Landmarks

Đình Hữu Bằng

Xã Hữu Bằng - Thạch Thất - Hà Nội và Dòng Họ Nguyễn, vùng đất Địa Linh Nhân Kiệt..

Tổng quan

Đình Hữu Bằng, còn có tên nôm là đình Kẻ Nủa, thuộc xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km.

Đình Hữu Bằng toạ lạc ở trên khu đất cao, của đình trông về hướng Tây, phía trước có hồ sen rộng, mùa thu hoa nở đưa nhuỵ hương thơm ngào ngạt vào trong đình. Nhìn tổng thể khu di tích kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm Đại bái và Hậu cung.

Ngôi nhà Đại bái nằm ngang 3 gian 2 dĩ, khoảng cách các gian tương đối rộng. Gian giữa rộng 4,1m, các gian bên rộng 3,45m, chái rộng 3,25m, dĩ rộng 1,6m. Bộ vì đỡ mái làm theo kiểu chồng giường, giá chiêng có 6 hàng chân, khoảng cách từ cột cái đến cột quân là 2m, từ cột quân đến cột hiên là 1,7m. Đường kính cột cái là 50cm, cột quân là 40cm. Cung thờ là toà nhà dọc nối liền với Đại bái, chia làm bốn gian cách đều 2,3m. Theo văn khắc trên câu đầu thì đình Hữu Bằng được xây dựng vào thời Lê năm Chính Hoà 10 (1689) đến triều Nguyễn năm Minh Mệnh 8(1827) trùng tu lớn.

Đình Hữu Bằng bảo lưu nhiều hiện vật điêu khắc gỗ mang phong cách nghệ thuật tiêu biểu ở thế kỷ XVII và thế kỷ XIX. Đáng chú ý là những đầu dư chạm đầu rồng và 4 bức cốn nách ở 2 bộ vì gian giữa chạm người đánh trống, uống rượu, đánh đàn, đấu võ, miêu tả cảnh sinh hoạt hôi hè của người dân Hữu Bằng thuở xưa. Đình Hữu Bằng còn lưu giữ được 27 đạo sắc của các triều vua thời phong kiến cho các vị thành hoàng và 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng phong cách điêu khắc nghệ thuật thế kỷ XIX, như bát bửu, xà mâu, cây đèn, quán tẩy… nghệ thuật thời Nguyễn.

Theo thần phả và sắc phong thì đình Hữu Bằng thờ ba vị thành hoàng là:

Đệ nhất vị Nam Hải đại vương.
Đệ nhị Nam Hải đại vương.
Đệ tam Nam Hải đại vương.

Đó là ba vị tướng (Tiền kiếp vốn là Thuỷ thần thờ ở miếu làng Hữu Bằng) có công phù giúp nhà Lê. Trang Hữu Bằng xưa là nơi ba ông chọn làm bản doanh đóng quân bảo vệ bờ cõi sơn hà của đất Đại Việt thời nhà Lê.

Hàng năm, vào ngày 7 tháng giêng âm lịch, làng Hữu Bằng mở hội truyền thống tại Đình, nhân dân nô nức đi chẩy hội để xem và thưởng thức nhiều lớp diễn xướng dân ca nghi thức tế lễ tôn vinh Thành hoàng làng mình thờ.

Kề liền đình là một ngôi nhà thờ đức Khổng Tử gọi là văn chỉ hợp thành một tổng thể khu dích văn hoá truyền thống. Nơi đây hội họp của tầng lớp nho sỹ trong làng. Văn chỉ làm theo kiểu chữ nhị gồm Đại bái 5 gian và Hậu cung 3 gian xây tường hồi bít đốc, mái chẩy lợp ngói mũi mỏng, kiến trúc các bộ vì kèo cầu quá giang bào trơn đóng bén.

Hiện vật đáng quý trong văn chỉ là tấm bia đá ghi tên các vị danh khoa ở làng đỗ đạt trong các kỳ thi.

Nguồn: Cuốn Di tích lịch sử Hà Tây - Sở Văn hóa và thông tin Hà Tây - 1999

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]

MỸ TỤC KHẢ PHONG
Dân gian truyền tụng thật chẳng ngoa “Thứ nhất kinh kì, thứ nhì Nủa Chợ”. Làng Hữu Bằng huyện Thạch Thất, Hà Nội có tên Nôm là Kẻ Nủa, một vùng đất nổi danh xứ Đoài. Dân cư xôm tụ sầm uất, kinh tế phát đạt từ xa xưa. Chợ Nủa quanh năm tấp lập khách buôn, ngựa xe, hàng hoá chật đường, chẳng khác gì cảnh phố thị Thăng Long.
Không những thế Hữu Bằng có truyền thống thi thư với nhiều người đỗ đạt khoa bảng đời nào cũng có. Phong tục thuần hậu, lại có đóng góp tích cực cho quốc gia về việc quyên tiền giúp triều đình và lập kho thương xã để cứu giúp người nghèo. Bởi vậy, năm Đinh Mão niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867) dân làng Hữu Bằng vinh hạnh được triều đình ban tặng bức biển ngạch MỸ TỤC KHẢ PHONG.
Biển quý vua ban, muôn dân đón rước, trân trọng treo tại đình làng, du khách gần xa thăm viếng đều thêm thán phục, con cháu nối đời mỗi khi chiêm ngưỡng càng tự hào truyền thống cha ông. Nối nếp tổ tông, người làng đời nào cũng bảo nhau học hành thi cử; chăm no làm ăn, quê hương ngày càng thịnh đạt. Xứng danh tiên tổ đặt tên, "Hữu Bằng" dân quý vua yêu. Đúng thật như lời trong đôi câu đối cổ tại chùa:
- Phúc duyên đại địa, thuần cổ thời quê lừng danh Thạch Thất
- Tĩnh lặng chốn này, ngời ngời khí tốt tiếp nối Tây Phương
Ngôi đình bề thế ngự tại trung tâm của làng, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá, lịch sử ngàn năm của danh hương Hữu Bằng. Đình được xây dựng năm Chính Hòa thứ 10, thời Lê trung hưng. Những cột gỗ to lớn, không gian để trống ba mặt, hậu cung thâm nghiêm với các nét chạm trổ đơn giản mà tinh tế, trang nghiêm mà thanh thoát, cao sang nhưng lại rất hài hoà thân thiện. Với kết cấu sàn gỗ gợi nhớ về truyền thống xây dựng của người Việt cổ, đình Hữu Bằng lưu giữ trong mình giá trị di sản đặc sắc, cùng đó là hàng trăm hiện vật là các tế tự, thần tích, sắc phong, hoành biển vô cùng quý giá. Một số cấu kiện có từ Nguyễn sơ là kết quả của đợt trùng tu năm Minh Mạng thứ 7 (1826).
Đình thờ Tam vị Nam Hải Đại Vương, là 3 vị tướng có công phù giúp nhà Lê. Phối thờ nhiều vị hậu thần có công với làng xã trong đó có quan Thượng Vòng Nguyễn Khả Trạc (1598-1672) người xã Dịch Vọng, Từ Liêm. Ông là con rể quan Phụ quốc thượng tướng Vân quận công ở xã Vĩnh Lộc kế bên. Sau khi hồi hưu, ông đã làm nhiều công đức cho Hữu Bằng và Vĩnh Lộc, như mua ruộng hiến cho hai làng “trâu cùng thả, mả cùng chôn” và mua đất xây dựng chợ Hữu Bằng. Hữu Bằng thờ ông là hậu thần dù ông tạ thế trước khi xây dựng đình. Hiện nay phía sau đình còn lưu giữ được những tấm bia ghi công đức của ông và vợ con ông nhiều lần xuất tiền ủng hộ việc kiến thiết, tu bổ đình làng Hữu Bằng.

[Nguyễn Phong sưu tầm và biên soạn]


 © Mỹ tục khả phong























































Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Đình Hữu Bằng
Địa chỉ Đường, Hữu Bằng, Thạch Thất, Hanoi, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2014-10-13 06:25:51
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất