Sở Giáo dục và Đào Tạo Bến Tre

Nhà giáo Võ Trường Toản - Cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ

Email In PDF.
Kỷ niệm 220 năm ngày mất nhà giáo Võ Trường Toản (27/7/1792 - 27/7/2012): Nhà giáo Võ Trường Toản - Cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ
Người viết: Bùi Chương   
25/07/2012

(bentre.gov.vn)-Tìm hiểu từ tư liệu bằng chữ hán "Đại Nam Nhất Thống Chí" có ghi: Tổ tiên Võ Trường Toản có nguồn gốc từ miền Trung, Việt Nam, rồi di cư vào Nam theo làn sóng chung, được khởi phát mạnh mẽ kể từ năm 1623. Đây cũng là năm mà người Việt chính thức vào xứ Đồng Nai, Gia Định lập nghiệp. Và địa chí Bến Tre cũng ghi lại: Võ Trường Toản là người huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, không ai rõ năm sinh, không rõ gốc gác, chỉ biết cụ là một nhà nho lớn, một nhà giáo đức độ tài ba, lỗi lạc ở miền Nam, Việt Nam ở thế kỷ 18.

Về tiểu sử của cụ được đại thần Phan Thanh Giản tóm tắt trong một bài văn bia chữ Hán, soạn vào năm Đinh Mão (1867) được tạm dịch như sau: "Tiên sinh họ Võ, húy Trường Toản. Đời trước hoặc nói là người Thanh Kệ (Quảng Đức), hoặc người Bình Dương (Gia Định), trước theo nghiệp cùng ai chưa biết rõ. Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật và có thuật nghiệp thâm uyên, thông đạt. Ở ẩn mở trường dạy học, thường học trò đến mấy trăm người. Ông Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Bậc thượng hạng có các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tĩnh.... Bậc danh sĩ có ông Chiêu, ông Trúc đều ẩn dật. Ngoài ra, không kể hết được...".

Các học trò ấy của cụ thời bấy giờ có những người nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định được gọi là "Gia Định tam gia thi" và đều gặp hồi phong vận, thời trung hưng, cả thảy đều nên công nghiệp lớn trong đời.... Đạt được kết quả ấy bởi cụ Võ có cách dạy học rất  khoa học.

Ai cũng biết cụ Võ Trường Toản là một nhà nho, nhưng cụ không rơi vào lối dạy máy móc, giáo điều của nho học lạc hậu, cổ hủ. Cụ chủ trương, lấy lối học "Nghĩa lý để giáo hóa". Khi giảng với học trò về sách Đại học, một sách trong Tứ thư, cụ nói rõ: "Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tán ra gồm vô số sự vật, tóm lại còn 200 chữ, tóm nữa thì còn một chữ, tóm lại nữa một chữ cũng không". Đại ý cụ căn dặn học trò cần thấu triệt nội dung của cuốn sách, chứ không nên học vẹt từng câu, từng chữ, cách dạy ấy thường gọi là “Tri ngôn dưỡng khí”, tri ngôn là hiểu lời, còn dưỡng khí là nuôi dưỡng khí phách, muốn có được khí phách phải tập nghĩa, tức là làm việc nghĩa, cống hiến hết mình cho nghĩa lớn.

Cũng theo sử sách ghi lại, trong thời chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh, cụ ẩn dật nơi quê nhà, từ chối mọi điều ban phát, không tham gia vào chính sự. Cụ ẩn dật là không ra làm quan cho cả Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn hay với bất cứ chính quyền nào khác, nhưng cụ không ẩn dật với xã hội. Cụ đã mở trường dạy học hàng trăm học sinh, nhiều người đã đổ đạt làm quan lớn, nhiều người chỉ học để sống cho có đạo lý. Song, tất cả đều là "Hào khí Đồng Nai", và hào khí ấy đã được Võ Trường Toản hun đúc cho người đương thời và còn tồn tại mãi mãi về sau. Những nho sĩ tiết tháo thuộc thế hệ sau như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân,... đều đã chịu ảnh hưởng về đạo đức, học phong, sĩ khí của nhà giáo Võ Trường Toản, nên đã giữ tròn tiết tháo khi nước nhà bị xâm lược.

Võ Trường Toản còn là một nhà thơ, nhưng những trước tác của cụ gần như bị thất lạc toàn bộ, trong tàn thư chỉ còn lưu giữ một bài phú "Hoài cổ" duy nhất 24 "đối câu". Với bút pháp cổ điển - những điển tích, hình ảnh đều lấy từ Trung Hoa - tác giả bài phú muốn ký thác vào đó tâm sự cùng quan niệm về đời, về người, cùng những gì mà cụ đã chứng kiến trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Thông qua bài thơ, tác giả muốn "ôn chuyện cũ" để giáo huấn người đời "lòng nhân nghĩa". Với cụ trong sự thăng trầm, biến đổi xã hội, chỉ có lòng nhân nghĩa mới là cái trường tồn đích thực. Bởi vậy, con người phải quyết tâm gìn giữ. Từ tư cách, đức độ ấy, người cùng thời tặng cho thầy Võ Trường Toản danh hiệu "Gia Định sùng đức xử sĩ" quả là không ngoa chút nào.

Cụ Võ Trường Toản mất ngày mùng 9 tháng 5 âm lịch năm Nhâm Tý (nhằm 27/7/1792) tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, Phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và được an táng tại địa phương trên. Hay tin ông mất, Chúa Nguyễn cảm mến, tiếc thương, ban từ hiệu là "Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh"  (nghĩa là bậc xử sĩ Võ Tiên Sinh, người Gia Định, sùng về đức độ), để ghi vào bia mộ. Và để tưởng nhớ công đức của thầy, học trò cũ của ông có đôi liễn tưởng niệm:

"Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử

Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong".

Dịch

"Lúc sống dạy dỗ được người, không con mà như có

Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn".

Dù không phải là học trò của Võ Trường Toản, nhưng Phan Thanh Giản hết lòng kính trọng Võ Trường Toản  như thầy, luôn tưởng nhớ tới đức độ cao dày của cụ, nên khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay giặc Pháp (1862), Phan Thanh Giản không muốn hài cốt của bậc danh nhân nằm trong vùng đất bị giặc chiếm, đã cùng với Nguyễn Thông (đốc học Vĩnh Long), Hiệp trấn thành An Giang - Phạm Hữu Chánh, cũng nhiều sĩ phu yêu nước khác bàn việc cải táng hài cốt cụ Võ Trường Toản.

Ngày 28/3/1867, năm Tự Đức thứ 18, hài cốt của cụ Võ Trường Toản được rước về cải táng tại làng Bảo Thạnh, thuộc tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Di hài vợ cùng ấu nữ cũng được cải táng cạnh mộ của cụ. Mộ của cả ba xây theo hướng Đông - Bắc ngó về Tây Nam, xây dựng theo dạng voi phục. Khu mộ nằm trên một gò đất cao ráo, trong khuôn viên thoáng rộng, có cây che bóng mát, chung quanh mộ được trồng nhiều loại cây như đào, vẹt,... tạo nên cảnh quan thanh thoát, vừa trang nghiêm, vừa tươi mát nhẹ nhàng, hài hòa giữa công trình và cảnh quan thiên nhiên.

Cụ Võ Trường Toản không ra làm quan nên đại khái không thấy được sự nghiệp, nhưng công dạy dỗ, giáo dục của ông vẫn còn sống mãi với người đời qua nhiều thế kỷ cho đến ngày nay. Khi nhắc đến cụ, các nhân sĩ trí thức, các nhà nghiên cứu đều gọi Võ Trường Toản là "Cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ".

Do những công lao to lớn của cụ Võ Trường Toản đối với dân tộc và đất nước trong sự nghiệp giáo dục, nơi yên nghỉ của cụ tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận "Di tích Mộ Võ Trường Toản" là di tích cấp Quốc gia vào ngày 24/01/1998.

Mặc dù Võ Trường Toản không phải là người sinh trưởng tại làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, nhưng hài cốt của cụ và cả gia đình đều được đất đai và người dân Bến Tre nói chung và Bảo Thạnh nói riêng đã ấp ủ, bảo bọc từ bao đời nay. Mỗi năm đến ngày giỗ của cụ, chính quyền và nhân dân địa phương đến viếng, dâng hương rất đông. Ngoài ra, còn có nhiều đoàn khách khắp nơi đến viếng, tỏ lòng tôn kính bậc danh nhân. Năm 2012, các cấp ngành của tỉnh ta sẽ tổ chức kỷ niệm 220 năm ngày mất của cụ vào sáng ngày 26/7/2012 tại khu “Di tích Mộ Võ Trường Toản” tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri.

Hiện tại, khu di tích này đã được trùng tu tôn tạo và xây dựng mới thêm 01 đền thờ, bên trong có đặt tượng thờ cụ Võ Trường Toản. Còn nhà thờ mái cong hai tầng, trước đây là nơi thờ cụ, nay được mở rộng làm điểm tiếp đón khách thập phương đến viếng thăm, tưởng nhớ, tôn kính tài năng và đức độ một người thầy của bao lớp thầy. "Vạn thế sư biểu", "Kẻ sĩ Gia Định", "Sùng đức xử sĩ"... là những danh hiệu mà dân Nam Bộ dành cho tặng cho cụ, điều đó để nói lên lòng tôn kính, ngưỡng mộ, tự hào về một người thầy đã làm rạng danh cho xứ sở này.