Hà Nội : Hoang phế Trung Liệt miếu

TP - Hồi âm sớm nhất bài báo Tiếng cu gù dọc đường Nguyễn Tri Phương trên TPCT số mới đây là ông bạn đồng khóa, TS, Viện Phó Viện Hán Nôm Nguyễn Công Việt.

Tam quan Trung Liệt miếu
Ông mời tôi đến Viện chơi... Sau một tuần trà, ông thủng thẳng rủ tôi tản bộ một đoạn ra gò Đống Đa, cách Viện non hai trăm mét. Trèo lên gò chỗ tam quan cổng vào đền ông chỉ cho tôi chữ cộng mà tôi lầm ra chữ vọng trong vế đối ở cổng đền Trung Liệt. Nguyên tác là Vi nhật tinh vi hà nhạc thập niên tâm sự cộng thanh thiên( Nọ trời sao, nọ sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh) cộng thâm hậu khoát đạt hơn là vọng!

Nắng đầu đông hươm vàng trên những tàn cây quần tụ sum xuê trên đỉnh gò. Không xa dưới chân gò là đường Đặng Tiến Đông ăn thông với đường Nguyễn Lương Bằng ầm ào người xe nhưng trên mặt gò, lạ thay khá yên tĩnh. Dường như bụi lẫn tiếng ồn đã được những tán cây như thứ phễu vô hình tinh lọc.

Một tốp trẻ, áng chừng là sinh viên đang ríu rít chụp ảnh. Mà đúng thế. Đó là các cháu sinh viên trường công nghệ. Ông TS bạn tôi bắt chuyện với một đứa ngó kháu khỉnh rồi hỏi gò này là gì theo khẩu khí của chương trình Theo dòng lịch sử trên tivi. Bất đồ cô ta đọc luôn một đoạn trong sách giáo khoa hình như lớp 3... Ngổn ngang xác giặc phơi xương thành gò/ Mồng 5 Tết trận thắng to/ Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân... Tôi thì cười khen còn ông TS mặt nhăn lại... Câu chuyện sau đó chuyển làn giữa hai chúng tôi.

Như ông TS cho hay, ông đã lĩnh hội được ở các bậc túc nho lẫn thày học truyền lại cho rằng, mạch đất phong thủy xứ Thăng Long này không phẳng lì mà ngày trước có gò có đống hẳn hoi. Linh khí thường hay quần tụ chỗ những gò đống ấy. Núi Nùng chính là một huyệt mạch là thứ án, tựa như chỗ dựa như tay ngai chở che điện Kính Thiên. Gò Đống Đa đây cũng là một thứ án phía Tây Bắc kinh thành. Tại những nơi ấy thường có miếu mạo.

Chính vì thế, miếu Trung Liệt vốn được xây dựng năm Chính Hòa thứ 6 đời vua Lê Hy Tông (năm 1685) tại thôn Trung Phường, xã Yên Hòa, huyện Thọ Xương (chỗ phố Nguyễn Khuyến bây giờ) thờ các công thần tiết liệt với nhà Lê. Thoạt đầu miếu thờ tuẫn nạn đệ nhất công thần Lê Lai, một trung thần cứu Bình Định Vương Lê Lợi sau này là vua Lê Thái Tổ. Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng, vua lại ngự giá cùng bá quan văn võ đến miếu Trung Liệt tham bái tưởng niệm.

Đến thế kỷ XIX, miếu Trung Liệt được di rời đến gò Đống Đa này. Miếu được phối thờ các tấm gương quan võ triều Nguyễn đã bỏ mình vì nước đặc biệt là các công cuộc bảo vệ kinh thành Thăng Long.  Đó là bài vị lão tướng Nguyễn Tri Phương cùng người con trai, tướng Nguyễn Lâm bỏ mình trong trận Pháp công phá thành Hà Nội lần thứ nhất tháng 11/1873. Đó là Hoàng Diệu, Thượng thư Bộ Binh, Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình). 

Năm 1882, quân Pháp đánh thành Hà Nội, Hoàng Diệu trực tiếp lên mặt thành chỉ huy quân cự địch. Với thế mạnh có đại bác và cách đánh quân ta chưa bao giờ gặp, quân Pháp đã tràn vào thành. Biết không giữ được thành, ông đã đến hành cung viết tờ di biểu gửi vua Tự Đức rồi đến Võ Miếu thắt cổ tự tử. Tấm gương tiết liệt của Hoàng Diệu đã được người Thăng Long phụng thờ. Bài vị của người anh hùng ấy cũng được đặt chính tại miếu Trung Liệt này.

Đó là Trương Quốc Dụng, Thượng thư Bộ Hình từng lập nhiều chiến công khi làm Hải Yên Thống đốc quân vụ. Năm 1864, trong trận dẹp giặc ở Quảng Yên ông bị hy sinh. Bài vị của Trương Quốc Dụng cũng được thờ ở Trung Liệt miếu.

Đó là Đoàn Thọ từng giữ chức Thự Đô Thống Chưởng phủ Quân lĩnh thị vệ đại thần triều Nguyễn đã lập nhiều chiến công dẹp giặc mạn Cao Bằng. Khi làm Thống đốc Bắc Kỳ quân vụ trấn giữ Lạng Sơn, ông đã bỏ mình trong một trận đánh.

Đó là Nguyễn Cao, người Bắc Ninh từng làm Bố chánh Thái Nguyên. Khi Pháp đánh Bắc Kỳ, ông đã tụ tập nghĩa quân kháng cự quyết liệt. Sau khi triều đình ký hiệp ước với Pháp, ông cho giải tán nghĩa binh còn mình lui về  dạy học ở Kim Giang, Ứng Hòa nhưng vẫn bí mật liên hệ với phe kháng chiến để chống đánh Pháp. Năm 1887, Pháp dò la bắt được Nguyễn Cao. Khi bị bắt, trước mặt quân thù ông đã dùng tay tự chọc thủng bụng rồi móc hết ruột ra để tỏ lòng trung kiên bất khuất. Quân Pháp vội đưa ông đi cứu chữa với ý đồ mua chuộc nhưng ông đã nhịn ăn nhịn uống và cắn lưỡi tự vẫn!

Và người được đưa vào thờ ở Trung Liệt miếu có lẽ hơi muộn mãi đến năm 1946 là người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung! Người ta hay nói đến khí thiêng sông núi. Khí thiêng ấy đã thể hiện qua khí phách của những nghĩa sĩ anh hùng. Sự tử tiết của các đấng ấy đủ biểu dương sinh lực của dân Việt. Thờ tự tức là dạng phô bày  những tấm gương nghĩa khí trung kiên cũng là một cách duy trì sinh lực của dân tộc.

Khi tôi gặng hỏi đến cái nhăn mặt thoáng qua hồi nãy của ông TS thì ông chẳng nói chẳng rằng kéo tuột tôi đi xuống gò. Chúng tôi đang đứng ở cổng chùa Đồng Quang đối diện với cổng chính vào Trung Liệt miếu. Cái lệ muốn vào gò Đống Đa và khu di tích có bức tượng Quang Trung là phải đi qua cổng này và qua Trung Liệt miếu. Nhưng không biết tự bao giờ, lệ ấy đã bỏ.

Khách thăm ít khi qua cổng chính ở đường Nguyễn Lương Bằng (Tây Sơn trước kia) này mà theo cái cổng ngách, bây giờ cũng là cổng chính phía đường Đặng Tiến Đông. TS Nguyễn Công Việt chỉ vắn tắt rắng  chùa Đồng Quang như một minh chứng cho sách giáo khoa nọ đã có sự lầm lẫn chi đó...

Sau buổi đi vãn chùa với TS Nguyễn Công Việt, tôi về tra lại cuốn  Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng ở Việt Nam ( NXB Thông tin năm 1999) thì ở trang 242 có chép về Đồng Quang tự như thế này: Theo tấm bia dựng năm 1856 niên hiệu Tự Đức thứ 9 thì khoảng niên hiệu Thiệu Trị (1840-1847) Tổng đốc Hà Nội là Đặng Vân Hòa sai thu hài cốt người tử trận Đống Đa (năm 1789) thành 12 gò và làm thành mộ điện. Năm Tự Đức thứ 4 (1851) khi làm đường thấy còn nhiều xương cốt người ta đắp thêm một gò mộ thứ 13 và dựng thêm 4 gian nhà nữa tức là chùa Đồng Quang.

Năm Bính Tuất niên hiệu Đồng Khánh, Tri huyện Thọ Xương cho cải tạo lại chùa Đồng Quang làm hai tả, hữu. Năm 1915, nhà sư trụ trì chùa cho trùng tu xây cổng. Hiện chùa chia làm hai phần: Chùa thờ Phật và tự đàn. Chùa kiến trúc theo hình chữ công gồm tiền đường và 5 gian bờ nóc đắp hổ phù đội tòa sen. Hai đầu hồi đắp rồng hướng vào nhau, thượng điện 3 gian. Từ đàn hình chữ nhị thờ người chết trong trận Đống Đa.

Bây chừ ngồi gõ những dòng này, thốt nhiên nhớ lại lúc vãn chùa cứ thấy lành lạnh lẫn rờn rợn thế nào!? Chao ôi xương cốt của bên này lẫn bên kia đang quanh quất đâu đây có thể là chỗ tháp kia hoặc ngay dưới nền nhà những hộ dân từ lẩu lâu đã vào quần cư sít sịt bên cạnh chùa? Cái cây bồ đề của chùa chắc rườm rà lẫn lụ khụ bởi đứng trên mặt gò bên kia chiếu sang thấy những nhành lực lưỡng vươn lên nhưng sang bên này tầm mãi chả thấy gốc đâu vì nhà dân đã che chắn hết! Thôi thì xương cốt ở nơi nao chả hay, nhưng may còn có gian tự đàn kia, các vong chắc ấm áp đỡ bơ vơ vì thể nào nhà chùa lẫn khách thập phương cũng chăm nom hương khói? Xin tất tật phù hộ cho quốc thái dân an trong thời buổi kinh tế thị trường đầy bát trắc lẫn biến động này.

Điều đặc biệt là trong chùa có một gian thờ Hoàng đế Quang Trung khá khang trang. Có phải vì thế không nên mãi đến ngày 27/12/1990 chùa mới được xếp hạng di tích lịch sử?

Khi trở lại mặt gò tôi tò mò hỏi TS Việt rằng  bài vị các bậc tiết liệt hiện đang ở đâu? Tôi thấy TS trân trân nhìn xuống mặt cỏ vốn bị quần nát trong tiết đông này cái giống thảo mộc ấy trông càng rầu rĩ hơn. Cái thứ nhàu nhĩ ấy lan xa đến chân một hòn đá để (chắc là cẩu từ nơi khác đến) chỏng chơ trên đó có một bát hương chi chi chít những chân hương cũ mới.

Trên mặt đá vạc ra một câu của vua Quang Trung đánh cho dài tóc đánh để đen răng. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ. Càng ngắm càng đâm phục những ai đó phải làm cái việc vệ sinh trên mặt gò chắc phải gan lẫn liều và tận tâm lắm? Những mảnh túi nilon các màu các cỡ giăng bừa bãi trên mặt gò. Rồi lác đác những bãi mìn kia không thể là giống cẩu đột nhiên cất công leo tận đỉnh gò này được! Chúng tôi kinh hãi ngó thấy mấy cái xơ ranh vứt chỏng chơ bên cửa tam quan. Chắc phải cố gắng lắm, những nhà chức việc mới không biến một nơi vắng vẻ từng linh thiêng này trở thành một bãi rác?

Chúng tôi đang đứng trên cái nền ngày nào còn đang nguy nga một tòa miếu. Nói ngày nào là cách gọi khác đi của cái thời quá khứ gần. Cái thời nông nổi mà một tòa miếu nguy nga ngót hai trăm năm linh thiêng phút chốc trở thành bình địa. May thay mà còn cái tam quan khá bề thế kia.

Tôi tự dưng giật thột khi nghĩ đến cái dinh thự nổi tiếng một thuở một thời ngay sát sạt bên đây. Đó là dinh thư của quan Kinh lược Bắc kỳ Hoàng Cao Khải! Có phải mà cái thời nông nổi ấy người ta trút cơn giận lên mọi thứ có liên quan? Nhưng ông TS đã xua tay, Trung Liệt miếu không dính dáng chi đến dinh thự họ Hoàng. Có thể cái thế  thổ trạch lẫn phong thủy của gò miếu Trung Liệt phần nào để Hoàng Cao Khải vững tâm mà dựng ấp Thái Hà lẫn việc xây khu mộ phần bằng đá nhưng tít xa gò miếu đằng sau ấp chứ không chình ình ngay sát gò miếu thiêng này. Và trong thời gian làm quan Kinh lược Bắc Kỳ, Hoàng Cao Khải đã cho bồi trúc thêm gò, xây sửa cho Trung Liệt miếu khang trang.

Vì còn sót lại cái tam quan khá bề thế kia mà bây giờ hậu thế đâm ngẩn ngơ bởi từ đó suy ra tầm cỡ hoành tráng cũng như nội thất  linh thiêng từng lưu giữ bài vị của các bậc tiết liệt trong Trung Liệt miếu. Tam quan ví như thương hiệu của một quốc tịch vậy?

Tôi ngó lại một vế đối gần nóc tam quan minh họa cho sự hoành tráng linh thiêng ấy.Nhất thủy niêm thiên dư thắng địa/ Bán sơn ủng miếu độc cao đài.

Kỳ II: Nghĩ đến một Võ Miếu Việt

Video đang được xem nhiều

Cùng chuyên mục

Xem thêm Phóng sự

Mới - Nóng