THẾ KHOA ĐƯỜNG
Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu Tế tửu Quốc tử giám Phượng Lĩnh hầu Nguyễn Văn Quảng, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn năm 1640, người làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Là đời thứ 7 trong một gia tộc nhỏ, nối đời canh nông, hiền hậu ôn hoà, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng gắng sức học hành, nương nhờ ân đức tổ tiên mà đạt được vinh hiển. Lại sinh ra 5 con trai, 3 con gái, con trai thì thành đạt rạng danh, con gái đều làm dâu nhà môn đương hộ đối. Các con trai khởi thành 5 chi họ Nguyễn, từ đây hình thành một đại tộc nổi tiếng trong vùng.
Thượng thư Nguyễn Viết Thứ, tổ dòng chi Giáp đệm Viết, đỗ Hoàng giáp năm 1665, tước Mai quận công. Cuộc đời làm quan thanh bạch, trọn việc vua giao, nghĩa khí khẳng khái, hết lòng vì nước thương dân. Đi xứ nước tàu, được ban cả hươu lộc làm quà mang về nước, hiện con cháu vẫn còn lưu giữ. Ông có con trai là Toàn Nhuận hầu Nguyễn Công Phái, giữ chức Hoài viễn tướng quân, Đô chỉ huy sứ ty; một con trai là Tự thừa Chính Bảo tự; con rể là Phạm Quang Trạch, đỗ bảng nhãn khoa thi năm Quý Hợi (1683), đã từng giữ chức Hữu Thị lang Bộ Lễ.
Phu nhân của Toàn Nhuận hầu, là bà Hoàng Thị Quyền, sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt, con gái của Tả thị lang bộ Hình Hoàng Tướng Công người làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, mẹ là bà Nguyễn Thị Quát con gái cụ Thượng Vòng Nguyễn Khả Trạc, cháu ngoại của Vân quận công người làng Vĩnh Lộc. Được gả làm con dâu cụ Mai quận công Nguyễn Viết Thứ, mặc dù cũng thuộc hàng quý tộc trong nước, thế nhưng nhiều đời cần kiệm thương dân, dẫu có công cao bổng lộc nhưng nhà cửa ruộng vườn tư hữu chẳng có là bao, tổ đường còn đơn sơ mái lá. Nghĩ rằng ân đức tổ tiên cao rộng, công trạng mẹ cha thật muôn trùng. Toàn Nhuận hầu phu nhân tục dân gọi cụ hậu Vòng hết lòng vun vén, đóng góp tiền của xây từ vũ để xã dân thờ cúng cha và chồng tại Sơn Đồng, đặt hậu cho ông bà cha mẹ ở Hữu Bằng. Lại đặc biệt giành giêng xây một ngôi từ đường trang nghiêm làm chỗ phụng sự tiên tổ, hội họp dòng tộc, các đồ tế tự đều sắm sửa đẹp đẽ. Những vật phẩm được vua ban của cha của chồng đều được thiết đặt tại từ đường như kiệu võng, bài biển, sắc phong và cả đôi hươu gỗ của vua nước tàu ban cho. Vậy là nội ngoại đôi đường chọn vẹn, việc nhà việc xã chu toàn, đức hạnh của cụ hậu Vòng Hoàng Thị Quyền là cội phúc cho con cháu họ Nguyễn Viết làng Sơn Đồng đời đời ân hưởng!
Trải mấy trăm năm, ngôi từ đường đó được nối đời hương hoả, hậu duệ cha truyền con nối chăm nom; nhân dân khắp nơi ngưỡng vọng, thập phương biết tiếng tới thăm, chính quyền chăm lo gìn giữ, nhà nước cấp kinh phí trùng tu. Xin mời quý thành viên xem những bức ảnh trước khi từ đường được giải hạ, chụp ngày 18/7/2023.