Được đăng bởi : Mytour.vn
Đền Và còn có tên gọi khác là Đông cung - một trong hệ thống tứ cung nổi tiếng của xứ Đoài. Theo đó, đền Hạ (Tây cung) ở xã Minh Quang (Ba Vì), Nam cung ở thôn Yên Cư, xã Tản Lĩnh (Ba Vì), Bắc cung thuộc làng Thư Xá, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).
Đền Và qua các triều đại Lý, Trần… đều được trùng tu. Đến đây, trải tấm bạt ngồi dưới gốc những cây lim già, ngắm dòng sông Tích lượn lờ và những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, ai cũng cảm thấy lòng bình yên. Đặc biệt, làng Vân Gia có một đặc sản rất hấp dẫn là bánh tẻ. Đây là một loại bánh giống bánh giò, nhưng dai hơn và dù không có nhân thịt vẫn rất ngon.
Nơi thờ phượng đức thánh Tản Viên
Đây là ngôi đền thờ vị thần được ngưỡng kính trong tâm thức của muôn dân ngàn đời, đó là Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, vị tổ của bách thần, còn gọi là Nam Thiên Thần Tổ, vị thần trong Tứ Bất Tử của truyền thuyết nước Nam. Theo truyền thuyết, vị phúc thần này sau khi giúp dân chống giặc ngoại xâm, khai sơn, trị thuỷ, vào một ngày xuân đẹp trời (14 -1), đất nước thanh bình, cây nảy lộc biếc, trăm hoa đua nở, khoe sắc dưới nắng xuân chan hoà, Ngài từ núi Tản du ngoạn đến đồi Và, xã Trung Hưng, thấy đây là một thắng địa, liền đó lại có một đám mây từ núi Ba Vì kéo xuống che phủ nơi Ngài đứng, như một tàn lọng lớn, quả là một nơi phong thuỷ hữu tình, hội tụ khí thiêng đất trời, ngài liền lập hành cung, gọi là Đông cung.
Trải bao năm tháng thăng trầm của thời gian và lịch sử, lòng người luôn thành kính hướng về Đức Ngài linh thiêng, nên đã không ngừng hưng công, để Đền Và ngày một xứng với nơi thờ vị thần chủ của các vị thần trời Nam, trở thành một nơi: “Nguy nga cao vút tầm vũ trụ, như sánh với mặt trời, cửa mây mở rộng, riêng biệt một vùng trời rạng rỡ; sắc sảo chạm khắc vào trời đất, như mầm non nhú hé, đượm vẻ mưa nhuần kéo về khoáng đạt vẻ phong quang”.
Đây là ngôi Đền cổ kính có niên đại từ thời Lê Trung Hưng, đến thời Nguyễn. Dựa vào Văn bia (bài ký về cung trấn ở phía đông thuộc làng Vân Gia), dựng ở đầu hồi nhà tiền tế làm năm Tự Đức 36 (1883) của Đền Và thì được biết Đền đã xuất hiện từ thời nước ta thuộc ách đô hộ của nhà Đường. Bấy giờ “ Đền là khu thờ nhỏ, nhưng rất linh ứng, dân cầu đảo đều hiệu nghiệm”.
Ngày xuân con én đưa thoi, du khách du ngoạn đến vùng đất cổ linh thiêng này, bằng tấm lòng hướng thiện, ngoài việc cầu Đức Thánh Tản Viên phù trì phúc lộc, bình an cho gia đình, người thân, du khách còn được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc rất đẹp của cha ông. Đền nằm trong một rừng lim già tạo một không gian xanh hài hoà, lại u tịch linh thiêng, như hội tụ linh khí của đất trời. Đặc biệt, ngày xuân du ngoạn đền Và, du khách sẽ được đằm mình trong một không gian lễ hội trang nghiêm, một nét đẹp sinh hoạt văn hoá cộng đồng của vùng đất cổ xứ Đoài.
Đền Và là một ngôi đền to, rộng rãi. Trước cửa đền có giếng Ngọc và ngũ Dinh. Ngoài cổng nghi môn có ba cửa rộng, hai bên là gác chuông, gác trống. Qua một sân gạch rộng là đến đền Trung. Tại đây có bốn pho tượng lớn, hai con ngựa hồng và bạch.
Vào trong nữa là đền Thượng và hậu cung, có ba ngai thờ Tản Viên và hai anh em họ của ông là Cao Sơn và Quý Ly. Trong đền có nhiều đồ thờ cổ có giá trị như lọ lộc bình, chóe, cột đèn bằng đá, chuông đồng và nhiều hoành phi, câu đối. Các cửa đền sơn son, vẽ rồng vàng.
Để tổ chức cuộc rước lớn trong những năm chính lễ có 8 làng tham gia, bao gồm: Vân Gia, Cầu Trì, Mai Trai, Nghĩa Phủ, Đạm Trai (xã Trung Hưng); Phú Nhi (phường Phú Thịnh); Phù Sa (xã Viên Sơn); thôn Di Bình, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Chiều 14 tháng Giêng, dân các thôn rước kiệu của thôn mình về để dàn ra trước sân nhà tiền tế của đền Và. Khoảng 1 đến 2 giờ sáng, ngày 15, bắt đầu tổ chức lễ phụng nghênh, đến khoảng 3 giờ thì phụng nghênh long ngai của tam vị Đức Thành ra ngoài kiệu chính.
Du khách thập phương về đây dâng hương lễ thánh, vui chơi trong mùa lễ hội đặc sắc sẽ thấy tâm hồn thoát tục, nhẹ nhõm sáng trong hơn, nơi mảnh đất cổ, tụ hội linh khí ngàn năm của dân tộc ta.
Bình luận