Landmarks

Nguyên lăng

Lăng vua Trần Nghệ Tông (1321-1394)

Tổng quan

Nguyên Lăng là lăng vua Trần Nghệ Tông, đây là lăng tẩm cuối cùng được xây dựng ở An Sinh. Vua Trần Nghệ Tông tên húy là Phủ, sinh năm Tân Dậu (1321), là con thứ ba của vua Trần Minh Tông. Trước khi làm vua, ông được phong tước Cung Định vương, khi Dương Nhật Lễ tiếm ngôi, ông đứng đầu hàng tôn thất, cầm quân tiến về Thăng Long, giành lại ngôi báu (năm 1370), ở ngôi 3 năm (1370 - 1372), sau nhường ngôi cho em là Trần Kính – tức Trần Duệ Tông. Mặc dù được coi là người có công lấy lại ngôi báu từ tay của Dương Nhật Lễ nhưng với tính cách nhu nhược và thiếu bản lĩnh, vua Trần Nghệ Tông đã để quyền lực triều chính dần rơi vào tay của Hồ Quý Ly, biên cương bờ cõi bị Chăm-pa quấy phá, kinh đô Thăng Long nhiều lần rơi vào tay giặc. Do đó, ông là người phải gánh vác trách nhiệm về sự suy yếu dẫn đến sự diệt vong của triều đại nhà Trần.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Giáp Tuất (1394) năm (Quang Thái) thứ 7,… Tháng 12, ngày 15, Thượng hoàng băng, táng tại Nguyên lăng Yên Sinh, miếu hiệu là Nghệ Tông, thụy là Quang Ng- hiêu Anh Triết Hoàng đế”.

Trần triều bi ký chép: “Nghệ Tông Hoàng đế, mất ngày 15 tháng 12 năm Kỷ Dậu, táng tại lăng xứ Đồng Hỷ, tục gọi là Chiêu lăng”40.

Sách Đại Nam nhất thống chí đã có một số nhầm lẫn khi cho rằng “lăng Đồng Hy(Hỷ): lăng Trần Nghệ Tông và Trần Thuận Tông, ở núi Ngọc Thanh xã Đạm Thủy, huyện Đông Triều”. Sở dĩ có sự nhầm lẫn này là bởi năm 1377 vua Trần Nghệ Tông có cho xây dựng tại núi Ngọc Thanh một khu lăng nhưng lăng đó không phải là lăng tẩm của ông mà là để chiêu hồn vua Trần Duệ Tông - người đã bị tử trận tại thành Đồ Bàn (Vijaya) khi đem quân đi đánh Chăm-pa. Trong khi cho rằng lăng ở núi Ngọc Thanh là lăng của vua Trần Nghệ Tông, Đại Nam nhất thống chí lại hoàn toàn không nhắc đến vua Trần Duệ Tông. Cũng chính sự nhầm lẫn của Đại Nam nhất thống chí này mà có nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng Hy lăng ở Núi Ngọc Thanh là lăng vua Trần Nghệ Tông. Vậy sự thật như thế nào?

Sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ cho biết Nguyên lăng ở xã Đốc Trại, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840) vua Minh Mạng đã cho dựng bia ghi nhớ vị trí lăng tẩm của các vua nhà Trần tại An Sinh, trong đó có Nguyên lăng. Nội dung của bia cũng được ghi lại trong sách Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ “明 命 弍 拾 弌 年 玖 月 初 陸 日 奉 陳 藝 宗 皇 帝 陵 勅 造”(Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng sắc tạo, Nghệ Tông hoàng đế lăng). Nghĩa là: Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), phụng sắc tạo (bia) lăng hoàng đế Nghệ Tông 41.

Tại khu vực xã Đốc Trại xưa, nay thuộc xã An Sinh, trong khu vực Khe Nghệ thôn Bãi Dài, xã An Sinh có dấu tích lăng. Tại đây còn lại dấu vết tấm bia đá dựng năm Minh Mạng thứ 21 (1840) đã được sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ ghi chép lại. Điều đó chứng minh, Nguyên lăng – lăng của vua Trần Nghệ Tông được xây dựng tại địa điểm nay thuộc khu Khe Nghệ, thôn Bãi Dài, xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh.

Cũng giống như các lăng tẩm khác, Nguyên lăng đã bị phá hủy do sự khắc nghiệt của thời gian và những biến động của lịch sử. Khoảng những năm 80 của thế kỷ 20, lăng bị một số người săn tìm của cải đào phá để tìm của. Theo mô tả của người dân, khi đào, người ta đã làm bật lên rất nhiều những khúc gỗ lớn, than tro và vôi. Năm 2012, để nghiên cứu và làm rõ cấu trúc của Nguyên lăng, Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã khai quật và nghiên cứu khảo cổ học tại đây. Kết quả khai quật, nghiên cứu đã tìm thấy huyệt mộ, huyệt đạo (đường dẫn vào huyệt) và Chính Tẩm, trong đó huyệt rộng 5x5,50m, sâu khoảng 4,0m. Huyệt đạo ở phía Nam, dài 4,50m; rộng 3,10m; phần đầu phía Nam có bậc dẫn xuống, phần phía Bắc phẳng.

Qua mô tả của người dân về việc đào phá lăng trước đây cộng với những dấu vết còn lại khi khai quật cho phép suy đoán, cấu trúc hầm mộ của Nguyên lăng giống như cấu trúc hầm mộ đã phát hiện tại mộ Nghĩa Hưng (An Sinh), tức là quan tài được đặt trong hai lớp quách hình cũi, quách được xếp bằng các khúc gỗ nguyên khối, được bao phủ bằng các loại hợp chất nhẹ, có mùi thơm, đốt cháy, ngoài cùng được phủ bằng một lớp than củi và vôi bột dày trung bình 50- 60cm, giữa hai lớp quách cũng được đổ đầy các loại hợp chất nhằm tạo môi trường vô sinh trong hầm mộ vừa để bảo vệ di cốt vừa để bảo vệ quan quách.

Dấu vết còn lại ở trên mặt lăng cho thấy, lăng có cấu trúc hết sức đơn giản, không có Thần đạo quy mô như ở Thái lăng hay lăng Tư Phúc; sân Hành lễ hết sức đơn giản và đặc biệt là khu Tẩm điện chỉ gồm một kiến trúc nhỏ có vai trò như là Chính Tẩm. Dấu vết còn lại cho thấy Chính Tẩm có mặt bằng hình vuông (7,70x7,70m), mái lợp ngói mũi sen.

Việc Nguyên lăng có quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản hơn rất nhiều so với lăng của các vua Trần khác là việc có thể lý giải được bởi: trong số các lăng xây dựng ở An Sinh thì Nguyên lăng là lăng cuối cùng của nhà Trần được xây dựng (1394). Lăng được xây dựng trong bối cảnh triều chính nhà Trần đã đạt đến đỉnh điểm của sự suy thoái, quyền lực hầu như đã nằm trong tay của Hồ Quý Ly, trong khi xã hội thì rối loạn, giặc giã thì ngấp nghé bờ cõi; kinh tế cũng rơi đến đáy của sự suy thoái, vv... Nói cách khác, mọi nguồn lực cho việc xây dựng lăng tẩm đều đã cạn kiệt. Có lẽ vì những lý do đó mà khi dời thần vị của các vua từ Tam Đường về An Sinh ông chỉ cho xây dựng lăng Tư Phúc để thờ chung các vị tiên đế thay vì xây cho mỗi vị một lăng tẩm riêng biệt. Còn đối với riêng mình, ông cũng đã không đòi hỏi phải xây dựng lăng tẩm của mình một cách quy mô, lộng lẫy như các vua trước.

Bên cạnh các di tích, di vật thời Trần, tại Nguyên lăng cũng đã tìm thấy một số đồ gốm của thời Lê Trung hưng. Sắc lệnh của chúa Trịnh được khắc lại trong các bia ký dựng tại đền An Sinh. Thần tích, thần sắc của các xã (làng) An Sinh, Đốc Trại cũng cho thấy, ngay cả khi các công trình kiến trúc tại Nguyên lăng đã bị phá hủy thì triều đình Trung ương vẫn giao cho địa phương có trách nhiệm trông nom, thờ phụng lăng của vua Trần Nghệ Tông. Hàng năm triều đình đều có cho người kiểm tra việc trông nom và thờ phụng này.

(Nguyễn Văn Anh)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]




 © Bản vẽ phục dựng cấu trúc quan, quách của Nguyên lăng



Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Nguyên lăng
Địa chỉ Cầu Dốc Lùn, Đông Triều, Quảng Ninh, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2015-02-06 22:54:16
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất