Cập nhật: 12:15 AM GMT+7, Thứ sáu, 05/09/2008
    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến
    Ngôi đình làng Tình Quang, nằm bên tả ngạn sông Đuống thuộc phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Làng Tình Quang vốn là Kẻ Vịa/Vỉa, có nghĩa vùng quê nằm ven sông (Đuống), để rồi sau này khi thành lập tên xã với tên chữ là Giang Biên. Còn về tên gọi Tình Quang, theo sắc phong thời Khải Định: Tình Quang có nghĩa ánh sáng sau cơn mưa hay sau cơn mưa trời lại sáng. Tên gọi này cũng gắn với một truyền thuyết: Công chúa Ngọc Hân trên đường về quê ngoại ở vùng Ninh Hiệp, khi tới đây trời bỗng hửng sáng và tạnh ráo nên đã đặt tên làng là Tình Quang ?.
    Ngôi đình làng Tình Quang, nằm bên tả ngạn sông Đuống thuộc phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

     

     Làng Tình Quang vốn là Kẻ Vịa/Vỉa, có nghĩa vùng quê nằm ven sông (Đuống), để rồi sau này khi thành lập tên xã với tên chữ là Giang Biên. Còn về tên gọi Tình Quang, theo sắc phong thời Khải Định: Tình Quang có nghĩa ánh sáng sau cơn mưa hay sau cơn mưa trời lại sáng. Tên gọi này cũng gắn với một truyền thuyết: Công chúa Ngọc Hân trên đường về quê ngoại ở vùng Ninh Hiệp, khi tới đây trời bỗng hửng sáng và tạnh ráo nên đã đặt tên làng là Tình Quang ?.

      

    Mặt tiền ngôi đình Tình Quang
     

    Theo truyền thuyết dân gian đình thờ ba vị thành hoàng là Lý Nam Đế; Đinh Điền một vị đại tuớng quân của Đinh Bộ Lĩnh và Lý Chiêu Hoàng thời Lý. Tuy nhiên, theo nội dung các sắc phong còn lưu tại đình thì chỉ có Lý Nam Đế là vị thần duy nhất được các triều đại phong kiến công nhận. Sự khác biệt trong quan niệm về các vị Thành hoàng phản ánh đúng hiện tượng văn hoá thường thấy ở vùng châu thổ Bắc bộ chỉ các ngôi đình có niên đại sớm, với lịch sử lâu đời.

     

    Ngôi đình Tình Quang xưa nay vẫn được giới nghiên cứu biết tới là một trong số ít những ngôi đình ở Hà Nội còn lưu giữ được những giá trị lịch sử, văn hoá có ý nghĩa thông qua những trang trí kiến trúc là sản phẩm của nghệ thuật tạo hình thế kỷ 17, 18 rất đặc sắc.

     

    Ngôi đình nằm ở vị trí đầu làng Tình Quang, trên một khuôn viên, rộng, thoáng mát, với bố cục hình chữ Đinh, mặt quay theo hướng Đông Bắc. Hướng của đình khá đặc biệt trong quan niệm về hướng của các di tích truyền thống (đó là hướng nam). Song, đó không phải là duy nhất, thực ra, hướng của ngôi đình Tình Quang làm ta liên tưởng tới một hiện tượng lịch sử/văn hoá thường xuất hiện ở những khu vực gắn liền với sông nước, lũ lụt... ở vùng châu thổ Bắc bộ. Dân gian khu vực Chèm (Từ Liêm) còn lưu truyền về vị Đức thánh Chèm với tư cách là vị thần chống lũ lụt. Trong dân gian, Ngài có sức mạnh vô biên, với hình dáng khổng lồ đã khuất phục được thuỷ quái nơi khúc sông cong, luôn xói lở, đe doạ tới đời sống dân lành. Chính bởi vậy, đền thờ ngài được đưa ra ngoài đê, nơi xung yếu, để răn đe thuỷ quái. Ngôi đình Tình Quang, do nằm ở vị trí liền kề sông, chắc hẳn cũng chịu ảnh hưởng lối tư duy truyền thống ấy, vì vậy hướng nam đã trở nên không phù hợp bằng hướng đông bắc. Thực tế lịch sử cho thấy từ năm Tự Đức thứ 9 (1856) dòng sông Đuống được cải tạo mở rộng, đình bị nằm ngoài đê nên thường xuyên bị lũ lụt đe doạ. Mặt khác, bối cảnh lịch sử nửa cuối thế kỷ 18, nền kinh tế tư nhân "phi nông" phát triển, quan niệm về hướng truyền thống của đình, chùa cũng thay đổi, khi đó người ta chú trọng đến tính tiện dụng, thuận tiện và hướng được chọn không theo chuẩn mà căn cứ vào thực tế không gian phân bố, miễn sao hướng đó "cận giang" là được.

      

    Đầu dư thế kỷ 17
     

     Nguyên thuỷ, ngôi đình có bố cục mặt bằng chữ Nhất, sau đó phần "chuôi vồ" được nối thêm tạo thành chữ Đinh như hiện thấy. Mặt bằng ấy, với 6 hàng chân cột tạo thành kiến trúc ba gian hai chái khá độc đáo trong kiến trúc vùng châu thổ Bắc bộ, nó chứng tỏ phần nào tiềm năng kinh tế và văn hoá của cư dân vùng quê Tình Quang. Chúng ta chú ý tới kết cấu bộ vì nóc và các trang trí còn được lưu giữ. Các bộ vì nóc đều là dạng "vì kèo trụ trốn" bào trơn, đóng bén, với ván xẻ, với hệ thống trụ trốn (một lớn, hai nhỏ) có đòn tay kết nối. Nó là sản phẩm của đợt tu sửa đình vào khoảng đầu thế kỷ 20. Chính bởi vậy, các mảng chạm ở vì nóc, ở ván bưng, ván gió nối đầu cột không có. Song, đặc biệt hơn, là những mảng chạm khắc quí hiếm của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 17. Đó là các mảng trang trí ở các đầu dư, các cốn ở gian giữa, các kẻ nối cột quân và cột hiên, với hình rồng chầu vào trung tâm vốn là phong cách tạo tác có từ thời Mạc.

      

    trang trí rồng nổi
     

    Ở các vị trí khác, sự tinh tế của nghệ thuật tạo hình được tập trung vào các mô típ văn mây xoắn, phía trên là cặp rồng, các vũ nữ thiên thần đang dang rộng cách tay múa vũ điệu trầm hùng, sâu thẳm gọi mùa bội thu; các hình lân, phượng tạo lối bong kênh và khối tròn, miệng ngậm đuôi rắn, khiến ta liên tưởng tới huyền thoại Ấn Độ đã được cảm nhận với sắc thái mới mang đậm chất dân gian của cư dân nông nghiệp. Còn nhiều nữa, những đề tài chạm nổi như hình hai võ sĩ với sức mạnh được cường điệu hoá thể hiện tinh thần thượng võ và những cảnh sinh hoạt dân gian... .

     

    Mảng chạm hình võ sĩ

    Như vậy, với lịch sử lâu đời, quá trình tồn tại của ngôi đình Tình Quang đã hàm chứa những giá trị văn hoá tinh thần to lớn. Hơn nữa, tại đây còn lưu giữ được những di vật đặc biệt quí hiếm, nổi trội là các trang trí kiến trúc có niên đại thế kỷ 17, những sắc phong các thời Lê, Nguyễn và các đồ thờ tự khác... Tất cả cho thấy đây là một công trình kiến trúc, một di sản văn hoá rất có giá trị của Thủ đô cần được tôn vinh. Việc làm ấy càng trở nên có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

     

    Trong xu thế đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, vùng quê Giang Biên nói chung, trong đó có các di tích, trực tiếp nhất là ngôi đình - chùa Tình Quang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trước thực tiễn đó, thời gian tới đây, cùng với chùa, ngôi đình Tình Quang đã được các cấp chính quyền và ngành văn hoá Hà Nội chú trọng lập dự án tổng thể trùng tu, tôn tạo nhằm từng bước bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của di tích, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử lâu đời của một vùng quê ngoại thành Hà Nội.

    Nguyễn Văn Đoàn

    Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
    • Font
    • In bài
    • Gửi cho bạn bè
    • Ý kiến

    Văn hóa Đông Sơn

    Cổ vật Việt Nam

    Văn hóa Óc Eo – Phù Nam

    • Di sản văn hóa Phật giáo
    • Đèn cổ Việt Nam
    • Khu vực:

    Liên kết Website

    Thống kê truy cập

    • Trực tuyến: 877
      Thành viên online:
      1.host
      Số lượt truy cập: 16270377