HỒN XƯA NHÀ CỔ
---------
Thị xã Sa Đéc có lịch sử hình thành gần 300 năm, từng là trung tâm của vùng Đông Khẩu Đạo thời chúa Nguyễn, hậu cứ của Nguyễn Ánh trong những ngày bôn tẩu… nhưng hơn hết vẫn là một vùng đất được mệnh danh “văn minh miệt vườn”. Dấu ấn một thời, nay còn lại là những ngôi nhà cổ vượt thời gian, mái ngói rêu phong giữa lòng phố thị…
Xưa nhất, có lẽ là ngôi nhà của ông hương chủ Dược, làng Tân Phú Đông. Nó được xây dựng từ năm 1860 (thời vua Tự Đức). Nhà được làm toàn bằng gỗ căm xe, mái ngói âm dương, kiểu 3 gian 2 chái, nội thất có nhiều hoa văn, chạm trổ cầu kỳ. Hiện tọa lạc trên đường ĐT 853 (cũ), đường vào Bình Tiên.
Đường Trần Hưng Đạo vốn được xem như phố chính của thị xã Sa Đéc. Đoạn từ cầu Sắt Quay tới cầu Cái Sơn 2 chưa đầy 800 thước mà có tới mấy công trình kiến trúc độc đáo như Chùa Bà, chùa Ông Quách, Đình Vĩnh Phước. Người ta cảm nhận nó như một minh chứng cho thị xã lâu đời bên bờ sông Tiền, ở đó cũng có thể là ngôi nhà của ông đốc phủ Đảnh mà con cháu đã mấy thế hệ trưởng thành từ nơi đây, bởi ngôi nhà có từ năm 1904. Du khách còn bắt gặp nét kiến trúc hài hòa giữa phương Đông và phương Tây ở ngôi nhà của ông Cả Tánh, được xây dựng từ năm 1927.
Người Sa Đéc vẫn thường tán tụng tài học rộng hiểu nhiều của ông “Tấn sĩ Giung” (tiến sĩ Nguyễn Thành Giung). Ông đỗ tiến sĩ ở Pháp về, từng là Phó Viện trưởng Viện Đại học Đông Dương trước cách mạng Tháng tám 1945. Ngôi nhà của ông được xây dựng mô phỏng theo kiểu những biệt thự ở Paris hồi đầu thế kỷ XX; nay là trụ sở Uỷ ban nhân dân phường 4, nằm trên đường Pasteur.
Theo các tài liệu xưa, Sa Đéc từng có một mặt hàng xuất khẩu khắp Đông Dương, đó là cau khô; ông Nguyễn Văn Mau đã nhanh chóng giàu có nhờ mặt hàng này. Ông đã mua lại xác nhà cũ của một thợ kim hoàn phá sản. Năm 1910, ông “o bế” lại, cho lợp ngói, trang trí nội thất với những chạm trổ công phu, nền lót gạch hình lục giác rất đẹp. Bài trí trong nhà hiện nay vẫn còn nguyên nét trang nghiêm, cổ kính. Ngôi nhà hiện tọa lạc trên đường ĐT 853 (cũ), đường vào Bình Tiên.
Trên đường Nguyễn Huệ, cặp bờ sông hiền hòa, du khách bắt gặp ngôi biệt thự khá xưa, được xây dựng cuối thế kỷ XIX bằng vật liệu chính là gạch, vôi, ô dước. Thời chống Pháp, nơi đây là cơ sở của Việt Minh, nhiều cuộc hội họp của cách mạng đã từng diễn ra nơi đây. Chủ nhân đầu tiên của biệt thự này là ông huyện Nương (tức ông Dương Văn Nương, là ông nội vợ của luật sư Nguyễn Hữu Thọ); hiện nay là Nhà Thiếu Nhi thị xã.
Sa Đéc còn nhiều nhà xưa, phố cổ, biệt thự lâu năm… nép mình trong mưa nắng; trong bụi mờ của dòng đời, dòng thời gian cuộn chảy. Có những ngôi nhà được duy tu tôn tạo nhờ con cháu khá giả, giàu có nên giữ được hiện trạng ban đầu. Có những ngôi nhà vì những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nên chưa được tu bổ, tuy vậy nét đường bệ và vẻ kiêu sa vẫn làm nao lòng người.
Là một phố thị lâu đời, Sa Đéc cũng có nhiều người Hoa sinh sống, lập nghiệp và trở nên giàu có. Hồi thế kỷ XIX đã có một ông Bang ngừơi Hoa xây dựng cơ ngơi khá đồ sộ nhìn ra sông Sa Đéc, nơi tiếp giáp đổ ra sông Tiền (được sửa chữa lớn một lần vào năm 1917). Ngôi nhà này được nhiều du khách phương Tây quan tâm, tìm hiểu. Bởi, người thừa kế của nó: ông Huỳnh Thuỷ Lê, chính là “Người tình” của nữ văn sĩ Marguerite Duras. Từ mối tình ngoài đời của Bà mà làm nên tiểu thuyết “L’amant”, rồi dựng thành phim “Người tình”. Hiện ngôi nhà tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của thị xã Sa Đéc, Thị uỷ, Uỷ ban nhân dân thị xã rất quan tâm đến việc giữ gìn các giá trị văn hóa, kiến trúc đã từng tạo nên bản sắc độc đáo của Sa Đéc. Những nhà xưa, phố cổ, biệt thự lâu năm là một trong những điểm tham quan, du lịch dành cho du khách đến Sa Đéc.
Nhất Thống