Lăng bà Bổi
Tổng quan
Nữ doanh nhân Bổi Lạng ở xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) làm nghề xay giã, buôn bán thóc gạo và nổi tiếng giàu có thứ nhì cả nước thời Lê- Trịnh. Bà còn được biết đến là nhà từ thiện lớn trong lịch sử phong kiến thời bấy giờ.
Theo văn bia còn lưu lại thì bà Bổi Lạng sinh giữa thế kỷ XVII, tại làng Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng (nay là xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ). Thuở nhỏ bà có tên là Thuyết, khi trưởng thành đổi tên là Trị. Xuất thân trong gia đình nghèo khó, bố mất sớm, song bà rất chịu thương, chịu khó. Ngoài 20 tuổi, bà kết hôn với ông Sái Đắc Lộc, quê Hà Tĩnh. Vợ chồng tâm đầu ý hợp, chọn nghề xay giã, buôn bán lúa gạo để lập nghiệp nên được gọi là bà Bổi Lạng. Năm Quý Mùi (1703), thóc như ngọc quý, bà lấy của tích lũy được mua ruộng ở các nơi. Chẳng bao lâu bà trở thành người giàu có nhất vùng. Ruộng có nghìn mẫu, tiền có trên vạn xâu, thóc lúa, gia súc nhiều không đếm xuể. Bà lại là người nhân đức, có nhiều con nuôi, thấy nơi nào khó khăn cũng công đức. Bà bỏ tiền làm đường, cầu đá cho dân quanh vùng… Khi về già, bà cũng công đức rất nhiều ruộng đất cho các xã quanh vùng. Bà mất ngày 27-9-1721, năm Tân Sửu.
Điều thú vị là đến nay, xung quanh cuộc đời của bà còn nhiều câu chuyện ly kỳ lưu truyền trong dân gian. Riêng chuyện bà trở nên giàu có đã có nhiều dị bản. Nhưng chuyện kể bà mò được vàng đáng tin hơn cả. Thuở hàn vi, Bổi Lạng hằng ngày thường ra sông mò hến bán. Một buổi chiều, trong lúc mò hến, bà mò được nhiều vàng bạc, châu báu. Bà mang về nhà cất lấy vốn làm ăn. Có người giải thích, vào cuối thế kỷ XVI, quân Lê - Trịnh và nhà Mạc đã có trận chiến ở khúc sông xã Bình Lãng. Thuyền chở vàng bạc của quân nhà Lê - Trịnh bị đắm rơi hết xuống sông.
Không chỉ giàu có, bà còn nổi tiếng với lòng từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Phía trước nhà bà có nhánh sông, muốn giúp đỡ kẻ khó, bà bảo họ ra đó mò cua, bắt hến bán cho bà. Khi ốc hến cạn kiệt, họ mò cả sỏi về bán, song bà vẫn mua. Người ta đồn bà Bổi nhìn sỏi ra vàng. Từ đó khúc sông được gọi là sông Vàng. Một lần qua bến Vạn thuộc làng La Tỉnh, thấy cây cầu đã đổ nát, người qua sông phải lội, bà liền cho đóng hai con thuyền, lại sai Phạm Cân và Đỗ Văn Ha là người bản xã lái đò miễn phí cho dân. Bà còn cho mỗi người 5 mẫu ruộng để lấy lộc điền sinh sống. Bà còn bỏ tiền công đức bắc trên 30 cây cầu đá cho dân trong huyện Tứ Kỳ.
Những việc từ thiện của bà Bổi Lạng truyền tụng đến tai chúa Trịnh Sâm. Để tìm hiểu thực hư, chúa đã dẫn quan quân đi đường thủy về Bình Lãng. Đến đoạn sông quê bà thấy bụi bay mù mịt, hoa tiêu báo rằng, bụi bay là do nhân dân làng Bình Lãng đang xay giã gạo. Bà Bổi Lạng thấy mình chỉ là kẻ giàu có ở chốn thôn dã mà được chúa đến thăm bèn xin phép khao quân sĩ 3 ngày để tỏ lòng biết ơn. Được chúa đồng ý, bà liền sai gia nhân làm trên trăm mâm cỗ thịnh soạn và dặn trước, quan quân ăn xong không phải rửa bát đĩa, có thể đập mua vui. Suốt 3 ngày tiệc tùng linh đình như thế, nhà chúa bái phục phong cho bà “Phú gia địch quốc” (người giàu có nhất thiên hạ) hay “Thạc nhân” (người đàn bà vĩ đại). Từ “Thạc nhân” được khắc trên lăng mộ của bà. Cũng từ đó trong dân gian lưu truyền câu ca để nói lên sự giàu có của bà: “Thứ nhất cô Đỏ Thanh Hoa/Thứ nhì Bổi Lạng, thứ ba Thạch Sùng".
Sự giàu có của bà còn được chép trong sử sách. Trong Kiến văn tiểu lục, đánh giá về các doanh nhân vào cuối thế kỷ XVII ở đồng bằng sông Hồng, Lê Quý Đôn viết: “Năm thứ 20, niên hiệu Chính Hòa (1699) ở nước ta có những người như Huyện Lân ở Thiên Bản, Công Trung ở Thanh Quan, bà Bổi Lạng ở Bình Lãng, Tứ Kỳ…vàng, bạc tiền, thóc kể có ức vạn, đất nhiều ruộng tốt khắp một địa phương".
Còn nhiều chứng tích Cùng với những câu chuyện được ghi chép trong sử sách, lưu truyền trong dân gian thì tại Bình Lãng vẫn còn khu lăng mộ của bà Bổi Lạng. Ông Nguyễn Tá Triền ở thôn Đông Phong, xã Bình Lãng, hậu duệ gần 400 năm của bà Bổi Lạng, hiện là người trực tiếp thờ cúng hương khói cho bà. Theo ông những thông tin về bà Bổi Lạng được ghi chép khá cụ thể trong gia phả của gia đình cùng văn bia. Chỉ lên chiếc lư hương đá hình chữ nhật cổ kính trên bàn thờ, ông cho biết: Chiếc lư hương đá này được cụ cho làm cùng lăng mộ, bia đá khi còn sống để con cháu hương khói sau khi mất. May mắn đến nay mặc dù trải qua mấy trăm năm, lăng đá, bia của cụ vẫn còn. Các cụ trong họ kể lại: Ngày trước, mỗi khi đến ngày kỵ nhật của bà Bổi Lạng 27-9, người dân các xã được bà giúp làm cầu, làm đò, tặng ruộng đều về làm lễ tế rất đông.
Ông Nguyễn Tá Triền dẫn chúng tôi ra cánh đồng thăm khu lăng mộ nữ doanh nhân Bổi Lạng. Khu lăng mộ nằm trên một gò đất khá bằng phẳng rộng gần một sào ở cánh đồng thôn Đông, hai bên có hai cây bàng. Đập vào mắt chúng tôi trước nhất là đôi nghê đá ngồi chầu, được chạm khắc tinh xảo. Phía sau là một sập đá lớn có kích thước khoảng 2 m x 1,5 m. Sau sập đá là lăng đá 2 tầng 8 mái được ghép bằng các phiến đá xanh, chiều cao và chiều dài đều trên 2 m. Phần lăng được tạo tác công phu, chạm các ô hộc, chữ Vạn, tản vân. Bên trên tầng 2 là mái úp chạm hoa sen. Công trình toát lên sự cổ kính, độc đáo, gần như còn nguyên vẹn hình dáng nguyên sơ ngoại trừ một vài phần bị hư hại. Bên trái lăng là bia đá hình tứ trụ có niên đại Vĩnh Thịnh thập lục niên (1720) cao gần 2 m, rộng trên 0,6 m trên có chữ Nho ghi về cuộc đời của nữ doanh nhân Bổi Lạng, bản phân chia tài sản cho các con nuôi, công đức ruộng cho các làng, xã để lo việc thờ cúng cho gia đình mình. Bia đá này do Thám hoa Nguyễn Quý Đức, một tri thức nối tiếng đương thời, người làng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm soạn.
Cùng với khu lăng mộ, về Tứ Kỳ còn rất nhiều cây cầu đá mà ngày nay người dân vẫn gọi là cầu đá bà Bổi. Theo dòng họ Nguyễn, trong cuộc đời của mình bà Bổi Lạng đã công đức xây dựng cho nhân dân trong vùng 36 cây cầu đá. Trên mỗi cây cầu này đều có chạm một bàn chân. Theo thống kê, hiện nay huyện Tứ Kỳ còn lại 18 cầu đá, bia ký bắc cầu đã thất lạc chỉ còn lại những câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Trong đó có cầu đá Mốt tại thôn Mũ, xã Phượng Kỳ, bắc trên đồng làng ra chùa Khánh Linh được nhân dân gọi là cầu bà Bổi. Cùng với hệ thống cầu đá, hiện nay bến đò Vạn, nơi bà đóng đò chở miễn phí cho dân qua lại vẫn là nơi thuyền bè neo đậu.
Cần được bảo tồn Để làm rõ về thân thế, sự nghiệp của nữ doanh nhân Bổi Lạng, năm 2009, Liên hiệp Các hội khoa học, kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức hội thảo khoa học “Nữ doanh nhân, nhà từ thiện Bổi Lạng”. Với hàng chục bản tham luận, hội thảo đã cung cấp nhiều tài liệu quan trọng làm rõ thân thế của nữ doanh nhân Bổi Lạng cũng như gợi mở hướng bảo tồn, tôn vinh nhằm phát huy giá trị của di tích.
Thế nhưng đến nay, sau rất nhiều nghiên cứu, vai trò, vị trí của nữ doanh nhân Bổi Lạng trong lịch sử chưa được đánh giá đúng. Các di tích lịch sử, công trình liên quan đến bà cũng chưa được công nhận, bảo tồn và đang chịu sự tàn phá của thời gian, sự xâm lấn của con người. Cùng với lăng mộ bị xâm hại, khu gò đang bị người dân lấn chiếm diện tích, biến thành nơi vứt rơm, rạ. Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh cho biết: “Doanh nhân Bổi Lạng là một người phụ nữ điển hình, tấm gương sáng về việc làm giàu trong lịch sử, người có tấm lòng từ thiện giúp đỡ người nghèo, xây dựng nhiều công trình công ích. Những di tích có liên quan đến Bổi Lạng cần được nghiên cứu thấu đáo và bảo tồn. Riêng lăng mộ của bà cần xếp hạng và tôn tạo, vì đó là di tích lịch sử có giá trị của tỉnh nhà”.
Khu lăng mộ của bà Bổi Lạng hiện đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị ngành văn hóa, các cơ quan chức năng cần tu bổ, nâng cấp, bảo tồn.
(theo Báo Hải Dương)
Toạ độ
Hình ảnh
[xem cả trang] [Google Images]
CÒN ĐÂU BẾN ĐÒ VẠN CỦA BÀ BỔI LẠNG.....
Bà Bổi Lạng ngày xưa buôn bán trở nên giầu có nhất trong vùng. Bà thường tậu ruộng đất cho dân thuê cầy cấy rẽ để dân có thóc gạo ăn. Mỗi vụ thu hoạch được mùa xong, người dân lại nộp cho bà chút đỉnh để bà lấy vốn để quay vòng buôn bán.
Bà rất trọng những người lao động, làm ăn chân chính. Chuyện kể lại rằng, những năm mất mùa, lụt lội (Thời đó chưa có đê, dân ven sông Thái bình (sông Cái) quanh năm lụt lội.) Bà thường đổi gạo cho dân bằng cách cứ ai mò được giỏ ốc hay giỏ sành thì bà đổi cho 1 đấu gạo có thể nuôi sống cả ngày. Tương truyền rằng, ngày xưa người ăn, kẻ ở giúp Bà sản xuất lúa gạo và buôn bán rất đông, sau khi ăn cơm xong bà lại cho người đập vỡ hết bát đĩa và vứt xuống con ngòi rộng, để dân mò đem đi đổi gạo của Bà.
Bà thường xuyên vận chuyển lương thực đem đi trao đổi, buôn bán, Truyền rằng có một lần bà đi qua La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, (Nay là Thị trấn Tứ Kỳ) đến bến sông Vạn. Tại đây, xưa có một cái cầu gỗ, lâu ngày đã hư hại không đi lại được, sông sâu, rộng, nước chẩy xiết. Việc bắc lại cũng không dễ. Khách qua đường phải lội bùn lầy rồi bơi qua sông, nhiều người ca thán. Thấy vậy, bà liền cho người mua gỗ lim phiến, đóng 2 con thuyền, lấy hai người bản xã là Phạm Cân và Đỗ Văn A làm lái đò lâu dài chở khách qua sông. Bến đò đó là Đò Vạn bêy giờ. Bà lại cho mỗi người 5 mẫu ruộng cạnh ngay tại bến đò để cày cấy hưởng hoa lợi để chở đò công đức cho dân. Số ruộng đó được chuyển tiếp cho những người chở đò của những thế hệ sau thừa kế.
Đò Vạn là nơi đi lại của cả dân xã Minh Đức - Tứ kỳ. Nơi có con sông là nhánh sông Luộc, nay là Hệ thống Bắc Hưng Hải phục vụ tưới tiêu cho toàn vùng. Bến đò Vạn tồn tại đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, sau đó họ cho bắc cầu phao qua sông nhưng vẫn tồn tại đò. Năm 2005, Tỉnh Hải dương mở Tỉnh lộ 392 từ Thị trấn Tứ Kỳ đi Ninh giang, và bắc cây cầu bê tông qua con sông này.
http://langbaboi.blogspot.com/2016/07/ba-boi-lang-ngay-xua-buon-ban-tro-nen.html
© Vị trí bến đò Vạn ngày xưa Image by langbaboi.blogspot.com |
© Khu ruộng Bà Bổi cấp cho những người chở đò. Image by langbaboi.blogspot.com |
© Và bây giờ được thay bằng Cầu bê tông nhưng vẫn là Cầu Vạn. Image by langbaboi.blogspot.com |
Image by langbaboi.blogspot.com |
© Đánh bắt cá dưới chân cầu, giáp với bến đò xưa Image by langbaboi.blogspot.com |
Bài viết
Bình luận
Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
|
|
Địa chỉ |
ĐCT04, Tứ Kỳ, Hải Dương, Vietnam |
Thêm bởi |
admin |
Vào ngày |
2015-06-20 22:56:32 |
Các thành viên |
|
|
|
(6.50 km) |
(6.88 km) |
(8.87 km) |
(9.79 km) |
(10.71 km) |
(11.58 km) |
(13.27 km) |
(14.54 km) |
|