Áo đôi, du học malaysia, hài tết, ao len doi, bột yến mạch, nấm lim xanh, du hoc sing

VỀ THĂM ĐỀN GHÊNH HƯNG YÊN

" Đồn rằng hội Gióng vui thay

                        Vui thì vui thật không tày hội Ghênh

Hội Ghênh có đá " Thạch Sàng"

            Có sông tắm mát có quan trẩy về"

 

Đền Ghênh nằm ở thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đền được xây dựng vào năm Ất Mùi (1115), thờ Bà Hoàng Thái hậu Ỷ Lan - Người phụ nữ Việt Nam đã hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước.

 


 

Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến hay Lê Thị Khiết. Bà sinh ngày 7/3/1044 " vào đời vua Lý Thái Tông ", cha là Lê Công Thiết, mẹ là Vũ Thị Tỉnh.

Vua Lý Thánh Tông là người có tài chính trị, nhưng chuyện con cái lại hiếm muộn, đến năm 40 tuổi mà vẫn chưa có con trai, làm lễ cầu tự khắp nơi mà vẫn chưa được. Vì vậy nên nhà vua đi khắp các chùa chiền cầu khẩn để có người con trai nối ngôi sau này. Trước tài sắc của Ỷ Lan, vua đã có cảm tình sâu nặng. Nhà vua đã đón Ỷ Lan về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân.

 Quả nhiên vài năm sau Ỷ Lan sinh được con trai, khôi ngô tuấn tú tên là Lý Càn Đức " tức vua Lý Nhân Tông sau này ". Nàng được phong làm thần phi, sinh người con trai thứ hai là Minh Nhân Vương, bà được phong làm Nguyên Phi. Năm 1069, Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, giao cho Ỷ Lan giúp việc triều đình. Nhà vua đi đánh giặc mãi không được liền rút quân về đến Mạt Liên "thuộc Tiên Lữ ngày nay", vua được tin Ỷ Lan trị dân có phép tắc, bốn phương yên bình, rất được lòng dân, người dân gọi bà là Phật Quan Âm tái sinh. Lý Thánh Tông thấy thẹn với vợ bởi "Nàng từ chốn dân dã lên mà lại có tài như thế, ta đường đường là một trang nam nhi, há lẽ vô công". Nhà vua liền quay lại phương Nam quyết tâm đánh bại quân Chiêm Thành và chiến thắng trở về.

Năm 1072, nhà vua Lý Thánh Tông qua đời, Lý Càn Đức lên ngôi năm mới 7 tuổi. Ỷ Lan được phong là Hoàng Thái Phi, rồi Hoàng Thái Hậu. Bà cùng với Lý Thường Kiệt giúp vua nhỏ chăm lo việc nước, đánh tan quân nhà Tống.

Đất nước được hưng thịnh, thái bình, bà đi du ngoạn khắp nơi để tìm hiểu dân tình, cũng là để phát triển Phật giáo, xây dựng các chùa tháp. Sửa chữa nhiều hồ như hồ Bích Tri, Linh Thiểu, dựng tháp ở chùa Diên Hựu. Bà có công đưa ra nghi thức tắm Phật, thành tục lệ chung của nhân dân sau này. Là người có công lớn đưa ca múa dân gian vào cung đình, làm thủy lợi, phát triển nông nghiệp, theo Ỷ Lan đối với nhà nông thì con trâu là đầu cơ nghiệp và ra lệnh trong cả nước, nhà nào mổ trộm trâu thì bắt tội. Hàng xóm biết chuyện mà dung túng cũng phải tội. Nhân dân biết chủ trương này của bà là nghĩ tới nông dân, càng kính trọng và biết ơn Ỷ Lan.

Năm 1115 khi tuổi đã cao bà về lập đền, chùa ngay trên đất nhà cũ. Về bà đổi tên làng thành thôn Ngọc Kinh, xã Như Kinh, tổng Như Kinh để người dân nơi đây được hưởng mọi quyền lợi như người dân kinh đô. Bà chia cho mỗi làng xã trong tổng 100 mẫu ruộng, một mâm vàng, một mâm bạc để làm lễ hậu.

Bà qua đời ngày 25/7/1117, đời vua Lý Nhân Tông, triều đình làm lễ hỏa táng. Nhân dân và Phật đạo tuyên phong bà là "công lao của bà ví Như Lai xuất thế, đem lại sự sống cho nhân dân, làm thái hậu nhà Lý, có công đầu trong triều". Nhân dân thương tiếc thờ bà chung với các Phật.

Đền Ghênh được xây dựng năm Ất Mùi 1115, theo kiểu nội công ngoại quốc chia làm 3 phần tiền tế, bái đường và hậu cung, được trùng tu lớn năm Vĩnh Tộ thứ 2 - Canh Thân năm 1620. Ngôi đền tọa lạc trên thế đất đế vương rồng quỳ quy phục, có 9 bậc lên xuống bằng đá hoa cương hay còn gọi là cửu trùng. Hai bên có hai phỗng đá quỳ khoanh tay tượng trưng cho sự quy hàng của vua Chiêm Thành. Tiền tế kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái nhưng hiện nay chỉ còn phần móng là kiến trúc cổ, làm nơi tế lễ, biểu diễn văn nghệ. Hậu cung treo bức đại tự lớn " mẫu nghi thiên hạ". Tượng Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan được đặt trong kiệu sơn son thiếp vàng và có 6 vị nữ đứng hầu. Đền còn là nơi đóng quân chống thực dân Pháp, mít tinh của nhân dân. Thời phong kiến các quan thường vào tế lễ và chờ tại phiến đá Thạch Sàng.

Hàng năm lễ hội chính được tổ chức từ ngày 7/3 và ngày 25/7 âm lịch với sự tham gia đông đảo của nhân dân, để tưởng nhớ đến công lao to lớn của Ỷ Lan - người phụ nữ đầu tiên đã hai lần nhiếp chính, trị vì đất nước.

 

 

Nguyễn Huyền