Những tư liệu quý giá qua nghê thuật điêu khắc, tư liệu Hán Nôm trong chùa cùng với những phát hiện về Thạch kinh trong vùng đã cho chúng ta thấy yếu tố Mật giáo/Mật tông, ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc, đã có và khá phổ biến ở Việt Nam vào thế kỷ X.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: "Đô cũ nhà Đinh, nhà Lê ở xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ, về phía Tây Bắc huyện Gia Viễn, có nội thành và ngoại thành, có cửa xây bằng đá, lại có các danh hiệu cầu Đông, cầu Dền, cầu Muống, Tràng Tiền, chùa Tháp, chùa Nhất Trụ… nền cũ vẫn còn. Khi Lý Thái Tổ dời đô đến Thăng Long đều dùng theo các danh hiệu ấy"([1]). Như vậy, có thể thấy, sau khi dời đô về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã lấy tên hầu hết những công trình quan trọng ở Hoa Lư đặt cho nhiều khu vực và công trình ở kinh đô mới để tưởng niệm công lao đặt nền móng xây dựng quyền độc lập tự chủ của các nhà Đinh, Tiền Lê.
Thế kỷ X là thế kỷ Việt Nam bắt đầu giành quyền tự chủ, các vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành đã mời các nhà sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận tham gia luận bàn việc chính trị, ngoại giao trong triều đình, tiếp các sứ giả nhà Tống, cử người sang Trung Quốc thỉnh kinh và lần đầu tiên đã đưa về nước 2 bộ Cửu Kinh, Đại Tạng Kinh. Trong triều đình, lần đầu tiên có ngạch quan riêng dành cho các vị tăng sĩ và người đầu tiên được phong chức chính là Khuông Việt Thái sư Ngô Chân Lưu… Có thể coi đây là một trong những thời kỳ thịnh đạt của Phật giáo([2]).
Vì vậy, cố đô Hoa Lư cũng là nơi bảo tồn được nhiều dấu tích các ngôi chùa cổ của thời Đinh - Tiền Lê như: chùa Bà Ngô, chùa Đìa, chùa Am, chùa Tháp, chùa Thiên Tôn, chùa Ngần, chùa Nhất Trụ,v.v…
Chùa Nhất Trụ, còn được gọi là chùa Một Cột, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nằm trong quần thể khu di tích Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên) cùng với đình Yên Thành, đền thờ công chúa Phất Kim và đền vua Lê Đại Hành, là di tích có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của kinh đô Hoa Lư xưa. Chùa toạ lạc trên khoảng đất rộng hơn 3.000 m², trông về hướng Tây với các hạng mục kiến trúc gồm: chùa chính (bố cục chữ Đinh gồm Tiền đường và Thượng điện), nhà Tổ, nhà khách, khu vườn tháp và các công trình phụ trợ.
Cổng vào chùa được xây dựng ngay bên phải sân chùa theo kiểu 2 tầng 8 mái, mặt ngoài là đại tự khắc 3 chữ Hán “Nhất Trụ Tự” (chùa Nhất Trụ). Tòa Tiền đường 5 gian được làm kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì nóc kiểu kèo kẻ giá chiêng chủ yếu được bào trơn đóng bén với một số mảng chạm khắc lá lật, vân xoắn trên đầu xà hoặc chạm chữ thọ trong vòng tròn ở cốn mê… mang đậm dấu ấn nghệ thuật của thời Nguyễn. Tòa Thượng điện 3 gian nối liền với gian giữa Tiền đường cũng có kết cấu tương tự. Đây chính là không gian cho việc bài trí tượng Phật trong chùa với các lớp tượng: Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm tọa sơn, Thích Ca sơ sinh,… Ngoài ra còn có tượng Tổ, tượng Thị giả được bày ở nhà Tổ của chùa.
Hệ thống di vật ở chùa khá phong phú nhưng nổi bật là quả chuông đồng đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) với minh văn khá rõ nét ghi chép về việc cúng tiến đúc chuông của dân làng cùng những lời răn dạy mang đậm chất nhân văn của Phật giáo: “làm việc thiện sẽ gặp trăm điều tốt lành… Nhà làm việc thiện thì tấm lòng luôn vui vẻ không dừng, luật nhân quả tỏ rõ”([3]). Đặc biệt nhất trong hệ thống di vật của chùa phải kể đến là Thạch kinh, tức cột kinh Phật, ở sân trước chếch về phía tây của chùa.
Cột kinh gồm 6 bộ phận bằng đá vôi lắp gá vào nhau, đứng vững trên mặt đất: đế vuông, đế tròn, thân bát giác, đấu hoa sen 8 cánh và đỉnh hồ lô.
Theo số liệu khảo sát, đế dưới cùng gần vuông dày 30cm, kích thước mỗi chiều 140cm, có lỗ mộng tròn ở giữa. Đế tròn được làm hơi thót lại bên dưới, phần phình ra có đường kính 76cm, dưới đáy đế có ngõng lắp vừa khít vào lỗ mộng ở tảng đế vuông. Thân cột bát giác có đường kính khoảng 65cm, hai đầu đều có ngõng cắm vào đế tròn và thớt bát giác. Thớt bát giác dày 13cm, mặt dưới có mộng ăn khít vào ngõng trên của thân bát giác. Đấu hoa sen cao 26cm, được tạo tác với những gờ nổi tạo hình búp hoa với 8 cánh. Phía trên đấu hoa có lỗ mộng tròn để gắn chóp của cột kinh được tạo dáng như hình chiếc hồ lô cao khoảng 80cm, đường kính 30cm([4]).
Bao quanh đế cột dưới cùng là hàng cánh sen chạm nổi trên mặt đế vuông gồm 22 cánh đơn (mỗi cánh có kích thước khoảng 15cm x 13cm). Cánh sen thon gọn, mũi nhọn như tiền đề cho những chân đá tảng chạm cánh sen trong một số ngôi chùa thời Lý về sau.
Trên tám mặt của thân bát giác cột kinh có khắc dầy đặc chữ Hán (ước khoảng 2.500 chữ). Tuy nhiên, bị ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu qua nghìn năm lịch sử, nhiều chữ đã bị mờ khiến văn tự không đọc được nguyên vẹn, số chữ có thể đọc được hoặc nhận dạng khoảng 1.200 chữ. Phần lạc khoản của cột kinh khắc các chữ “đệ tử Thăng Bình hoàng đế” cũng như phần văn tự viết “Bát Nhã tiền việt hải chi ba huề hương… Đại Thánh Minh Hoàng đế, Lê tổ tự thừa thiên mệnh, đại định sơn hà thập lục niên lai… khê thủ phóng quang Đại Phật Đỉnh”. Tạm dịch: Thuyền Bát Nhã, trước vượt sóng biển, đã mang về bản hương (kinh), … Đại Thánh Minh Hoàng đế, tổ họ Lê, tự nhận mệnh trời, cả định non sông đến nay là 16 năm trời… cúi đầu tỏa hào quang ra từ đỉnh đầu của vị Phật lớn([5]). Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa xuân, tháng 2 (năm 981), vua tự làm tướng đi chặn giặc… sai quân sĩ trá hàng, dụ được Nhân Bảo, đem chém… Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, bắt được tướng giặc đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Minh Càn ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng đế([6]). Như vậy, có thể thấy, vua Lê Đại Hành, tôn hiệu Thăng Bình Hoàng Đế, chính là người đã cho dựng cột kinh ở chùa Nhất Trụ này. Phần văn tự cũng cho chúng ta biết, cột kinh được dựng vào năm 995.
Theo nghiên cứu của Đặng Công Nga, nội dung văn tự trên cột kinh được chia thành 3 phần: Kệ, Kinh và Lạc khoản. Nội dung của văn tự là Kinh Đà La Ni và Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Trước khi phát hiện và nghiên cứu thạch kinh chùa Nhất Trụ, vào năm 1963, khi trị thủy sông Hoàng Long ở Hoa Lư người ta đã tìm thấy Thạch kinh cao 65cm, có 8 mặt, mỗi mặt rộng 6,5cm, trên các mặt đều có khắc chữ Hán, phần lạc khoản có đoạn: “... Thời Quý Dậu tuế đệ tử Tĩnh hải quân tiết độ sứ Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn kính tạo bảo tràng nhất bách tọa”, để biết được năm 973, Đinh Liễn (con cả của Vua Đinh Bộ Lĩnh) đã làm một trăm tòa kinh Phật để dâng lên chùa([7]).
Từ năm 1963 đến nay, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình cùng các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng chục cột kinh Phật nằm dưới đáy sông Hoàng Long và lòng đất hoa Lư. Một số thạch kinh được chuyển về bảo quản trong kho Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, trong đó 6 thạch kinh nguyên vẹn nhất được đưa ra trưng bày tại Bảo tàng phục vụ khách tham quan và nghiên cứu. Những cột kinh này được làm bằng đá xanh, bao gồm 6 bộ phận: tảng đế vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt, đế trên, chóp. Hình dáng kết cấu đều giống với thạch kinh ở chùa Nhất Trụ, nhưng kích thước nhỏ hơn và không có hàng hoa văn cánh sen ở bệ dưới cùng. Điều đó cho thấy nét đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình cũng như tính độc bản quý giá của thạch kinh chùa Nhất Trụ.
Trong bài kệ ở thạch kinh chùa Nhất Trụ có khắc những câu:
“… Chư thiên thường văn phạn ngữ thanh
Văn niệm Phật Đỉnh Đà La Ni
Tắc đắc cụ túc trai giới”
Cho ta biết việc tụng niệm Đà La Ni khá phổ biến dưới triều Tiền Lê. Đây chính là dòng chảy văn hóa liên tục từ thời Đinh bởi qua hàng chục thạch kinh được phát hiện (có niên đại thời Đinh) thì trên những thạch kinh (dù không còn nguyên vẹn) đều có đoạn minh văn giống nhau đó là đều khắc bài Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni.
Theo Hà Văn Tấn, việc tạo hàng loạt cột kinh khắc Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni ở Hoa Lư có liên hệ với tín ngưỡng kinh tràng Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni trong Mật giáo Trung Quốc([8]).
Theo truyền thống Mật giáo, Phật Đỉnh Tôn Thắng là một trong 5 Phật đỉnh của viện Thích Ca thuộc Thai Tạng Giới Mạn Đà La (Garbhadhàtu – Mandala) có tên là Trừ Chướng Phật Đỉnh (Vikìrana Usnìsa) biểu thị cho Đỉnh Thần Thông không có chỗ sợ hãi (Vô uý sở) của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai (Sàkyamuni Tathàgaya). Phật đỉnh này có chủng tử là HRÙM, tam muội gia hình là “Hoa sen bên trên có dựng móc câu”. Tôn này có công năng nhiếp phục, làm tiêu trừ mọi nghiệp cấu của tất cả chúng sinh và khiến cho chúng trở thành thanh tịnh. Trong 5 Phật Đỉnh hoá hiện từ đỉnh kế của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai thì Phật Đỉnh này là thù thắng nhất cho nên hệ Mật giáo dùng Phật Đỉnh Tôn Thắng làm Bản tôn cho pháp tu trì về tức tai, trị bệnh… và xưng là Tôn Thắng Pháp.
Tư liệu Phật giáo ghi nhận vào đời Đường Cao Tông, niên hiệu Nghi Phượng năm đầu tiên (676) có vị Tam Tạng của nước Kế Tân tên là Phật Đà Ba Lợi đến Trung Hoa. Trong dịp bái lễ thánh tích ở núi Ngũ Đài, Ngài gặp một ông lão khuyên bảo nên trở về Thiên Trúc lấy kinh bản Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni đem về truyền cho dân chúng Trung Hoa. Đến niên hiệu Vĩnh Thuận thứ 2 (683), Ngài đi đến Trường An, được vua ban sắc là Nhật Chiếu Tam Tạng Pháp sư cùng với vị quan tên là Đỗ Hành Khải cùng dịch ra để lưu truyền.
Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni (Usnisa Vijaya Dhàranì) còn được gọi là: Diên Mệnh Đà La Ni, Thiện Cát Tường Đà La Ni, hiện tại được biết có 9 lược bản (bản ngắn) được lưu truyền là các bản dịch của Đỗ Hành Khải, Tam Tạng Nhật Chiếu, Tam Tạng Nghĩa Tịnh, Bà La Môn Tăng Phật Đà Ba Lợi, Tam Tạng Thiện Vô Uý, Tam Tạng Kim Cương Trí, Tam Tạng Bất Không, Bản chú dịch của Pháp Sùng (bảng Phạn của Bảo Tư Duy), Phạn Bản sở truyền của Đại sư Hoằng Pháp. Ngoài ra còn có các Quảng bản (bản dài) được dịch bởi Truyền pháp Đại sư Pháp Thiên, Thiền sư Nghệ Không, Truyền bản của Tây Tạng… Riêng bản Phật Đỉnh Tôn Thắng Gia Cú Linh Nghiệm Đà La Ni được lưu truyền ở Việt Nam trong đời nhà Đinh là bản phối hợp giữa Quảng bản và Lược bản.
Hầu hết các bản ghi chép đều công nhận là nếu có người được nghe, thì các nghiệp chướng bệnh hoạn khổ não thảy đều được tiêu trừ, được quả báo lành… Nếu tu trì thân khẩu ý trong sạch, tâm thường vui vẻ. Người trì tụng, các tội địa ngục, súc sanh và các ngã quỷ thảy đều tiêu sạch. Nếu cầu cho người đã chết được siêu độ thì trì tụng Đà La Ni này 21 biến vào một nắm đất hoặc cát sạch rồi rải lên thi hài hoặc nấm mồ thì người ấy nhất định siêu thoát… Ngoài ra, trong Nghi quỹ và Kinh điển còn ghi rất nhiều công năng của Pháp tu Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni như: cầu mưa, trừ lũ lụt, trừ tai nạn, cầu tài lộc, trị bệnh tật…([9]) Chính vì vậy, năm Đại Lịch thứ 11 (776), vua Đường Đại Tông đã ra lệnh toàn bộ tăng ni phải tụng 21 biến bài chú này và phải báo cáo tổng kết mỗi năm vào ngày mùng 1 tháng Giêng.
Tôn Thắng Đà La Ni kinh viết: Người chép viết tu tập thọ trì cúng dường Đà La Ni nên biết nơi đó các địa ngục, ác thú, tội chướng thảy đều thanh tịnh. Viêt chép Đà La Ni này an trí trên các ngọn phướn, trên cây, trên núi cao hoặc trên lầu các, chỗ cao hoặc trong phù đồ, nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Thiện nam tử, Thiện nữ nhân… được thấy phướn gần gũi, hoặc hình bóng ngã vào gió thổi qua phướn, cái bụi dính vào thân đều tiêu trừ các tội chướng, không còn bị đoạ vào địa ngục, súc sanh, Diêm ma lô ca, ngạ quỷ… Vì vậy, theo Hà Văn Tấn, đã xuất hiện tín ngưỡng Tôn thắng kinh tràng, tức các cột kinh khắc bài Đà La Ni Phật đỉnh Tôn thắng. Vấn đề này đã được chứng minh qua việc phát hiện hàng chục trong số hàng trăm Thạch kinh do Đinh Liễn cho dựng để cầu cho người em là Đính Noa Tăng Noa đã bị Khuông Liễn giết đồng thời cầu phúc cho Đinh Tiên Hoàng mãi mãi trấn giữ trời Nam và Khuông Liễn mãi giữ được lộc vị.
Ở Trung Quốc, người ta đã tìm thấy Thạch kinh là các kinh điển của Nho, Phật và Đạo được khắc trên đá bia, kinh thạch, thạch động và trên vách núi thời cổ đại, trong đó đa số là thạch kinh Phật giáo. Kinh Phật này khắc trên đá, bắt đầu vào cuối thời Bắc Ngụy, thịnh hành vào cuối thời Bắc Triều. Trong Long Môn Bắc Nguỵ Liên hoa động, đã có khắc “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”.
Kinh đá Phật giáo nổi tiếng nhất là ở chùa Vân Cư, Bắc Kinh. Phòng sơn Phật thạch kinh bắt đầu khắc vào năm Đại Nghiệp thứ 12 thời Tuỳ (năm 616) đến niên hiệu Trinh Quán đời Đường, trong hơn 30 năm tổng cộng khắc hơn trăm phiến đá gồm Pháp Hoa, Niết Bàn, Duy Ma, Hoa Nghiêm… tác giả Trịnh Uyển. Sau trải qua các đời Đường, Liêu, Kim, Nguyên, Minh liên tục khắc, thạch kinh tồn tại tổng cộng 15.061 phiến đá, đó là minh khắc văn tự số lượng lớn nhất ở Trung Quốc, có giá trị học thuật rất cao trong lịch sử văn hoá Đông phương([10]).
Kinh tràng cũng là một loại thạch khắc Phật giáo của Trung quốc cổ đại. Tràng nguyên nghĩa là một dạng long dũ được chế từ tơ lụa, có đỉnh trang trí Ma Ni bảo châu, treo trên cán dài để cúng dường Phật. Căn cứ Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh, nếu viết kinh lên tràng, bóng của tràng ánh vào thân người, có thể không bị ô nhiễm bởi tội bẩn. Thời sơ Đường, bắt đầu dùng đá mô phỏng kinh tràng bằng tơ lụa, gọi là Đà La Ni kinh tràng, thời kỳ sớm nhất là kinh tràng làm năm đầu niên hiệu Vĩnh Xương (năm 689) ở Phú Bình, Thiểm Tây([11]). Thông thường kinh tràng có thể chia thành 3 bộ phận Tràng toạ, Thân tràng và Đỉnh tràng, phân biệt điêu khắc, từng cấp chồng lên thân tràng đa số hình bát diện thể, khắc Đà La Ni Kinh, chú hoặc tượng Phật… cũng có một số ít khắc Đa Tâm Kinh, Lăng Nghiêm Kinh.
Có thể thấy, chùa Nhất Trụ và Thạch kinh thời Tiền Lê chính là những di sản văn hoá Phật giáo tiêu biểu của Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Những tư liệu quý giá qua nghê thuật điêu khắc, tư liệu Hán Nôm trong chùa cùng với những phát hiện về Thạch kinh trong vùng đã cho chúng ta thấy yếu tố Mật giáo/Mật tông, ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc, đã có và khá phổ biến ở Việt Nam vào thế kỷ X. Tuy vậy, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã có những ghi chép về các nhà sư nước ta từ thế kỷ thứ VII đã có quan hệ với Phật giáo Ấn Độ lẫn Phật giáo Trung Quốc. Họ đã đến Ấn Độ học tập, tu hành một mình hoặc đi với các nhà sư Trung Quốc. Trình độ tiếng Phạn của các nhà sư nước ta khá cao với bằng chứng là kinh Phật chữ Phạn (kinh lá bối) đã có ở nước ta cho nên sau này cha nhà sư Ma Ha là Bối Đà giữ chức quan bối trưởng dưới triều Tiền Lê (981 - 1009) là bằng chứng([12]). Tuy nhiên, chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề này trong các nghiên cứu tiếp theo./.
Thạc sỹ Phạm Thị Lan Anh
Trích Kỷ yếu HTKH "Phật giáo thời Đinh - Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước".
[1] Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa 2006, tr.305.
[2] Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tôn giáo, 2004, tr.109, 117.
[3] Xem thêm: Tư liệu Hán Nôm chùa Nhất Trụ (lưu trữ tại Cục Di sản Văn hóa).
[4] Hồ sơ lý lịch di tích chùa Nhất Trụ, tư liệu Cục Di sản Văn hoá.
[5] Đặng Công Nga: Cột kinh chùa Nhất Trụ, Tạp chí văn hóa Ninh Bình, số 2, năm 1996, tr.29-30.
[6] Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18. Nxb Văn hóa Thông tin, 2003, tr.323.
[7] Hà Văn Tấn: Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 76, tháng 7/1965.
[8] Hà Văn Tấn: Về tín ngưỡng cột kinh Phật đỉnh Tôn thắng ở thế kỷ X, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1 (25) năm 2004.
[9] Mật tạng Phật giáo Việt Nam số 11: Phật đẳng tôn thắng Đà La Ni kinh, Đỗ Hành Khải đời Đường dịch Phạn văn, Thích Quảng Trí dịch Việt văn năm 1996. Http://www.quangduc.com.
[10] Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch), Nghệ thuật Phật giáo, Nxb Tôn giáo 2008, tr.374-376.
[11] Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch), Nghệ thuật Phật giáo, sđd, tr.377.
[12] Thiền uyển tập anh. Bản dịch của Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thuý Nga. Phân viện Nghiên cứu Phật học. Nxb Văn học 1990, tr.182.
Bài bình luận
Bình luận