• SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG - Đ/C SỐ 74 Đ. NGUYỄN THỊ LƯU - P. NGÔ QUYỀN - TP. BẮC GIANG
Liên kết

 

 

 

Thông kê truy cập
  • Tổng số lượt: 1057583
  • Số người đang xem: 20
  • Trong ngày: 2057
  • Trong tuần: 35860
  • Trong tháng: 1057536
  • Trong năm: 1057583
Trang chủ

Chùa Lèo

( 14:53 | 05/09/2012 ) Bản để inGửi bài này qua Email

 

Trong hệ thống di tích khởi nghĩa Yên Thế, chùa Lèo là di tích khá đặc biệt và còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn những giá trị xưa liên quan đến của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Ngôi chùa nằm bên cạnh trục đường giao thông quan trọng (xưa là đường mòn nhỏ trong rừng từ năm 1909 thực dân Pháp mở đường từ Nhã Nam qua cửa chùa Lèo vào Phồn Xương) nối khu căn cứ Phồn Xương với phủ Lạng Thương nay là đường 398, lại ở vị trí cửa ngõ trạm tiền tiêu của khu căn cứ Phồn Xương và các đồn lũy của nghĩa quân Yên Thế. Chùa Lèo được gọi theo tên làng Lèo thuộc xã Hữu Xương, tổng Hữu Thượng, phủ Yên Thế xưa nay thuộc xã Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Ngôi chùa nằm bên cạnh trục đường 398 cách thành phố Bắc Giang khoảng 25 km về phía Tây Bắc. Từ thành phố Bắc Giang, theo tỉnh lộ 398 hướng Bắc Giang –Cầu Gồ khoảng 25km là tới di tích. Cách thứ hai, từthành phố Bắc Giang ngược theo trục quốc lộ 1A (mới), khoảng 20km, đến ngã tư thị trấn Kép (Lạng Giang), rẽ trái theo đường 292 khoảng 15km tới trung tâm thị trấn Cầu Gồ rẽ trái tiếp theo đường tỉnh lộ 398 khoảng 2km nữa là tới di tích chùa Lèo.

Chùa Lèo xưa được xây dựng trong quần thể di tích liên hoàn cổ kính gồm đình và chùa theo lối liên kết “tiền thần hậu Phật” đình trước chùa sau, tất cả tọa lạc ở khu rừng đồi Lèo nhìn về hướng Nam. Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Thời kỳ khởi nghĩa Yên Thế những năm 1897-1909 chùa Lèo cùng nhiều các công trình văn hóa tôn giáo tín ngưỡng khác trong vùng được Đề Thám rất quan tâm cho tiền tu bổ tôn tạo làm nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của nghĩa quân Yên Thế và nhân dân địa phương. Trải qua thời gian quần thể di tích này không còn được nguyên vẹn như xưa, cổng tam quan, ngôi đình trước chùa không còn nữa, nay chỉ còn lại ngôi chùa tọa lạc ở vị trí xưa trên đồi Lèo, xã Phồn Xương, huyện Yên Thế. Khuôn viên di tích rộng, đẹp cổ kính hơn bởi các cây xanh cổ thụ như cây đại, cây dã hương...

Bình đồ kiến trúc ngôi chùa hiện nay hình chữ công gồm tòa tiền đường 5 gian 2 chái, nhà cầu 3 gian và tòa thượng điện 1 gian hai chái. Phần kiến trúc khung vì mái bằng gỗ lim chắc chắn, hệ thống các vì mái được liên kết theo kiểu chồng rường giá chiêng. Các cấu kiện kiến trúc được chạm khắc các đề tài hoa lá đơn giản nhưng còn đượm màu thời gian cổ kính. Trong chùa bài trí hệ thống tượng Phật đầy đủ theo dòng Trúc Lâm, các tài liệu, hiện vật ở chùa như bia đá, bát hương cổ thời Nguyễn, hệ thống tượng Phật, các cây cổ thụ trong di tích...đều có giá trị lịch sử văn hóa.

Phong trào khởi nghĩa Yên Thế nổ ra 1884 các khu đồi rừng được nghĩa quân Yên Thế sử dụng làm đồn lũy, đình chùa làm trạm tiền tiêu, là cơ sở qua lại của nghĩa quân. Chùa Lèo nằm gần khu đồn Hố Chuối cách khoảng 1km về hướng Đông. Trong những lần đánh nhau với nghĩa quân Yên Thế ở đồn Hố Chuối (1890-1891) chùa Lèo là các chốt điểm đóng quân của Pháp để làm bàn đạp chỗ dựa tấn công vào đồn Hố Chuối. Chùa Lèo là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với nghĩa quân Yên Thế. Thời kỳ hòa hoãn lần thứ hai giữa nghĩa quân Yên Thế với thực dân Pháp (1897-1909) chùa Lèo vẫn giữ vai trò vị trí tiền tiêu, quan sát các bước xâm nhập của thực dân Pháp vào khu căn cứ Phồn Xương. Là điểm liên lạc thư từ, qua lại thường xuyên của nghĩa quân. Chùa cũng là nơi đón tiếp khách, nơi tụ họp của những nghĩa quân yêu nước. Do vậy trong thời gian này chùa Lèo rất được Đề Thám quan tâm, cho tiền tu bổ tôn tạo.

Cũng tại chùa Lèo đã xảy ra một chuyện đi vào truyền thuyết dân gian, nói lên tinh thần cảnh giác cao độ của Hoàng Hoa Thám. Thời kỳ thực dân Pháp muốn thương lượng hòa ước với nghĩa quân Yên Thế, nhưng nội bộ chúng còn nhiều mâu thuẫn. Để giải quyết một vấn đề còn giàng buộc với nghĩa quân, người đứng đầu tỉnh hẹn với Đề Thám cùng đến hội kiến ở một địa điểm gần Phồn Xương. Địa điểm ấy được ấn định là chùa Lèo. Hai bên không mang theo vũ khí. Quân tùy tùng ở lại phía sau. Trước hôm gặp, viên đại lý Pháp đến ngủ ở chùa Lèo, Đề Thám ngủ ở trong làng đó…Sau khi trăng lặn khoảng nửa đêm, trong rừng có những tiếng lao xao, chú ý lắm mới thấy. Mười hai người lính lặng lẽ bò qua cây rừng rậm rạp tiến về túp nều nơi Đề Thám đang nằm. Sớm hôm sau ở ngoài chùa tất cả mọi người đều tề tựu đông đủ. Người ta nhìn nhau khắc khoải đợi chờ. Chẳng thấy dấu hiệu gì cho thấy Đề Thám đã bị ám hại, người ta đành chia nhau đi tìm. Trên bãi cỏ bên làng, dưới chân lô cốt đã thấy 12 xác lính được xếp nằm cạnh nhau. Xác viên đội nằm ngoài cùng, một lưỡi dao cắm trên ngực cùng với tờ hòa ước. Còn các xác khác bàn tay chắp lại ôm một mảnh gỗ có đề chữ “phản”. Sau vụ này, Đề Thám đã cho dán khắp nơi bản tố cáo của nghĩa quân về sự phản bội của bọn giặc Pháp…

Xưa chùa Lèo có nhà sư ở, về cái chết của Hoàng Hoa Thám còn có câu chuyện truyền thuyết liên quan đến vị sư trụ trì chùa Lèo. Đến năm 1913 nghĩa quân Yên Thế đã tan rã dần, Đề Thám lui về ở ẩn náu trong các khu rừng Yên Thế chờ dịp phát động gây dựng lại phong trào. Thời gian này thực dân Pháp tung tin trước dư luận đã giết được Đề Thám, chúng đem ba cái đầu để ở Nhã Nam và cho rằng trong đó có đầu của Đề Thám để mọi người đến nhận mặt. Nhưng thực tế mọi người lại cho rằng đó không phải là đầu của Đề Thám mà là đầu của nhà sư chùa Lèo. Không biết thực hư nhưng qua chi tiết đó cũng đủ thấy sự gắn bó mật thiết giữa Hoàng Hoa Thám với nhà chùa. Và truyền thuyết thì vẫn cho rằng nhà sư chùa Lèo đã chết thay cho Đề Thám.

Chùa Lèo là nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nghĩa quân Yên Thế và đông đảo nhân dân địa phương trong các ngày tuần rằm mồng một. Ngôi chùa còn là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương từ xưa tới nay. Hội lệ nằm trong không gian văn hóa chung của lễ hội Phồn Xương -Yên Thế được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 dương lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi văn hóa, thể thao dân gian mang nét sắc thái riêng của miền đất núi rừng Yên Thế như lễ rước bát hương về khu căn cứ Phồn Xương, nghi thức tế lễ, các trò chơi đu, đấu vật, thả chim, thả diều, thi cưỡi ngựa bắn tên, bắn nỏ, hát sli, hát lượn của đồng bào các dân tộc.... Trong ngày sự lệ còn có nghi lễ cầu siêu cho các linh hồn của nghĩa quân Yên Thế  đã tử trận vì dân vì nước.     

Là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, di tích chùa Lèo là một trong 23 di tích và cụm di tích thuộcHệ thống di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế ở Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Đồng Ngọc Dưỡng

 

;?>