VN Times -
Đại Phùng là một làng trong xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Nhưng trong tâm thức người dân vùng cửa ngõ phía tây Thăng Long này, vùng quê Đại Phùng có quy mô rất rộng lớn
Đại Phùng là một làng trong xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Nhưng trong tâm thức người dân vùng cửa ngõ phía tây Thăng Long này, vùng quê Đại Phùng có quy mô rất rộng lớn
Giếng làng đại Phùng
Trước lúc đặt chân đến Đại Phùng, tôi biết đến vùng đất này qua một câu cửa miệng ca tụng một món ăn cổ truyền ấy là "chả Chém nem Phùng". Quả thực, chả Chém tôi chưa có cơ may thưởng thức chứ còn món nem Phùng thị vẫn thường được ăn mỗi khi bạn bè văn chương ngẫu hứng mời ra các quán bia ở thị trấn Phùng mỗi lần về công tác ở huyện Đan Phượng. Nem Phùng mới độc đáo làm sao. Chỉ là thứ bì lợn, mỡ lợn, ngỡ tưởng cái thứ “râu tôm ruột bầu” ấy ai thiết gì dùng, vậy mà qua bàn tay khéo léo của người Phùng, cái bì lợn kia cạo sạch trần nước sôi chín tới cạo mặt trắng bong, thái sợi dài mỏng tang, trộn với mỡ lợn đã trần chín thái nhỏ hạt lựu, hai thứ ấy trộn đều với thính gạo tẻ ủ chua nắm thành thỏi nhỏ dài chừng 10cm quấn lần ngoài mảnh lá sung hay lá ổi, bọc lá chuối ngoài thỏi nem rồi dùng lạt kẹp đôi một- Cái thứ nem chua ấy từ đất Phùng đi tới các quầy, các quán ở Hà Đông, Hà Nội. Ăn miếng nem chua dậy lên vị bùi béo của mỡ lợn, sự giòn dai của bì lợn, cảm giác chua chua trong sự ngậy thơm ấm no của mùi thính gạo, hòa quện với vị thơm chua, thơm chát của lá sung hay lá ổi đã làm cho ai kỹ càng về sự ăn khôn nguôi nhớ đến nó mỗi lần nâng cốc bia lên miệng. Hóa ra ở đời cái gì đã đến sự khéo thì đều hấp dẫn, cái gì đá đạt sự tinh thì đều được người đời nhắc nhớ.
Và, tôi nhớ về một làng Phùng quê hương của cố nhà thơ Quang Dũng, một tài thơ của thi đàn Việt Nam qua những bài thơ nổi tiếng truyền chép trong sổ tay, nhất là bài thơ "Mắt người Sơn Tây" cứ vương vấn tôi mỗi lần tới xứ Đoài:
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây.
*
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Vê núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc
Sáo diều khua khoắt thổi đêm trăng.
Nhà thơ Quang Dũng
Để đến hôm nay, tôi lạc vào Đại Phùng thôn. Làng nằm sát chân đê, rộng và dài, to và lớn, cái tầm cỡ của một làng ven thị thời đổi mới với tên xưa cha ông từng gọi Đại Phùng. Bây giờ phố thị đã chuyển ra phía mặt đường lộ chính nối Sơn Tây với Hà Nội, cách làng chừng vài trăm mét. Thế nhưng, xa xưa vài đời người, vào thời nhà bác học Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục, cuối thế kỷ XVIII, có đoạn viết: "Xã Đại Phùng huyện Đan Phượng ở vào chỗ xung yếu, vừa thủy vừa lục, là nơi tụ họp đông đúc của người buôn bán". Phải chăng vì nằm vào chỗ xung yếu nên làng có tên là Đại Phùng. Tôi đã đi dọc triền con đê Đáy ôm phía Tây làng để cảm nhận cái làng Đại Phùng xưa án ngữ con đường lộ ngược lên các huyện miền thượng của xứ Đoài, án ngữ một cửa sông lớn. Trong ký ức của người dân còn nhắc nhớ đến một phố bến sầm uất, nhộn nhịp thương thuyền thuở nào, khi cửa sông Hát còn mở thông với sông Hồng bốn mùa dạt dào nước chảy.
Cái khó quên khi tới Đại Phùng là đây đó quanh làng những rặng dừa vươn cao, xòe những tán lá xanh bươn bả cùng gió. Cũng thật lạ ở huyện Đan Phượng này những làng chạy dọc theo đê Đáy từ Yên Sở (làng Giá) qua Dương Liễu, Thu Quế đến Đại Phùng cư dân ở đây lại rất mến chuộng những cây dừa. Nhà sử học Trần Quốc Vượng trong một bài viết của mình đã dẫn giải rằng những cây dừa ở vùng Sấu, Giá như một ghi nhận về dân tộc học cái thời những tù binh Chăm bị bắt dưới thời Lý Thái Tông và đưa về quản thúc ở miền tây kinh thành Hà Nội. Gần nghìn năm đã trôi qua những tốp tù binh Chăm hẳn là đã bị hòa huyết, Việt hóa hoàn toàn chỉ để lại chút ít thôi bóng dáng văn hóa cội nguồn qua tập tục và thờ cúng. Tôi đã tiếp xúc với người Đại Phùng, rõ ràng có một bộ phận thổ âm nặng hơn so với dân các làng kề cạnh. Tôi đã gặp một giếng nước cổ cạnh đình Đại Phùng, phía dưới kè đá, phía trên là hai thớt tròn liền khối bằng đá ong chồng khít lên nhau giống như giếng ở vùng Giá mà như giáo sư Trần Quốc Vượng viết: các nhà khảo cổ cho đấy là giếng cổ kiểu Chăm. Tôi cũng đã gặp những gia đình, khoảng 30% trong số 600 hộ, làm những miếu thờ kiểu cây hương lộ thiên ở phía ngoài nhà. Tôi cũng đã được cụ Tạ Đăng Viêm kể cho nghe rằng ngày tế lễ thành hoàng làng, dân chúng có làm loại bánh cuốn, loại bánh ấy, ngoài là xôi giã dẻo, nhân bằng chè kho (đậu thắng với mật) nhưng bọc lá dừa ở ngoài, một kiểu bánh quen thuộc của người Chăm.
Thế là rõ, yếu tố văn hóa Chăm hiện diện đây đó trong sinh hoạt thường nhật của người Đại Phùng. Cũng là phải lẽ, Đại Phùng là phố thị, trên bến dưới thuyền, nơi ấy tất cộng cư của nhiều nhóm người, tất có giao lưu của nhiều yếu tố văn hóa đương đại trong vùng cho nên người Chăm hòa huyết với người làng Phùng bản địa, trở thành một đại gia đình cùng chung sống trong một làng nhờ thế làm phong phú bản sắc văn hoá của làng Đại Phùng.
Con đường gạch khang trang, sạch đẹp dẫn tôi vào đình Đại Phùng. Làng mạc Hà Tây trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nhất là các cuộc chiến tranh mang tính hủy diệt thì còn lại được ngôi đình như đình Đại Phùng thật hiếm. Đình khá lớn, toàn bằng gỗ xoan, 4 cột cái ở gian giữa to đến hai người ôm. Đình xây dựng vào thế kỷ 17, cách nay hơn 300 năm, cửa trông thẳng về phía núi Tản Viên. Có được hiện diện ngôi đình Phùng như hôm nay, tôi không thể không nói tới thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có ý kiến quý báu vào những năm 60 khi người ta định dỡ bỏ ngôi đình trong tình trạng đình bị xuống cấp nghiêm trọng cùng nhận thức ấu trĩ về di sản văn hóa của thời phong kiến. Điều đáng nói là trong đình còn bảo lưu những bức chạm gỗ công phu phản ánh rõ tinh thần của thời đại bấy giờ.
Theo các nhà nghiên cứu mĩ thuật, thế kỷ 17 ở làng xã Việt Nam tưng bừng không khí xây dựng những ngôi đình lớn. Cũng bởi đất nước trở lại yên bình sau nhiều năm cát cứ xung đột đẫm máu giữa các tập đoàn phong kiến, tình hình chính trị ổn định, kinh tế phục hồi trên đà phát triển, văn hóa dân tộc nhờ đó có điều kiện phục hưng. Tinh thần dân tộc, yếu tố văn hóa dân gian trong bối cảnh bấy giờ đã thâm nhập vào các công trình văn hóa ở làng xã. Dấu ấn của văn hóa dân gian lộ rõ trên các tác phẩm nghệ thuật ở đình Đại Phùng. Cảnh đấu vật rất sinh động qua các bức chạm từng cặp đôi trai khỏe mạnh đóng khố cởi trần đang gắng sức thi tài. Ở một số vì kèo khác có một đôi trai gái đứng xem hội, người con trai quàng tay qua vai người con gái ngón tay vô ý lần tìm dài yếm ngực. Thật độc đáo là bức chạm tượng tròn ở đầu dư vì kèo phía phải gian giữa. Khối tròn hình búp hoa đặc tả cảnh hai cô thôn nữ nửa kín nửa hở đang tắm ở ao sen. Một cô lộ cả hai bầu vú căng tròn người ẩn trong vòm sen. Một cô "tắm tiên" tay hờ hững dùng cánh lá sen khéo che phần dưới. Phía trên là các cụ già làng với thú uống rượu thưởng hoa sen nở, thưởng cả vẻ đẹp tuyệt vời của mĩ nhân với quan niệm “ở đời có trăm thứ hoa không có hoa nào đẹp bằng hoa con gái”. Kề liền là con chó, vật nuôi thân thuộc với mỗi gia đình đang quấn quít mừng vui. Tác phẩm tượng tròn ở đình Đại Phùng ấy thêm một chứng cứ để tôi tìm ra yếu tố mĩ thuật tượng tròn trong văn hóa Chăm ở vùng đất cửa sông Đáy này.
Đặc sắc hơn cả của mĩ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ 17 ở đình Đại Phùng là tổng thể bức chạm vì kèo và cồn phía phải mặt tiền gian giữa ngôi đình. Anh Minh Nhương trưởng phòng văn hóa huyện Đan Phượng, một người Đại Phùng thuyết minh cho tôi biết rằng đó là bức chạm diễn tả lại cảnh ông tiến sĩ vinh quy bái tổ về làng. Đây hình ảnh múa rồng và người dẹp đám. Đây hai người đóng khố vác cờ. Đây người mặc quần áo dài ôm đàn đáy gợi ta nghĩ tới dàn nhạc bát âm. Sau đấy là ông tiến sĩ cưỡi trên mình con ngựa bên cạnh có người cầm cán lọng che đầu. Có người cầm phách tre gõ nhịp, có người đang múa xênh tiền ... Các nét chạm đi sâu mô tả các kiểu dáng của nét mặt từ đó thể hiện niềm hứng khởi của hội rước chứ không đặc tả con mắt. Phía sau đám rước có ba mẹ con, người mẹ tay cầm nhạc cụ như quả chuông, tay kia dắt em bé bế em nhỏ. Phụ trợ cho trung tâm bức chạm ở vòng trên xuất hiện cụ già chống gậy đi ra từ ngõ, một đôi trai gái co chân đá cầu, trên cái nền rồng bay phượng múa là đôi trai thanh gái tú ôm chầu quả và cảnh 2 ông già uống rượu say túy lúy, cạnh đấy là cô tiên nữ giương đôi cánh cưỡi trên đầu rồng sà xuống múa vui. Sự tươi vui được thể hiện ở bức chạm con mèo phởn râu, miệng ngoạm một con cá to đầy miệng với niềm vui mãn nguyện.
Tôi cũng không thể không nhắc tới một bức chạm gỗ khác ở góc trái vì kèo giữa, phía trong ngôi đình, người nghệ sĩ dân gian đã đặc tả những trai tráng khỏe mạnh, nét mặt tự tin đang đưa hài cốt tổ phụ táng vào huyệt là hàm con rồng. Trên đó là nàng tiên xòe cánh chim, gương mặt bầu bĩnh, nhân hậu như khích lệ con người tìm đến với cõi tiên.
Thế đó, dấu ấn của xã hội đương thời thế kỷ 17 phản ánh khá rõ qua các tác phẩm điêu khắc gỗ ở đình Đại Phùng, một thời thịnh đạt, cởi mở về tư tưởng. Tam giáo cùng đồng hành xâm nhập vào làng xã. Người Đại Phùng tràn đầy niềm vui rước đón một nhà Nho hiển vinh đỗ đại khoa về làng. Người Đại Phùng lại rất tin vào một cuộc sống thần tiên của đạo Lão, tìm thú vui thanh tao ở chốn hương đồng cỏ nội, sống hòa nhập với tự nhiên để "khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên". Người Đại Phùng đã mang tất cả những tinh hoa văn hóa của làng để hòa nhập qua một sinh hoạt hội có ca hát, có âm thanh của các nhạc cụ, có đánh vật, múa rồng, đá cầu, rước xách và dâng lễ. Chính cái đó đã làm phong phú bản sắc văn hóa làng Đại Phùng. Chính cái đó đã khẳng định văn hóa làng Đại Phùng không hề bị đóng kín mà luôn luôn theo xu hướng mở. Mở nhưng không đánh mất mình, mở để tiếp nhận và không ngừng phát triển.
Các cụ Đại Phùng dẫn tôi sang thăm chùa. Tôi sửng sốt khi được biết chùa mang tên: chùa Tam Giáo. Lạ chưa đã gọi là chùa hẳn phải thờ Phật, vậy mà chùa Đại Phùng lại là nơi hội nhập của cả ba thứ đạo lớn. Ký ức mách bảo trước đây trong chùa thờ cả ba giáo chủ: Khổng Tử (đạo Nho), Thái Thượng Lão Quân (đạo Giáo), Đức Thích Ca (đạo Phật). Không rạch ròi đạo nào hơn đạo nào. Mỗi đạo đều có cái hay, cái chưa hay. Cái nào hay, hợp cốt cách gia cảnh của mỗi người thì người đó chọn học và thi hành. Cái chưa hay thì bỏ quá. Lúc này tôi mới thấu hiểu hơn về hai chữ Đại Phùng nơi gặp gỡ lớn của những dòng chảy lớn. Hẳn là chùa Đại Phùng đã có rất sớm từ thời Lý để thờ Phật, sau này nội dung thờ phụng bị thay đổi cho phù hợp với thời thế khi mà sự tín ngưỡng độc tôn không đủ mạnh ngự trị ở làng xã nữa. Chùa Tam Giáo bảo lưu mộ bia đá làm vào thời Mạc ghi công đức của Tướng quân Mạc Ngọc Liễn và công chúa Mạc Ngọc Lâm bỏ tiền ra tu sửa chùa và một quả chuông thời Lê có 6 vú làm năm Chính Hòa 8 (1687).
Trở lại ngôi đình Đại Phùng, xem ngọc phả, tôi biết rằng: đình thờ Thành hoàng, tên là Vũ Hùng. Truyền rằng, ông là người Hải Dương làm quan to trong triều Trần Nghệ Tông. Vốn là tướng tài giỏi thủy chiến, nhà vua cử ông về xây đồn lũy ở đất Đại Phùng giữ vùng xung yếu ngã ba cửa sông Hát phía Tây thành Tháng Long. ông có công lớn đẹp giặc rợ Cao xâm lấn biên cương đất Đại Việt khi chúng theo đường sông kéo về kinh đô. Ông chủ huy các chiến thuyền như những mũi tên lao vào phá tan đội hình hùng mạnh của chiến thuyền giặc. Sau ngày ông mất dân làng Đại Phùng ngưỡng mộ lập đền thờ. Người làng nói với tôi rằng, đình thờ tướng Vũ Hùng chính là đại bản doanh khi xưa của ông. Ký ức về các địa danh còn lưu truyền đến hôm nay. Như khu đất gần đình có tên là Xích Hậu nơi ở của quân cấm vệ chủ tướng Vũ Hùng. Trước cửa đình có ao tên gọi là ao Công Đường. Kề liền có khu đất Hậu Cung. Quanh đình có các địa danh xóm Nha Môn giành người phục dịch ở, ngõ phủ đi ra cửa Đoài, cổng Cấm nơi để quân lương, ngõ Sắt để khí giời, ao Bành Khánh để chủ tướng nghỉ ngơi, ao Đồn ở trước cửa chùa...
Hội xuân làng Đại Phùng tổ chức lớn vào ngày 18 tháng giêng để tưởng niệm công đức vị Thành hoàng làng, tướng Vũ Hùng. Tuy nhiên đó là ngày chính hội còn ngày hội đã được khai mở từ ngày 12 tháng giêng với một diễn xướng lấy nước từ ở giếng Quán Cả rước về đình làng để bao sái long ngai bài vị và tế thần. Diễn xướng này không chỉ riêng làng Đại Phùng làm mà cả thảy 8 làng cùng cộng cư trong vùng là các làng: Đại Phùng, Phượng Trì, Đoài Khê, Đông Khê, Thụy Ứng, Thái Thượng, Thu Quế, Thuận Thượng trong cùng một tổng Đan Phượng thượng mà dân gian nôm na gọi là tổng Phùng có 8 làng Phùng.
Ngược dòng ký ức xa xưa hơn, người Đại Phùng cho biết 8 làng Phùng ấy có chung một vị thần thờ tên là Tích Lịch Hỏa Quang - một vật thể tự nhiên hiện thân là luồng ánh sáng chiếu từ trên trời xuống rồi hóa thân thành vị thần chữa dịch bệnh cho cả vùng. Giếng Cả có quán Cả lập ra để thờ thần Tích Lịch Hỏa Quang. Giếng Cả nằm ở địa phận làng Đông Khê, nước rất trong, theo quan niệm cửa dân, cả tổng Đan Phượng xưa gồm 8 làng chịu nhờ ân phúc của giếng này. Họ coi nguồn nước ở giếng này là sữa mẹ, chỗ khởi nguồn ban đầu, từ đó chia ra các làng, do vậy, ngày 12 tháng giêng, 8 làng phải tổ chức tế lễ biết ơn nguồn nước đó và nhận lấy nguồn nước thiêng liêng ấy về tế lễ ở làng mình. Như vậy, giếng Cả là biểu tượng của sự hướng về cội nguồn của các làng trong tổng Phùng. Dưới con mắt dân tộc học, tập tục tế thần Tích Lịch Hỏa Quang và rước nước của các làng Phùng đã ánh xạ một tập tục cầu mưa của người Việt cổ. Thần tự nhiên Tích Lịch Hỏa Quang chính là ánh chớp sau khi tích tụ điện năng đã phát sáng gây tiếng sấm mang nước đến cho cư dân nông nghiệp, là một trong 4 vị tứ pháp của người Việt cổ (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Thần Tích Lịch Hỏa Quang là Pháp Điện khởi đầu của sự mưa. Giếng Cả chẳng qua là nguồn nước mưa. Rước nước giếng Cả là báo ân nguồn nước mưa do Pháp Điện làm ra theo tư duy của người Việt cổ. Do vậy, tục thờ Tích Lịch Hỏa Quang và rước nước từ giếng Cả về đình tế lễ của người Đại Phùng đã cho ta hiểu biết thêm về một tục cổ vốn có xa xưa ở làng.
Chưa phải đã hết những điều lý thú trong tổng Phùng ấy, còn hai trò lạ nữa mà Đại Phùng là một trong những làng có nghĩa vụ tham gia. Trò thứ nhất: ném đá vào dịp đầu xuân năm mới. Hàng năm hễ đến ngày mồng 2 tới mồng 6 tết, 8 làng Phùng chia làm 2 phe, 4 làng Phùng trên 1 bên, 4 làng Phùng dưới 1 bên, họ ném đá vào nhau trước cánh đồng Quán Cả. Lạ thay, các cụ bà cũng rất nhiệt huyết nhặt đá xếp đống tiếp đá cho trai đinh ném. Họ ném nhau thật sự, bên nào thua bị ném đuổi vào tận giữa làng. Nhỡ ai đó có bị đá ném phải chảy máu, xây xát mặt mày, coi vô sự, người ném không can hệ gì. Sau ngày mồng 6 việc nắm đá chấm dứt 4 làng trên và 4 làng dưới mới đi lại thăm hỏi nhau. Họ coi tục ném đá là tục hèm phải làm thế mới vui, mới may. Cắt nghĩa tục này tác giả Nguyễn Thị Bẩy viết bài “Mấy tục lệ trong lễ hội của người Việt” (1) có lý giải tục ném đá ở xã Hương Sơn (Mĩ Đức) vào ngày mồng 6 tết hình thức tương tự ném đá ở tổng Phùng cho tục ấy “gắn với vòng quay thời gian”. Tác giả giải thích "Hiện tượng này không xuất phát từ mâu thuẫn mà coi là một sự trao đổi sinh khí để phá vỡ cái cân bằng trí tuệ của thời hỗn mang, mong cho sự chuyển đổi, làm sinh bừng lên một cuộc sống no đủ”.
Tôi cho rằng: trong tư duy của người Việt cổ khi quan sát hiện tượng dẫn tới mưa thấy bầu trời diễn ra một khoảng thời gian xung khắc, các đám mây tích điện ùn ùn kéo ngang dọc bầu trời như những đội quân xung trận, rồi sấm chớp nổi lên, kết cục là mưa. Phải chăng tục ném đá ở tổng Phùng là một hành động mô phỏng cuộc xung đột điện năng thông qua các khối mây để đến ngày 12 tháng giêng cả tổng tế "thần chớp” ở Quán Cả và rước nước ở giếng Cả ánh xạ tín ngưỡng cầu mưa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Trò thứ hai là đánh đạp, được người dân tổng Phùng tổ chức vào các đêm tuần rằm tháng 8 âm lịch, khoảng mồng 10 đến 20. Trò này cứ 2 người 1 cặp, 1 người làm cột tựa để người kia bíu vào dồn sức đạp vào đối phương theo một tuân thủ nhất định của kĩ thuật đạp. Dĩ nhiên đạp vào người rất đau đòi hỏi mỗi bên phải nhanh tay, nhanh mắt, khéo léo né tránh và chớp thời cơ tấn công. Đây là trò diễn chưa phải dễ gì lần tìm về cội nguồn ban đầu. Sự hiện diện của trò đánh đạp đã làm phong phú thêm những sinh hoạt văn hóa của làng Đại Phùng.
Trên cái nền văn hóa ấy, con người Đại Phùng cũng mang những nét rất riêng.
Tôi còn biết tới người Đại Phùng rất sớm qua trí tò mò về một câu ca dao:
Đại phùng nói khoác đổng đời
Phượng Trì nối khố ăn chơi đủ vành!
Đoài Khê là đất hiền lành
Đông Khê lớn bé tập tành xay đâm
Lại có chuyện kể rằng, xưa làng Đại Phùng có tục tụ tập các trai làng tổ chức thi nói khoác, ai nói khoác giỏi thì được thưởng. Ở Hà Tây có đến 1280 làng, nay mới thấy có một làng khuyến khích cái sự nói, nói sao cho khéo, cho hấp dẫn, cho thiên hạ cả cười đâu phải dễ. Có sự hào hoa, rộng rãi trong cách nói năng thì thật quý hiếm. Đó chẳng phải là văn hiến sao. Có rất nhiều chuyện “nói khoác đổng đời” ở làng Đại Phùng, tôi chỉ xin dẫn hai câu chuyện nhỏ để bạn đọc hiểu thấu về mẹo nói khoác có lý tài tình của người làng Đại Phùng:
Đồ chín chõ xôi
"Lúc đó có một anh chàng cứ thập thò ngoài cửa, quan liền hỏi:
Làm sao nhà ngươi không vào mà lại đứng đấy!
Anh ta liền đi vào khép nép thưa.
Dạ thưa quan ! Hôm nay nhà con có cái giỗ lụi (giỗ nhỏ), con phải đồ chín chõ xôi nên ra chậm, quan tha cho.
Nhà ngươi có mấy người ?
Dạ nhà con có 5 người ạ!
Nhà ngươi có 5 người mà đồ những chín chõ xôi thì nhét vào mắt à?
Dạ thưa quan! Con phải đồ cho chín chõ xôi, chứ ai lại cúng xôi sống ạ !
Quan nghe có lý, khen hay.
Xin chiếc áo quan
Nghe xong chuyện, quan khen chuyện nào nói khoác cũng có lý liền phán rằng:
Ta sẽ ban thưởng cho tất cả các anh đã nói khoác. Các anh muốn gì cứ nói !
Một chàng trai bước lên thưa.
Bẩm quan! Chúng con chỉ xin quan mỗi người một chiếc "áo quan".
Quan tròn xoe mắt ngạc nhiên:
- Các ngươi còn trẻ cả, đã chết đâu mà xin áo quan.
- Dạ thưa quan ấy là chúng con muốn xin chiếc áo của quan chứ không phải quan tài đâu ạ!
Quan nghe đến đây vừa thán phục, vừa tiếc của, nhưng đã hứa rồi đành phải gọi thợ may, may cho mỗi người một chiếc áo gọi là áo quan".
Điều đáng nói là tuy ở nơi thị tứ, phố chợ nhưng người Đại Phùng rất trọng sự học. Một làng văn hiến không thể không có những người hiền tài. Tôi từng nghe hai đến ba đời trong một gia tộc có người đỗ tiến sĩ nhưng được đến bốn năm đời kề liền đỗ đại khoa thì thật hiếm. Sự hiếm ấy đã xuất hiện ở Đại Phùng với dòng họ Tạ Đăng ba đời tiến sĩ, một đời tạo sĩ. Đại Phùng có nhiều họ đông đinh là họ Tạ và họ Bùi. Họ Bùi thiên hướng kinh doanh sản xuất giỏi, nhiều người giầu có, góp phần làm cho làng Đại Phùng ấm no, bề thế. Họ Tạ Đăng giỏi sự học, nhiều người đỗ đạt mang tiếng thơm cho làng. Tục ngữ có câu "Quan họ Tạ, kẻ cả họ Bùi". Người làng giải thích truyền tiếng của hai dòng họ bằng một câu chuyện để mả dí dỏm như sau, truyền rằng ở hương Đại Phùng xưa có ông hương trưởng họ Bùi cùng ông hương phó họ Tạ ra đê thăm nước, đốc thúc canh phòng. Hai ông gặp một cụ già thường tới quán nước đầu làng hỏi han. Biết là nhà địa lý phong thủy hai ông đón về tiếp đãi chu đáo. Ít thời gian sau ông cụ trả ơn chi dẫn cho hai người hai nơi đất, một ngôi phát phú, một ngôi phát qúy. Ông hương trưởng nhà đông người ít ruộng, thiếu thốn luôn, xin kiểu đất phát phú. ông hương phó nhận kiểu đất phát quý. Hai ông cùng đặt mộ tổ vào ngôi đất đã nhận. Quả nhiên, vài năm sau, dòng họ Bùi làm ăn thịnh đạt có ruộng cả, ao sâu, trâu dong, bò dắt. Ông hương phó nóng lòng chờ đợi chưa thấy nhà mình phát quý đâm ngờ vực, vợ chồng bàn nhau đào mộ xem cao. Khi đào gần tới nồi đựng hài cốt thì thấy đất kết ấm tay vội lấp lại sửa lễ tạ. Ngay sau đó gia đình ngày càng sa sút, thiếu thốn đủ đường may được người con là Tạ Đăng Đệ thông minh từ nhỏ thi đỗ sinh đồ được bổ dụng làm quan nhỏ. Phải đến đời sau mới công thành danh toại.
Cho dù họ này giầu có, họ kia đỗ đạt sang trọng, không vì thế mà đánh mất tình làng nghĩa xóm với nhau. Quan niệm của cha ông người Đại Phùng là các họ cùng cộng cư, mỗi người trong họ một việc góp sức để làm giầu có cái làng mình cả về vật chất lẫn tinh thần. Do vậy, người họ Tạ đỗ tiến sĩ đấy không phải chỉ là niềm vui của một họ mà là niềm vui của trăm họ trong làng. Tác phẩm mĩ thuật chạm gỗ ở đình Đại Phùng mô tả cảnh náo nức cả làng đi đón ông tiến sĩ, há chẳng phải phản ánh tâm lý đó sao ? Không có tâm lý ấy, bảo sao bức chạm ấy, lại được thể hiện ở ngôi đình, tài sản chung của các họ làng Phùng.
Ông tiến sĩ đầu tiên của làng Đại Phùng và cũng là ông tiến sĩ khai khoa của dòng họ Tạ là Tạ Đăng Vọng. Ông thi Hội khoa Quý Hợi, 40 tuổi đỗ đệ tam giáp tiến sĩ, năm Chính Hòa 4 (1683) đời Lê Hy Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Có lẽ đình Đại Phùng được khởi dựng sau thời ông Tạ Đăng Vọng đỗ tiến sĩ.
Noi theo gương cha, 17 năm sau con trưởng ông Tạ Đăng Vọng là Tạ Đăng Huân học rất giỏi, đỗ đầu thi hương (ông là học trò quan Thái Tể Nguyễn Quý Đức người xã Thiên Mỗ (Từ Liêm) thày dậy thế tử Trịnh Giang), “29 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa 21 (1700) đời Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Lễ bộ Hữu thị lang". (3)
Và rồi 60 năm sau, Tạ Đăng Đạo con thứ 4 của Tạ Đăng Huân, học trò Phạm Đình Hổ tác giả của cuốn "Vũ trung tùy bút" nổi tiếng, lại thi Hương đỗ đầu, "30 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 21 (1760) đời Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Lễ khoa cấp sự trung." (4) Sau khi ba đời họ Tạ đỗ tiến sĩ, vua Hiển Tông đã cảm kích ban cho đôi câu đối:
Dịch âm:
Lịch triều tử tước công hầu bá
Kế thế đăng khoa phụ tử tôn.
Dịch nghĩa:
Trải các đời vua đều được phong tước công, hầu, bá
Kế tiếp các thế hệ đỗ đại khoa từ cha đến con, cháu.
Ông Tạ Đăng Đạo làm quan vào thời cuối Lê - Trịnh. Xã hội nhiễu nhương nên con đầu ông là Tạ Đăng Liêm bỏ văn theo nghiệp võ chuyên nghiên cứu binh pháp, trận đồ, tập luyện đường gươm thế võ. Tạ Đăng Liêm dự thi trường võ và đỗ tạo sĩ tương đương tiến sĩ ngạch văn.
Theo con đường ngõ gạch, tôi vào thăm nhà thờ họ Tạ Đăng. Ngôi nhà thờ khiêm tốn giữa một vùng làng phương trưởng về kinh tế. Đọc một vế câu đối trong nhà thờ biết đất này vốn là nhà cũ của quan ngự sử tiến sĩ Tạ Đăng Vọng, người khai khoa của dòng họ. Chính giữa nhà thờ là bức đại tự "Tổ đức tuấn liệt" (Đức nghiệp tổ tiên thật là to lớn). Một đôi câu đối cổ treo ở phía trong:
Dịch âm:
Tứ thế nguy khoa thân trụ liên huy cực phả
Cửu truyền thu bảng thi thư trường dẫn gia khương
Dịch nghĩa:
Bốn đời vinh hoa văn tiếp võ rạng ngời phả cũ
Chín đời khoa cử kinh sách thông lầu nổi phúc nhà
Thế là đủ rõ sự vinh hiển của dòng họ Tạ Đăng ở làng Đại Phùng đến nhường nào. Cho tới hôm nay làng văn hiến Đại Phùng vẫn là nơi hội nhập những yếu tố văn hóa tốt đẹp ở mọi nơi để làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa của quê hương. Những truyền thống tốt đẹp ấy đã được các thế hệ trân trọng giữ gìn và phát huy tác dụng trong cuộc sống. Làng ngày một giầu có, nhiều người làm kinh tế giỏi. Truyền thống hiếu học đâu chỉ trong họ Tạ mà còn thịnh đạt ở nhiều họ khác nữa. Các họ sống gắn bó với nhau cùng mang tài sức của cải bảo tồn những di sản văn hóa quý giá của cha ông như giữ gìn ngôi đình cổ, xây dựng đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp, duy trì những sinh hoạt cộng đồng lành mạnh để Đại Phùng xứng đáng là một làng văn hiến tiêu biểu của huyện Đan Phượng. Những nét văn của làng Đại Phùng gây ấn tượng mạnh mẽ, níu giữ bước chân tôi.
T.S.Nguyễn Hữu Thức
Nguồn vanhien.vn