Landmarks

Chùa Hương Trai

Chùa Dương Liễu

Tổng quan

Chùa Hương Trai ở rìa làng Dương Liễu ngay sát chân đê phía ngoài đồng, thuộc xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức. Từ huyện lỵ Hoài Đức có thể xuyên qua xã Đức Giang sang, hoặc theo quốc lộ 32 đến cây số 22 giữa thị trấn Phùng rẽ tay trái xuôi theo đê tả ngạn sông Đáy chừng 4 km, là đến di tích.

Chùa hướng Tây - Tây Bắc, là hướng thông thường của nhiều chùa nhìn về đức Phật, Ngay sát chân đê là tòa Tam quan kiêm gác chuông, hai tầng đều 4 mái tỏa ra xung quanh với 8 đầu đao phong phú vui mắt, dàn ra 3 gian như một tòa nhà chồng diêm gần gũi chùa Tây Phương (Thạch Thất) thuộc Tây Sơn, sớm hơn kiểu chồng diêm tường hồi bít đốc thuộc thời Nguyễn muộn, ở bụng câu đầu trái có hàng chữ Hán viết mực bị cạo nát hai chữ đầu. “x Giáp Thân quý đông trùng tu” có thể gắn với việc sửa chữa tháng chạp năm Giáp Thân gần đây (1944), như thế hai chữ bị cạo có thể là niên hiệu “Bảo Đại”. Tầng dưới Tam quan đã xây tường bít chỉ để gian giữa lắp cánh cửa phần trên là gác chuông, ở gian giữa treo quả chuông “Hương Trai tự chung” cao 123cm đúc năm Gia Long 13 tức 1814 vua Gia Long có lệnh cấm nhân dân miền Bắc không được đúc chuông và xây chùa. Gian bên phải treo chiếc khánh có tên ở hai mặt là “Hương Trai tự khánh - Quý Dậu niên trùng tu”.

Chùa Hương Trai đã quý hiếm về kiến trúc, còn tăng thêm giá trị ở hệ thống tượng và đồ thờ: trong Thượng điện ở gian giữa trên bệ đá là bộ Tam Thế, tiếp xuống A Di Đà, rồi Di Lặc với Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử ở bên phải và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi Bạch tượng ở bên trái. Các gian bên trong phía bên trái có Quan Âm Thiên Thủ, bên trái có Quan Âm Thị Kính, còn hai góc bên ngoài có Thổ Địa và Giám Trai. Ở tòa Thiêu hương là tượng Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên có hai tiên nữ đứng hàng trong và hai tiên nữ ngồi hàng ngoài, phía ngoài còn có bộ tượng Nam Tào và Bắc Đẩu. Tòa Tiền đường ngoài Hộ Pháp, Đức Ông và Thánh Hiền, còn có thêm hai bộ tượng Quan Âm tọa sơn mà dân gọi là bà Tây Năng dạy dân trồng dâu nuôi tằm. Số tượng ấy khá đông đúc, được làm theo công thức với xu thế tự nhiên thuộc phong cách thời Nguyễn. Trái lại, phần lớn tượng ở Thượng điện lại sớm hơn nhiều: bộ tượng Tam Thế dáng bụ, đường nét to rõ, ngực đeo anh lạc, giữa các pho tượng phần nào tự do trong tư thế tay và trang phục, các tòa sen đều có cánh mập với những trang trí nổi cao… gần gũi với nghệ thuật thời Mạc. Pho Văn Thù và Phổ Hiền phần nào đã thanh hơn, đường nét trau chuốt, hoa văn ở ngực vừa phải có thể thuộc thế kỷ XVII. Các pho A Di Đà và Di Lặc đều ngồi trên bệ sen trơn, ít chú ý đến họa tiết mà tập chung vào khối hình căng chắc, có thể gắn với thế kỷ XVIII.

Đặc biệt ở chùa Hương Trai có chiếc bệ đá hoa sen khối hộp thuộc loại di vật đặc trưng của nghệ thuật cuối thời Trần. Bệ có kích thước rất lớn: cao 160cm, mặt rộng 132cm và dài 366cm, hiện đặt ba pho Tam Thế còn rộng, phần trên là tòa sen cánh mập mạp trang trí một cánh sen cuộn với đầu hoa mặt nhẫn ở giữa, phần thân có chim thần (garuda) ở góc, mặt trước chạm 4 ô rồng uốn lượn. Bệ đá còn có nhiều hoa văn đặc thù của thời Trần, công năng là bàn Phật, ghi việc cúng ruộng tiền cho chùa năm Đại Trị 3 (1370) và niên đại tạo dựng bệ đá vào năm Đại Định 2 (1370).

Như vậy chùa Hương Trai là một công trình kiến trúc tôn giáo khá lớn, từ thời Trần đã nổi tiếng, ở thời Mạc mở rộng quy mô với một số tòa nhà và tượng nay vẫn còn, suốt các thế kỷ đó luôn được gia tăng và đều có dấu ấn, là bằng chứng của một làng quê văn hóa và văn hiến.

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]



































































Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Chùa Hương Trai
Địa chỉ Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2016-02-17 07:06:14
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất