Mộ phần của học giả Trương Vĩnh Ký đang xuống cấp
Cổng trước khu mộ phần của học giả Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Hải Minh |
Theo tư liệu gia đình, khu mộ phần này được xây dựng trước khi Trương Vĩnh Ký mất (năm 1889) tại Chợ Quán, Sài Gòn, nay là nhà số 520, Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM. Mộ được xây dựng ngay tại sinh phần của dòng họ, nơi có hơn 50 ngôi mộ.
Bên cạnh khu mộ là ngôi nhà cổ với kiến trúc ba gian hai chái truyền thống. Bên trong có treo bức hình chụp cả nhà họ Trương trong ngày chôn cất cụ Trương Vĩnh Ký. Trên nóc nhà còn khắc dòng chữ ghi thời gian xây dựng ngôi nhà: "Decembre 1889". Theo con cháu cụ Trương hiện vẫn còn sinh sống tại đây, ngôi nhà này là do đích thân cụ Trương Vĩnh Ký chỉ huy xây dựng. Đây cũng là nơi cụ sống và làm việc vào những ngày cuối đời.
Trong một tác phẩm biên khảo về Trương Vĩnh Ký, ông Phan Thứ Lang có viết, khu lăng mộ Trương Vĩnh Ký là công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn xưa. Ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa các trường phái kiến trúc Đông - Tây, kim - cổ. Cổng vào lăng mộ được xây theo kiến trúc đình, chùa phương Đông với cổng Tam quan. Nhưng trên nóc cổng lại có gắn một cây Thập giá của đạo Thiên chúa. Giữa cổng có khắc hàng chữ La tinh: "Miseremini mei saltem vos acimic mei" (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi) như là một ước nguyện cuối đời của học giả họ Trương.
Trong cuốn Vietnam Records Books có ghi Trương Vĩnh Ký là nhà báo Việt Nam đầu tiên. Ông là người hiếu học có tiếng, ngay từ bé đã thông thạo chữ Hán, Quốc ngữ. Lớn lên, ông trở thành một học giả lớn, thông thạo 26 ngoại ngữ phương Tây và phương Đông. Ông còn là tác giả của hơn 100 bộ sách, hàng nghìn bài viết, có chân trong nhiều hội khoa học quốc tế, cống hiến xuất sắc cho các chuyên ngành: văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, nhân chủng học… Đương thời, Trương Vĩnh Ký là 1 trong 18 nhà bác học trên thế giới. |
Lăng mộ của cụ Trương Vĩnh Ký còn đặc biệt ở chỗ được xây bằng với mặt đất. Bên dưới chôn cất 3 quan tài. Mộ phần của học giả họ Trương nằm chính giữa. Bên trái là mộ của Trương phu nhân, bà Vương Thị Thọ. Bên phải là mộ phần của người con trai trưởng. Sau hơn một 100 năm, mộ của học giả họ Trương nói riêng và toàn khu nghĩa trang gia đình nói chung đang ở trong tình trạng xuống cấp, cỏ dại mọc đầy. Những tấm gạch bông lát mặt mộ bị bong tróc lỗ chỗ, sứt mẻ, trơ cả cốt. Mái vòm khu mộ cháy sém do đã trải qua khói lửa chiến tranh. Các câu liễn khắc hai bên cửa mộ thì được sơn phết lại lòe loẹt, phản cảm.
Tại ngôi mộ của ông Trương Vĩnh Danh (một người họ hàng của Trương Vĩnh Ký), chiếc thánh giá cắm trên mộ bị gãy lìa rơi xuống nằm chỏng trơ bên cạnh mộ phần. Một góc nghĩa trang nối liền với sàn bếp. Ngay sau lưng một ngôi mộ còn được tận dụng để làm... toilet. Mùi hôi bốc lên cả một góc nghĩa trang. Lỉnh kỉnh thau chậu, chén dĩa, nước rửa chén nằm chõng trơ bên cạnh những ngôi mộ của dòng họ từng được xem là danh giá bậc nhất Sài Gòn.
Giải thích về sự xuống cấp của khu mộ, ông Trương Vĩnh Tấn, cháu 4 đời của cụ Trương Vĩnh Ký, nói: "Đời nào giàu sang không biết, nhưng đến đời chúng tôi là gia cảnh đã sa sút cùng cực. Hiện nay, tất cả chi tiêu của gia đình đều trông cậy vào xe nước giải khát bán ven đường. Mồ mã ông bà ngay đó nhưng một năm mới quét tước một lần. Thời gian mưu sinh thôi cũng đủ vất vả còn đâu thời gian coi sóc đến mồ mã!".
Gia đình ông Tấn cho biết, nhiều thày giáo lão làng của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (xưa vốn là ngôi trường danh tiếng Sài Gòn Trương Vĩnh Ký - hay còn gọi là trường Pétrus Ký) đã rất ngạc nhiên phát hiện mộ phần của cụ Trương Vĩnh Ký được chôn cất ở đây. Hằng năm, vào ngày lễ tạ ơn Thánh của Thiên chúa giáo (1/11), ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11), các thày vẫn thường dẫn các học sinh đến đây để viếng mộ ông. Và không ít người rất ái ngại khi thấy phần mộ đang xuống cấp.
Ông Phạm Hữu Mí, cán bộ Phòng quản lý di tích Sở Văn hóa - Thông tin cho biết, hiện nay khu mộ phần và nghĩa trang dòng họ Trương vẫn chưa được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử của thành phố. Vì thế, vẫn không có mặt trong diện được trùng tu của Sở. Theo ông Mí, nguyên nhân chính là thành phố có quá nhiều di tích cần ưu tiên sữa chữa, tôn tạo. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về thân thế và sự nghiệp của vị học giả lỗi lạc này. Đây cũng là rào cản trong việc xét phong di tích này vào danh sách những hạng mục di tích văn hóa lịch sử của thành phố.
Hải Minh