 |

SƠ BỘ TÌM HIỂU TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI VIẾT BẰNG CHỮ HÁN CỦA VIỆT NAM
TRẦN NGHĨA
I. TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI VIỆT NAM KHÔNG PHẢI CHỈ CÓ MỘT “HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ”
Lâu nay, khi nói về tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam, ta chỉ nghĩ đến một tác phẩm tường chừng như duy nhất: Hoàng Lê Nhất thống chí. Nhưng mấy năm gần đây, do những cố gắng trong việc sưu tầm thư tịch Hán Nôm, và sự mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, đặc biệt là với các nước thuộc cộng đồng văn hiến chữ Hán như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… chúng ta đã nhìn lại và phát hiện trước cũng như sau Hoàng Lê nhất thống chí còn có một loạt tác phẩm cùng loại mà nếu gom vào một chỗ, chúng sẽ chiếm một khoảng không nhỏ trong khu vườn văn học Việt Nam. Ấy là Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Đào hoa mộng ký, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí và Trùng Quang tâm sử(1).
Hoan Châu ký còn có tên là Thiên Nam liệt truyện Nguyễn Cảnh Thị Hoan Châu ký, biên soạn vào khoảng năm Chính Hòa (1680 - 1705) đời Lê. Tác giả là một người thuộc dòng họ Nguyễn Cảnh (họ kép), nhưng chưa rõ tên cụ thể.
Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có 2 dị bản Hoan Châu ký, một bản mang ký hiệu VHv.4079 (thay cho ký hiệu cũ là VHv.4199) và một bản mang ký hiệu VHv.3588 (thay cho ký hiệu cũ là VHv.4200), đều là những bản sao. VHv.4079 được chép lại vào thời Gia Long (1802-1819); VHv.3588 được chép lại vào năm Thành Thái thứ 6 (1894). Cả hai bản đều do dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An hiến tặng cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Sách đã được dịch và xuất bản lần đầu(2).
Nam triều công nghiệp diễn chí còn có tên là Việt Nam khai quốc chí truyện, do Nguyễn Bảng Trung soạn, Phong Sơn Dương Thận Trai đề tựa, Tri huyện huyện Phù Ninh tên là Giản đề bạt. Nguyễn Bảng Trung tên thực là Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736), tự Bảng Trung, tước Bảng Trung Hầu, nguyên quán Hải Dương, sinh quán Hương Trà, Thừa Thiên, làm quan đến chức Cai bạ phó đoán sự. Dương Thận trai và Tri huyện Giản đều là người sống vào đầu triều Nguyễn(3).
Hiện có 4 truyền bản Nam triều công nghiệp diễn chí sau đây, đều ở dạng viết tay: 1 bản của Viện Hán Nôm, ký hiệu A.24/1-2; 1 bản của Viện Sử học, ký hiệu HV.503; 2 bản của Thư viện Hiệp hội châu Á Paris, ký hiệu HM.2140 và HM.2141. Tất cả đều mang tiêu đề Việt Nam khai quốc chí truyện, có lẽ do người đời Nguyễn chữa lại. Tên gọi bạn đầu của tác phẩm, theo gia phả họ Nguyễn Khoa, là Nam triều công nghiệp diễn chí.
Sách đã được dịch và xuất bản(4).
Hoàng Lê nhất thống chí nguyên tên là An Nam nhất thống chí, theo Ngô Giáp Đậu thì phần đầu sách do Học Tốn viết; phần tiếp theo do Trưng Phủ viết (xem Hoàng Việt long hưng chí tự tự). Học Tốn là tên tự của Ngô Thì Chí (1753 - 1788), hiệu Uyên Mật, người Tả Thanh Oai, Hà Tây, con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ, làm quan đến chức Thiêm thư bình chương sự. Ông là tác giả 7 hồi đầu của Hoàng Lê nhất thống chí. Trưng Phủ là tên của Ngô Thì Du (1772 - 1840), hiệu Văn Bác, cháu gọi Ngô Thì Sĩ bằng bác ruột, làm Đốc học Hải Dương. Ông là tác giả 7 hồi tiếp theo (từ hồi 8 đến hồi 14). Mấy hồi cuối (từ hồi 15 đến hồi 17) tương truyền do Ngô Thì Thuyến (có người đọc là Thiến) viết.
Hiện có 12 dị bản Hoàng Lê nhất thống chí đều ở dạng viết tay: 6 bản của Thư viện Viện Hán Nôm, mang các ký hiệu A.22/1-2 (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, Học Tốn Công trứ, Trưng Phủ Công tục. Cuối hồi 1, có một đoạn lời bình), A.883 (in ảnh trên giấy tây, tiêu đề Lê quí ngoại sử, Sơn Nam Thanh Oai huyện Tả Thanh Oai Thiêm thư Ngô Thì Thuyến soạn, Long phi Kỷ Hợi niên (1899) hạ lục nguyệt thập ngũ nhật, Hàn lâm viện thị độc sung Bắc Kỳ Thống sứ phủ thụ đệ ngũ hạng Lục sự Nguyễn Hữu Thường phụng lục), VHv.1542/1-2 (tiêu đề An Nam nhất thống chí, bản này cùng loại với bản do Nguyễn Hữu Thường chép), VHv.1296 (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, có “mi phế”), VHv.1534 1/2 (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, có dấu ấn của Hoàng Xuân Hãn), VHv.1534/B (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, chỉ có 8 hồi đầu, hồi thứ 8 chép chưa hết); 1 bản của Thư viện Quốc gia Hà Nội (tiêu đề An Nam nhất thống chí, chỉ có 7 hồi đầu); 4 bản của Thư viện Hiệp hội Châu Á Paris, mang các ký hiệu HM.2224 (7) (tiêu đề An Nam nhất thống chí, chép từ sách Ngô gia văn phái, Tập 7, Quyển 19-20, phần Học Tốn Công di thảo), HM.2134 (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, Học Tốn Công trứ, Trưng Phủ Công tục; bản này chép từ bản A.22 của Viện Hán Nôm), Ms.b.21 (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, Gia Long tam niên Giáp Tí (1804) quí đông sóc, Lê Cảnh Hưng Quý Mùi khoa Tiến sĩ Tả Thanh Oai nhân Ngô Thì Nhậm biên tập, cuối hồi 1 có một đoạn lời bình. Đây là sách của Fonds Landes), và 1 bản chưa lên ký hiệu (tiêu đề An Nam nhất thống chí, Thiêm thư bình chương Học Tốn Công di thảo. Đây là sách của Fonds Demiéville).
Sách đã được dịch và xuất bản nhiều lần(5).
Đào hoa mộng ký còn gọi là Đào hoa mộng tục Đoạn trường tân thanh, do Tiên Phong Liên Đình soạn, Lê Bỉnh Đức đề thơ, Tương Giang Mai Cát Phủ đề từ và viết các phần bình luận. Tiên Phong Liên Đình tên thật là Nguyễn Đăng Tuyển, hiệu Mộng Liên Đình và Hy Lượng Phủ, người làng Hoài Thượng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, đỗ Tú tài năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), là Giám sinh Quốc tử giám, làm Chủ sự Bộ Hộ, thăng Thị độc, Sử quán biên tu, cuối cùng giữ chức Tri phủ Thuận Thành. Ông có đi sứ Trung Quốc. Ngoài Đào hoa mộng ký, Nguyễn Đăng Tuyển còn có tác phẩm như Yên Đài anh ngữ, Quốc phong thi hợp thái, Sử ca (soạn năm 1860). Lê Bỉnh Đức tên thật là Lê Hựu, hiệu Thiệu Hiên và Lộc Đàm Chủ Nhân, nguyên Tổng đốc Bình Thuận. Tương Giang Mai Cát Phủ chưa rõ tên thật và tiểu sử. Trong sách, ở Q1, sau tiêu đề Lan Nương tiểu sử, còn ghi tên một người nữa là “Cấn Phong Hà Đạm Hiên”; cuối chuyện Hội chân ký do Tiên Phong Liên Đình soạn, có chép: “Nguyễn Sinh kể lại chuyện mình cho bè nghe, ai cũng lấy làm lạ. Có người tên là Hà Sinh bèn dựa theo chuyện kể, viết Lan Nương tiểu sử cho chàng (tức Nguyên Sinh - TN), đặt tên là Đào họa mộng”, người cùng tham gia sáng tác Đào hoa mộng ký với Nguyễn Đăng Tuyển, nhưng cũng chưa rõ tên thật và tiểu sử.
Hiện có 2 dị bản Đào hoa mộng ký, đều ở dạng viết tay, được tàng trữ tại Viện Hán Nôm mang các ký hiệu VHv.2152 và A.436. Bản VHv.2152 nguyên là sách của Bảo tàng lưu niệm Nguyễn Du, mang ký hiệu ban đầu là 392 M-ND. Đáng tiếc là tác phẩm chỉ còn 2 quyển đầu trong số 8 quyển tất cả, theo mục lục ở đầu sách cho biết. A.436 là bản sao từ Q.1 nhưng chưa đầy đủ, của bản VHv.2152. Đào hoa mộng ký ngoài chính văn, còn có các phần phụ như “độc pháp”, “hồi bình” và “giáp bình”, một hình thức mang ý nghĩa lý luận phê bình (bình điểm) văn học thường xuất hiện trong các loại tiểu thuyết cổ.
Việt Lam xuân thu còn gọi là Hoàng Việt xuân thu hay Việt Lam tiểu sử, biên soạn khoảng cuối thế kỷ XIX, được sửa sang lại và xuất bản vào năm Duy Tân Mậu Thân (1908). Người khởi thảo, tương truyền là Vũ Xuân Mai (xem Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1990, tr.179). Người biên tập và đề tựa là Lê Hoan. Vũ Xuân Mai quê phường Xuân Yên tỉnh Hà Nội (cũ), đậu Cử nhân năm Kiến Phúc Giáp Thân (1884) làm Tri huyện huyện Phúc Thọ (Hà Tây). Lê Hoan (1856-?) người thôn Cự Lộc, xã Nhân Mục (làng Mọc), tổng An Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội (cũ) (nay là xã Nhân Chính, phường Thượng Đình, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo Thanh Trì Lê Lưu thị thế phả, Lê Hoan từng giữ các chức Binh Bộ Thượng thư kiêm Đô sát viện Hữu đô ngự sử, Tổng đốc Ninh Thái Hải Yên, tước Phú Hoàn Nam. Trong bài tựa viết cho sách khi xuất bản, Lê Hoan có nói ông tìm thấy bản thảo Việt Lam xuân thu trong hòm sách một gia đình cựu học. Khi mang ra đọc, ông lấy làm tiếc là về mặt kết cấu cũng như mạch lạc câu chuyện trong sách chưa được “xảo điệu tinh kỳ” lắm, cho nên nhân lúc rỗi rãi, ông đã “lạm gia tài tước”, mạn phép tác giả tỉa tót, cắt xén, cốt làm cho tác phẩm mang tính văn học hơn, rồi đưa in, đặt tên là “Việt Lam tiểu sử” để phân biệt với chính sử. Trong sách có “giáp phế”, “giáp bình”.
Hiện có 12 dị bản Việt Lam xuân thu : 5 bản của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang các ký hiệu VHv.1819/1-3 (sách in, thiếu 10 hồi cuối), VHv.1683 (viết tay thiếu 32 hồi cuối) và VHv.2085 (viết tay, thiếu 9 hồi đầu và hồi 60 ở cuối sách); 2 bản của Thư viện Viện Sử học mang các ký hiệu HV.84 (sách in, đủ cả 3 quyển và 60 hồi) và HV.141 (viết tay); 1 bản của Thư viện Quốc gia Hà Nội, ký hiệu R.451 (viết tay, chỉ có Q.2 với các hồi từ 22 đến 40); 1 bản của Hiệp hội Châu Á Paris, ký hiệu HM.2184 (viết tay); 1 bản của Thư viện Quốc gia Paris, ký hiệu A.69/1-2, có “giáp phê” của người đời sau; 1 bản của Bảo tàng Guimet Paris, ký hiệu MG.FV.55732 (sách in); và 1 bản của Đông Dương văn khổ Nhật Bản (mang tiêu đề Việt Lam tiểu sử).
Hoàng Việt long hưng chí biên soạn xong vào năm Thành Thái Giáp Thìn (1904), tác giả Ngô Giáp Đậu (1853 - ?), hiệu Tam Thanh, biệt hiệu Sự Sự Trai, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (Hà Tây), đậu Cử nhân năm Thành Thái thứ 3 (1891) làm Đốc học. Ngoài Hoàng Việt long hưng chí, ông còn là tác giả một số cuốn giáo trình về sử như Trung học Việt sử toát yếu, về địa lý như Hiện kim Bắc Kỳ địa dư, v.v…
Hiện có 1 bản Hoàng Việt long hưng chí tàng trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.23 (viết tay).
Sách đã được dịch và xuất bản lần đầu.(6)
Trùng Quang tâm sử do B.G sáng tác, Hiến Hán dịch, lần lượt đăng trên Binh sự tạp chí ở Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) từ số 81 tháng 1 - 1921 đến số 132 tháng 4-1925. Có người cho “B.G” chính là B.C, chữ C xếp chữ nhầm thành G (xem Phan Bội Châu toàn tập tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.288 chú thích 1). “B.C” tức Bội Châu hay Phan Bội Châu (1867 - 1940), hiệu Thị Hán, biệt hiệu Sào Nam, người làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một chính khách nổi tiếng, được người trong nước hết sức kính mến vào những năm đầu thế kỷ XX. “Hiến Hán” là bút danh của người “dịch” thực ra là biên tập tác phẩm này để đăng tạp chí. Tác phẩm sau khi biên tập, có khác với lúc đầu chút ít về tên người, tên đất, cũng như số chương hồi.
Hiện có 3 dị bản về Trùng Quang tâm sử đều ở dạng viết tay: 2 bản của Viện Hán Nôm chép theo bản thảo lúc đầu, ký hiệu VHv.1524 (tiêu đề Hậu Trần dật sử), Sào Nam Phan Bội Châu trứ. Bản này chép vào năm 1957 và VHv.2716 (tiêu đề Hậu Trần dật sử, Sào nam Phan Bội Châu trứ. Bản này chép vào năm 1964, theo bản VHv.1524); 1 bản của Thư viện Quốc gia Hà Nội, ký hiệu R.2258 (tiêu đề Hậu Trần dật sử). “Hậu Trần dật sử” là tên do người chép đặt tạm, do lúc bấy giờ chưa biết tên thật của tác phẩm.
Sách đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản nhiều lần(7).
Các tác phẩm kể trên trước nay có nhiều cách hiểu về mặt thể loại.
Từng được xếp vào diện “cổ tích”, như Trùng Quang tâm sử, những “trang sử lòng ở trại Trùng Quang” mà tác giả cuốn sách coi như “cổ sử” hoặc “cố sự”, tức “chuyện đời xưa” đem ra kể cho “quốc dân đồng bào” nghe (xem đoạn đầu Trùng Quang tâm sử).
Xếp vào diện “lịch sử” như Nam triều công nghiệp diễn chí, Việt Lam xuân thu và Hoàng Việt long hưng chí. Nam triều công nghiệp diễn chí được Dương Thận Trai và Tri huyện Giản gọi là “chí” hay “chí truyện” (xem Việt Nam khai quốc chí truyện tự và Việt Nam khai quốc chí truyền bạt), trong khi Ngô Giáp Đậu gọi là “truyện chí” (Xem Hoàng Việt long hưng chí tự tự). Việt Lam xuân thu được coi như cùng loại với sách Xuân thu của Khổng Tử; nếu hiểu “xuân thu” theo nghĩa rộng, chỉ loại sách “lịch sử” nói chung, thì “Việt Lam xuân thu” có nghĩa là lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở nước Việt. Hoàng Việt long hưng chí được tác giả xếp vào loại “chí” hoặc “truyện chí”, cùng tính chất với Nam triều công nghiệp diễn chí (xem Hoàng Việt long hưng chí tự tự). “Chí”, “chí truyện”, “truyện chí”, hay “xuân thu” ở đây đều được hiểu là những phân nhánh của “chính sử” hoặc “lịch sử”.
Xếp vào diện “tiểu thuyết” như Hoan Châu ký, Hoàng Lê nhất thống chí và Đào hoa mộng ký. Hoan châu ký, được tác giả gọi “bái quan dã sử” (Lời bạt). Hoàng Lê nhất thống chí có lúc còn được cài thêm vào nhan đề sách mấy chữ “Lê quí ngoại sư” (như ở bản A.883). “Bái quan dã sử” hoặc “ngoại sử” đều là những cách gọi khác nhau của tiểu thuyết(8). Riêng Đào hoa mộng ký của Mai Cát Phủ). Nhưng hai chữ “tiểu thuyết” ở đây, trong cách hiểu của người xưa không phải lúc nào cũng đồng nhất với khái niệm tiểu thuyết hiện đại.
Có thể thấy vào thời kỳ các tác phẩm trên ra đời, ở nước ta, trong quan niệm sáng tác cũng như trong nghiên cứu phê bình văn học vẫn còn nhiều chỗ lẫn lộn về ranh giới giữa “văn” và “sử”. Ngay trong lĩnh vực “văn” , việc phân chia thể loại cũng chưa thật rạch ròi(9).
Với cách nhìn của chúng ta ngày nay, Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chi, Hoàng Lê nhất thống chí, Đào hoa mộng ký, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí và Trùng Quang tâm sử đều là những tác phẩm văn học thực thụ và đều mang đặc trưng của thể loại “tiểu thuyết chương hồi”, một thể loại văn học quen thuộc ở các nước thuộc cộng đồng văn hiến Hán. Điều này được tự cụ thể hóa trong mối quan hệ giữa nội dung và hình thức ở cùng tác phẩm vừa kể.
Trước hết, ta thấy ở các tác phẩm vừa nêu, toàn bộ câu chuyện được chia ra làm nhiều mảng, hay đúng hơn, tác phẩm do nhiều “hồi” hoặc “tiết” có quan hệ vừa “khép” vừa “mở”, vừa “gián cách” vừa “liên tục” hợp lại mà thành. Mỗi mảng như thế, ở Hoan Châu ký và Trùng Quang tâm sử được gọi là “tiết” (Hoan Châu ký có 16 tiết, Trùng Quang tâm sử có 22 tiết); ở Hoàng Lê nhất thống chí, Đào hoa mộng ký, Việt Lam xuân thu và Hoàng Việt long hưng chí được gọi là “hồi” (Hoàng Lê nhất thống chí có 17 hồi, Đào hoa mộng ký theo mục lục có 20 hồi, Việt Lam xuân thu có 60 hồi, Hoàng Việt long hưng chí có 34 hồi). Riêng Nam triều công nghiệp diễn chí thoạt nhìn, tưởng như tác phẩm được viết liền mạch từ đầu chí cuối, chỉ chia “quyển” mà không chia “hồi” hoặc “tiết”. Nhưng đọc kỹ nguyên bản, ta thấy ở cuối Q.4 có câu: “Vị tri Tú phượng nhập Nam triều báo tín nhược hà, thả khán hạ hồi phân giải”, cuối Q.5 có câu: “Vị tri hư thực như hà, thả thính hạ hồi phân giải”, cuối Q.7 có câu: “Vị tri hậu sự nhược như hà, thả thính hạ hồi phân giải”; từ đó có thể nghĩ mỗi “quyển” ở đây được tác giả xem như một “hồi”, Nam triều công nghiệp diễn chí có cả thảy 8 quyển, cũng tức là 8 hồi.
Mỗi “hồi” hoặc “tiết” như vậy trong cùng một tác phẩm thường có độ dài xấp xỉ như nhau, kể lại một câu chuyện nhỏ tương đối hoàng chỉnh. Mở đầu các “hồi” hoặc “tiết” là 2 câu đối ngẫu, mỗi câu từ 7 đến 16 chữ (riêng Nam triều công nghiệp diễn chí mỗi “hồi” (quyển) được mở đầu bằng một bài từ hoặc một bài thơ thất ngôn Đường luật, trừ hồi thứ 2 và hồi thứ 7; Trùng Quang tâm sử trước mỗi “tiết” là một cụm từ 4 chữ) vừa dùng để khái quát nội dung, vừa dùng làm đầu đề cho “hồi” đó hoặc “tiết” đó, gọi là “hồi mục”. Kết thúc mỗi “hồi” hoặc “tiết” thường lại có 2 câu đối ngẫu nữa, mỗi câu 7 chữ, cùng một câu văn lề lối (sáo ngữ) kiểu “muốn biết (…) như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ”, một là nhằm dự báo nội dung của “hồi” tiếp theo, hai là nhằm kích thích sự tò mò của người đọc (Riêng Trùng Quang tâm sử không thấy sử dụng hình thức này).
Ở một số tác phẩm, ngoài những tiêu chí nói trên, còn có các phần mang tính chất bình luận văn học (bình điểm) như “độc pháp”, “hồi bình”, “giáp bình”, “my phê”,… cũng là hiện tượng thường thấy trong tiểu thuyết chương hồi của các nước cùng khu vực. “Độc pháp” thường đặt ngay ở đầu sách, tổng luận về nội dung hoặc giải thích, nhấn mạnh một số điểm cốt yếu thuộc chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Chẳng hạn đoạn văn đặt ở đầu hồi 1 của Hoàng Lê nhất thống chí, bài từ Lâm giang tiên và phần “phê bình” của Mai Cát Phủ đầu hồi 1 của Đào hoa mộng ký, bài Truyện tự đặt ở đầu hồi 1 của Việt Lam xuân thu, đoạn văn đặt ở đầu tiết 1 của Trùng Quang tâm sử đều có thể xem là “độc pháp”. “Hồi bình” là những lời bình luận viết cho từng hồi một, đặt liền sau “hồi mục”, thấy xuất hiện ở Đào hoa mộng ký. Riêng Hoàng Lê nhất thống chí, “hồi bình” lại đặt ở cuối hồi 1 và đây cũng là trường hợp có “hồi bình” duy nhất ở tác phẩm này. “Giáp bình” là những lời bình luận viết xen kẽ trong từng hồi hoặc từng tiết, thấy xuất hiện nhiều nhất ở Việt Lam xuân thu. “My phê” là những câu chữ bình luận viết ngay lên khoảng giấy trống đầu trang sách, thấy xuất hiện nhiều nhất ở Trùng Quang tâm sử.
II. NGUỒN GỐC TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI VIẾT BẰNG CHỮ HÁN CỦA VIỆT NAM
Việt Nam cũng như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản,… đều có tiểu thuyết chương hồi. Nhưng như vậy không có nghĩa là con đường dẫn tới sự hình thành tiểu thuyết chương hồi ở các nước thuộc cộng đồng văn hiến Hán này đều hoàn toàn giống nhau.
Tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam có nguồn gốc khác với Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, tiểu thuyết chương hồi bắt nguồn từ thoại bản. “Thoại” có nghĩa là “cố sự”, bản gốc. “Thoại bản” tức bản gốc mà nghệ nhân hay người kể chuyện (thuyết thoại nhân) dùng làm chỗ dựa để giảng về truyện xưa tích cũ cho người ta nghe, một hình thức văn nghệ dân gian chớm lên từ đời Đường và đặc biệt thình hành vào giai đoạn Tống Nguyên do rất đỗi hợp “goût” của tầng lớp thị dân mới trỗi dậy hồi đó.
Có thể chia thoại bản Trung Quốc thành hai loại lớn: tiểu thuyết và giảng sử. “Thoại bản tiểu thuyết” thường ngắn, viết bằng văn bạch thoại, phản ánh đời sống của quần chúng lớp dưới như những người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, phụ nữ bình thường… Thí dụ các thoại bản Phùng Ngọc Mai đoàn viên, Thố trảm Thôi Ninh. Ở loại này, lời văn thường sinh động, bình dị. Trước phần chính văn, thường có mấy câu mào đầu bằng thơ, từ hoặc một mẩu chuyện ngắn, cốt lôi kéo thính giả tới nghe kể chuyện, gọi là “đắc thắng đầu hồi” (gây hứng thú ngay từ hồi đầu) hoặc “nhập thoại” (vào câu chuyện kể). Trong khi miêu tả nhân vật hoặc tường thuật sự kiện, thường xen vào những câu văn vần để cho câu chuyện thêm sinh động. Buổi kể chuyện thường dừng lại ở đoạn gay cấn nhất, nhằm lôi cuốn người nghe đến nghe tiếp vào lần sau, đêm sau. Kết thúc mỗi buổi kể hoặc đoạn kể, thường dùng những câu thơ hoặc bài từ ngụ ý “khuyên giới”. “Thoại bản giảng sử” so với “thoại bản h” thường dài hơn, viết bằng văn ngôn, đôi khi cũng pha phách văn bạch thoại. Loại thoại bản này chịu nhiều ảnh hưởng của chính sử. Nội dung dựa vào truyện tích lịch sử là chính, như Tân biên Ngũ đại sử bình thoại chẳng hạn. Nhưng cũng có khi vừa giảng sử, vừa chen vào những mẩu chuyện đời thường, như Đại Tống Tuyên Hòa di sự, Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại, v.v…
Chính trên nền tảng phát triển rôm rả của thoại bản mà tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc đã ra đời, với những tác phẩm tiêu biểu như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký,… trong đó Tam quốc diễn nghĩa là một trong những cuốn tiểu thuyết chương hồi ra đời sớm nhất, lưu hành rộng rãi nhất và được nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân thế giới đặc biệt ưa thích.
Khác với Trung Quốc, Việt Nam không có thoại bản(10). Sự ra đời của tiểu thuyết chương hồi Việt Nam trước hết liên quan tới các bản thần tích, thần phả được ghi lại từ truyền thuyết dân gian, theo khuynh hướng ngày một hệ thống hóa, với quan niệm cả dân tộc đều sinh ra từ một bọc, có chung một cội nguồn. Hệ thống hóa, nhưng lại phải tách bạch, Cùng xuất từ một nguồn, nhưng lại phát triển có lớp lang. Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh,… được biên soạn và nhiều lần sửa chữa, bổ sung trong tình thần như vậy. Đặc biệt khoảng thế kỷ 15, 16, triều đình nhà Lê sai một số nho thần có trình độ học vấn uyên bác như Đào Cử (1449 - ?), Nguyễn Bảo (TK.XV), Lê Tung (1451-?), Nguyễn Bính (TK.XVI)… sưu tầm, chỉnh lý và viết lại một cách đầy đủ, có hệ thống các thần ở nước ta, làm thành bộ Ngọc phả (còn gọi là Ngọc phả lục hay Ngọc phả cổ lục), đặt tại Bộ Lễ, thông qua đó để cấp bằng sắc, quản lý các di tích lịch sử, văn hóa trên phạm vi cả nước, kết hợp với việc giáo dục truyền thống cho dân. Bộ Ngọc phả chính thức đặt tại Bộ Lễ (Quốc triều Lễ Bộ chính bản) này, nay đã mất, nhưng một số bản thần tích, thần phả chép lại từ bộ sách gốc trên về sau vẫn còn lưu giữ ở các địa phương từng được Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội tổ chức soa chép lại thành 537 tập Thần tích hiện để tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mang ký hiệu AE(11). Qua các tập Thần tích, hay đúng hơn, bộ Ngọc phả triều Lê được khôi phục lại một phần này, ta có thể mường tượng cách hệ thống hóa các thần trong “Quốc triều Lễ Bộ chính bản” ở thế kỷ XV, XVI như sau:

Dưới mỗi mục thần (Nhân thần, Nữ thần, Thiên tầhn, Sơn thần, Thủy thần, Dương thần, Âm thần) lại còn chia ra thành nhiều nhánh (Càn chi, Khảm chi, Cấn chi, Chấn chi, Tốn chi, Ly chi, Khôn chi, Đoài chi) và dưới mỗi nhánh, lại chia làm Thượng đẳng thần, Trung đảng thần…
Cũng qua Ngọc phả đời Lê, ta còn thấy quá trình các anh hùng dân tộc được truyền thuyết hóa, rồi thần linh hóa và cuối cùng, tiểu thuyết hóa như thế nào. Thí dụ chuyện Ngô Long chép trong Hà Nội Hàm Long thần tích AE a1/1, trích từ “Nam Việt Hùng triều Duệ Vương Long thần xuất thế phù quốc uy linh Đại Vương tự điển” (Quốc triều Lễ Bộ chính bản Thượng đẳng phúc thần). Ngô Long, với một địa chỉ cụ thể, một sự tích thần kỳ, đã được những người lập truyện xây dựng như một nhân vật tiểu thuyết thực thụ. Mới lên tám, đã có tài “thất bộ thành chương”, làm xong một bài thơ trong vòng bảy bước. Ngô Long còn làu thông cả “bách gia chư tử”, “tam lược lục thao”, “Thái Công phù phép” và đặc biệt, ông còn sáng tác không ít thơ “Đường luật”, dù đang sống dưới triều Hùng ! Có thể nói mỗi một bản thần tích trong Ngọc phả là một thiên tiểu thuyết, một “bái quan dã sử”!
Chính phương pháp hệ thống hóa từ các đơn lẻ và lối viết sinh động, hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh trên đây của Ngọc phả, trong chừng mực nhất định, đã ảnh hưởng đến tiểu thuyết chương hồi Việt Nam về sau, rõ nhất là ở Hoan Châu ký, một tập gia phả được cải dạng thành tác phẩm văn học.
Tiểu thuyết chương hồi Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của thể văn biên niên, thực lục và kỷ sự. Ở sử biên niên (như Đại Việt sử ký toàn thư) và thực lục (như Lam Sơn thực lục, Trung hưng thực lục, Đại Nam thực lục) các biến cố lịch sử được trình bày theo niên đại các triều vua. Lối viết này để lại dấu ấn khá đậm nét trong Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Việt Nam xuân thu và Hoàng Việt long hưng chí. Có thể nêu một vài ví dụ. Nam triều công nghiệp diễn chí, Q.6 viết: “Lại nói năm Thịnh Đức Nhâm Dần thứ 10, tháng giêng, trung tuần, Nguyên soái công tử Hiệp Đức bèn chuyển quân đến đóng ở xa Vũ Xá, cùng các tướng bàn kế tiến đánh”. Việt Lam xuân thu. Hồi 20 viết: “Năm Bính Tuất, Khai Định thứ 1 (Minh Vĩnh Lạc thứ 5), mùa xuân, tháng giêng, ngày Giáp Dần, tiến quân về phía Trù Giang” v.v… Nhiều đoạn trong tác phẩm đã hành văn y như sử biên niên, lấy năm tháng làm tuyến ngang (kinh), sự kiện làm tuyến dọc (vĩ). Chẳng hạn Hoan Châu ký, Hồi 2, Tiết 2 có đoạn: “Ngày 12, gặp dịp sinh nhật của Tiết chế Trưởng quận công, trăm quan vào chúc mừng. Lễ xong, mở tiệc lớn chiêu đãi. Trong quân ai nấy đều vui say. Ngày 14 tháng 8 vào giờ Dần, quan Tiết chế cùng các tước đốc quân thủy bộ cùng tiến về sông Hát yết kiến miếu Trưng Vương (…). Ngày 15, vào giờ Thân, quân tiến đến cửa Nam thành Thăng Long, tạm nghỉ. Ngày 18…”. Thậm chí có tác phẩm như Hoàng Việt long hưng chí, bên cạnh sự kiện, còn kèm theo những chú giải đôi khi khá dài dòng về tên người, tên đất như chúng ta thường gặp ở các bộ sử chính thống. Ở thể loại kỷ sự, mỗi sự kiện là một thứ dây giềng (cương) xuyên qua một chuỗi chi tiết (mục), câu chuyện nhờ đó có đầu có đuôi, không bị cắt xén. Hoàng Lê nhất thống chí và Trùng Quang tâm sử đại để chịu ảnh hưởng cách thể hiện này.
Nhưng nói gì thì nói, tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam chắc chắn sẽ khó ra đời nếu thiếu cái “hích” đầy quyết định của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Sẽ không có Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí, kể cả Trùng Quang tâm sử nữa nếu không xuất hiện Tam quốc diễn nghĩa(12), Thủy hử(13) trước đó. Và cũng sẽ không có Đào hoa mộng ký, nếu không xuất hiện Kim Vân Kiều truyện(14), Hạnh hoa thôn(15), Đào hoa ảnh(16) trước đó(17). Chính tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc đã cung cấp thể loại và kiểu mẫu cho văn học chữ Hán Việt Nam trong bước đi lên, đổi mới và phát triển. Đặc biệt là Tam quốc diễn nghĩa. Có thẻ nói không một tác phẩm nào trong số các tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài lịch sử của Việt Nam lại không chịu ảnh hưởng nhiều hoặc ít ở Tam quốc diễn nghĩa, từ tư tưởng sáng tác đến nghệ thuật tự sự, miêu tả. Thí dụ Hoan châu ký trong hồi 1 tiết 2, từng vì việc Nguyễn Tử Nha định sử dụng Lê Trang Tông làm bung xung theo kiểu Tào Tháo sử dụng Hán Hiến Đế truyện quấn Tam quốc diễn nghĩa. Hay Nam triều công nghiệp diễn chí, chỉ trong phạm vi Q.1 trong số 8 quyển của tác phẩm, đã có ít ra là 4 trường hợp dính dáng đến Tam quốc diễn nghĩa: Quận Lập muốn bắt chước Quan Vân Trường “đơn đao phó hội”; Phùng Khắc Khoan xuấu xí, nhưng có cái tài của Gia Cát, Lưu Cơ; Phan Ngoạn tự xưng là Quang Vũ tái sinh; Trịnh Tùng mắng Phùng Khắc Khoan muốn bắt chước Trương Lương đêm ít Châu về theo Lưu Bị. Với Đào hoa ảnh, Hạnh hoa thôn và Kim Vân Kiều truyện cũng vậy. Các tác phẩm vừa nêu, nhất là Kim Vân Kiều truyện đã trở thành đối tượng mô phỏng trên một vài phương diện nào đó của Đào hoa mộng ký, một tiểu thuyết “diễm tình”, thuộc loại “tài tử giai nhân”, viết về tình yêu nam nữ.
Có thể nói tiểu thuyết chương hồi Việt Nam ra đời là kết quả của những hối thúc từ bên trong do sự vận động nội tại của bản thân nền học thuật chữ Hán Việt Nam sinh ra, cộng với những kích thích từ bên ngoài do giao lưu văn học mang lại. Đây cũng là tình hình từng diễn ra ở văn học nhiều nước thuộc cộng đồng văn hiến Hán như Nhật Bản, Triều Tiên,…
III. NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI VIẾT BẰNG CHỮ HÁN CỦA VIỆT NAM
Có thể chia tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam ra thành hai nhóm lớn: tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài lịch sử gồm Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Trùng Quan tâm sử và tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài tình yêu gồm Đào hoa mộng ký. Nội dung phản ánh cũng như nghệ thuật diễn tả thuộc từng nhóm có nhiều điểm khác nhau.
Ở nhóm thứ nhất, Trùng Quang tâm sử kể lại cuộc nổi dậy đầy khí thế của nhân dân ta do Trần Quý Khoáng cầm đầu chống lại ách đô hộ của nhà Minh vào đầu thế kỷ 15 tại Nghệ An… Hoàng Việt xuân thu viết về thất bại khó tránh của cha con Hồ Quý Ly và thắng lợi dương nhiên của anh em Lê Lợi trong việc lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi quân ngoại xâm, giải phóng đất nước, giành lại độc lập và chủ quyền cho dân tộc. Hoan Châu ký tái hiện công cuộc Trung hưng của nhà Lê sau khi bị họ Mạc tiếm ngôi, cùng những đóng góp về mặt võ công của dòng họ Nguyễn Cảnh ở Hoan Châu lúc này được coi là rất xuất sắc và chỉ sau họ Trịnh. Nam triều công nghiệp diễn chí phác họa lại 133 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, từ lúc Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Thuận Hóa cho đến khi Chúa Ngãi mất. Tác phẩm cũng đã dành một phân lượng không nhỏ để nói về công lao của Chúa Nguyễn trong việc mở mang, kiến tạo nửa phần đất nước phía Nam, vừa là nơi “dung thân”, vừa là chỗ dựa để tranh giành quyền lực cùng chúa Trịnh ở phía Bắc. Hoàng Lê nhất thống chí là hiện thân sức mạnh của phong trào nông dân khởi nghĩa ở nước ta trong thế kỷ 18 đã đánh bại ba tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn, đập tan mưu đồ tái chiếm Việt Nam của nhà Thanh, đưa giang sơn về một mối. Hoàng Việt long hưng chí là một bổ sung và tiếp nối của Hoàng Lê nhất thống chí. Ở đây, những nét bút còn mờ nhạt về phía chúa Nguyễn trong Hoàng Lê nhất thống chí đã được tô đậm hoặc vẽ lại một cách công phu, tỉ mỉ hơn. Nhất là quá trình Nguyễn Ánh xóa bỏ nhà Tây Sơn, nhân những lục đục không tự dàn xếp được trong nội bộ triều đình Quang Toản. Tiểu thuyết còn bao quát cả mười mấy năm tại vị của Nguyễn Ánh lúc này là Gia Long, nhằm tạo cho câu chuyện “Trung hưng” của nhà Nguyễn có một dáng vóc trọn vẹn.
Dễ dàng thấy những khúc quanh quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ cuối đời Trần đến đầu đời Nguyễn đều được các tiểu thuyết chương hồi của ta đề cập tới.
Ở nhóm thứ hai, giường như có một thử nghiệm chuyển đổi về đề tài tiểu thuyết. Trước Đào hoa mộng ký, kể cả nhiều thập kỷ sau đó nữa, hễ nói đến tiểu thuyết chương hồi, người ta chỉ nghĩ đến tiểu thuyết lịch sử. Có biết đâu dưới dạng chương hồi còn có thể viết về chuyện cổ tích (các tiểu thuyết thần thoại, thần ma, thần quái), chuyện tâm lý xã hội (tiểu thuyết thế tình), chuyện trào phúng (tiểu thuyết phúng thích), chuyện tình yêu nam nữ (tiểu thuyết diễm tình, tiểu thuyết tài tử giai nhân) v.v…
Vậy là để “đổi món”, Đào hoa mộng ký đã chọn đề tài tình yêu. Nhưng viết về tình yêu, không khéo vẫn cứ rơi vào sáo cũ. Từng có một số tác phẩm văn học thậm chí nổi tiếng, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng vay mượn đề tài của nước ngoài. Đào hoa mộng ký viết: “Các truyện diễn âm phần nhiều dựa vào tiểu thuyết phương Bắc (chỉ Trung Quốc - TN) mà dịch ra tiếng phương Nam (chỉ Việt Nam - TN), ngay như Hoa tiên, Kim Vân Kiều gọi là sách của danh gia cũng không tránh khỏi. Thỉnh thoảng có một vài cuốn sách tuy hư cấu thật đấy, nhưng phải cái câu chuyện thì quê kệch, văn vẻ thì vụng về, muốn tìm cho ra một câu chuyện tươi mát, bút mục có hồn, quả là không dễ. Nào biết đâu từ thuở khai thiên lập địa tới nay, tài tử giai nhân đời nào chẳng có (…). Cứ cầm bút viết thẳng những câu chuyện ấy cùng những con người ấy, e còn chưa nói hết sự kỳ diệu của nó, hà tất phải ngược lên hàng nghìn năm trước để mượn thần thế, tìm chuyện tìm người, bằng vào đấy mà thăng hoa bút mực!”. Vậy là, cũng để canh tân, Đào hoa mộng ký đã chọn ngay một câu chuyện về người Việt Nam xảy ra trên đất Việt Nam làm đề tài sáng tác: cuộc tình duyên giữa Nguyên Sinh và Lan Nương. Nguyên Sinh người Giang Bắc, là con một cựu thần nhà Lê. Khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc, chàng theo gia đình chạy tới Giang Tây. Tại đây, Nguyên Sinh gặp Lan Nương, một ca kỹ nổi tiếng. Như có một sức mạnh huyền bí nào đó run rủi, hai bên - một trai tài, một gái sắc - bất giác cứ quấn vào nhau. Rồi trải qua một phen “bi-hoan-li-hợp”, cuối cùng họ mới hiểu hóa ra “đằng trai” là hậu thân của Kim Trọng, “đằng gái” là hậu thân của Thúy Kiều, và tất cả những người chung quanh họ không một ai nằm ngoài danh mục những kẻ mà kiếp trước vốn dĩ là nhân vật Truyện Kiều. Chẳng hạn Trần Thư tiền thân là Thúy Vân, Dư Mỗi tiền thân là Từ Hải, Huệ Nương tiên than là Đạm Tiên, v.v… Nhân vật Truyện Kiều phải sống thêm một cuộc đời nữa để chứng kiến hạnh phúc đôi lứa tròn đầy giữa Lan Nương và Nguyên Sinh dưới bóng Phật tổ từ bi, điều mà trong kiếp trước cả hai chưa thực sự được hưởng.
Về phương diện nghệ thuật, các tác phẩm lệ thuộc rất nhiều vào quan niệm về “tiểu thuyết”, một vấn đề từng gây trăn trở, xáo trộn và chia rẽ không ít trong giới sáng tác phê bình văn học hồi này.
Khi bàn về cách tiếp cận Đào hoa mộng ký, một tác phẩm diễm tình, Tương Giang Mai Cát Phủ viết: “Xem tiểu thuyết, phải “nhận chân” (thực sự để tâm vào) mới gọi là có “nhãn lực” lớn (biết cách xem). Đại phàm các sách “bái quan dã sử” (tiểu thuyết) xưa nay phần nhiều do các bậc tài hoa sáng tác. Có kẻ nhàn rỗi không biết làm gì, bèn rong chơi nơi bút mực. Có người tài cao nhưng chẳng gặp thời, đành lưu lạc giang hồ, bất đắc dĩ phải mượn truyện “Ô Hữu Tiên Sinh” (chuyện hư cấu) để bộc bạch sự nghiệp hoàng lương. Cũng có kẻ nói toàn chuyện hiếm thấy, cốt biểu tỏ tài năng lỗi lạc của mình. Lại có người dùng những lời lẽ mà người nghe đến phát sợ, nhằm làm vơi bớt nỗi bất bình tức uất của bản thân. Cho nên không nhất thiết phải có một nhân vật đích thực như thế, một câu chuyện đích thực như thế. Vậy mà trang giấy cứ lâm ly, ngòi bút cứ thổn thức; con người ấy, sự việc ấy, tình cảnh cứ hệt như thật, khiến người xem xúc động, tinh thần được cổ vũ, tưởng chừng như gặp Tiêu Lang, Tống Ngọc chốn thần giao, vào quán Sở lầu Tần nơi cõi mộng. Rồi bỗng dưng mà tới, bỗng dưng mà đi. Hiện hữu ư? Không hiện hữu ư? Chân thật ư? Hư cấu ư? Mắt xem đến đâu lòng hiểu đến đấy, bất cần phải phân biệt đâu là có, đâu là không, đâu là thật, đâu là giả. Sáng tác mà được như vậy, phải nói là trong văn có tranh vẽ; người đọc mà thấy được điều đó, cũng tựa thể trong mắt có ngọc châu” (ĐHMK, Q.2, phần Phê bình). Từ đoạn văn trên có thể rút ra mấy ý chính:
- Đặc trưng mang tính thể loại của tiểu thuyết là hư cấu.
- Nhưng sự hư cấu này vẫn có khả năng đạt tới một sự thật hơn cả sự thật ngoài đời.
- Chính cái “thật hơn” đó, cái thật mang tính nghệ thuật, qua sự trừu tượng hóa, khái quát hóa… của tiểu thuyết, đã có sức mạnh truyền cảm, chinh phục trái tim và khối óc người đọc.
- Người biết đọc tiểu thuyết là người tìm thấy cái mà tác giả muốn trao gửi, tức là “tâm”, chứ không phải phương tiện để trao gửi tức “văn chương”.
Nhưng những người viết tiểu thuyết lịch sử lại quan niệm vấn đề theo một lối khác. Như trên kia đã nói, họ tự nguyện đem tác phẩm của họ đặt vào một góc khiêm tốn trong ngăn kéo dành cho các bộ chính sử. “Tiểu thuyết” với họ, dù được mệnh danh là “chí”, “chí truyện” hay gì gì chăng nữa, thì bất quá cũng là một dòng nhỏ, một nguồn bổ sung cho quốc sử. Mà đã là “quốc sử” thì phải “thực”, trăm phần trăm chính xác, chứ không thể là “hư”, thêu dệt, vẽ vời, dựng chuyện… Tất nhiên nói vậy thôi. Trong thực tiễn sáng tác, để thu hút người đọc, các tác giả cũng đã phấn đấu làm sao cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, tình tiết trở nên ly kỳ, nhân vật trở nên sinh động, nghĩa là đều phải gia công nghệ thuật. Cái gọi là “nhân chân” (người thật), “sự chân” (hợp tình) ở đây không ít thì nhiều đều có châm chước, xuất nhập cả. Không thế, họ đã không chọn hình thức tiểu thuyết chương hồi, một thể loại văn học thường dành cho độc giả những hồi hộp, bất ngờ thú vị và độc giả cũng không cứ phải xem tác phẩm của họ, vì đã có những bộ sử chỉnh chiện như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục… kia rồi!
Ở nhóm tiểu thuyết viết về tình yêu, từ quan niệm tiểu thuyết không thể không hư cấu, tác giả Đào hoa mộng ký đã mạnh dạn sáng tạo không những về nội dung câu chuyện mà cả trong nghệ thuật trình bày. Hình thức tiểu thuyết chương hồi vừa có phần chữ Hán dành cho bình luận, vừa có phần chữ Nôm viết theo thể thơ lục bát, phải kể là một độc đáo.
Ở nhóm tiểu thuyết viết về lịch sử, do biết khai thác chỗ mạnh của tiểu thuyết chương hồi, một số tác phẩm, nổi nhất là Hoàng Lê nhất thống chí, biết kết hợp “sử” với “văn”, làm cho tác phẩm tuy thực mà hư, tuy hư mà thực, nhờ vậy đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ, có thể sánh cùng các bộ tiểu thuyết lịch sử ưu tú của các nước cùng khu vực. Hoan Châu ký, một cuốn gia phả trình bày dưới dạng tiểu thuyết chương hồi, cũng có mặt sáng tạo riêng của nó.
Tuy nhiên, hình tượng nhân vật trong Đào hoa mộng ký nói chung chưa sắc nét. Phần bình luận bằng văn xuôi của tác phẩm tuy có nhiều cái mới, nhưng phần sáng tác bằng văn vần thì còn lâu mới đuổi kịp Truyện Kiều, một kiệt tác mà Đào hoa mộng ký muốn vượt qua.
Ở nhóm tiểu thuyết lịch sử, do không biết tận dụng mặt sở trường của tiểu thuyết là hư cấu, nên hầu hết các tác phẩm, trừ Hoàng Lê nhất thống chí và Trùng Quang tâm sử, nghệ thuật đều không cao. Ở Đây hình tượng nhân vật thường khô khan, văn vẻ kém hình ảnh và ít khả năng gợi cảm. Riêng Việt Lam xuân thu tuy có chú ý hơn đến vấn đề hư cấu, nhưng một số chỗ lại quá đà, làm cho tính chất “truyền kỳ” của tiểu thuyết lấn át tính chất “truyền tín” của chính sử, ảnh hưởng đến niềm tin của độc giả. Thí dụ tác phẩm đã dựng lên chuyện Lê Lợi hợp tác với giặc Minh để tiêu diệt nhà Hồ, là điều không thể nào xảy ra ở một nhân vật mà tác giả vốn xem như biểu tượng của sự trầm tĩnh, khôn ngoan, kiên định.
Những hạn chế trên đây thật ra không khó hiểu đối với tiểu thuyết chương hồi Việt Nam, một nền tiểu thuyết còn nhiều no trẻ. Dẫu sao thì mảng tiểu thuyết này cũng đã mang lại cho người đọc những hiểu biết nhất định về lịch sử dân tộc được trình bày một cách không quá khô khan “khó ngốn” như sử, góp phần nào nhu cầu thưởng thức văn học nói chung(16).
CHÚ THÍCH
(1) Trên Tạp chí Nam phong, từ số 48, Nguyễn Hữu Tiến có dịch và giới thiệu bộ tiểu thuyết chương hồi nhan đề Lĩnh Nam dật sử mà theo lời tựa của sách thì tác phẩm này do Trần Nhật Duật người đời Trần dịch từ chữ Hán ra Hán văn. Nhưng đúng như Nguyễn Đổng Chi, tác giả Việt Nam cổ văn học sử từng cảm nhận: “Xét câu văn và lối sắp đặt thì còn hồ nghi lắm” (VNCVHS, Nxb. Hàn Thuyên, 1942, tr.273). Gần đây, chúng tôi độc cuốn Trung Quốc thông tục tiểu thuyết thư mục của Tôn Giai Đệ. Tác giả xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, ở tr.150 có giới thiệu lai lịch bộ sách đỏ như sau: “Lĩnh Nam dật sử 28 hồi, khắc in vào năm Gia Khánh thứ 14 (1809) đời nhà Thanh. Hiện còn loại bản khổ nhỏ, ngoài bìa đề “Lâu Ngọc Lâu tàng bản”. Một loại bản khổ nhỏ khác ngoài bìa đề “Văn Đạo Đường tàng bản”. Sách do Hoàng Nại Am người đời Thanh soạn. Trong sách có ghi Hoa Khê Dật Sĩ biên thứ: Túy Viên Cuồng khách bình điểm; Trác Trai Trương Khí Giã và Trúc Viên Trương Tích Quang đồng tham hiệu. Đầu sách có bài tựa của Tây Viên Lão Nhân viết năm Giáp Dần, Càn Long thứ 59 (1794), một bài tựa nữa của Trương Khí Giã. Bản Văn Đạo Đường thiếu hai bài tựa trên, nhưng lại có bài tựa của Lý Mộng Tùng viết năm Tân Dậu, Gia Khánh thứ 6 (1801) và một bài Phàm lệ gồm 4 mục. Nại Am người Quảng Đông. Tên thực cũng như quê hương bản quán, chờ tra cứu”. Có thể thấy bản Lĩnh Nam dật sử viết tay hiện tàng trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.856/1-3, cuốn mà Nguyễn Hữu Tiến đã dựa vào để dịch, chỉ là một “ngụy tác” hay đúng hơn, đánh tráo một bộ tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc.
(2) Hoan Châu ký, Nguyễn Thị Thảo dịch, GS Trần Nghĩa khảo đính và giới thiệu. Nxb. KHXH, H. 1988.
(3) Hoàng Xuân Hãn, trong bài Đúng 300 năm trước (Tập san Sử Địa, số 26 Sài Gòn, 1974), dựa vào Quốc triều hương khoa lục, cho rằng “Tri huyện Giản” tên thực là Nguyễn Giản, người xã Yên Định, huyện Thụy Anh, xứ Sơn Nam (nay thuộc Thái Thụy, Thái Bình), đỗ Hương cống năm 1807, làm quan đến Án sát. Cũng trong bài viết trên, dựa vào Đại Nam thực lục Chính biên, ông cho giữ chức Tham hiệp trấn Sơn Tây đầu đời Nguyễn (Dẫn theo Nam triều công nghiệp diễn chí, Bd lại có sửa chữa của Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga, Ngô Đức Thọ giới thiệu, sách sắp xuất bản).
(4) Trịnh Nguyễn diễn chí, Ngô Đức Thọ dịch, Sở VH - TT Bình Trị Thiên xuất bản, 1986; Mộng bá vương, Ngô Đức Thọ dịch, Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1990.
(5) Bd. của Cát Thành xuất bản năm 1912; Bd của Ngô Tất Tố xuất bản năm 1942, tái bản năm 1958; Bd. của Nguyễn Đăng Tấn - Nguyễn Công Liên xuất bản năm 1950 dưới tiêu đề Hậu Lê thống chí; Bd. của Nguyễn Đức Vân - Kiều Thu Hoạch xuất bản năm 1964, tái bản vào các năm 1970, 1984.
(6) Hoàng Việt long hưng chí, Ngô Đức Thọ, Mai Xuân Hải, Nguyễn Văn Nguyên dịch, Ngô Đức Thị giới thiệu và chỉnh lý. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1993.
(7) Bd. của Trần Lê Hữu, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1957, dưới tiêu đề Hậu Trần dật sử; Bd của Nguyễn Văn Bách, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1971, dưới tiêu đề Trùng Quang tâm sử.
(8) “Bái” trong “Bái quan dã sử” nguyên nghĩa là “gạo tấm”. “Bái quan”, theo Nhan Sư Cổ, chỉ chức quan nhỏ do triều đình cử về các địa phương để tìm hiểu, phong tục tập quán cùng lời ăn tiếng nói ở nông thôn, ghi lại và tâu lên cho vua biết. Những tư liệu ghi lại đó gọi là “bái quan dã sử” hay “bái quan tiểu thuyết” - những câu chuyện vụn vặt, “tấm mẳn” thu lượm được từ nơi thôn dã. “Ngoại sử” là cách gọi khác của “bái sử” (bái quan dã sử) hay “tiểu thuyết”.
(9) Thậm chí đến năm 1941, khi Dương Quảng Hàm đưa in bộ Việt Nam văn học sử yếu, trong sách còn xếp Hoàng Lê nhất thống chí vào thể loại “truyện ký”, bên cạnh Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, Thượng Kinh ký sự… (xem Việt Nam văn học sử yếu, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, tr.288 - 289).
(10) Trong kho thư tịch Hán Nôm Việt Nam hiện có một cuốn sách nhan đề Lưu Kính thoại bản, mang ký hiệu AB.594, soạn theo thể văn kể chuyện, mỗi câu 6 chữ, nhưng không thuộc ngôn ngữ văn học khu vực thời cổ tức Hán ngữ, mà thuộc về ngôn ngữ văn học dân tộc Việt Nam tức văn Nôm. Vả chăng loại “thoại bản” như thế này ở nước ta cho đến nay chưa thấy có trường hợp thứ hai.
(11) Bao gồm thần tích thuộc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiến An, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Phúc Yên, Quảng Yên, Sơn Tây, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Yên dưới triều Nguyễn.
(12) Tam quốc diễn nghĩa: do La Quán Trung (1330 - 1400?) người đời Minh soạn. Bản in sớm nhất hiện còn là bản ấn hành vào năm 1522, thời Minh Gia Tĩnh. Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử dài viết theo kiểu chương hồi đầu tiên của Trung Quốc, nội dung kể lại quá trình từ hưng thịnh đến suy vong của ba nước Ngụy, Thục, Ngô.
(13) Thủy hử: do Thi Nại Am (1296? - 1370?) người đời Minh soạn, nội dung kể lại cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thời Bắc Tống, do Tống Giang lãnh đạo.
(14) Kim Vân Kiều truyện : do Thanh Tâm Tài Nhân, người đời Thanh soạn, gồm 20 hồi.
(15) Hạnh hoa thiên: do Cổ Đường Thiên Phóng Đạo Nhân, người đời Thanh soạn, gồm 14 hồi. Đào hoa mộng ký có dẫn.
(16) Đào hoa ảnh: do Từ Chấn, người đời Thanh soạn, gồm 12 hồi. Đào hoa mộng ký có dẫn.
(17) Riêng bộ Lĩnh Nam dật sử 28 hồi hiện có trong kho sách Viện Hán Nôm, ký hiệu A.856/1-3, ghi: “Ma Văn Cao hiệu Dịch Sơn Động Sĩ người vùng sông Đà sáng tác, Nhật Duật tức Chiêu Văn Vương dịch và đề tựa năm Hưng Long Đinh Dậu (1297), Quốc Toản tước Hoài Văn Hầu hiệu chính, Trương Hán Siêu hiệu Thặng Am bình luận”. Đây chỉ là một ngụy tác như trên kia đã chứng minh. Trên thực tế, Việt Nam không có và không thể có một cuốn tiểu thuyết chương hồi nào ra đời trước Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử.
(18) Khi viết bài này, tôi có tham khảo một số chỗ trong bộ sách Trung Quốc cổ điển văn học từ điển do PTS. Trịnh Khắc Mạnh cho mượn. Nhân đây, xin cảm ơn PTS.
|