Du lịch đất Việt

Một ngày trên phế tích Tam Đảo

Trận mưa giữa Hạ làm cho thung lũng Tam Đảo ẩm ướt khác thường. Ngồi trên nền khách sạn Metropole, một công trình tráng lệ bậc nhất Tam Đảo gần bảy thập kỷ trước, nhìn vắt lên nhà thờ cổ, chúng tôi đếm được gần hai mươi lần sương mù trùm lên kiến trúc đá rồi lại tan đi trong mờ ảo

     

    Trận mưa giữa Hạ làm cho thung lũng Tam Đảo ẩm ướt khác thường. Ngồi trên nền khách sạn Metropole, một công trình tráng lệ bậc nhất Tam Đảo gần bảy thập kỷ trước, nhìn vắt lên nhà thờ cổ, chúng tôi đếm được gần hai mươi lần sương mù trùm lên kiến trúc đá rồi lại tan đi trong mờ ảo. Tam Đảo hôm nay có gần 60 nhà nghỉ, khách sạn lừng lững, đồ sộ nhưng xét vẻ mỹ lệ, lộng lẫy thì hiếm có công trình nào sánh bằng những gì đã trở thành phế tích dưới lòng thung lũng này.

     

    Tìm dưới mờ sương

     

    Chúng tôi trở lại Tam Đảo lần thứ hai vì một ý nghĩ ám ảnh, riết róng. Lần đầu tiên đặt chân lên vùng xứ lạnh độc đáo, lọt giữa thung lũng đại ngàn “Tam Đảo” Thạch Bàn, Thiên Nhị và Máng Chỉ (còn tên gọi khác là Phú Nghĩa), những tàn tích kiến trúc Pháp của một thời hoàng kim gần 7 thập kỷ trước đã bị chôn vùi dưới những công trình hiện đại và bị phủ lấp giữa bạt ngàn cây su su đã trở thành niềm thôi thúc không yên.

     

    Tìm những người am hiểu lịch sử hình thành Tam Đảo ở thị trấn nhỏ này quả thật không dễ. Ngay cả ông Đỗ Đình Chúc, Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội của thị trấn cũng chỉ lắc đầu khi chỉ đường cho chúng tôi đi tìm những người già. Nhưng cả những vị cao niên ngoại thất thập như cụ Nguyễn Hữu Duyện, hậu duệ của dòng họ thứ hai có mặt ở Tam Đảo đã tròn 104 năm, hay bà Lưu Ngãi từng làm việc trong nhà quan lại Pháp ở đây cũng chỉ có ký ức về những ngày tiêu thổ kháng chiến triệt để (phá sạch toàn bộ 143 biệt thự Pháp trong vòng 3 tháng - PV) mà ít có được thông tin gì về những năm tháng hoàng kim của kiến trúc Tam Đảo.

     

    Nguồn tư liệu hiếm hoi có được là Tạp chí Đông Dương số 6 ra tháng 6/1914 cũng chỉ vẻn vẹn mấy dòng: “Năm 1904, một phái đoàn quân sự được Phủ Toàn quyền Đông Dương giao nhiệm vụ tìm trong dãy Tam Đảo, gần Hà Nội, một điểm thuận lợi cho việc đặt một trạm nghỉ mát mùa Hè. Phái đoàn đã báo cáo là ở độ cao 930 mét có một khoảnh đất hình vành chảo mà phái đoàn cho là có thể đáp ứng những yêu cầu của dự án nói trên. Trong hai năm, đã tiến hành quan sát một cách có hệ thống hoặc do phái đoàn quân sự tiến hành, hoặc do một cán bộ có nhiệm vụ kế tục công việc của phái đoàn. Kết quả có tác động khích lệ đến mức năm 1906 Phủ Toàn quyền quyết định dứt khoát xây dựng trạm nghỉ đó...”. Hơn ba thập kỷ hình thành và trở thành hoàng kim một đi không trở lại của những công trình kiến trúc đặc trưng Pháp ở Tam Đảo đầu thế kỷ 20 đã bắt đầu như thế.

     

    Kiến trúc của hưởng thụ và lãng mạn

     

    Đến trước 1945, người Pháp đã xây dựng tất cả 143 biệt thự lớn, nhỏ tại Tam Đảo. Các biệt thự được xây chủ yếu bằng đá khai thác tại chỗ, nằm cách biệt men theo sườn núi, không trùng lặp về kiểu dáng thiết kế, càng xa trung tâm lòng chảo càng nhiều nhà cao tầng. Hầu hết các biệt thự là của người Pháp, chỉ có một vài nhà của tầng lớp quan lại, thượng lưu người Việt như các cụ Hồ Đắc Điềm, Hồng Khê, Phú Mỹ... Người Pháp không chỉ là bậc thầy về kiến trúc tiện dụng mà còn là những người hào hoa, lãng mạn đối với cả việc xây dựng những căn nhà của họ. Các biệt thự nổi tiếng ở Tam Đảo lúc bấy giờ không chỉ kiên cố, tráng lệ mà còn được chủ nhân đặt những tên gọi lãng mạn như L’Horizon (đường chân trời), Belle Vue (ngoạn mục)...

     

    Cũng giống như kiến trúc Pháp ở Sapa, Đà Lạt hay Hà Nội, các biệt thự ở Tam Đảo là dấu ấn của thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống (kiến trúc gỗ) đến kiến trúc hiện đại ở Việt Nam. Những ngôi nhà là sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và mỹ thuật châu Âu được các quan chức thực dân vận dụng sáng tạo ở xứ nhiệt đới với mục đích tạo ra một không gian hưởng thụ mang dáng dấp quê nhà của họ. Hầu hết biệt thự có tường được xây bằng đá dày 60 - 120 cm, một số nhà được xây dựng bằng gạch, mái lợp đá mỏng Acđoa được chở đến từ Toulouse, Marseille; nội thất được bố trí lò sưởi, có bể bơi, phòng khiêu vũ, hầm rượu... Những lối cầu thang, bờ tường đá được xây dựng công phu, tinh vi còn sót lại của Dinh Toàn quyền nằm riêng trên một mỏm núi ở phía Nam thung lũng hay hầm thực phẩm của khách sạn Metropolle, biệt thự Belle Vue đã bị vùi lấp giữa hoang tàn vẫn không mất đi vẻ kiêu hãnh, hào hoa.

     

    Để xây dựng được một không gian kiến trúc đô thị ăn chơi, nghỉ dưỡng nhỏ bé này, thực dân Pháp đã điều phu phen là những người An Nam nô lệ ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên lên núi xây dựng liên tục trong hơn 30 năm. Trong ký ức của những người già Tam Đảo như cụ Duyện, cụ Ngãi vẫn còn đó dấu ấn về sự lầm lũi, cơ hàn của hơn 6.000 con người ở “làng An Nam”, phần lớn sống bằng nghề phu phen, tạp dịch, đã bị người Pháp đẩy ra xa trung tâm hơn 2km, đối lập với thế giới thượng lưu thu nhỏ ở thung lũng này...

     

    Tiếng gọi từ thung lũng

     

    Trào lưu tìm về thung lũng Tam Đảo như một “Đà Lạt 2” ở miền Bắc bắt đầu mạnh mẽ những năm gần đây khi kinh tế phát triển. Đến nay, “thị trấn trong mây” này đã có gần 60 khách sạn, nhà nghỉ lớn, nhỏ nhưng vẫn chỉ thuộc sở hữu của khoảng 17 hộ kinh doanh. Hầu hết đời sống của hơn 200 hộ dân còn lại vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp mà cây su su (một loại rau cắt ngọn) được xem là nguồn thu nhập chính.

     

    Ông Đỗ Văn Chúc cho biết: Hiện nay địa phương còn rất nhiều khó khăn, cả vùng thung lũng không có nổi một cái máy photocopy và UBND thị trấn đang phải mượn nhà khách của thành phố Vĩnh Yên để làm việc. Câu hỏi làm gì để Tam Đảo giàu mạnh tương xứng với tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái và lịch sử văn hóa độc đáo ở thung lũng này hiện vẫn còn... lơ lửng. Tỉnh Vĩnh Phúc đã có quy hoạch xây dựng và phát triển Tam Đảo một cách dài hơi từ cuối thế kỷ 20 và thậm chí người ta cũng đã từng đề cập đến việc xây dựng một “Tam Đảo hai” nằm “trên đầu” danh thắng Tây Thiên (dự án từng bị các chuyên gia bảo vệ môi trường kịch liệt phản đối - PV) cách thị trấn Tam Đảo hiện nay về phía Tây khoảng 14 km, nhưng khoảng cách giữa ý tưởng quy hoạch đến thực tế thì vẫn còn xa lắm! Cái vốn cổ có thể hái ra tiền đã phải hy sinh cho những năm tháng bảo vệ Tổ quốc trong phong trào “tiêu thổ kháng chiến”. Cả trăm biệt thự lộng lẫy ở Tam Đảo chẳng còn gì để phục dựng, nhưng vẫn có thể xây dựng mới một đô thị đặc thù có một không hai của cả miền Bắc. Chẳng có một không gian nào gần thủ đô Hà Nội được bao bọc bởi rừng nguyên sinh với khí hậu mát mẻ, địa hình độc đáo và độ cao lý tưởng như Tam Đảo.  

     

    Rời “thị trấn trong mây” giữa chiều mùa Hè, nhưng vẫn phải bật đèn xe vì sương mù dày đặc, hình ảnh 8 ngôi biệt thự kiểu mới rập khuôn đến từng chi tiết, nhàm chán, bỏ hoang cả một dãy dài đối diện công trình nhà thờ đá cổ vẫn làm người xuống núi nặng lòng.

     

     

     

    TT&VH

    facebook   twitter   google   buzz   linkhay
    Tin mới
    Tin tức khác

    Khách sạn Giá tốt

    ®Vietnamtoday.net
    Thông tin tổng hợp - Tạp chí điện tử Thanh niên Việt Nam - Bộ Thông Tin Truyền Thông
    Số giấy phép 08/GP - BTTTT Cấp ngày 04/01/2011
    Tel: 1900 585806. Email: info@vietnamtoday.net
    Choi Game phim