Phế tích Phủ Lân
Từ chỉ họ Lương, lăng Lân Quận công Lương Đăng Minh
Tổng quan
Ven đường quốc lộ 398, đối diện với di tích Xa Lâu điện, đoạn thuộc địa phận làng Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng có một di tích được tân tạo mấy năm gần đây nhưng được nhiều cán bộ nghiên cứu lịch sử văn hoá địa phương quan tâm, đó là di tích Phủ Lân.
Hiện di tích có quy mô nhỏ, chỉ có một toà nhà xây bình đầu bít đốc 3 gian, bước gian hẹp, được dân làng Bình An dựng lên cách đây gần chục năm để kế nối truyền thống phụng thờ Lân Quận công Lương Đăng Minh, người có công với dân với nước ở thế kỷ 17.
Tìm trong sử sách nước nhà chưa thấy tài liệu nào viết về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của ông, nhưng dân gian khu vực Tây bắc huyện Yên Dũng và mấy di tích ở xã Tiền Phong còn lưu giữ một số tư liệu cổ ghi chép, tôn vinh, tôn thờ ông làm thành hoàng và thờ phối hưởng ở ba ngôi đình, hai ngôi đền/nghè được khởi dựng từ đầu thế kỷ 17. Đó là đình Nội Hoàng, đình Ảm Chương, đình Bình An, nghè Hang Xanh và Phủ Lân đều thuộc huyện Yên Dũng. Đặc biệt, hiện ở đình Bình An có tấm bia “Lương danh công Hậu thần chi bi” (Bia ghi về Hậu thần họ Lương). Được soạn khắc năm 1660, triều vua Vĩnh Thọ, nhà Lê. Qua nội dung văn bia và truyền kể ở các làng thuộc Nội Hoàng - Tiền Phong được biết: Lân Quận công Lương Đăng Minh người xã Bình Chương, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Ông sinh ở khoảng thời gian đầu thế kỷ XVII, thời kỳ đất nước đầy biến động: vua Lê - chúa Trịnh, Trịnh - Nguyễn phân tranh... Ông mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Dù sống trong cảnh cơ cực bần hàn nhưng Lương Đăng Minh nổi tiếng là người thông minh và chăm chỉ luyện võ nghệ. Khi đến tuổi trưởng thành, mấy lần phiêu dạt đến kinh đô gặp chiến tranh hỏa hoạn, tình cờ ông gặp một một người sang trọng bị mắc kẹt tại một góc thành và đã cõng người đó lánh nạn. Khi kinh thành bình yên, có người tìm đến Lương Đăng Minh ông mới biết người gặp nạn hôm ấy chính là Chúa Trịnh. Chúa cho vời ông đến ban thưởng, rồi tin dùng phong cho chức tước. Sau vì có nhiều công lao giúp nhà Chúa trong sự nghiệp trung hưng nên được vinh phong, ban thưởng nhiều bổng lộc. Với bổng lộc triều đình ban thưởng ông đã dùng để công đức giúp đỡ các làng quê nghèo xây dựng, sửa chữa các công trình tín ngưỡng, tôn giáo và các công trình phúc lợi như cầu quán, đường xá nên được người dân đồng thuận tôn thờ và khắc bia ca ngợi công đức và sự nghiệp của ông với quê hương.
Đương thời, Lương Đăng Minh làm quan tới chức Trưởng giám, Đô đốc, tước Lân Quận công. Ông nội của ngài được phong Thái Bảo, bà của ngài được phong Tự phu nhân, bố được phong ấm Thái bảo, mẹ được tặng phong Nhũ nhân công chúa. Lân Quận công vốn theo hầu các vị Đại nguyên soái thống quốc chính luôn luôn lập được công lớn tước lộc vẻ vang, nhiều lần được ban khen, xét thưởng hậu. Chí của ngài muốn để lại tiếng thơm cho hậu thế, bỏ nhiều tiền của giúp quê hương xây dựng đình chùa...
Khi Lân Quận Công qua đời, mộ phần được an táng tại khu vực nghè Hang Xanh (cùng xã). Công trình kiến trúc mà dân làng gọi là Phủ Lân chính là Phủ thờ hay từ chỉ tôn thờ tiên tổ họ Lương do dân xã Bình An xây dựng để báo đáp công đức của Lân Quận công với quê hương bản quán.
Cách đây gần hai chục năm, dấu vết di tích Phủ Lân còn rõ, gồm cả móng tường vây, nền móng từ chỉ và nhiều gạch ngói là vật liệu xây dựng di tích này nhưng nay đã bị san lấp làm ruộng canh tác nông nghiệp.
Trong Phủ hiện còn một pho tượng cổ, một con rùa đá (vốn là bệ tấm bia đá đã bị thất lạc), ngoài ra chỉ còn gạch ngói thời Lê có nhiều đồ án trang trí rất đẹp đã bị vỡ nát. Pho tượng được tạc bằng đá xanh, tạc ở tư thế ngồi cao hơn một mét. Mặt tượng hình trái xoan, mắt dài, mũi thon cao, miệng ngậm, râu thưa, tai to, dái tai dài tạo cho người xem có cảm tình, thân thiện trước pho tượng trông rất phúc hậu. Về y phục, tượng được tạc khoác áo thụng, đầu đội mũ ô sa, phác đầu phong thái võ quan oai phong mà lịch lãm. Về hình thể, đây là pho tượng đẹp. Trên ngực pho tượng có gắn tấm hộ tâm. Ở hai ống tay áo chạm ô hoa văn hình bầu dục, bên trong chạm nổi hình con rồng cuộn. Rồng tạc ở thế cuốn roãng yên ngựa, toàn thân có vẩy, đuôi rắn. Với phong cách, kỹ thuật tạo tác cùng các hoạ tiết trang trí giúp các nhà nghiên cứu có cơ sở xác định tác phẩm này được ra đời từ những năm giữa thế kỷ 18.
Vì đây là tượng quan võ, y phục, mũ cân đai, hộ tâm được chạm khắc trên tượng giúp ta có liên hệ với bộ lễ phục của vị quan võ hàm Chánh nhất phẩm theo quy chế về phẩm phục đương thời. Phẩm phục này phù hợp với chức vị của Lân Quận công Lương Đăng Minh. Hơn nữa, tượng được đặt ở từ chỉ/phủ thờ ông cho nên chúng tôi đoán định đây chính là pho tượng Lân Quận công Lương Đăng Minh. Pho tượng này xứng đáng là tác phẩm điêu khắc đá nghệ thuật thời Lê Trung Hưng (giữa thế kỷ 17) rất đẹp và quý giá, cần được quan tâm giữ gìn./.
(Vân Hồng)
Toạ độ
Bài viết
Bình luận
Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
|
|
Địa chỉ |
ĐT 284, Yên Dũng, Bắc Giang, Vietnam |
Thêm bởi |
admin |
Vào ngày |
2015-01-06 17:48:09 |
Các thành viên |
|
|
|
(2.65 km) |
(3.42 km) |
(4.62 km) |
(4.91 km) |
(5.84 km) |
(6.35 km) |
(7.57 km) |
(8.39 km) |
|