Một số các vị vua thời Lê Sơ đặt hiệu kèm "Động chủ". Vua Lê Thái Tổ là Lam Sơn động chủ, vua Lê Thái Tông là Quế Lâm động chủ, vua Lê Thánh Tông là Thiên Nam động chủ, vua Lê Hiến Tông là Thượng Dương động chủ, vua Lê Uy Mục là Quỳnh Đô động chủ, vua Lê Tương Dực là Nhân Hải động chủ. Thấy trên tấm bia ma nhai tại núi Non Nước - Dục Thúy sơn do "Bảo Thiên động chủ đề" năm Hồng Thuận thứ ba, có lẽ đây vẫn là của vua Lê Tương Dực.
DẤU CHÂN TỪ ĐẠM
Việc khắc thơ văn, bia ký lên vách núi tại những nơi sơn kỳ thủy tú, thắng cảnh danh lam, làm cảnh đẹp càng thêm đẹp; làm cho tích hay càng thêm hay! Truyền thống khắc đá sườn non vách động đã có cả vạn năm, từ vô thức đến ý thức, từ sơ khai đến văn minh, sự kiến tạo ma nhai đòi hỏi phải chắt lọc khắt khe, để tao nhân mặc khách vãn cảnh ngâm thơ gật gù tấm tắc!
Từ Đạm, người làng Khê Hồi, huyện Thượng Phúc, nay là Thường Tín, Hà Nội. Ông đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tuất (1884), đời vua Thành Thái; năm sau, 1885, thi đỗ Tiến sĩ. Năm 1896, Từ Đạm được bổ nhiệm làm tri phủ Đa Phúc, Phúc Yên. Năm 1899, ông được bổ nhiệm làm tri phủ Xuân Trường, Nam Định. Rồi sau được thăng đến chức Tuần phủ Ninh Bình, hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Khi làm quan, Từ Đạm là một cộng sự đắc lực cho người Pháp thực dân nên bị nhiều người oán ghét.
Vào khoảng năm 1918, Từ Đạm cho sửa sang cảnh trí Dục Thuý sơn. Ông sửa một bậc đá tự nhiên làm ghế ngồi, bên trên khắc bốn chữ “Cúc nhân đoàn tọa”. Năm 1919, lại khắc bốn câu thơ chữ Hán lên vách đá:
“Phong nguyệt dữ câu thích,
Đồ thán thùy khổng ai.
Sở lạc tại sơn thủy,
Tọa cửu duy phúc giai”.
Và tự dịch thơ:
“Trăng gió vui cùng hắn,
Lầm than bận kệ ai!
Vui chơi non với nước,
Có phúc được ngồi dai”.
Từ sự ngồi dai đó mà năm 1920, Từ Đạm lại cho “khắc cốt” hai bàn chân mình lên đá trước ghế ngồi. Cũng vì chuyện tạc ghế trên núi để “ngồi dai”, để “Cúc nhân đoàn tọa”, lại khắc đá đề thơ, đục hai bàn chân mình lên mặt đá là những việc làm kém văn hóa, Từ Đạm bị nhiều sĩ phu, chê bai đả kích, dẫn đến việc bài thơ "Gửi Từ Đạm" ra đời. Bài thơ này là sáng tác kịp thời của nhà thơ Phạm Ứng Thuần, được truyền tụng. Sau ngày Từ Đạm đã đổi đi nơi khác, bài thơ mới được khắc lên núi, cạnh bài thơ của Từ Đạm nhưng cuối bài lại khắc tên Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu!
GỬI TỪ ĐẠM
“Năm ngoái năm kia đục mấy vần
Năm nay quan lại đục hai chân
Khen cho đá cũng bền gan thực
Đứng mãi cho quan đục mấy lần!”
Hiện nay, bia mờ bia mất, bia mài rồi mà chưa kịp khắc nhưng câu chuyện "Dấu chân Từ Đạm" đúng thật là:
"Trăm năm bia đá cũng mòn,
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ".