Xen giữa phố thị đông đúc tại Huế, Phủ đệ – nơi ở của các hoàng tử, công chúa dưới triều Nguyễn với những bức tường phủ rêu và cánh cửa đóng kín quanh năm, dường như muốn giấu đi một thế giới riêng tư, trầm lắng và bí ẩn.
Từ những ngôi phủ đệ, cuộc sống quyền quý của các thành viên hoàng gia trong chốn cung cấm theo đó mà thâm nhập vào đời sống dân gian. Cho dù ở nơi ở mới, cánh cửa phủ đệ vẫn lặng lẽ đóng kín nhưng khoảng cách giữa thường dân với các bậc quyền quý trong cung đã phần nào được khỏa lấp và văn hóa cung đình cũng theo đó mà lan tỏa khắp chốn kinh kỳ.
Trải qua 13 đời vua triều Nguyễn, tại Huế, đã có tới hàng trăm phủ đệ ở khắp nơi. Đặc biệt những vị vua đầu của triều đại này có rất đông con, chỉ tính riêng vua Minh Mạng đã có tới 142 người.
Phủ đệ, chốn ấy là gì?
Phủ đệ, tên gọi chốn ấy, là nơi ở của các vương tôn, hoàng tử và công chúa thời Nguyễn. Phủ là nơi ở của các hoàng thân, hoàng tử sau khi lập gia đình, từ đó mới phái sinh danh xưng phủ thiếp để gọi người vợ của hoàng tử, tức là con dâu của nhà vua. Tùy theo tôn tước của chủ nhân được triều đình tập phong là tước công hay tước vương mà phủ ấy được gọi là công phủ hay vương phủ. Đệ là lối gọi tắt của từ đệ trạch, là nơi ở của công chúa sau khi hạ giá, tức là công chúa đã được gả chồng. Về sau, người ta thường dùng chữ phủ đệ để gọi chung cho nơi ở của các ông hoàng, bà chúa đã thành thân. Khi những ông hoàng, bà chúa ấy trở thành người thiên cổ, tòa chính đường trong phủ, nơi trú tất của các ông hoàng, bà chúa lúc sinh thời, trở thành nơi thờ tự vong linh của chính họ. Ấy cũng là lúc con cháu của họ thay biển ngạch đề danh trước cổng, đổi chữ phủ (hay chữ đệ) thành chữ từ hay từ đường, mà dân gian vẫn quen gọi làphủ từ, hàm ý đó là nơi thờ tự vị chủ nhân của phủ đệ xưa, nay đã quá cố.
Phủ đệ tập trung nhiều ở ven các dòng sông như sông Hương, sông An Cựu bởi nó gắn với nguyên tắc minh đường trong quy luật phong thủy. Đó là nơi vương giả, với những quy định nghiêm ngăt và là khởi nguyên của tính cách mệ.
Mệ là cách xưng hô của những người quyền quý trong phủ đệ khi chuyện trò với người ngoài như một cách tỏ bày nguồn gốc cao quý của mình. Mệ có đời sống riêng ẩn giấu trong vòng tường của phủ đệ và mỗi khi ra khỏi lớp tường rêu phong ấy, mệ có cách hành xử riêng, vừa cao ngạo, vừa khoan dung, sẵn lòng ban ơn cho kẻ dưới. Khinhà Nguyễn trở thành quá vãng, mệ không còn nguồn chu cấp, trở nên nghèo túng nhưng mệ vẫn sống lối sống phong lưu như trước, vẫn không để người ngoài thấy họ thiếu đi sự giầu sang phú quý.
Mỗi phủ đệ đều có tên riêng, dựa theo tôn tước của chủ nhân. Tên của các phủ thường là tên huyện mà vị thân công, hoàng tử ấy được triều đình tập phong như: Tùng Thiện vương phủ, Tuy Lý vương phủ, Thọ Xuân vương phủ, Định Viễn quận vương phủ, Phước Long quận công phủ, Thường Tín quận công phủ… Tên của đệ trạch thường gọi theo danh hiệu của vị công chúa chủ nhân đệ trạch ấy như: An Thường công chúa đệ, Ngọc Sơn công chúa đệ…
Đầu triều Nguyễn, các phủ đệ đều tọa lạc bên trong Kinh Thành Huế, theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu”, nghĩa là phủ của các thân công, hoàng tử thì ở về phía trái, còn đệ trạch của các công nữ thì ở về phía phải của Kinh Thành.
Phan Đình Phùng – Một trong những phố được coi là con đường phủ đệ, từ chợ An Cựu cho đến chợ Bến Ngự dài 2km đã có đến hàng chục phủ, đệ lớn nhỏ khác nhau.
Phủ Tùng Thiện Vương
Dừng chân tại phủ Tùng Thiện Vương, nơi thờ của thân phụ ngài Nguyễn Phúc Hồng Khẳng nằm cách Lạc Tịnh viên không xa, là đặc trưng cho lối kiến trúc phủ đệ.
ùng Thiện Vuơng Miên Thẩm là hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng và bà Thục Tần Nguyễn Thị Bảo. Sống một cuộc đời không dài và đón nhận nhiều nỗi phiền ưu vì thời cuộc, gia tộc và bản thân song với lòng đa cảm, ông đã để lại một sự nghiệp trứ tác đồ sộ với 14 tập sách, nổi bật nhất là Thương Sơn thi tập. Sinh thời ông được xem là 1 trong “Trường An tứ kiệt” với 2 câu thơ ca tung:
“Văn như Siêu Quát: Vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy: Thất Thịnh Đường”
Nghĩa là nếu so với thơ văn của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì thơ thời Tiền Hán cũng không giá trị, còn nếu so thơ văn của của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tuy Lý Vương Miên Trinh thì thơ thời Thịnh Đường cũng không có gì đáng kể.
Những trước tác của ông đều được khắc in bằng mộc bản. Hiện nay, tại phủ thờ Tùng Thiện Vương còn lưu giữ gần 1.000 mộc bản khắc in các tác phẩm của Thi Ông, được hậu duệ của ông xem là vật gia bảo, giữ gìn rất cẩn trọng.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói nhìn phủ đệ có thể thấy được phần lớn tính cách và tâm hồn của chủ nhân.
Phủ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương dường như có nét tương đồng bởi đều là chốn lui tới đàm đạo thơ văn giữa các Nho sĩ đương thời hay các tao nhân mặc khách.
Mặt khác, Ngài Tùng Thiện Vương có chủ trương đơn giản hóa phủ đệ của mình một phần cũng vì một biến cố trong cuộc đời ông.
Mặc dù vậy,Phủ Tùng Thiện Vương vẫn dựa trên nguyên tắc không gian khép kín với cổng, bình phong, bể cạn theo luật phong thủy và những hình ảnh gắn với vương quyền và đa ngôn như tấm lưỡng long triều nguyệt này. Đây là lối kiến trúc nhà vườn đặc trưng ở Huế.
Dẫu diện tích hiện nay bị thu hẹp khá nhiều song Phủ Tùng Thiện Vương là một trong số ít các phủ đệ ở kinh thành Huế còn giữ lại được nhiều nét nguyên sơ ban đầu. Phía trước là nơi thờ tự thân mẫu của ngài Tùng Thiện Vương là bà thục tần Nguyễn Thị Bảo.Đây là đặc điểm nổi bật trong hầu hết các phủ đệ ở Huế.
Phủ An Thường Công Chúa
Tuy nhiên không phải phủ đệ nào cũng còn nguyên vẹn và giữ được nếp sống như xưa. Thuở hoàng kim, xứ Huế có khoảng 150 phủ đệ ở khắp trong ngoài Kinh Thành. Nhà Nguyễn cáo chung, vật đổi sao đời, phủ đệ cũng theo đó mà suy tàn. Dù kín cổng cao tường thì khuôn viên phủ đệ ngày càng nhỏ hẹp dần do quá trình đô thị hóa, thậm chí có phủ đệ bị cắt xén trong cơn sốt đất, có nơi bị lấn chiếm mặt bằng sử dụng vào việc khác. Không ít phủ đệ chỉ còn là phế tích.
Đệ trạch của công chúa An Thường nằm trên đường Nguyễn Công Trứ với những nét khác biệt so với các phủ đệ khác một phần cũng vì lý do ấy. Nơi ở của bà dù đã bị thay đổi không ít do quá trình đô thị hoá nhưng vẫn toát lên sự bình dị, nhẹ nhàng như tính cách của bà.
Bước chân vào đệ trạch này, người ta có thể thấy được sự nề nếp gia phong, giản dị mà nền nã qua từng bức tranh gương, ban thờ, hoa sen.
Nơi ở của bà mặc dù là Đệ trạch nhưng vẫn được người dân trang trọng gọi bằng cái tên Phủ An Thường Công Chúa.
Phủ Kiên Thái Vương
Trở lại với đường Phan Đình Phùng, có một vương phủ đặc biệt. Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai là thân phụ của ba vị hoàng đế: Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Phủ này gắn với câu thơ nổi tiếng thời đó:
“Một nhà sinh đặng ba vua
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài”
Trong ba vị vua, hoàng đế Đồng Khánh tại vị ở ngai vàng được ba năm thì mất và được thờ ở Thế Miếu.Kiến Phúc làm vua được tám tháng.Vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương chống Pháp nhưng không thành công.Chính vì vậy Phủ Kiên Thái Vương còn được gọi bằng một cái tên khác nữa.
PV Ông Hồ Phan – Nhà nghiên cứu lịch sử Huế nói về cách gọi Hoàng Thái Phủ
“Trong khi phủ Kiên thái Vương mang dáng vẻ cổ kính, cũ kĩ thì ngay bên cạnh đóCung An Định lại đem đến một hình ảnh xa hoa, lộng lẫy. Trướckia nơi đây là phủ của Phụng Hoá Công Bửu Đảo, trước ngày ông lên ngôi trở thành vua Khải Định”
Do bối cảnh lịch sử, Phủ Phụng Hóa hay Cung An Định này là một tổng thể kiến trúc đã được thiết kế, xây dựng và trang trí theo một phong cách mới. Nếu như cổng tam quan được trang trí bằng những hình nổi gắn sành sứ hài hoà, tinh tế, nổi bật 3 chữ An Định Cung, đậm truyền thống Phương Đông, thì tòa nhà chính lại mang dáng dấp của kiến trúc Pháp kết hợp họa tiết long phượng thể hiện uy quyền của bậc vương tôn.
Có lẽ chính vì vậy mà cung An Định có phần ngông nghênh, phô trương và khác lạ so với các công trình kiến trúc truyền thống khác tại đây. Điều này thể hiện phần nào tính cách của vua Khải Định lúc sinh thời.
Nổi bật ở gian tiền sảnh là 6 bức tranh trang trí trên các mảng tường, đến nay không rõ ai là tác giả.Riêng bức tranh thứ 6 cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn đối với các nhà nghiên .cứu Nội dung bức tranh dường như phác thảo một lăng tẩm chưa từng hiện hữu ở Huế.
Khi những cánh cửa hàng trăm năm tuổi của phủ đệ mở ra, cuộc sống quyền quý của các thành viên hoàng gia trong chốn cung cấm theo đó cũng dần dần được hé lộ. Dẫu sau đó, nó được khép lại như để giữ một thế giới trầm lắng, bí ẩn, một thời của các ông hoàng, bà chúa.