Trang chủ PG Việt Nam Danh lam Giếng đá cổ chùa Báo Thiên của tin còn lại

Giếng đá cổ chùa Báo Thiên của tin còn lại

Đã đọc: 6674           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong bộ sách Những kỷ lục Việt Nam do Công ty Cổ phần Sách Niên giám Việt Nam (VIETBOOKS) và NXB Thông Tấn thực hiện đã ghi nhận: Giếng đá cổ nhất Việt Nam hiện nằm trong khuôn viên chùa Phúc Lâm, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Giếng đá này đã trên 600 năm tuổi và được các nhà khảo cổ học đánh giá là giếng đá cổ nhất Việt Nam hiện nay.

Sở dĩ có kết luận này, vì theo các nhà nghiên cứu: “chùa Phúc Lâm được thành lập vào năm 1224, thời nhà Lý, đến nay đã gần 800 năm. Đặc biệt, căn cứ vào các vết tích người xưa khi dùng dây kéo nước, trên thành miệng giếng hiện còn để lại những rãnh đá mòn lõm sâu, có thể đặt vừa cả ngón tay. Giếng đá cổ được xây bằng những tảng đá nguyên khối, phần cổ giếng được tạo bởi 2 khối đá cao 30cm, đường kính của giếng khoảng 80cm. Dưới bàn tay khéo léo tài tình của những người thợ xưa, giếng đá cổ được xây rất đẹp và vững chắc. Chính vì thế, qua thăng trầm của thời cuộc, giếng đá cổ vẫn tồn tại vững vàng như một biểu tượng về văn hoá, lịch sử của đất Hà Thành” (1).

Và điều này cũng đã được ông Chu Minh Khôi khẳng định lại trong bài viết “Những giếng chùa độc đáo”, đăng trên tạp chí Văn Hoá Phật Giáo số 22, ra ngày 15 tháng 11 vừa qua (2).

Để cùng trao đổi và góp phần xác định niên đại của những giếng đá cổ tại Việt Nam, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin về một giếng đá cổ khá độc đáo mà từ bấy lâu chúng ta đã vô tình bỏ quên: Giếng đá cổ chùa Báo Thiên.

Dưới triều vua Lý Thánh Tông (1054-1071), năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057), vua cho xây dựng chùa Sùng Khánh Báo thiên và bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên gần hồ Lục Thuỷ (hồ Gươm), bên ngoài thành Thăng Long. Suốt hai triều Lý-Trần gần 400 năm, chùa Báo Thiên là một ngôi quốc tự nổi tiếng của kinh đô Đại Việt. Thời thuộc Minh, năm 1426, tướng giặc Vương Thông với chủ trương phá hoại nền văn hoá bản xứ đã cho tiêu huỷ An Nam tứ đại khí (4 bảo vật của nước Nam): Đỉnh tháp Đại Thắng Tư Thiên, tượng Phật Quỳnh Lâm, chuông Diên Hựu (Quy Điền), vạc Phổ Minh, lấy đồng đúc khí giới chống lại nghĩa quân Lam Sơn.

Qua thời Lê-Nguyễn (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX), chùa Báo thiên luôn được trùng tu bảo tồn, là nơi cử hành các nghi lễ Phật giáo cầu cho quốc thái dân an mưa thuận gió hoà…

Năm 1883, thành Hà Nội bị thực dân Pháp đánh chiếm, sau đó Giám mục Puginier câu kết với Công sứ Bonnal và gian thần Nguyễn Hữu Độ chiếm đoạt chùa Báo Thiên để kiến tạo nhà thờ chính toà Hà Nội. Từ đó, một biểu tượng văn hoá của kinh đô Thăng Long, niềm hãnh diện chung của dân tộc Việt dần dần bị chìm vào quên lãng!

Năm 1985, nhân một chuyến tham quan Hà Nội, chúng tôi tình cờ bắt gặp ngôi giếng đá cổ ấy nằm trong ngõ của một nhà dân ở phố Nhà Chung, thuộc phần đất nhà thờ cho giáo dân cư trú lâu nay. Cuối năm 2002, khi ra Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc, chúng tôi một lần nữa quay lại tìm thăm giếng đá cổ, nhưng rất tiếc giếng đá đã bị người dân cho đổ cát lấp đầy. Lo ngại một di tích quý có thể vô tình bị phá huỷ, tôi và nhà báo Giao Hưởng có viết bài: “Cần bảo vệ một giếng đá cổ” (Phú Xuân – Tây Tạng, báo Thanh Niên số 288, ra ngày 14-10-2004) và bài: “Giếng cổ chùa Báo Thiên” (TĐS, nguyệt san Giác Ngộ, số 104, tháng 11-2004). May thay, sau hai bài báo ấy, các vị thẩm quyền của nhà thờ chính toà Hà Nội đã cho khai quật giếng cổ ấy lên, di chuyển vào đặt trước hang đá bên trong khuôn viên nhà thờ.

Nhận xét:

Sau khi được khai quật lên, chúng ta thấy giếng đá cổ gồm hai phần:

- Cổ giếng là một khối đá tròn, tạo dáng thắt cổ bồng như lư hương. Miệng giếng hơi bóp vào, đường kính lọt lòng 64cm. Phần thân dưới phình ra, chạm hoa hình cánh sen 2 lớp, đường kính phủ bì 88cm. Bên trong miệng giếng có rất nhiều rãnh mòn do người xưa dùng dây kéo nước tạo nên.

- Cổ giếng đặt khít khao trên một bệ đá tám cạnh nguyên khối. Bệ giật cấp phân ô, có chạm hoa văn rồng và mây ở gờ trên, hoa lá ở eo giữa, chân choải ra chạm đầu như ý (phần này trước đây bị chôn vùi dưới đất nên không thấy được). Chiều cao của giếng cổ là 60cm.

Khi so sánh giếng đá cổ chùa Phúc Lâm với giếng đá cổ chùa Báo Thiên, chúng ta thấy:

Về niên đại:

- Chùa Báo Thiên được kiến tạo dưới triều vua Lý Thánh Tông, năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057). Thời điểm này thuộc giai đoạn cực thịnh của triều Lý, đất nước Đại Việt phát triển toàn diện.

- Chùa Phúc Lâm xây dựng vào cuối thời Lý, năm 1224.

Về mỹ thuật:

- Giếng đá cổ chùa Phúc Lâm có hình thức đơn giản, phù hợp với cảnh chùa làng quê, dân dã.

- Ngược lại, với giếng đá cổ độc đáo của chùa Báo Thiên, ai cũng phải thừa nhận nó đạt đến trình độ kỹ thuật lẫn mỹ thuật rất cao, chưa có cái nào khác sánh bằng. Sở dĩ như thế vì đây là giếng đá của một ngôi quốc tự danh tiếng bậc nhất kinh đô. Chùa tháp Báo Thiên là đỉnh cao của mỹ thuật kiến trúc Phật giáo. Theo sử sách ghi chép, ngôi chùa này đặc biệt có rất nhiều tự khí, tượng thờ bằng đá to lớn tuyệt đẹp.

Thay lời kết:

- Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sắp đến, rất mong các cơ quan có thẩm quyền về văn hoá, tư tưởng; quý vị giáo phẩm lãnh đạo tôn giáo – Phật giáo, Thiên Chúa giáo; các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, mỹ thuật… cùng hợp tác, quan tâm đến giếng đá cổ chùa Báo Thiên, công nhận đây là một cổ vật thuộc hàng quốc bảo của nước ta cần được bảo tồn.

- Và mong sao, chúng ta sớm có kế hoạch di chuyển giếng đá cổ chùa Báo Thiên đến tôn trí ở một vị trí thích hợp, để vừa bảo tồn vừa để cho quần chúng nhân dân thuận tiện tham quan, chiêm ngưỡng. Hoặc đưa giếng đá cổ về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, bên cạnh các cổ vật bằng đá thuộc thời đại Lý – Trần.

Trải qua gần 1.000 năm, biết bao biến động lịch sử, ngoại xâm nội chiến, cuồng tín hận thù mà giếng đá Báo Thiên vẫn tồn tại, thật là điều kỳ diệu! Nó xứng đáng được vinh danh là cái giếng đá Việt Nam cổ xưa nhất, đẹp nhất, còn hoàn chỉnh nhất để làm biểu tượng văn hoá, lịch sử của vùng đất thiêng Thăng Long – Hà Nội.

Đó chính là “của tin” còn lại của cả dân tộc, chẳng của riêng ai…
Xin đừng để mai một mà có tội lớn với tiền thân và hậu thế.

(1) Xem tập 3, tr.12-13, VB.KLVN, 9-2004.
(2) Tạp chí Văn hoá Phật Giáo, số 22, ra ngày 15/11/2006, tr.13-14.

Tham khảo:
- Lịch sử Thủ đô Hà Nội (Trần Huy Liệu chủ biên, NXB Hà Nội, 2000).
- Hà Nội giai đoạn 1873-1888) (André Masson biên soạn, Lưu Đình Tuân biên dịch, NXB Hải Phòng, 2003).

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

Captcha

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập