Mar 25, 2013

Biên khảo

Chùa Phù Dung & câu chuyện tình buồn.
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 05:56:19 PM, Mar 29, 2009 * Số lần xem: 4379
Hình ảnh
Phù Dung Tự
#1

Chùa Phù Dung còn được gọi là chùa Phù Cừ, tọa lạc nơi chân núi Bình San, thị xã Hà Tiên là một ngôi cổ tự danh tiếng, là một trọng điểm “hành hương và du lịch” của tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.

I. Giới thiệu:

Chùa Phù Dung do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ (1706-1780) sai dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18 cho nàng thứ cơ tên Phù Cừ (1720-1761) làm nơi tu hành.
Tương truyền thứ cơ Phù Cừ tên thật là Nguyễn Thị Xuân, thứ nữ của một di thần nhà Lê tên Nguyễn Đình, Khi nhà Mạc lên thay nhà Lê, ông cùng hai con vào cư ngụ tại Hà Tiên. Con trai tên Nguyễn Đính, giỏi kiếm thuật, ra giúp họ Mạc; còn em gái, giỏi thơ văn, gá nghĩa cùng Mạc Thiên Tứ, sau cuộc gặp gỡ tại tao đàn Chiêu Anh Các. Như vậy, có thể nói chùa Phù Dung phải được xây dựng trước khi Phù Cừ mất, tức năm 1761.

Sách Đại Nam nhất thống chí, về Hà Tiên, mục Tự quán có chép:
Chùa Phù Cừ, ở chân núi Phù Cừ, xã Mỹ Đức, huyện Hà Châu (huyện lỵ, tỉnh Hà Tiên). Chùa này do Mạc Thiên Tích lập ra khi trước. Trước sân đào ao, trên núi dựng chùa. Án tuệ nghiêm trang, cửa thiền tịch mịch, là một nơi danh thắng.

Thi sĩ Đông Hồ, sinh trưởng ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên) vào năm 1960, đã cho biết:
Từ chợ Hà Tiên, theo đường cái quan đi Thạch động, độ nửa cây số ngàn, ngó về bên trái, có một ngôi am tự cheo leo trên sườn đồi. Cạnh am tự, cũng ở trên sườn núi về hướng nam, có một ngôi mộ cổ, mặt đá rêu phong. Trước mộ, liền chỗ chân núi, có một ao nước ngọt, trong ao có trồng giống hoa sen trắng... (trích Đề tự trong sách Nàng Ái Cơ trong chậu úp của nữ sĩ Mộng Tuyết, Nxb Văn hóa, 1996)

Căn cứ vào tên gọi “am tự”, rất có thể khi khởi đầu, tự viện này chỉ là một am tu nhỏ.
Trải qua bao biến đổi, giờ đây trên nền đất cao ráo nơi chân núi Bình san, là một tự viện khá khang trang gồm một phần sân và hai phần thờ cách biệt.
Phần sân có một đài cao. Trên đài là một pho tượng Phật Quan Thế Âm cao lớn bằng xi măng, tô trắng. Kế đến là ngôi Chánh điện rộng được bài trí trang nghiêm. Chính giữa là tượng Thích-ca Mâu-ni, 2 bên là 2 đại đệ tử A-nan và Ca-diếp. Ở đây còn có 4 bức phù điêu lớn (mỗi tấm cao 1,3m, ngang 2,3m) minh họa 4 cảnh trong cuộc đời đức Phật Thích-ca Mâu-ni: đản sanh, xuất gia, thuyết pháp và nhập niết-bàn.
Sau lưng ngôi Chánh điện là một khoảng sân nhỏ, sau nữa là một toà điện cao có tên gọi Ngọc Hoàng bửu điện, thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu.

Một phần do thời gian tàn phá, một phần do ở nơi biên cảnh thường gặp nhiều bất ổn, nên chùa đã phải trùng tu nhiều lần.
Đặc biệt, đứng ngoài nhìn vào, phía bên trái tự viện có một lối đi nhỏ men theo triền núi. Đi khoảng 20m, sẽ gặp một ngôi mộ cổ. Bên cạnh mộ, có một tấm bia đá khắc mấy dòng chữ Việt, giải thích gọn tên tuổi của người đã khuất: “Lăng bà Phù Dung - Từ Thành Thục Nhơn - Nguyễn Thị Xuân (1720-1761) - Viên tịch rằm tháng 2 Âl - Hiệu Phù Cừ'”.

II.Sự tích bà Dì Tự:
Chùa Phù Dung gắn liền với sự tích của người nằm trong ngôi mộ cổ vừa kể. Đó là bà Phù Dung, mà sau này người đời còn đặt cho một cái tên khác nữa, là bà Dì Tự (thi sĩ Đông Hồ giải thích: Bà dì có nghĩa bà thứ. “bà Dì ở Am Tự”, nói gọn là “bà Dì Tự”), vị sư nữ đầu tiên trụ trì ở chùa.

Tuy lời thuật của mỗi người có ít nhiều khác biệt, nhưng cốt truyện vẫn khá giống nhau.

Thi sĩ Đông Hồ kể:
Cảnh am tự này, ngôi mộ cổ này, ao sen này có một sự tích khá lâm ly…
Truyền rằng: Mạc Lịnh Công (người kể chuyện kiêng húy, không dám gọi tên Mạc Thiên Tứ, nên gọi là Mạc Lịnh Công, Mạc Công hoặc chỉ là Công) có một bà thứ cơ tên là bà Dì Tự. Thứ cơ sắc đẹp lắm và hay chữ lắm.
Mạc Lịnh Công, vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, đã từ chỗ sủng ái mà ra thiên ái. Hóa cho nên, khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ.
Một hôm, nhân Mạc Lịnh Công đi duyệt binh vắng, ở nhà, Nguyễn phu nhân (tức Thái phu nhân Nguyễn Hiếu Túc (? - ?). Hiện mộ phần của bà ở trong khu mộ dòng họ Mạc tại lưng chừng núi Bình San, Hà Tiên) đem nhốt thứ cơ vào lòng một cái chậu úp, cho ngột mà chết. Nhưng thừa ưa (có nghĩa tình cơ, bất thình lình), vừa lúc đó, trời bỗng đổ trận mưa to. Mạc Công cũng vừa về đến, thấy trời đang mưa, mà lạ, sao chậu to không ngửa lên hứng nước mà lại để úp. Công bèn truyền lịnh giở chậu ra, thì nàng ái cơ đang thi thóp sắp đứt hơi, nhưng may mắn thay, hãy còn cứu kịp.
Nàng thứ cơ thoát chết, trở nên chán chường sự thế, xin Mạc Công cho nàng đi tu. Trước sự tình éo le đó, Mạc Công không biết làm sao khác, cũng đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho thứ cơ tu hành.
Bên am tự, cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Cho đến khi thứ cơ mất, Công cho xây ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ để tỏ lòng tưởng nhớ yêu thương người giai nhân đã vì Công mà oan khổ...”

Trung thu năm Mậu Tuất (1958), nữ sĩ Mộng Tuyết (vợ Đông Hồ) vì cảm nỗi éo le của kiếp chồng chung vừa kể, đã viết nên quyển Nàng Ái Cơ trong chậu úp (Hà Tiên ngoại ký sự tiểu thuyết).
Năm 1959, nhà thơ kiêm soạn giả Kiên Giang đã viết vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa” cũng phỏng theo sự tích bà Phù Dung.
Ngoài ra, câu chuyện tình chóng xa lìa này, khi xưa cũng như hôm nay, vẫn còn là nguồn cảm hứng cho thơ:

Ngó lên Am tự Phù Cừ
Thương cho người ngọc giã từ lầu son
Về đây nương chốn thiền môn
Tay lần chuỗi hạt cho mòn ngày xanh.
Duyên xưa chẳng bận chi tình
Bụi trần chi để vương cành hoa sen.
Nước trong chẳng lựa đánh phèn
Cửa thiền thanh tịch, não phiền sạch không. (chép trong ''Nàng Ái Cơ trong chậu úp'' của nữ sĩ Mộng Tuyết, Nxb Văn hóa, 1996, tr. 120)
(Khuyết danh)

Và: Chuyện tình chùa Phù Dung
(trích)
Ai ngày xưa chiều chiều
Dừng cương bên sườn dốc
Dõi bóng hình người ngọc
Mắt nhìn lòng rưng rưng.''

Ngày xưa ai dâng hương
Bước nương thềm điện ngọc
Thổn thức thắt se lòng
Nghe vời xa tiếng nhạc...

Ôi! Con người kỳ lạ
Tình yêu và nỗi đau
Và tình yêu thật lạ
Năm tháng chẳng phai màu... (Hà Văn Thùy sáng tác năm 1982, trích trong tập ''Thời gian gom lại'', Hội Văn nghệ và Thông tin Văn hóa Kiên Giang)

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Giải thích thêm:
-Phù dung ở đây là loài sen hồng, không phải là loài Phù dung, có danh pháp khoa học là Hibiscus mutabilis. Chùa Phù Dung hiện là đề tài đang được tìm hiểu, một trong những vấn đề còn đang bàn cãi là cái tên chùa.
-Bình San (hay Bình Sơn): “Bình” là tấm bình phong, "san" là núi. "Bình san" là dãy núi thấp dựng như bức bình phong sau thành Hà Tiên xưa.
-Người ta phát hiện có hai ngôi chùa Phù Dung: ngôi chùa cổ nằm ở hướng Tây Nam núi Phù Dung. Nơi đây, hiện còn những tường thành bằng vật liệu phức hợp (vôi cát trộn với ô đước và đường ngào), xây cất vào thế kỷ 18 (tường cao 5m, dày 1 m, nét cổ kính rêu phong), những phiến đá làm chân tán cột gỗ nền dài 12m, rộng 9m và một ngôi tháp cổ hình bát giác, có bia đá còn nguyên vẹn khắc dòng chữ Hán: “Lâm tế tam thập lục Thế ấn đàm Lão hòa thượng chi tháp”.
Năm 1969, trên nền chùa xưa, nhiều vật dụng như lư đồng, lọ sành sứ, chum đựng gạo, đôn ngồi bằng đá...được đào lên từ lớp đất đá sâu. Còn ngôi chùa mới, tức chùa hiện tại, ở đầu bắc núi Bình San, được xây trên nền nhà Chiêu Anh các cũ, ở phía trước và bên hông đều có 7 bậc thang...
Nếu thông tin này và lời của ông Trương Minh Đạt (một nhà nghiên cứu của xứ Hà Tiên) khẳng định “chùa Phù Dung hôm nay cất trên nền Chiêu Anh các xưa” là đáng tin cậy, thì chùa Phù Dung xưa phải ở gần khu mộ của Bà Dì Tự (cách chùa mới khoảng 20m và cách khu mộ dòng Mạc khoảng 300m, men theo triền núi), vì không thể xây cất hai công trình trên một nền đất. Sau này, bởi một nguyên nhân nào đó, người ta đã di dời hoặc xây cất chùa mới trên nền Chiêu Anh các, khi mà hội thơ này đã không còn nữa.

Ảnh chùa Phù Dung (do người soạn chụp)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.