Phật viện Đồng Dương nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam; cách thành phố Đà Nẵng 65km về phía Tây Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 40km về phía Tây Bắc.
TỪ TRONG LỊCH SỬ VÀNG SON
Năm 875 dưới triều vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều Laskmindra Lôkesvara Svabhyada. Phật viện Đồng Dương tồn tại gần 600 năm (từ năm 875 đến sau năm 1301) trải qua bao thăng trầm lịch sử với nhiều cuộc chiến tranh tương tàn.
Đây là trung tâm Phật giáo của vương quốc Chămpa. Qua các tài liệu nghiên cứu khoa học và di chỉ khảo cổ cho thấy Đồng Dương là khu di tích tiêu biểu vào bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa và cả khu vực Đông Nam Á, với những tu viện và đền thờ Bồ Tát bảo hộ cho vương triều, nằm kế tiếp nhau chạy dài suốt 1330 mét theo hướng từ Tây sang Đông. Trong đó, khu đền thờ chính nằm trong vành đai hình chữ nhật, dài khoảng 300 mét, rộng 240 mét, có diện mạo:
1. Nhóm phía Đông: Chỉ còn lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là tự viện Phật giáo (Vihara). Ngôi nhà dài này có mặt bằng hình chữ nhật với hai hàng cột song song theo trục Đông Tây, mỗi hàng có 8 cột xây bằng gạch, mái nhà có bộ khung gỗ và lợp ngói. Trong khu vực này có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, được chạm trổ nhiều hình người và hoa văn rất tinh tế. Phía trên bệ thờ là một pho tượng Phật Thích Ca rất lớn, ngồi trên ghế, hai bàn tay để trên đầu gối, kiểu giống như vua Chămpa ngồi trên ngai vàng, hai chân buông xuống, Phật khoác áo choàng phủ bên vai phải buông xuống cổ tay, đầu của pho tượng Phật này đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet (Pháp), chiếc đầu trên pho tượng hiện nay ở Bảo tàng Chămpa Đà Nẵng được làm bằng đất sét, không giống với nguyên bản.
Trong khu vực này còn tìm thấy một số tượng Dharmapala (những vị thần bảo vệ giáo luật của đạo Phật) ở trên những bệ đá cạnh hai hàng cột gạch. Hiện nay tại Bảo tàng Chămpa Đà Nẵng đang trưng bày nhóm 3 tượng ký hiệu 3.5, 3.6, 3.7, gồm 2 pho tượng ngồi theo kiểu Java và một pho tượng đứng theo kiểu lệch hông. Những pho tượng này có gương mặt hơi nặng nề, lông mày giao nhau, cánh mũi lớn, bộ ria mép rậm trên đôi môi dày, bộ râu quai nón được tỉa ngắn. Đầu đội Mukuta có 2 tầng, được trang trí 3 đóa hoa lớn hình lá đề, đeo đôi hoa tai lớn. Y phục là loại sampot có thân lớn ở phía trước, được trang trí những hình hoa và sọc và xen kẻ. Theo H.Parmentier thì đây là những tượng thần Siva bởi giữa trán những nhân vật này có con mắt thứ ba hình thoi, nhưng theo J.Boisselier, đó là những Daharmapala với một urna hình thoi trên trán.
2. Nhóm giữa: Chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bậc thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. Ngôi nhà này có tường gạch không dày lắm, cửa ra vào nằm ở hai đầu hồi, trên 2 vách tường có nhiều cửa sổ. Ngôi nhà này cũng được lợp ngói. Ở đây có 4 pho tượng Hộ pháp (Dvarapala) khá lớn, cao khoảng 2m, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa.
Tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở di tích Phật viện Đồng Dương Ảnh do người Pháp chụp
3. Nhóm phía Tây: gồm các đền thờ chính và các tháp phụ chung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Chămpa; với mặt bằng hình tứ giác, cửa ra vào ở hướng Đông, phía trước có tiền sảnh khá dài, quanh các mặt tường có trụ ốp tường được chạm những dải hoa văn cành lá cách điệu rậm rịt và xoắn xít như dạng vết sâu bò, đó là loại hoa văn đặc trưng của phong cách Đồng Dương. Quanh chân tháp trang trí những hình đầu voi và những hình tháp thu nhỏ nằm xen kẽ nhau. Trong đền thờ có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, chạm trổ những dải hoa văn hình vết sâu bò, những cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số cảnh trích đoạn về cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Những đường nét thể hiện trên các tượng người ở Đồng Dương được thể hiện cường điệu quá mức, đàn ông có gương mặt gần như vuông, trán thấp, cung lông mày to rậm và giao nhau, mũi to, miệng rộng, môi dày, ria mép rậm. Tượng phụ nữ có gương mặt hơi thô và bộ ngực quá lớn. Năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng Nữ thần làm bằng đồng thau, cao 114 cm, ở gần khu đền thờ chính. Đây là pho tượng Bồ Tát Laskmindra - Lokesvara, Nữ thần đứng thẳng, hai cánh tay để dọc theo thân, hai bàn tay cầm hai đóa sen đưa về phía trước, thân trên để trần, lộ ra bộ ngực lớn và tròn; thân dưới mặc một sarong dài chấm mắt cá chân, tấm choàng ngoài sarong xếp nếp hình luống cày, cuộn vào trong để lật một múi ra ngoài. Gương mặt Nữ thần mang đậm nét phong cách Đồng Dương; hai hàng lông mày rậm và giao nhau, cánh mũi to, môi dày; ở giữa trán Nữ thần có con mắt thứ 3 hình thoi, có lẽ được khảm bằng một hạt ngọc (đã bị mất từ lâu); mái tóc được búi cao hình chóp, phía trên có hình Phật A-Di-Đà. Pho tượng này không những là tượng đồng lớn nhất trong nghệ thuật Chămpa mà chúng ta đã biết, theo J.Boisselier, đây còn là một trong những tượng đồng Tara quan trọng nhất ở vùng Đông Nam Á. Các nhà nghiên cứu cho rằng trước kia pho tượng này được đặt trên bệ thờ của đền thờ chính. Tháng 9/1996, Viện Khảo cổ học Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng đã phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ đã nhận thấy, ngoài những dấu tích kiến trúc của khu Phật viện, dấu vết cư trú của con người thời kỳ vương quốc Chămpa tại làng Đồng Dương không nhiều. Khu vực làng Đồng Dương khí hậu rất khắc nghiệt, đất đai khô cằn, lớp đất canh tác chỉ dày khoảng (40-50cm, có nơi chỉ dày 20cm, bên dưới là tầng đá ong, đây không phải là nơi thuận tiện để xây dựng kinh đô, có thể nói Đồng Dương chỉ tuần túy là khu Thánh địa Phật giáo của vương quốc Chămpa, còn kinh thành Indrapura phải là một khu vực rộng lớn hơn, nằm ngoài khu Phật Viện Đồng Dương.
Theo công bố năm 1901 của nhà khảo cổ L.Finot, đã phát hiện 229 hiện vật, đặc biệt có pho tượng Phật bằng đồng cao hơn một mét (108cm), mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ, được đánh giá vào loại đẹp nhất ở Đông Nam Á. Năm 1902, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp H. Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông tìm thấy khu kiến trúc chính của khu đền thờ cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chămpa Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ này mang những yếu tố của Phật giáo đại thừa kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa, đã hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa từ giữa đến cuối thế kỷ 9.
Phật viện Đồng Dương lúc được khai quật vào tháng 11-1902 - Ảnh do người Pháp chụp
ĐẾN TUYÊN BỐ ĐỒNG DƯƠNG VÀ SỰ CAM KẾT
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, sự phai mờ của thời gian và cả sự đối xử của những chủ nhân giá trị văn hóa, từ một Phật viện Đồng Dương bậc nhất ở Đông Nam Á nay chỉ còn là một phế tích.
Năm 2001, sau khi được công nhận di tích cấp Quốc gia, địa phương đã tổ chức công tác bảo vệ. Song có thể nhìn nhận, hơn 10 năm qua, công việc ấy chưa xứng đáng cho một di tích cấp Quốc gia, mà bằng chứng cụ thể là sư lãng quên và xâm phạm di tích trầm trọng. Rất nhiều cơ quan chức năng dường như không ai đến nơi “cỏ mọc ngút ngàn” này mà báo chí đã nói nhiều. Bức tranh chung là Phật viện Đồng Dương dường như rơi vào quên lãng trên thực tế.
Tháp chính đổ nát, được gọi là "Tháp sáng"
Quảng Nam vốn giàu truyền thống văn hóa, đa dạng, đan xen văn hóa, được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới: Phố cổ Hội An, Mỹ Sơn và từ đó có sự trỗi dậy mãnh liệt của sự phát triển. Với Phật viện Đồng Dương, chúng ta đang kỳ vọng một Di sản Văn hóa Thế giới thứ 3 cho Quảng Nam . Theo Tiến sỹ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam), một di sản văn hóa để được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới cần hội đủ ba yếu tố: Sự vào cuộc mạnh mẽ với một cam kết chính trị quyết liệt của chính quyền địa phương, trí tuệ cùng sự đầu tư bài bản cho công tác nghiên cứu khoa học và hợp sức đẩy mạnh công tác quảng bá rộng lớn ở quy mô quốc tế. Đó cũng là kinh nghiệm của quá trình xây dựng hồ sơ để công nhận Di sản Văn hóa Thế giới cho Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) gần đây.
Những kiến giải của các nhà khoa học đang ở trong tầm tay những chủ nhân của giá trị văn hóa đó. Một hồ sơ khoa học cho Phật viện Đồng Dương cần phải được bắt đầu ngay từ bây giờ. Tiến sỹ Phụng rất lạc quan: “Với một di tích như Phật viện Đồng Dương thì khả năng được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới là điều trong tầm tay. Do đó, việc khai quật theo hệ thống cũng như gìn giữ nguyên gốc là điều cần đặt lên hàng đầu, chúng ta nhanh chóng xác lập hồ sơ thứ hai, sau người Pháp đã làm hồi đầu Thế kỷ trước” .
Phương Thủy st