Ngô Đình Cẩn
Ngô Đình Cẩn (1912 – 1964) là em trai của Ngô Đình Diệm (tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa). Ngô Đình Cẩn được giao làm cố vấn Trung phần, phụ trách miền Trung và cao nguyên Trung phần. Năm 1964, sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chính, ông bị bắt và lãnh án tử hình.
Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]
Ông là con thứ năm của Ngô Đình Khả, một viên quan trong triều đình vua Thành Thái dưới thời Pháp thuộc.[1][2] Mẹ ông là bà Anna Phạm Thị Thân, nguyên quán tại làng Đại Phong, Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thời trẻ, ông ở quê lo việc chăm sóc, phụng dưỡng mẹ và được bà Phạm Thị Thân rất yêu quý.
Ông có thói quen chân đi guốc gỗ, mặc áo dài, đội khăn xếp, miệng nhai trầu bỏm bẻm nên có hỗn danh là Cố Trầu, hoặc là "Lãnh chúa Miền Trung". Tổng hành dinh của ông đóng gần nhà thờ Phủ Cam, nay thuộc phường Phước Vĩnh, thành phố Huế và một khu biệt thự khác ở ấp Ngũ Tây làng An Cựu, nay thuộc xã Thuỷ An, thành phố Huế, gần khu Chín Hầm nổi tiếng. Nhà cũ của ông ở đường Nguyễn Trường Tộ - thành phố Huế đến nay vẫn còn nhiều chứng tích nguyên vẹn. Trong đó, trên nền vườn của 1 gia đình sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện đang ở, vẫn còn lưu giữ nguyên bản ao cá được xây dựng bằng bê tông theo hình dạng rất đặc biệt, thành dày đến 40-50cm,sâu hơn 4m, dùng nuôi cá sấu. Ở bốn góc ao có bố trí 4 chậu cá nhỏ cùng hình dáng như ao cá to tạo thành thế tứ trụ phong thủy. Tuy nhiên sau chiến tranh đã thất lạc nay chỉ còn lại 1 chậu. Quanh ngôi nhà này vẫn còn 2 bờ tường đá xây kiên cố cao 3m ở 2 cạnh vườn. Điều đó đủ nói lên dinh thự trước đây của chúa tể miền trung bề thế ra sao. Theo tài liệu thì trước đây gia đình họ Ngô ngoài làm chính trị vốn cũng rất nổi tiếng buôn lậu vàng và bạch phiến. Do vậy, Ông cậu cho xây dụng ao cá này ngoài phục vụ thú vui nuôi cá sấu chơi cây cảnh thì còn dùng che đậy cho tầng hầm bên dưới cất giữ tài sản khổng lồ. Cũng trong khu đó còn có một gia đình khác cũng đang sở hữu những cây xanh bon-sai quý hiếm. Còn Khu Chín Hầm thì trước đây là kho vũ khí cũ, do Ngô Đình Cẩn tổ chức cải tạo sửa sang lại thành nhà ngục giam giữ và tra tấn những người chống đối. Điều kiện sống trong Chín Hầm rất khắc nghiệt và nhiều người đã chết trong khu nhà ngục này.[3][4]
Trong thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Cẩn cùng với Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Luyện, Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu), nắm hết mọi thực quyền trong tay do đó chế độ Ngô Đình Diệm bị cho là chế độ gia đình trị. Về phần mình, Ngô Đình Cẩn được bổ nhiệm chức "Cố vấn chỉ đạo các đoàn thể chính trị trong và ngoài nước" và nắm rất nhiều quyền lực tại miền Trung Việt Nam, được mệnh danh là "Lãnh chúa miền Trung".[5] Trong thời gian cầm quyền, Ngô Đình Cẩn đã tổ chức bắt những người cộng sản hoạt động tại miền Trung cũng như những người chống đối hoặc có tư thù với mình; nhiều người đã bị kết án, bắt giam, bị thủ tiêu hoặc bị ép đến phải phá sản trong các hoạt động trấn áp này.
Tháng 11 năm 1963, Hoa kỳ bật đèn xanh cho tướng Dương Văn Minh đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, tướng Dương Văn Minh cùng một số tướng lĩnh khác đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tổng thống và cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết. Ngày 2 tháng 11 năm 1963, Ngô Đình Cẩn mời tướng Đỗ Cao Trí ra Huế gặp ông nhưng vị tướng này ra lệnh cho quân đội bao vây nhà Ngô Đình Cẩn. Lợi dụng sự sơ hở của lính gác cháu trai Ngô Đình Cẩn là linh mục Nguyễn Văn Thuận đưa ông này chạy vào ẩn náu trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế.[6]
Chiều ngày 3 tháng 11 năm 1963, tướng Đỗ Cao Trí ra Huế và đi thẳng đến nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế gặp Ngô Đình Cẩn. Theo tư liệu và hồi ức của Trịnh Quốc Thiên và Nguyễn Văn Minh tướng Trí nói với Ngô Đình Cẩn rằng Hội đồng Quân nhân Cách mạng ủy nhiệm ông này đến thông báo rằng cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu là tai nạn ngoài ý muốn của các tướng lãnh đồng thời chuyển lời của Hội đồng Quân nhân Cách mạng mời Ngô Đình Cẩn tham gia Hội đồng.[6] Tướng Đỗ Cao Trí cũng thông báo với Ngô Đình Cẩn rằng Hội đồng Quân nhân Cách mạng sẽ tịch thu tài sản của ông này và đề nghị giữ dùm tài sản của Ngô Đình Cẩn. Ngô Đình Cẩn đã trao 24 kg vàng cho tướng Đỗ Cao Trí cùng một số đồ quý giá và tiền mặt.[6]
Sau đó linh mục Nguyễn Văn Thuận và các linh mục dòng Chúa Cứu Thế đến Tòa lãnh sự Mỹ tại Huế xin cho Ngô Đình Cẩn tỵ nạn chính trị. Lãnh sự Mỹ John Helble gọi điện vào Sài Gòn xin ý kiến Tòa Đại sứ và Bộ Ngoại giao Mỹ. Tòa đại sứ Mỹ chấp thuận. Trong lúc chưa cứu xét về trường hợp tỵ nạn của Ngô Đình Cẩn xong, ông này lại đòi Mỹ cho phép thân mẫu là bà Phạm Thị Thân cùng tỵ nạn với ông. Bộ Ngoại giao Mỹ phải ra chỉ thị cho Lãnh sự quán của họ ở Huế hủy bỏ quyết định cho phép Ngô Đình Cẩn tỵ nạn tại Mỹ.[6]
Khi biết tin Ngô Đình Cẩn đang tỵ nạn tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ, tướng Đỗ Cao Trí đến Tòa lãnh sự Mỹ cảnh báo cơ quan này đừng chứa chấp ông Cẩn vì dân chúng Huế sẽ tràn vào phá Tòa lãnh sự và hành hung ông Cẩn thì không có lực lượng nào giữ được an ninh. Tòa lãnh sự Mỹ quyết định trao trả Ngô Đình Cẩn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.[6] Sáng ngày 5 tháng 11 năm 1963, tướng Đỗ Cao Trí cùng với một sĩ quan Mỹ và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa đưa Ngô Đình Cẩn và mẹ ông này lên máy bay đi Sài Gòn theo lệnh của Hội đồng Quân nhân Cách mạng.[6] Ngô Đình Cẩn bị giam tại khám Chí Hòa. Luật sư bào chữa cho ông là Võ Văn Quan. Trong thời gian bị biệt giam tại đây, sức khỏe của ông giảm sút trầm trọng đến nỗi không đi được.
Ngô Đình Cẩn bị kết án tử hình ngày 22 tháng 4 và đem ra bắn lúc 18 giờ 20 phút ngày 9 tháng 5 năm 1964. Ông được chôn tại nghĩa trang sân bay Tân Sơn Nhất, về sau quy tụ về nghĩa trang Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), nằm chung với hai anh Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và thân mẫu Phạm Thị Thân.
Nhận định[sửa | sửa mã nguồn]
Nhận xét về khả năng của Ngô Đình Cẩn, Phạm Xuân Ẩn đã nói:
“ |
Ngô Đình Cẩn là một người rất tài giỏi, nếu anh em Diệm – Nhu nghe lời Cẩn thì chưa chắc chế độ Ngô Đình Diệm đã sụp đổ lúc đó. |
” |
—Phạm Xuân Ẩn[7]. |
Tuy nhiên chính sách khắc nghiệt của Ngô Đình Cẩn cũng bị lên án dữ dội và trong dân gian xuất hiện một bài "Vịnh Chuồng cọp" nhằm mỉa mai Ngô Đình Cẩn như sau:[8]
- Kìa xem chú cọp vẻ vang thay
- Sảnh rộng thềm cao ngự bấy nay
- Một kiếp tàn hung hùm xám đó
- Muôn dân ghê rợn ác ôn này
- Chầu hầu bao kẻ khôn gần mặt
- Thăm viếng nào ai dám bắt tay
- Mưa gió lầm than đâu đấy mặc
- Phòng riêng mộng ấm, tháng năm chày
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ Jacobs, 18–19.
- ^ Tucker, pp. 288–293.
- ^ Chín Hầm - Dư địa chí Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
- ^ Chín hầm địa ngục trần gian thời Mỹ-Diệm, Báo Quân đội nhân dân, Ngô Diệp, 16/06/2009
- ^ "Bạo chúa miền Trung" Ngô Đình Cẩn: Chân tướng của kẻ tàn độc, Phan Bùi Bảo Thy, Báo Công An Nhân Dân, Chuyên đề An Ninh Thế giới và Văn nghệ Công An, 05/02/2013
- ^ a ă â b c d Huế - những tháng ngày sục sôi - Kỳ 6: Số phận Ngô Đình Cẩn, Nguyễn Đắc Xuân, Báo Tuổi Trẻ ngày 10/01/2012
- ^ Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng (kỳ 5): "Biết địch, biết ta", Báo Thanh niên
- ^ Những tội ác tày trời của "bạo chúa miền Trung" Ngô Đình Cẩn, Phan Bùi Bảo Thy, Báo Công An Nhân Dân, Chuyên đề An Ninh Thế giới và Văn nghệ Công An, 09/02/2013
Tài liệu tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]
- Jacobs, Seth (2006). Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America's War in Vietnam, 1950–1963. Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield Publishers. ISBN 0-7425-4447-8.
- Tucker, Spencer C. (2000). Encyclopedia of the Vietnam War. Santa Barbara, California: ABC-CLIO. ISBN 0195135253.
Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]