Đây là tuyến phòng thủ do thực dân Pháp xây dựng cuối thế kỷ 19, với quy mô, độ kiên cố và hiện đại nhất lúc bấy giờ ở Đông Dương.
Trận địa pháo cổ đồi Hoa Mai là một trận địa pháo có quy mô lớn được xây dựng ở Đông Dương thời Pháp thuộc. Ngày nay trận địa này nằm bên một con đường quanh co ở lưng chừng núi Lớn của TP Vũng Tàu.
Trận địa pháo được khởi công năm 1885 và kéo dài trong vòng 15 năm mới hoàn thành với diện tích trên 1ha, ở độ cao 100m so với mực nước biển.
Đây là một trong ba tuyến phòng thủ do thực dân Pháp xây dựng cuối thế kỷ 19, với quy mô, độ kiên cố và hiện đại nhất lúc bấy giờ ở Đông Dương.
Trận địa pháo gồm có 6 khẩu trọng pháo do Pháp chế tạo từ năm 1872-1876, được đặt trên bệ, bố trí theo hình vòng cung, mỗi khẩu cách nhau khoảng 17,5m.
Mỗi khẩu pháo làm bằng thép với 5 bộ phận chính là bệ pháo, giá súng, nòng súng, buồng đạn và đuôi nòng. Bệ pháo cao 1,1m hình tròn đường kính 3m chia làm bốn tầng. Phía trên bệ là phần giá súng với chiều cao 0,85m, đường kính trong 0,3m. Nòng súng dài 2,82m, đường kính lớn 0,42m, đường kính nhỏ 0,24m. Buồng đạn dài 1,28m. Đuôi pháo dài 3m.
Các khẩu pháo được đặt trên mâm pháo có thể quay 360 độ và nâng cao hay hạ thấp tầm bắn nhờ vào hệ thống đĩa có răng cưa gắn với bệ pháo cố định.
Dù đã trải qua gần 150 năm, các khẩu pháo ở nơi đây vẫn còn được bảo tồn khá tốt.
Phía sau mỗi khẩu pháo đều có hầm chứa đạn, hầm pháo thủ và hệ thống giao thông hào liên kết với các cổ pháo khác xung quanh.
Những khẩu đại pháo đều hướng ra biển Đông phía Cần Giờ nhằm phòng thủ, tấn công và kiểm soát toàn bộ cửa biển Miền Đông Nam bộ và giữ an toàn cho trung tâm nghỉ dưỡng của thực dân Pháp tại Vũng Tàu.
Rất nhiều mồ hôi, xương máu, sinh mạng của những người lao dịch khổ sai đã mất mát trong quá trình xây dựng trận địa pháo lớn nhất Đông Dương bấy giờ. Họ phải xẻ đá, phá núi làm đường, đào hào giao thông, xây hầm công sự đều làm bằng thủ công.
Theo KIẾN THỨC
|