06/02/2012

Du xuân phố núi

Vào hội xuân, Hàm Yên như được khoác lên mình chiếc áo mới lộng lẫy hơn bao giờ hết. Một chuyến du xuân trên mảnh đất này để ngắm sắc đào nở thắm trong sương sớm, ngây ngất với men say của tình người trong các lễ hội đậm đà sắc màu phố núi.
Nô nức trảy hội
Sớm mùng 9 tết lất phất mưa phùn. Cả bầu trời Hàm Yên như được nhuốm bạc. Trong sắc xuân, Hàm Yên hiện ra đẹp lạ thường. Nhớ cách đây ngót chục năm, cũng trong mùa xuân ở Động Tiên, tôi gặp ông Đỗ Xuân Tuyên, người thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú. Lời giới thiệu của ông đã mở ra cho tôi câu chuyện kỳ thú về Động Tiên: “Nếu ai chạm được tay vào đầu rùa, người đó sẽ gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc trong cuộc đời!”.
Câu nói như thay lời mời mọc và gợi trí tò mò, thêm chút thách thức chinh phục đỉnh núi. Khi vẻ đẹp của Động Tiên đã trở nên nổi tiếng, nườm nượp nam thanh nữ tú và khách thập phương thi nhau leo lên đỉnh núi Chân Quỳ (nơi có Động Tiên) để mong được chạm tay vào sự may mắn. Đầu rùa là mỏm của phiến đá có hình con rùa, nằm trên đỉnh núi, cao hơn 500 mét. Đường lên hồi đó đâu có bậc xây để đi dễ dàng như bây giờ. Người lên phải men theo con đường đất trơn trượt, bò trên những phiến đá chênh vênh mà tạo hoá xếp chẳng thành hàng lối. Lên được đến nơi cũng mất gần tiếng đồng hồ. Tôi còn được nghe ông Tuyên kể về sự tích Động Tiên, với chàng trai khôi ngô gánh đá ngược sông vá mặt trăng để đem lại ánh sáng cho muôn dân. Có nàng tiên cưỡi ngựa dạo chơi trên trời, thấy thế bèn xuống giúp. Vì đá nặng nên cả người lẫn ngựa lún xuống sông, hoá thành núi.

Người Hàm Yên còn có câu ca “Chân Quỳ là núi thần thiên, có nơi hang động, có đàn đá hoa”. Họ tự hào lắm bởi Động Tiên chẳng kém gì chốn “bồng lai tiên cảnh”. Nhiều du khách đến đây đã thốt lên rằng: “Đây là một trong những hang động đẹp nhất mà thiên nhiên đã kiến tạo và ban tặng cho Hàm Yên”. Động Tiên có 3 cửa, lòng hang rộng có thể chứa hàng ngàn người, khí hậu quanh năm mát mẻ. Trong động có nhiều nhũ đá mang đủ các hình thù, lấp lánh kỳ diệu. Nằm trong quần thể hang động còn có động Thiên Đình, hang Thạch Sanh…có niên đại hàng ngàn năm. Đứng ở cửa động lồng lộng gió, có thể phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh bình của làng quê miền sơn cước.

 Từ năm 2004, dưới chân núi Chân Quỳ, lễ hội Động Tiên và chợ quê đã được huyện khôi phục, tổ chức vào dịp đầu xuân mới. Dù một năm tổ chức một lần, nhưng lễ hội Động Tiên và chợ quê đã là điểm hẹn để giao lưu văn hoá, giải trí, mua bán, trao đổi những mặt hàng nông sản. Lễ hội năm nay được tổ chức vào mùng 9 tết Nhâm Thìn. Ngày vui được mở đầu bằng màn khai mạc, phát lộc cho du khách. Cũng như hàng năm, các trò chơi dân gian trong Lễ hội Động Tiên rất phong phú, từ ném còn, hát páo dung, thi leo núi tiếp sức đến các hang động, đấu cờ người, vẽ tranh về Động Tiên… Lễ hội năm nay có trò mới chọi dê. Từng cặp dê dướn người lên bằng 2 chân sau rồi bổ sừng xuống đối phương khiến người xem, nhất là trẻ nhỏ vô cùng thích thú.
Phiên chợ quê khá hấp dẫn với sự xuất hiện của các mặt hàng nông sản, từ mắm cá, măng khô, các loại rau củ quả.., các đặc sản nổi tiếng của huyện như gạo Minh Hương, vịt suối, cam sành cho đến hàng thổ cẩm, trang phục dân tộc. Mỗi xã, thị trấn trong huyện đều có một gian hàng trưng bày những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương tại chợ quê. Dạo quanh một vòng chợ, có đến gần 20 chục gian hàng lớn nhỏ. Bà Phạm Thị Luyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Phú luôn tay sắp xếp mấy quả phật thủ lên trên giá, nhưng miệng vẫn tiếp chuyện chúng tôi: “Gian hàng của xã có hơn 100 mặt hàng, toàn các sản phẩm đặc trưng của huyện. Mỗi phiên chợ cũng chỉ bán được 5 đến 6 triệu đồng thôi. Tuy nhiên mục đích chính vẫn là trưng bày, giới thiệu sản vật của địa phương đến với du khách thập phương”. Chợ quê đầu năm, sự xuất hiện của các mặt hàng nông cụ như dao, cuốc, xẻng, lưỡi cày, lưỡi bừa…làm tăng thêm bản sắc chợ quê. Người dân ở đây bảo rằng, đó là mặt hàng không thể thiếu trong mỗi phiên chợ đầu năm để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Theo quan niệm xưa, nông dân sẽ có mùa màng bội thu khi sắm những thứ ấy vào đầu năm mới.


Chia tay chợ quê, tối về trung tâm huyện, chúng tôi được chiêm ngưỡng những tác phẩm do bàn tay khéo léo của người Hàm Yên tạo nên qua lễ hội đường phố. Cũng giống như ở thành phố Tuyên Quang, đêm hội đường phố ở Hàm Yên tưng bừng với âm thanh và ánh sáng. Đoàn rước mô hình dài hàng trăm mét cùng nhau diễu quanh thị trấn. Đi đầu là tốp múa lân, múa rồng. Tiếp nối là thương hiệu Cam sành Hàm Yên với mô hình quả cam sành lớn, chín vàng, các mô hình các con vật ngộ nghĩnh, nhà sàn, khung cửi... “Năm nay là năm thứ 3 thị trấn tổ chức lễ hội đường phố. Chẳng biết người ở đâu ra mà đông thế, thấy ai cũng vui vẻ, phấn khởi và hồ hởi cả” - Ông Nguyễn Văn Long, tổ nhân dân Tân Quang, thị trấn Tân Yên, người có mặt ở đêm hội đường phố nhận xét.
Ngày 10 và 11 tết mới thực sự là hội lớn ở Hàm Yên. Từ sáng sớm, từng đoàn người đã tấp nập đổ về sân vận động trung tâm huyện để xem chọi trâu. Từ xưa, Hàm Yên đã nổi tiếng có giống trâu ngố, to cao và khoẻ mạnh. Câu chuyện truyền thuyết Ngọc Hoàng đã ban cho Hàm Yên con trâu to và giống cam ngọt để nhân dân no ấm. Nhớ đến tích xưa, hàng năm vào dịp đầu xuân, nhân dân đã tổ chức hội chọi trâu, chọn ra “ông trâu” chiến thắng để hoá kiếp, mang tế lễ, tỏ lòng biết ơn trời đất cho mùa màng bội thu. Vòng chung kết Hội chọi trâu huyện Hàm Yên năm nay ước chừng có trên 5 vạn khách trong và ngoài tỉnh mua vé vào xem. Khán giả ngồi chật ních các khán đài, tiếng hò reo không ngớt suốt thời gian diễn ra các kháp đấu. Những miếng “đánh dập”, miếng “hổ lao” của các “ông trâu” đã khiến khán đài như vỡ tung ngay từ kháp đấu đầu tiên. Anh Đinh Văn Kỳ ở xã Thành Long thì hồ hởi rằng: “Năm nào tôi cũng đi xem chọi trâu ở huyện. Nhưng thật sự chưa năm nào tôi thấy khán giả lại đông như năm nay. Các trận đấu năm nay thì cũng hấp dẫn hơn năm trước”.
Anh Trần Văn Trung ở tổ nhân dân Ba Trãng, thị trấn Tân Yên năm nào cũng có trâu tham gia hội chọi trâu. Năm nay anh có liền 3 “ông trâu”.
- Chắc anh định dàn quân để ẵm cả mấy giải? - Tôi hỏi người chủ trâu.
- Chẳng phải! Tôi chơi vì sự đam mê, vì cái “máu” chơi trâu chọi đã ngấm vào người rồi, khó từ bỏ được. Năm ngoái, tôi đã cất công vào tận Nghệ An để chọn mua trâu tham gia lễ hội năm nay. Nghe người ta nói các “ông trâu” này được mua bên Lào về để kéo gỗ nên rất khoẻ.
Thực sự khi vào trận, 3 “ông trâu” của anh Trung đều có miếng “hổ lao” rất dũng mãnh, cống hiến cho khán giả những kháp đấu hấp dẫn, được khán giả cổ vũ nồng nhiệt.

Hả hê đường về
Cả 3 “ông trâu” của anh Trung chỉ được vào các vòng trong rồi thua trận. Tuy nhiên, riêng chủ trâu thì vẫn vui vẻ: “Tôi đã nói rồi, chơi vì sự đam mê. Có giải thì tốt, còn không, thực sự tôi muốn cống hiến cho lễ hội những giây phút tưng bừng”.
Hội chọi trâu kết thúc với chức vô địch thuộc về “ông trâu” số 58 của anh Hoàng Đình Sơn, xã Phù Lưu. Người chiến thắng thì vỡ oà vì sung sướng, nhưng cũng chẳng thấy người thua cuộc buồn. Họ đều chơi với tinh thần cống hiến để thể hiện nét đẹp của lễ hội dân gian của địa phương mình với du khách thập phương. “Ông trâu” vô địch đã được hoá kiếp để dâng tế thần linh, tạ ơn và cầu mong trời đất ban cho dân chúng một năm mới no ấm. Theo quan niệm dân gian, những người được ăn thịt trâu chọi sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Thịt trâu vô địch được bán cho những người đi hội với giá 1,7 triệu đồng/kg. Nhiều du khách đã không ngần ngại bỏ ra hàng triệu đồng để mua thịt trâu về làm quà.
Phố huyện lúc tan hội đông nghìn nghịt người. Khắp ngả đường, tiếng cười nói, tranh luận rộn ràng. Trong hàng vạn du khách, có nhiều người ở khắp nơi trong tỉnh đến xem hội. Có cả những du khách đã vượt hàng trăm cây số từ các tỉnh bạn lên đây. Gặp chị Trần Thị Hạnh ở quận Đống Đa (Hà Nội) cùng gia đình trên chiếc xe ô tô 4 chỗ. Năm nay vợ chồng chị đã chọn Tuyên Quang để đi lễ đầu xuân. Mấy ngày tổ chức lễ hội ở Hàm Yên, gia đình chị cũng đều có mặt. Chị kể, hôm đi chợ quê, chị cũng tranh thủ sắm mấy cân gạo ngon, ít cam sành, măng về làm quà. Trong lúc chờ bố mẹ mua thịt trâu chọi, 2 đứa con chị cứ thao thao kể chuyện chọi dê, chọi trâu. Có lẽ từ bé, chúng chưa được một lần chứng kiến những cảnh tượng hấp dẫn đến như thế. “Xuân này, gia đình chúng tôi đã có chuyến đi du lịch đầy ý nghĩa” - Chị Hạnh tâm sự.
Trong suốt 2 ngày diễn ra chọi trâu, để ý trên sân thấy có một phóng viên ảnh cứ mải miết săn các cặp đấu. Tôi cũng chưa kịp làm quen. Tình cờ trên đường về, gặp người đó khoe với bạn mình: “Chuyến này về, tôi có một chùm ảnh chọi trâu cực độc đáo ông ạ!”. Tôi đánh bạo vác cái máy ảnh có hình dạng rất “khiêm tốn” của mình chen vào giữa 2 người xin xem ảnh. Chắc thấy tôi có vẻ cũng “giống” nhà báo nên ông khách bắt tay thân thiện. Ông là Đinh Quang Tú, Trưởng văn phòng đại diện khu vực Tây Bắc của Tạp chí Thế giới ảnh (Bộ Công nghiệp). Ông Tú hồ hởi cởi tấm lòng:
- Khoái, khoái lắm! Mình đã từng đi 3 địa phương có hội chọi trâu ở miền Bắc là Đồ Sơn, Hà Giang, Yên Bái. Trừ Đồ Sơn, riêng chọi trâu ở Hàm Yên rất hấp dẫn. Là người say mê ảnh, tôi thực sự bị cuốn hút bởi không khí trên sới chọi này.
- Làm sao chú biết được?
- Chuyến đi này rất tình cờ. Nhẽ ra bọn mình đi Yên Tử, nhưng trưa hôm mùng 8 tết, lên mạng thấy có thông tin Hàm Yên chọi trâu nên buổi chiều hôm ấy quyết định đi Tuyên Quang ngay.
Có lẽ ấn tượng mạnh của lễ hội vẫn còn đọng mãi trong lòng nên ông Tú cứ xuýt xoa tiếc nuối. Đây là lần đầu tiên ông đặt chân lên đất Hàm Yên, nên ông coi đây là nơi “đến để rồi muốn trở lại”. Vẻ mặt của ông không giấu được nỗi hả hê: “Tạm biệt nhà báo nhé! Sang năm mình nhất định phải lên trên này du xuân”.
Hoà vào dòng người tấp nập trên đường, tôi cứ nghĩ mãi về tương lai của phố núi. Hàm Yên đã và đang có những lễ hội đủ sức quyến rũ để níu chân du khách. Vẫn còn nhiều nét đẹp hơn nữa để khám phá ở Hàm Yên mà không phải chỉ một lần đến mà thấy hết được.

Không có nhận xét nào: