Trùng tu thánh địa Mỹ Sơn - những mâu thuẫn nội tại

"Cho đến nay Mỹ Sơn vẫn ở ngoài sự hiểu biết của khoa học. Các tháp gạch ở đây không cần xây mới, không cần xây lại. Nó chỉ cần bảo vệ, chống xuống cấp hoặc sụp đổ". - Ý kiến của một độc giả Tuần Việt Nam

Một di sản không phải để nhìn ngắm

Chuyện thời sự của Mỹ Sơn xuất hiện trên các mặt báo thời gian qua là chuyện một đoàn chuyên gia người Ý phối hợp với các chuyên gia Việt Nam ở Viện Khảo cổ và Cục Bảo tồn Bảo tàng tiến hành khảo sát, khảo cổ và trùng tu hai nhóm tháp E và G với kinh phí lên đến 800.000 đô la Mỹ.

Đây là một số tiền lớn, lớn đến mức nó có thể đủ để làm nên một quần thể tháp Mỹ Sơn mới ở một chỗ khác nếu ... có một ai đó hiểu được rốt ráo phương pháp xây tháp của người Chàm xưa.

Mỹ Sơn không như bất cứ công trình kiến trúc hoặc di tích nào khác trên thế giới, từ bằng đá của Ai Cập cho đến Hy Lạp, La Mã, ĂngCo, Vạn Lý Trường Thành; hoặc bằng gỗ như các công trình ở Trung Quốc, Nhật Bản ... công trình nào, di sản nào các nhà khoa học cũng đã tường tận phương pháp xây dựng nên có thể dễ dàng thống nhất phương pháp trùng tu , bảo vệ hoặc phục chế.

Mảng tường chống sụp bắng xi măng bên trái

Gần nhất là Bôrapuđua ở Indonesia hoặc Ăngco ở Campuchia, các đền tháp ở đây đều bằng đá và có cùng một nền văn hoá, cùng một thời đại với Mỹ Sơn. Khi các đền tháp bị sụp đổ, với phương pháp thống kê và nhận dạng so sánh các nhà khoa học dễ dàng dựng lại các đền tháp gần với nguyên mẫu. Chỗ nào bị hư hỏng hoặc không tìm ra bản gốc cũng dễ dàng thay thế bằng các khối đá mới cùng loại.

Các nhà cổ ở Hội An cũng vậy, chỗ nào hư hỏng có thể thay thế bằng các khúc gỗ mới, không cố tình giả cổ mà không hề gây phản cảm. Hoặc như Kinh thành Huế, chúng ta có thể làm lại nguyên cả một Duyệt Thị Đường, thậm chí khi có kinh phí ta có thể xây dựng lại cả kinh thành xưa theo các mô tả mà không gây cho ai sự bận tâm chuyện cũ mới.

Mỹ Sơn với các đền tháp bằng gạch của người Chàm xưa hoàn toàn không giống với bất cứ di tích nào khác trên thế giới. Nó không thể trùng tu, không thể dựng lại cũng như không thể xây mới.

Không thể, vì cho đến bây giờ từ các nhà khoa học xây dựng, kiến trúc trong nước cho đến các chuyên gia nước ngoài không một ai biết người Chàm xưa đã dùng phương pháp gì để xây nên các ngôi tháp bằng gạch đất nung và không dùng hồ vữa. Vì không biết nên không thể xây lại những phần tường sụp đổ. Nhưng thật ra cho dầu đã biết và áp dụng được phương pháp xây tháp của người Chàm xưa thì việc dựng lại các ngôi tháp mới theo nguyên mẫu cũ cũng thật vô nghĩa, bởi chẳng ai cần những ngôi tháp mới ấy để làm gì.

Nó không đẹp đến mức cần xây lên để nhìn ngắm. Mỹ Sơn đẹp và tồn tại trong đời sống hiện đại như một phế tích, ở đó lưu giữ những dấu vết của người xưa, nó khiến ta ngậm ngùi và trăn trở trước những bước đi không một ai có thể lường trước của lịch sử, nó khiến ta chiêm nghiệm về sự hưng thịnh và lụi tàn của một nền văn minh, chiêm nghiệm về lẽ mất còn của một nền văn hoá... hơn là sự chiêm ngưỡng hoặc nhìn ngắm như khi đến Kim Tự Tháp hoặc Ăngco, Bôrapuđua.

Tháp đá B1 có thể dựng lại

Trùng tu như thế nào?

Chính vì thế, các tháp gạch ở Mỹ Sơn không cần xây mới, không cần xây lại. Nó chỉ cần bảo vệ, chống xuống cấp hoặc sụp đổ.

Chuyện này nói nghe thì như chẳng có vấn đề gì đáng bàn nhưng bắt tay vào làm mới thấy cũng khó như xây một tháp mới ! Đã trên dưới ngàn năm trôi qua, gần như tháp nào cũng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Chống sụp là chuyện cần phải làm gấp, thế nhưng chống bằng cách nào?

Dùng đà chống bằng sắt chống tua tủa bốn bên như ở tháp F1 ư? Dùng xi măng xây lên những mảng tường mới để giữ lại những mảng tường cũ còn đứng được như Kazic, kiến trúc sư người Ba Lan đã trùng tu Mỹ Sơn trong các năm 1980, đã làm ở các nhóm tháp B, D ư?

Bà trưởng đoàn chuyên gia khảo cổ người Ý Patricia đã từng lăn lộn với các nền văn hoá cổ trên khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng bảo rằng không thể làm khác Kazic được. Nhìn các nhân viên của bà giã mịn viên gạch Chàm để tìm kết cấu rồi mua dầu rái, ngâm vỏ cây bời lời, lá cây ô dước về dán thử các viên gạch, chúng tôi biết các chuyên gia Ý cũng thực sự chưa biết phải làm gì để trùng tu các ngôi tháp sau khi giai đoạn khảo cổ, khảo tả hoàn thành.

Nhìn nhóm nhân công của đoàn khảo cổ cẩn thận đánh dấu, mô tả, phân loại một núi những viên gạch chúng tôi biết họ đang làm cái việc giống như khi trùng tu các công trình bằng đá. Viên đá xác định đúng vị trí đặt lại vào chỗ cũ thì được nhưng viên gạch Chàm thì không thể, khi bong rơi ra ngoài thì nó như "đã chết" và đổi màu, có đặt lại đúng chỗ cũ cũng vô nghĩa.

Trầm mặc Mỹ Sơn

Cho đến nay Mỹ Sơn vẫn ở ngoài sự hiểu biết của khoa học. Càng nhìn gần vào các chi tiết trên các bức tường đã trải qua ngàn năm mưa gió mới càng kinh ngạc trước những điều gần như không thể hiểu nổi. Các viên gạch khít vào nhau như thành một khối tường thuần nhất không tìm ra mạch hở. Điều kỳ lạ là qua ngàn năm không ngôi tháp nào bị sét đánh; các viên gạch khi còn trong khối tháp thì đều không đổi màu; còn viên nào bong rơi ra ngoài, dầu được lắp lại đúng chỗ cũ vẫn biến màu rồi hoá đất dần.

Các năm qua nhiều tháp Chàm ở miền Trung được trùng tu nhưng sau một thời gian tất cả các phương pháp đều bộc lộ nhược điểm. Ở các tháp Cánh Tiên, Bánh Ít, Tháp Bà...để liên kết hai viên gạch người ta khoan lỗ ở giữa chúng rồi đổ xi măng và úp hai viên vào nhau. Nhìn bề ngoài không thấy mạch vữa nhưng liên kết xi măng ở giữa vẫn giữ đứng được công trình. Phương pháp trùng tu này khi mới hoàn thành thì trông thật đẹp nhưng sau một mùa mưa, chất xi măng hoà tan trôi ra, kết tủa trên mặt gạch trông rất loang lổ và nham nhở.

Viện nghiên cứu vật liệu xây dựng, mà tác giả là ông Trần Bá Việt, thì đưa ra phương pháp dùng nhựa cây ô dước để mài dán hai viên gạch trong trùng tu tháp Bình Thạnh và đang chuẩn bị làm tháp Dương Long ở Bình Định. Giới nghiên cứu ở Quảng Nam thì thiên về nhựa cây bời lời hoặc dầu rái. Nhiều người đã mất nhiều công vào đây nhưng thiết nghĩ chất keo hữu cơ nào có thể tồn tại sau ngàn năm?

Ông Nguyễn Văn Chỉnh, một cán bộ bảo tàng nghỉ mất sức, sau 20 năm mày mò nghiên cứu đã đưa ra một phương pháp là cho vào đất làm gạch một phụ gia nào đó, anh đã tìm ra, rồi nung. Viên gạch khi mài với nước sẽ tự kết dính với nhau... Và đến nay, đoàn khảo cổ của Ý lại lặp lại tất cả từ đầu bằng cách dán thử bằng dầu rái, rồi nhựa cây bời lời, ô dước...

Bà Patricia sau khi ca ngợi hết lời công lao của Kazic đã phải thừa nhận rằng: "Khó mà làm khác ông ấy được. Có thể chúng tôi sẽ chống sụp đổ, xuống cấp bằng xi măng như Kazic đã làm nhưng sẽ kín đáo hơn, cẩn thận hơn khi dùng các vật liệu hiện đại".

Vâng, đúng là không thể khác. Và cũng đúng là có thể nhìn thấy trước được kết quả của sự trùng tu bằng xi măng như các bức tường mà Kazic đã làm là xỉn màu, mục nát và đang hoá đất dần.

Trùng tu chống sập ở nhóm tháp F1

Những mâu thuẫn nội tại

Có thể nói Mỹ Sơn đang đứng trước những cặp mâu thuẫn không thể tự giải quyết được:

- Di tích thì nhỏ nhưng không thể áp dụng bất cứ phương pháp trùng tu nào hiện đã có trên thế giới. Mọi kiểm chứng phương pháp đều có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận nhưng khi đặt ra vấn đề thử thách của thời gian, không là ngàn năm như các tháp cổ cũng ít nhất là 10 năm hoặc 20 năm, thì mọi ý tưởng tìm tòi hoặc phát hiện dầu hay thế nào cũng không thể kiểm chứng .

- Không thể không biết phương pháp xây tháp của người xưa nhưng khi biết rồi cũng không thể dùng vào bất cứ chỗ nào, không thể xây lại một mảng tường mới càng không thể xây lại một ngôi tháp mới.

- Mỹ Sơn đang được quan tâm của thế giới, trước đây là Ba Lan, hiện nay là Ý, sắp tới sẽ là Nhật rồi Pháp hoặc bất cứ nước nào khác. Mỗi nước sẽ có một phương pháp trùng tu khác nhau. Mỹ Sơn nên theo hướng nào hay tất cả sẽ để dấu ở Mỹ Sơn như các hoa văn thay đổi trên mỗi thời đại mà các nhà nghiên cứu bỏ công rất nhiều mới đã đọc ra ?

Trong khi chờ đợi mọi sự rõ ràng hơn trong thái độ đối với Mỹ Sơn, chúng tôi nghĩ  thay vì đổ tiền vào các ngôi tháp gạch mà cuối cùng không biết phải làm gì với nó thì hãy dựng lại ngôi tháp đá B1, ngôi đền tháp bằng đá duy nhất, lớn nhất ở Mỹ Sơn sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Điều này chắc chắn sẽ dễ nhận được tài trợ về kinh phí và chuyên môn vì có rất nhiều nước có kinh nghiệm trong trùng tu các di tích, công trình bằng đá. Vâng, tháp B1 mà được dựng lên thì Mỹ Sơn sẽ khác đi rất nhiều, đẹp lên rất nhiều, không còn giống như các "lò gạch cũ" mà nhiều người đã nhận xét sau khi đi một vòng rồi mệt mỏi đi ra.

  • Hồ Trung Tú
* Xin bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu