Bá hộ Dương Tấn Bốn. Hai vợ chồng được hưởng của hồi môn của hai gia đình, lại thuộc gia đình “ngoại thích” của Hoàng gia, có thế lực, buôn bán lúa gạo, khai khẩn nhiều ruộng đất, giao thương với cả các nước trong vùng, nổi tiếng giàu nhất Gò Công. Hai ông bà sống hạnh phúc gần 20 năm, bà Sanh sinh 9 lần, có trai có gái nhưng chỉ nuôi được một người con gái là Dương Thị Hương sinh năm 1844 (sau gả cho Huỳnh Đình Ngươn (1842-1893) cha của chí sĩ Huỳnh Đình Điển , ông Ngươn được thăng chức huyện nên Dương Thị Hương được gọi là bà Huyện Ngươn). Năm 1860, ông Dương Tấn Bốn qua đời, bà Trần Thị Sanh quyết chí lo chuyện làm ăn và trở thành một trong những người giàu có ở xứ Gò Công.

Giàu có, bà Sanh dùng tiền mua lúa gạo, nhờ Trương Định đem cứu tế dân, và còn đưa tiền cho ông Định quy tụ dân đi khai khẩn đất đai. Sau khi chồng chết được 2 năm, bà về làm hầu thiếp cho Trương Định, nên dân gian mới gọi là bà Hầu.

Gò Công có bốn tổng giàu,

Mà riêng có một bà Hầu giàu to

Khi Trương Định phất cờ đánh Pháp, bà Sanh (khi này đã trở thành vợ thứ Trương Định) lo việc rèn vũ khí, tích trữ lương thực cho nghĩa quân.

Về phía Trương Định, lấy được bà Sanh là có được nguồn hậu cần phong phú để yên tâm tiếp tục kháng chiến, uy thế của nghĩa quân cũng được nâng cao, thuận với lòng dân Nam Bộ khi nào cũng tưởng nhớ đến công ơn mở cõi của các chúa Nguyễn.

Năm 1864 Trương Định chết, giặc kéo xác ông về phơi giữa trung tâm huyện lỵ Tân Hòa (nay thuộc phường 1, thị xã Gò Công) để làm nản lòng những người còn tin tưởng vào nghĩa quân. Nhưng bà Sanh không nản, đêm đêm bà cho cháu lén ra thắp hương cho Trương Định rồi bà cùng với người em kế là Trần Văn Toàn tự Tú Hội (1824-1888) làm đơn vận động đưa xác Trương Định về táng ngay trên đất họ Trần nhà bà.

Bà Trần Thị Sanh có nhan sắc, người thân của Hoàng gia, quyền thế và giàu có nhất ở miền Tây Nam Kỳ. Việc bà nhận làm “vợ nhỏ” của Trương Định không những bà đối lập với thực dân Pháp mà còn phải đương đầu với bọn Việt gian như Huỳnh Công Tấn – người đã giết người chồng anh hùng của bà. Bà làm “vợ nhỏ” của Trương Định không phải vì tình mà chính vì nhiệm vụ triều Nguyễn giao cho bà. Trước hết bà là chiếc cầu nối giữa nhà yêu nước Trương Định với triều Nguyễn, thể hiện những hoạt động ngầm chống Pháp của vua Tự Đức. Thứ đến, dù là cháu ngoại, bà cũng đã làm rạng danh thêm dòng họ Phạm Đăng ở Gò Công. Những gì bà để lại vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hóa. Bà xứng đáng được ghi tên vào danh sách Liệt nữ Việt Nam.

 

This slideshow requires JavaScript.

MỤC LỤC – GÒ CÔNG

MỤC LỤC TỔNG HỢP NHỮNG NẺO ĐƯỜNG ĐẤT NƯỚC

 

 
Để lại bình luận

Posted by on Tháng Sáu 30, 2014 in Gò Công

 

Thẻ: , , , , , , ,

Gửi phản hồi

Mời bạn điền thông tin vào ô dưới đây hoặc kích vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Log Out / Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Log Out / Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Log Out / Thay đổi )

Google+ photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Google+ Log Out / Thay đổi )

Connecting to %s

 
Theo dõi

Get every new post delivered to your Inbox.

Join 30 other followers

%d bloggers like this: