Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), tự là Hoằng Phu, hiệu là Nghị Trai, người làng Phùng Xá (tục gọi làng Bùng), huyện Thạch Thất, Hà Nội. Thân phụ ông làm Tri huyện Đông Lan - huyện Đoan Hùng, Phú Thọ ngày nay.
Mộ phần của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
Do được cha rèn cặp nên ngay từ nhỏ, Phùng Khắc Khoan đã nổi tiếng văn chương. Sau lại tìm đến huyện Vĩnh Lại - nay là huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, được thầy truyền dạy cả bí quyết trong sách Thái Ất thần kinh nên Phùng Khắc Khoan tinh thông cả thuật số. Những năm trẻ tuổi, ông sống trên đất nhà Mạc nhưng không chịu ra thi cử. Đầu đời Lê Trung Tông, ông theo Lê Bá Ly vào Thanh Hóa quy thuận nhà Lê. Những ngày đầu ở đây, nghe tin Hoằng Hóa là đất văn học, ông bèn tìm đến cư ngụ, dạy trẻ con nhà quê. Sau đó, ông đến huyện Vĩnh Phúc rồi Yên Định và vẫn sống bằng nghề dạy trẻ. Bấy giờ, xứ Thanh Hoa tổ chức kỳ thi hương, ông tham dự và đỗ đầu.
Thái sư Trịnh Kiểm biết ông là người có học thức, mưu lược mới cho tham dự việc triều chính, trao cho chức ký lục ở ngự dinh, coi quân bốn vệ. Trong đời Chính Trị (1558 - 1571), ông vâng mệnh đi các huyện, chiêu dụ dân lưu tán về quê cũ làm ăn. Khi về, được thăng Cấp sự trung Binh khoa, lại đổi sang Cấp sự trung bộ Lễ. Vì có việc trái ý vua, phải giáng chức ra thành Nam, huyện Tương Dương, Nghệ An. Phẫn uất vì lòng trung không được vua biết tới, ông làm bài ca bằng quốc âm Ngư phủ nhập đào nguyên, trong đó có câu: “Nhà cỏ ở thành Nam, đồ tư hóa trúc” để bày tỏ ý mình, ít lâu sau lại được triệu về.
Đời Lê Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 3 (1580), triều Lê mở khoa thi hội, lúc đó ông đang giữ chức Cấp sự Lễ khoa cũng lều chõng đi thi, đỗ Hoàng giáp, bấy giờ đã 53 tuổi. Thi xong, ông được thăng Đô cấp sự.
Giữa tháng Tư năm Quý Tỵ (1593), vua Lê Thế Tông bước lên chính điện tại Kinh đô Thăng Long, sự nghiệp Trung Hưng của nhà Lê đã hoàn thành. Phùng Khắc Khoan được phong chức Kiệt tiết tuyên lực, công thần, năm 1595, được thăng Công bộ Tả thị lang.
Vua Lê về Kinh đô, cùng với việc khôi phục kinh tế, có chuyện lớn là lo việc đối ngoại với nhà Minh. Năm Đinh Dậu (1597), đương lúc làm Tả thị lang bộ Công, ông được cử làm Chánh sứ sang Minh. Bấy giờ, nhà Minh đã nhận hối lộ của con cháu nhà Mạc, không chịu nhận sứ thần của nhà Lê. Ông viết thư cho Súy ty nhà Minh (quan coi cửa ải) nói rõ nhà Mạc cướp ngôi, mà lại được giúp, đè nén nhà Lê, thế là về bè với gian tà, hại người ngay thẳng, lấy gì để tỏ đại nghĩa với thiên hạ. Người Minh khen là có nghĩa mới cho sứ thần qua cửa quan để đến Yên Kinh. Khi sứ bộ đến Yên Kinh, Lễ bộ đường trách về việc người vàng ta đem cống không theo mẫu cũ làm cúi đầu, nên lại ngăn không cho sứ vào chầu.
Ông biện bạch rằng: “Nhà Mạc cướp ngôi, danh nghĩa là nghịch, nhà Lê khôi phục lại, danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng cúi đầu thay mình, đã là may lắm. Còn như nhà Lê bao đời làm công thần, kiểu người vàng ngửa mặt, quy chế cũ còn đó. Nay lại bắt theo như lệ nhà Mạc, thì lấy gì khuyên việc chiêu an và trừng giới việc trách phạt được”. Việc đến tai vua Minh, cuối cùng lại theo thể thức cũ của nhà Lê. Khi ông ở Yên Kinh, gặp sinh nhật vua Minh Thần Tông, ông có làm tập thơ Vạn thọ thánh tiết gồm 30 bài dâng lên. Thần Tông xem và phê: “Hiền tài đất nào chẳng có. Trẫm xem thi tập, thấy Phùng Khắc Khoan là người trung hậu, thật đáng ngợi khen; mệnh lệnh in ngay để ban hành trong thiên hạ”. Dịp này, ông còn đối đáp với sứ thần Triều Tiên về chủ quyền đất nước, chế độ khoa cử và làm thơ xướng họa với Lý Toái Quang. Lý Toái Quang rất phục tài.
Người Trung Quốc bấy giờ khen ông là sứ giỏi. Khi đi sứ trở về, Thành tổ Trịnh Tùng rất kính trọng chỉ gọi là Phùng tiên sinh mà không gọi tên. Người trong nước kính mến đều gọi ông là Trạng nguyên, còn trong dân gian chỉ nôm na gọi là Trạng Bùng. Lê Kính Tông lên ngôi, ông được phong Thượng thư bộ Công, năm thứ 3 (1602) lại thăng Thượng thư bộ Hộ, tước Mai quận công. Tháng Chín năm Quý Sửu (1613) ông mất, thọ 86 tuổi, truy tặng Thái phó.
Giờ đây, tại làng Bùng, người dân vẫn truyền kể những chuyện cảm động về ông Trạng. Dựa vào các tư liệu, người ta đoán định, khoảng năm 80 tuổi, Phùng Khắc Khoan mới về nghỉ ở Phùng Xá. Trong lần đi sứ, ông đã đưa giống ngô, giống đậu về trồng ở quê nhà. Trong thời gian ở Yên Kinh, ông còn học được nghề dệt lượt rồi về truyền dạy cho dân. Mấy năm ở quê, cùng với dân thôn vui cảnh đồng quê, ông dạy họ cải tiến cái cày, cái bừa tiện hơn cho việc canh tác.
Ông đã hướng dẫn dân làng khai mương dẫn nước từ núi Thầy về các cánh đồng Đặng Xá, Hoàng Xá, Phùng Xá. Để dân dễ nhớ, ông còn làm một số bài thơ phổ biến trong dân. Các bài này ông viết về cây cỏ, côn trùng, thời tiết trong các tập Huấn đồng (Dạy trẻ) và Độc thi đa thức (Biết thêm khi đọc Kinh Thi). Ông viết bài Đào nguyên hành (tức Lâm tuyền vãn) bằng chữ Nôm, kể đến gần 170 loại rau, đậu, cây quả, gia súc, gia cầm, cùng là cách trồng, cách nuôi và ích lợi của chúng; lại soạn sách Nông sự tiện lãm (Tìm hiểu nông nghiệp một cách thuận tiện).
Phùng Khắc Khoan là nhà ngoại giao, nhà kinh tế kiệt xuất thời Lê Trung Hưng, đồng thời ông còn là nhà văn, nhà thơ. Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “Thơ ông thanh nhã dồi dào, có các thi tập truyền ở đời”. Ngoài các tập có tính tổng kết về nông nghiệp vừa nêu ở trên, theo Trần Văn Giáp, ông còn có các tập thơ: Sứ Hoa bút thủ trạch thi, Ngôn chí thi, Nghị Trai thi tập, Mai Lĩnh sứ Hoa tùng vịnh, Phùng Khắc Khoan thi tập, Lục nhâm quốc ngữ binh thư yếu lược, An Nam sứ thần vạn thọ thánh tiết khánh hạ thi tập… Nhà nghiên cứu Trần Lê Sáng nhận xét: “Về số lượng, thơ Phùng Khắc Khoan chiếm giải nhất trong số các tác giả cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII.
Thơ ông phản ánh thời thế, chí hướng, tâm trạng, thiên nhiên… đều có giá trị trong việc nghiên cứu xã hội đương thời. Thơ văn của ông còn góp phần giải quyết công việc ngoại giao mà ông đảm nhiệm. Trong bài tựa tập Huấn đồng thi tập, ông đã nói tới các vấn đề lý luận của thơ ca thú vị và thiết thực”.
Phùng Khắc Khoan là một nhân cách lớn. Cả đời ông gắn bó trọn vẹn với nỗi vui buồn của nhân dân. Sử gia Phan Huy Chú xếp ông là một trong 39 người “Phò tá có công lao, tài đức thời Lê Trung Hưng” và viết: “Ông là người cương quyết, sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu”. Từ hơn 60 năm trước, tại trung tâm Hà Nội có phố Phùng Khắc Khoan, dài 170m nối phố Trần Xuân Soạn với phố Hòa Mã. Tại giữa làng Phùng Xá, có đền thờ Phùng Khắc Khoan dựng cuối đời Nguyễn. Đền ba gian. Tại gian chính giữa có treo bức hoành Trung Hưng công thần từ (Đền thờ vị công thần thời Trung Hưng). Đền có một số câu đối, hoành phi, nội dung ca ngợi Trạng Bùng: Bắc Nam huân liệt, Văn chương hoa quốc, Nam quốc tôn sư, Vọng long sơn Đẩu, Di tượng đức thanh cao. Trong đền còn mũ, áo và sắc phong thần của các đời vua. Đặc biệt, tại đền còn bức truyền thần Phùng Khắc Khoan do họa sĩ nhà Minh vẽ tặng khi ông đi sứ Yên Kinh.
Từ đền thượng bước xuống nhà hạ, một cái nhà rộng khoảng 100m2. Tại đầu tường còn gắn ba tấm bia, đó là những tấm bia Từ đường bi ký (Bia ghi về nhà thờ). Theo các chữ ghi trên bia thì lần trùng tu cuối cùng của nhà thờ là vào ngày 15 tháng Ba năm Mậu Thân (1908). Ngôi đền hạ này chính là Hoằng Đạo thư đường (nhà học Hoằng Đạo), được dựng lên từ ngày Phùng Khắc Khoan còn trẻ. Nhớ ơn ông, tại đền, vào ngày 24-9 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương vẫn tổ chức ngày giỗ ông Trạng. Lễ vật dâng lên là cháo đậu, cà muối - những món ăn bình dị, lúc sinh thời ông rất thích.
Tri huyện Nguyễn Đình Thành viết tặng đền năm Giáp Ngọ (1894):
Thái tể đền xưa suối cũ đây
Thơm thơm hương cỏ gió đưa bay
Trung Hưng dựng nghiệp trời Nam rạng
Vạn thọ thơ ngâm đất Bắc lay
Gửi hứng suối đèo đen đổi trắng
Hòa lòng trăng nước cảnh ai hay
Đến nay còn chốn Sài Sơn ấy
Hai chiếc cầu tiên ẩn gió mây.
Theo Trần Văn Mỹ
(Hanoimoi.com.vn)