04/12/2009
|
16:37:00
Huyện Gia Lâm
|
Cổng đền Phù Đổng. (Ảnh: Internet) |
Gia Lâm là huyện cửa ngõ Đông Bắc của Hà Nội, nằm trong vùng giao thoa của văn
hóa Thăng Long và văn hóa Kinh Bắc nên có nhiều di tích lịch sử-văn hóa có giá
trị. Gia Lâm còn là quê hương của nhiều danh nhân, nhân vật lịch sử nổi tiếng
như Nguyên phi ỷ Lan, Nguyễn Chế Nghĩa, Cao Bá Quát...
Vị trí địa lý
Huyện Gia Lâm nằm ở phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội; phía Đông và Đông Bắc
giáp tỉnh Bắc Ninh; phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Hưng Yên; phía Tây giáp quận
Long Biên và quận Hoàng Mai; phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Đông Anh.
Diện tích: 114,79 km2.
Dân số: khoảng 227.600 người (năm 2009).
Lịch sử hình thành
Trước kia vùng đất huyện Gia Lâm thuộc phủ Thuận An, rồi phủ Thuận Thành
tỉnh Bắc Ninh.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vùng đất huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc
Ninh.
Ngày 13/12/1954, sáp nhập khu vực phố Gia Lâm (gồm phố Gia Lâm, khu nhà ga
Gia Lâm, sân bay Gia Lâm và 4 xã Hồng Tiến, Việt Hưng, Long Biên, Ngọc Thụy) của
tỉnh Bắc Ninh vào Hà Nội.
Ngày 20/4/1961, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa II thông qua Nghị quyết phê
chuẩn mở rộng thành phố Hà Nội. Theo đó, toàn bộ huyện Gia Lâm, 10 xã và 1 trấn
của huyện Từ Sơn, 2 xã của huyện Tiên Du, 2 xã của huyện Thuận Thành thuộc tỉnh
Bắc Ninh và 1 xã thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên được sáp nhập vào Hà Nội.
Ngày 31/5/1961, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 78-CP chia các khu
vực nội thành và ngoại thành Hà Nội. Theo đó huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà
Nội gồm 2 trấn và 31 xã.
Ngày 13/10/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 173-HĐBT về
việc phân vạch địa giới một số phường và thị trấn Hà Nội. Theo đó, thành lập thị
trấn Đức Giang trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của thị trấn Yên Viên,
thị trấn Gia Lâm, xã Thượng Thanh và xã Việt Hưng (huyện Gia Lâm); thành lập thị
trấn Sài Đồng trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của xã Thạch Bàn, Gia
Thụy và Hội Xá (huyện Gia Lâm).
Sau khi điều chỉnh, huyện Gia Lâm có 35 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 4
thị trấn: Đức Giang, Yên Viên, Sài Đồng, Gia Lâm và 31 xã gồm Thạch Bàn, Bát
Tràng, Lệ Chi, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Trung Mầu, Dương Hà, Yên Thường,
Yên Viên, Giang Biên, Thượng Thanh, Kim Lan, Việt Hưng, Ngọc Thụy, Gia Thụy, Bồ
Đề, Long Biên, Hội Xá, Cổ Bi, Trâu Quỳ, Đa Tốn, Dương Xá, Kiêu Kỵ, Văn Đức, Đông
Dư, Cự Khối, Dương Quang, Phú Thị, Đặng Xá, Kim Sơn.
Ngày 6/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc
chuyển 10 xã: Thượng Thanh, Giang Biên, Ngọc Thụy, Việt Hưng, Hội Xá, Gia Thụy,
Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối và 3 thị trấn: Gia Lâm, Đức Giang, Sài Đồng
thuộc huyện Gia Lâm để thành lập quận Long Biên.
Sau khi điều chỉnh, huyện Gia Lâm còn lại 22 đơn vị hành chính trực thuộc
gồm các xã : Lệ Chi, Kiêu Kỵ, Đình Xuyên, Dương Hà, Ninh Hiệp, Bát Tràng, Kim
Sơn, Cổ Bi, Dương Xá, Dương Quang, Đa Tốn, Phú Thị, Trâu Quỳ, Đặng Xá, Kim Lan,
Văn Đức, Yên Viên, Đông Dư, Yên Thường, Phù Đổng, Trung Mầu và thị trấn Yên
Viên.
Ngày 5/1/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 02/2005/NĐ-CP thành lập
thị trấn Trâu Quỳ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Trâu
Quỳ. Sau khi điều chỉnh, huyện Gia Lâm có 22 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 2
thị trấn Yên Viên và Trâu Quỳ; 20 xã: Lệ Chi, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Phù Đổng,
Trung Màu, Dương Hà, Yên Thường, Yên Viên, Kim Lan, Cổ Bi, Bát Tràng, Đa Tốn,
Dương Xá, Kiêu Kỵ, Văn Đức, Đông Dư, Dương Quang, Phú Thị, Đặng Xá, Kim Sơn.
Đơn vị hành chính của huyện Gia Lâm hiện có 22 đơn vị hành chính trực
thuộc gồm 2 thị trấn: Yên Viên và Trâu Quỳ và 20 xã: Lệ Chi, Đình Xuyên, Ninh
Hiệp, Phù Đổng, Trung Màu, Dương Hà, Yên Thường, Yên Viên, Kim Lan, Cổ Bi, Bát
Tràng, Đa Tốn, Dương Xá, Kiêu Kỵ, Văn Đức, Đông Dư, Dương Quang, Phú Thị, Đặng
Xá, Kim Sơn.
Trụ sở ủy ban Nhân dân huyên Gia Lâm được đặt tại thị trấn Trâu Quỳ.
Tình hình kinh tế-xã hội
Huyện Gia Lâm là khu vực phát triển đô thị ở phía Đông Bắc của Thủ đô Hà
Nội, là nơi tập trung các công trình đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật quan
trọng của quốc gia và của thành phố. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực phát triển
các cơ sở công nghiệp quy mô, các trung tâm dịch vụ, thương mại lớn. Toàn huyện
hiện có 3 siêu thị lớn, 17 chợ, trong đó có 13 chợ quy mô bán kiên cố; có 890
doanh nghiệp ngoài quốc doanh, với số vốn hơn 3.300 tỷ đồng, thu hút 13.118 lao
động (năm 2009).
Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh năm 2008 đạt gần 603 triệu
đồng. Hết quý I/2009, giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 10,96% so với quý
I năm 2008, trong đó thương mại dịch vụ 16,7%, công nghiệp xây dựng tăng 12,2%.
Là khu vực nông nghiệp, nông thôn ngoại thành Hà Nội, Gia Lâm có giá trị
sản xuất nông, thủy sản năm sau cao hơn năm trước. Trồng trọt tăng bình quân
1,5%, chăn nuôi tăng 5,6%, thủy sản tăng 10,2%; diện tích rau an toàn đạt 60%.
Một số cây trồng hiệu quả kinh tế thấp có xu hướng giảm dần, được thay thế bằng
các diện tích cây ăn quả, rau hoa, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao hơn. Gia Lâm
cũng đã hình thành các vùng sản xuất rau an toàn (RAT) tập trung tại các xã Văn
Đắc, Lệ Chi, Đặng Xá, Đông Dư... Huyện Gia Lâm phấn đấu đến năm 2010, 100% diện
tích rau trên địa bàn đều được sản xuất theo quy trình RAT.
Về làng nghề: Huyện Gia Lâm tập trung nhiều làng nghề truyền thống như Bát
Tràng (sản xuất gốm sứ), Kiêu Kỵ (dát bạc, sơn son thếp vàng, đồ gỗ), Ninh Hiệp
(trồng và kinh doanh thuốc Bắc, buôn bán vải vóc)… Hiện nay, thôn Đình Vỹ, xã
Yên Thường đang nổi lên với một điểm đầu tư hấp dẫn của các doanh nhân.
Về văn hoá-xã hội: Trong 3 năm trở lại đây, đời sống của người dân huyện
Gia Lâm được nâng lên một cách rõ rệt. Năm 2008 đã có hơn 10.000 lao động của
huyện được tạo việc làm và có thu nhập ổn định; số hộ nghèo giảm còn 2,3%; xóa
xong nhà dột nát; 100% xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn; 22 trường học đạt
chuẩn quốc gia; 100% các đường liên thôn, xã được bê tông hóa.
Danh lam thắng cảnh
Trên địa bàn huyện Gia Lâm có 250 Di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 98
di tích văn hóa cấp quốc gia và thành phố, 8 di tích cách mạng được gắn biển
cách mạng kháng chiến gồm đền Phù Đổng, đền Bà Tấm, chùa Keo, chùa Kiến Sơ, miếu
Công Đình, đình Xuân Dục, Khu tưởng niệm Cao bá Quát, Khu tưởng niệm danh nhân
Lê Ngọc Hân.../.
(TTXVN/Vietnam+)