Bản đồ cổ và ngôi làng sử dụng 'mật khẩu' để giao tiếp

Làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chỉ cách Hà Nội 40km nhưng tất thảy mọi người đều sử dụng một loại ngôn ngữ kỳ lạ, theo một dạng “mật khẩu” rất khó hiểu. Nếu không có người phiên dịch thì khó có thể hiểu được họ đang nới với nhau những gì.

Tiếng cổ từ thời Văn Lang- Âu Lạc

Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến đình làng Đa Chất để gặp cụ trưởng làng Nguyễn Ngọc Đoán. Suốt cuộc nói chuyện giữa cụ Đoán và bà Lê Thị Nhẫn (80 tuổi) chúng tôi như người ngoại đạo bởi không hiểu họ đang nói gì. Qua người phiên dịch chúng tôi lờ mờ hiểu: “Thít chưa?” (Ăn chưa); “Thít rồi. Đổi ơn cũng thít rồi” (tôi ăn rồi. Bọn trẻ cũng ăn rồi); “Thít mận?” (uống nước chứ); “Tôi không thít” (tôi không uống) hay “mận thu” (chè thuốc không).

Theo lời kể của các cụ cao niên, ngôn ngữ của làng Đa Chất từ rất lâu đời và đây cũng là làng duy nhất còn giữ được thứ tiếng cổ thời Văn Lang - Âu Lạc. Cụ Lê Đình Hiệp (90 tuổi), người nhiều tuổi nhất làng và cũng là người am hiểu về ngôn ngữ riêng biệt này cho biết: “Chỉ có làng Đa Chất mới sử dụng ngôn ngữ này, những người ngoài làng thì không thể. Vùng đất làng này có một mãnh lực, mà chỉ khi sống ở đất làng mới có thể thông thạo được ngôn ngữ làng. Các cô gái đi làm dâu xứ khác cũng chỉ một thời gian là không nói trơn tru được tiếng làng mình nữa”.

Bản đồ cổ và ngôi làng sử dụng 'mật khẩu' để giao tiếp - Ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Đoán hào hứng chia sẻ về ngôn ngữ riêng của làng Đa Chất.

Vị trí đặc biệt của làng Đa Chất khiến cho ngôn ngữ riêng của họ trở thành một vật báu “lưu truyền nội bộ”. Đa Chất hiện là một trong sáu làng xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên. Tính từ đường quốc lộ 1A cũ đoạn từ Cầu Giẽ đi về phía Đông rồi ngược lên phía bắc sông Lương cổ. Năm làng khác nằm quanh một vòng cạp thúng bao lấy làng Đa Chất ở giữa có cánh đồng rộng tới 1800 mẫu Bắc Bộ như kiểu cạp thúng. Chính vì thế, bề dày lịch sử của làng Đa Chất cũng song hành cùng với sự giữ gìn của thứ tiếng độc nhất vô nhị này.

Ông Nguyễn Ngọc Đoán chia sẻ: “Những tài liệu thần phả của làng Đa Chất viết thì đây là nơi thờ Trung Thành Đại Vương còn gọi là Thổ Lệnh Trường - Tướng chỉ huy thời vua Hùng. Ngài là con thứ 3 của Hào trưởng vùng Hồng Giang (sông Hồng) có tên Đào Công Bột - ông Tổ của ngôn ngữ này. Trong cuộc chiến giữa nhà Thục và vua Hùng, sau khi thắng trận thì về khao quân. Hồi đó, để làm ra hạt gạo tốn nhiều công sức. Thương dân, ngài đau đáu nghĩ cách giúp dân. Ngài là người đầu tiên phát minh ra cối xay. Nghề làm cối được truyền từ đời này sang đời khác, các thợ làm nghề muốn giữ gìn những bí quyết riêng nên đã sáng tạo ra ngôn ngữ bây giờ. Câu nói “Sinh Bạch Hạc, thác Ba Lương” là để chỉ ông tổ ngôn ngữ đặc biệt này. Sinh Bạch Hạc nói về Đào Công Bột, còn thác Ba Lương nói về sự hóa của Thổ Lệnh Trường.

Ngôn ngữ để bảo mật bí quyết

Bản đồ “lạ”

Ngoài ngôn ngữ độc nhất vô nhị từ thời Văn Lang- Âu Lạc, làng Đa Chất hiện còn lưu giữ tấm bản đồ cổ. Tấm bản đồ với tỉ lệ 1/1000 gồm 2 mảnh, mỗi mảnh rộng bằng một tờ giấy rô ki 80x60. Đây là tấm bản đồ được vẽ và hoàn chỉnh đến từng mảnh đất, thước ruộng của làng. Đó cũng chính là thời gian xây dựng nên ngôi đình cổ làng Đa Chất- nơi đã được công nhận di tích văn hóa lịch sử.

Biệt ngữ là những tín hiệu ngôn từ riêng biệt của những phó cối (thợ đóng cối xay lúa-PV). Đó là sự kết hợp giữa âm Nôm, âm Hán Việt, âm thông dụng và âm ít dùng. Ngôn ngữ của làng là những âm tắt, nói gọn và âm dân dã nhưng vô cùng phong phú, đa dạng, không phải vay mượn.

Từ bao đời nghề đóng cối xay của Đa Chất phát triển, các tốp thợ trong làng tỏa đi khắp các vùng miền để đóng cối thuê. Họ sáng tạo ra tiếng lóng mang tính chất địa phương để trao đổi, mục đích để thuận tiện giữ bí mật nghề. Cụ Đoán chia sẻ: “Nghề đóng cối thường phải ăn ở lâu ngày với gia chủ. Chúng tôi thường trao đổi với nhau bằng những thứ tiếng này nhằm giữ bí mật với chủ nhà. Ví dụ như nói bệt này cong (nhà này đắt), hay được giá thì nói “bệt này hớ”. Ngoài ra sau này còn có tiếng lóng hiện đại “sườn mỗ” (ô tô), “sưỡn nhật” (đồng hồ).

Nghề cối xay đã khiến cho ngôn ngữ được mở rộng và gọt giũa. Ông Đoán dẫn chúng tôi đi xem chiếc cối xay của làng. Cối tre là công cụ thủ công để người nông dân xay hạt lúa trước khi cho vào cối giã thành hạt gạo trắng ngần, thơm ngọt.

Công nghiệp hóa phát triển, nghề đóng cối không còn thịnh hành. Tuy vậy, hệ thống ngôn ngữ ở làng Đa Chất vẫn rất phong phú. Theo các tài liệu ngôn ngữ cổ, chính trong ngôn ngữ phổ thông lại xuất hiện nhiều từ vay mượn ngôn ngữ của làng Đa Chất. Ví dụ người Đa Chất dùng từ “chóp bu” để chỉ người cao nhất. Ngày nay, ngôn ngữ phổ thông cũng hay dùng từ này để chỉ quan chức chóp bu hay người đứng đầu tổ chức. Ví dụ từ “sấn sổ” người làng Đa Chất dùng để nói hành vi của một người đang tiến tới dùng hành vi bạo lực. Hoặc từ “choáng” (đẹp) bệt choáng (nhà đẹp), nhất choáng (gái đẹp), hoăc biểu lộ ý nghĩa ngạc nhiên, sửng sốt. Những số đếm cũng rất đặc biệt nhất (một); nhị (hai); thâm (ba), chớ (bốn), dâu (năm), mười là lạp; lai lạp (hai mươi), thâm lạp (ba mươi), bích (một trăm), bích rộng (một nghìn).

Chính vì điều này trong cuốn “Văn hóa dân gian làng Đa Chất”, học giả Chu Huy, Nguyễn Dần viết: Làng Đa Chất chẳng những có nghề đóng cối xay thóc truyền thống mà còn sáng tạo cả hệ thống tiếng lóng làng nghề. Đây là biệt ngữ mà chỉ riêng phường thợ cối mới hiểu và giao tiếp được.

Bản đồ cổ và ngôi làng sử dụng 'mật khẩu' để giao tiếp - Ảnh 2

Một góc đình làng Đa Chất đã hơn 500 tuổi.

“Đá bà Bổi, tội xóm Bến”

Tài sản văn hóa quý giá cần lưu truyền

Đưa câu chuyện ngôn ngữ riêng của làng Đa Chất trao đổi với Giáo sư Trần Trí Dõi, khoa Ngôn ngữ học (đại học Khoa học xã hội và nhân văn), GS Dõi cho biết: “Ngôn ngữ làng Đa Chất là của các thợ cối sáng tạo và sử dụng trong nghề. Ngôn ngữ này không có quy luật nào của tiếng Việt cổ. Nếu có thì không thể chỉ lưu giữ ở nhóm nhỏ như làng Đa Chất”. “Tôi đánh giá cao sức sáng tạo, bản sắc riêng của làng nghề làm cối Đa Chất. Tiêu biểu là hệ thống từ lóng phong phú truyền từ đời này sang đời khác. Các giới chuyên môn và những người có trách nhiệm nên giữ gìn để làm phong phú văn hóa Việt Nam”, GS Trần Trí Dõi nói.

Hòn đá bà Bổi được già làng kể lại để lý giải tại sao ngôn ngữ này chỉ có thể học và sử dụng thành thạo được khi là người làng Đa Chất. Đây là hòn đá lát trên đường từ đình Đa Chất vào xóm Bến. Hòn đá có mặt vuông nhẵn thín, mỗi cạnh chừng 40cm, hình góc xù xì, nặng gần một tạ. Năm 2003, bê tông hóa đường làng, trưởng thôn Đa Chất cho đặt vào đây để khỏi thất thoát.

Tương truyền, bà Bổi là vị nữ thần nông nghiệp của làng và cũng là người đầu tiên đưa nghề lúa nước về cho làng. Mỗi vụ thu hoạch xong, bà đem thóc đứng rê trước gió nồm nam sông Nam Giang, bàn chân bà giẫm lên hòn đá. Thóc thu hoạch nhiều đến nỗi vết giẫm chân đến nay nhẵn thín. Bổi thóc của bà theo gió bay đến đâu, theo nước trôi đến đâu thì cánh đồng rộng đến đó. Vì thế, ruộng càng rộng thì ngôn ngữ càng đi xa, qua những lời hát, trò chuyện của già trẻ trong làng.

Cả làng truyền miệng nhau câu “Đá bà Bổi, tội xóm Bến”, ngụ ý rằng: Nếu chuyển dời vị trí giữa đầu đường trục khu xóm Bến đi nơi khác thì xóm Bến sẽ chịu nhiều phiền phức tai họa. Ngôn ngữ làng Đa Chất cũng theo đó chịu lời nguyền. Những ai không phải người làng Đa Chất cũng có thể học thành thạo được ngôn ngữ này nhưng phải về sinh sống ở đây. Bà Lê Thị Nhẫn bảo chúng tôi: “Con gái làng này đi lấy chồng làng khác chỉ một thời gian là không nói tiếng làng thành thạo được nữa. Còn cô gái theo chồng về làng Đa Chất này thì cũng học từng chữ i tờ nhưng chả mấy chốc mà đọc nhanh. Cũng không ai lý giải được chuyện này, chúng tôi thì luôn nghĩ lời nguyền của bà Ba Bổi vẫn còn hiệu nghiệm”.

Quỳnh Nguyễn

Xem thêm video clip : Clip: Chủ xe xế hộp đánh tới tấp nam thanh niên

Đọc tin tức sự kiện tin mới nhất, nhanh và hay nhất trong ngày tại chuyên mục:Tin tức 24h

Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.