(VOV) - Người dân không thờ ơ với văn hóa truyền thống nếu các nhà tổ chức có cách làm phù hợp.
Ngày thường vẫn...đông như hội
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2012 là lễ hội truyền thống thu hút du khách của cả một vùng, không chỉ trong tỉnh Hải Dương mà còn nhiều tỉnh, thành lân cận như: Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… Cứ tới tháng tám âm lịch hằng năm, các công ty du lịch lại thêm vào lịch trình tour lễ hội này. Năm nay, ước tính lượng khách đến với Côn Sơn- Kiếp Bạc khoảng trên 40 vạn người.
Sức hấp dẫn của lễ hội trước tiên nằm ở sự linh thiêng của hai khu di tích gắn liền với hai vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Du khách tới đây là để dâng hương tưởng niệm bậc tiền nhân, cầu phúc cho bản thân và gia đình. Có những người như bà Phạm Thị Hồng (ở tp. Hải Dương) hơn chục năm nay năm nào cũng tham dự lễ hội này. Bà Hồng bảo chỉ cần leo tới đỉnh Côn Sơn, cầu khấn đủ trước các đền chùa trong khu di tích là cảm thấy an bình, nhẹ nhõm suốt cả năm.
|
Hội múa rồng tại sân đền Kiếp Bạc |
Lễ hội thường được tổ chức từ ngày 16/8 âm lịch (là ngày giỗ Nguyễn Trãi) tới ngày 20/8 âm lịch (ngày giỗ Trần Hưng Đạo), năm nay không rơi vào ngày nghỉ song lượng khách vẫn rất đông. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Dương (ở Hưng Yên) quyết định cùng nghỉ làm một ngày để đi lễ hội. Đi xe máy hơn 50 km tới đây song anh Dương cho biết không thấy mệt lắm, mà thấy vui vì được chứng kiến nhiều nghi lễ thiêng liêng như lễ dâng hương, rước bộ Đức Thánh Trần và các loại hình diễn xướng dân gian như hội trống và múa rồng, hội hoa đăng…
Ngồi xem Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, ông Trần Văn Tiến (ở Bắc Giang) hào hứng kể ông không định đi lễ hội này song hôm qua (1/10) xem lễ khai mạc truyền hình trực tiếp, sáng nay vợ chồng ông chạy xe sang sớm, may kịp xem lễ hội quân này. “Mọi năm tôi chỉ đi thắp hương, dâng lễ trong đền chùa rồi về. Năm nay mới xem lễ hội quân này, thấy đẹp quá, hoành tráng mà lại ý nghĩa nữa. Chiều nay tôi về, mai lại sang xem” - ông Tiến cho biết.
|
Lễ hội quân trên sông Lục Đầu
|
Hấp dẫn lễ hội truyền thống
Có đến những lễ hội như Côn Sơn – Kiếp Bạc mới thấy không phải khi nào người dân cũng thờ ơ với văn hóa truyền thống. Ngoài các nghi lễ dâng hương, cầu khấn mang yếu tố tâm linh, các màn biểu diễn múa lân, múa rồng, hát chầu văn, hội trống, hội hoa đăng, lễ hội quân, múa rối nước…đều thu hút đông đảo du khách chăm chú theo dõi.
Hàng chục vạn người không quản ngại đường xa để đến với Côn Sơn – Kiếp Bạc và quay trở lại nhiều lần không chỉ bởi sự linh thiêng của hai khu di tích mà còn bởi họ tìm thấy nhiều niềm vui trong lễ hội truyền thống này.
|
Biểu diễn võ thuật dân gian trên bến Vạn Kiếp
|
Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc 2012 không có những trò chơi trúng thưởng ăn tiền như ở nhiều lễ hội khác mà chỉ có các trò chơi, diễn xướng dân gian. Theo Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Lễ hội mùa thu năm nay bảo đảm "3 không", gồm: không hàng quán trong khu vực nội tự đền, chùa; không hành khất và không ăn cắp, ăn trộm.
UBND xã Hưng Đạo (thị xã Chí Linh) đã chủ động sắp xếp, bố trí mặt bằng cho các hàng quán, dịch vụ trong khu vực di tích, bảo đảm tuyến đường từ bãi đỗ xe vào khu di tích luôn thông thoáng. Ở khu vực đền Kiếp Bạc, xe ô tô được bố trí đỗ trong bãi và rải rác trên đường đê, xe vào một đầu và ra một đầu nên chưa xảy ra tắc nghẽn giao thông dù hai ngày 1 và 2/10 có nhiều nghi lễ thu hút rất đông khách tham quan.
Chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra đối tượng hành khất tạm trú ở địa phương để đưa về trung tâm nhân đạo; lực lượng công an tăng cường tuần tra ngăn chặn hoạt động trộm cắp, chèo kéo khách đến tham quan... Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực di tích ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Những yếu tố đó đã góp phần không nhỏ trong việc tạo niềm tin, sự an tâm cho du khách tham quan và sự thành công của mùa lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay./.