Theo lịch sử, Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm mất ngày 13-9 (AL) năm Nhâm Dần (1782), thọ 41 tuổi. Lăng mộ ông không nằm ở Vĩnh Lộc-Vĩnh Hùng nơi có phủ Trịnh (đền thờ các chúa Trịnh) mà được đặt ở làng Thịnh Phúc (nay là Yên Phú- Yên Định- Thanh Hóa) gọi là Bái Lăng. Hiện nay vẫn còn một số tượng đá voi ngựa phỗng, tướng sĩ trên một gò đất cao ở đây. Nhưng gần như chắc chắn, trong lăng này không có di cốt của ông (cũng như nhiều vua chúa khác, vì sợ sau này có người quật mộ, nên lăng tẩm nhiều khi chỉ là tượng trưng).
Từ bí ẩn của cái quách đúc có trầm hương...
Năm 1986, một gia đình đội 4 xã Quý Lộc (Yên Định -Thanh Hóa) trong khi đào móng nhà đã phát hiện ra một cái quách lớn đúc đặc. Bổ cuốc vào, quách chỉ vỡ ra một vài mảnh nhỏ, có mùi thơm rất lạ. Chủ nhà bèn báo lên chính quyền xã.
Ông Lê Minh Hoàng - Chủ tịch xã Quý Lộc hiện nay (một nhân chứng có mặt trong cuộc khai quật) kể rằng ngôi mộ đầu hướng phía Đông Bắc, nằm trên một cồn đất cao gọi là Bái Nhọn, chân quay phía Tây Nam).
Quách làm bằng vỏ sò, bột đá, mật mía, trầm hương nghiền ra, (dài 2,75m, rộng 1,1m, dày 11cm). Quan tài bằng gỗ đinh hương (dài 2,15m, rộng 0,6m). Điều đặc biệt là ngôi mộ cải táng nhưng vẫn trong quan ngoài quách, bên trong xếp xương theo hình người nằm, ngoài cuốn rất nhiều lớp vải. Người nằm trong quan xương sọ rất to, xương ống chân, tay to và dài. Chỉ có một cái răng rụng ra khỏi hàm, các móng tay rất dài. Những cục giấy bản cuộn lại bằng miệng chén dài khoảng20 cm xếp chèn giữa các đốt xương, nối cổ và đầu, xếp đầy cả trong khoang bụng tượng trưng cho nội tạng. Ván dưới bộ xương có đục hình bảy ngôi sao Bắc đẩu thất tinh. Hai búi tóc cuộn tròn gài bên trên tai, có người rút một sợi ra đo được mét bảy. Ông Hoàng khẳng định vật duy nhất chôn theo là hai lá cờ đuôi nheo màu tía dưới đầu của hài cốt. Đó là “căn cứ để đoàn khai quật kết luận đây là mộ một vị chúa Trịnh” (chúa Trịnh dùng nghi trượng, áo bào màu tía). Có người còn kể rằng trong áo quan còn có một cuốn sách chữ Hán, nhưng ông Hoàng bác bỏ điều này.
Sau đó, bộ hài cốt được bỏ vào áo quan như cũ và di dời ra cạnh mương nước dưới chân một ngọn núi đá nhỏ đầu xã gọi là núi Đùm Cơm Quả Cà. Bẵng đi một thời gian, người ta cũng quên dần đi "ngôi mộ chúa” nọ.
Bia mộ đề “Vua Trịnh Sâm”!
Năm 1996, ông Lê Hợp Hải, người cháu chín đời của chúa Trịnh Sâm, lên đường vào Thanh Hóa cùng ông Trịnh Đản (trưởng ban liên lạc họ Trịnh ở Hà Nội) để nhận mộ. Suốt dọc đường đi, ông Hải cứ bán tín bán nghi vì không có gia phả, cứ liệu nào ghi về chuyện này.
Ngôi mộ dưới chân núi nằm lút giữa cỏ, nhưng không hiểu sao bên trên có ai đó đã dựng một cái bia ngay ngắn đề ba chữ “Vua Trịnh Sâm". Tuy cái bia ghi nhầm chúa “sang vua", nhưng nó làm ông Hải rùng mình lạnh cả người. Ông nhớ trong gia phả viết chúa Trịnh Sâm, người văn võ toàn tài đã từng có ý xưng vương. Chúa sai mang biểu sang Tầu đại ý nói mệnh nhà Lê đã hết, đề nghị Trung Hoa phong vương cho mình. Nhưng viên sứ quan trung thành với nhà Lê đi đến Động Đình hồ đem tờ biểu đó đốt đi rồi uống thuốc độc tự vẫn.
Ông Hải đi tìm hiểu qua những nhân chứng có mặt trong vụ khai quật 10 năm trước, tìm cả những mảnh quách đã bị người ta đập ra lát đường. Cùng với những phán đoán riêng, ông Hải cho rằng đây chính là mộ chúa Trịnh Sâm. Ông vận động xã cho phép nâng cao ngôi mộ lên lưng núi, xây một cái lăng nhỏ, lập tấm bia đề rằng đây là lăng mộ Thịnh Vương Trịnh Sâm (2001) và tổ chức mời các chi họ Trịnh về cúng giỗ. Lễ kỷ niệm 222 năm ngày mất của Chúa hôm 25-10 vừa qua quy tụ đến gần 200 người con cháu dòng họ Trịnh ở khắp miền Bắc về thắp hương bên ngôi mộ phần ở chân núi Đùm Cơm Quả Cà...
Đâu là câu trả lời?
Sự tình đã đến chỗ mặc nhiên ngôi mộ có chiếc quách đúc liền được các vị con cháu dòng họ Trịnh coi là phần mộ chúa Trịnh Sâm. Lăng mộ được xây nhỏ nhưng khá kiên cố (trong lòng đá núi, phải nổ mìn). Câu chuyện cũng đã được kể lại trên một số tờ báo... Nhưng khi người viết nói chuyện này với các nhà nghiên cứu lịch sử thì ai cũng ngơ ngác nói... không biết.
PGS-TS Nguyễn Danh Phiệt, nguyên là phó TBT tạp chí Nghiên cứu 1ịch sử, người Quảng Xương - Thanh Hóa, một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử cổ trung đại Việt Nam, nói rằng chưa hề nghe thấy một báo cáo khoa học hay bài nghiên cứu nào về việc tìm ra mộ chúa Trịnh Sâm. Nếu tìm thấy “thì tất người ta sẽ loan tin ầm lên ngay, vì Trịnh Sâm là “cái anh” rất nhiều chuyện, hay cũng có nhiều, dở cũng có", ông khẳng định. TS Lê Tạo, chuyên gia khảo cổ học, hiện đang làm trưởng ban di tích của bảo tàng Thanh Hóa, khẳng định rằng trong hồ sơ lưu của Bảo tàng Thanh Hóa không thấy có tài tiệu nào ghi chép về việc tìm ra mộ chúa Trịnh Sâm. Việc có “ngôi mộ chúa” ở Quý Lộc, ông cũng chỉ nghe nói chứ không được biết.
Chúng tôi đã gặp lại ông Lê Hợp Hải. Theo ông Hải, Quý Lộc chính là nơi chúa Trịnh Sâm chọn để mộ phần bí mật của mình. Vì sau khi lên ngôi 4 năm, ngài đã từng về đất này, nhìn ở đây có thế đất “phượng hoàng tung cánh bay lên". Hiện vẫn còn một bài thạch thi của ngài khắc trên núi đá động Diệu Sơn (cách nơi tìm ra ngôi mộ 1km).
Ông Hải cho chúng tôi xem một bản ghi chép của ông từ năm 1996 về việc đi tìm mộ Chúa. Trong đó phần nhiều ông ghi chép lại lời kể từ những nhân chứng tại xã Quý Lộc. Theo những nhân chứng khi đó làm việc ở Ủy ban xã Quý Lộc như ông Quế (nguyên chủ tịch), ông Hán (nguyên bí thư)... kể lại (trong bản ghi chép của ông Hải), thì đoàn khai quật kết luận rằng “đây là mộ chúa Trịnh Sâm, ông này không có công gì với đất nước cả”. Chính vì vậy ngôi mộ bị dời ra chân núi Đùm Cơm Quả Cà. Còn cái bia đề “Vua Trịnh Sâm" dựng từ năm 1987, ông Hải cũng tìm ra người dựng là ông Trịnh Đình Vóc, một người dân Quý Lộc. Hỏi tại sao ông Vóc dựng bia như vậy, ông trả lời thấy mọi người dân xã này đều tin như vậy. (Sau khi ngôi mộ dời ra chân núi vài năm, có chuyện sét đánh tan hòn “quả cà" trên chóp núi. Sau đó, một công ty Thái Lan đầu tư nuôi gà siêu trọng vào xã, nhiều người dân Quý Lộc lập trang trại, đời sống khá hẳn lên. Có người tung tin rằng Chúa cho "sét đánh tan quả cà (lượng trưng nghèo khó) để dân Quý Lộc ăn cơm với cá".
Việc xác định mộ chúa Trịnh Sâm có liên quan đến việc nghiên cứu, tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử, văn hóa nước nhà. Thế nhưng có vẻ như các nhà khảo cổ, sử học vẫn bàng quan với chuyện này, để mặc cho những câu chuyện đồn thổi trong dân gian cứ tự phát lan truyền ... vô tội vạ!