Landmarks

Đền Quan Đế

Chiếu thiên đô

Tổng quan

Đền Quan Đế (hay còn gọi Miếu Thánh Mẫu) thuộc số nhà 28 Hàng Buồm, Hà Nội, thờ Quan Công, một vị tướng trung thần nước Thục thời Tam Quốc thế kỷ III sau CN. Công trình được phục dựng theo kiến trúc ban đầu, với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng. TP Toulouse, Pháp đã cử các chuyên gia giúp đỡ về mặt kỹ thuật và kinh nghiệm bảo tồn, cũng như hỗ trợ 40.000 euro để lắp đặt trang thiết bị bên trong.

Đền Quan Đế một tầng với bố cục không gian của các hạng mục chính được bố trí theo lối chữ Công, ngoài cùng là nghi môn, tiếp đến là một khoảng sân đến nhà Tiền tế, Phương đình và Hậu cung. Đền Quan Đế hiện còn lưu giữ được nhiều mảng trang trí chạm khắc mẫu mực của phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XIX. Trên các thành phần kiến trúc đều được trang trí, chạm khắc kỹ lưỡng thể hiện tay nghề khéo léo của các phường thợ đương thời. Các mảng trang trí tập trung ở nhiều cấu kiện như: trên các đầu dư, kẻ ngồi, bộ vì nách, các con chồng, cột cái, cột hiên... đều được chạm khắc kỹ lưỡng, rõ nét dáng vẻ mạnh mẽ đề tài “cá chép hóa rồng”, rồng, kỳ lân, hoa sen, hoa cúc...

Khoảng sân giữa Nghi môn và Tiền tế còn sót lại tấm bia có khắc Trùng Kiến Quan Thánh Miếu bi ký, ghi lại quá trình trùng tu đền. Tấm bia làm theo kiểu cổ cả về dáng và hoa văn theo thể thức của thời kỳ cuối thế kỷ XVIII, nối tiếp ở thời Minh Mạng. Hình thức vân xoắn trên nóc là biến thể của hổ phù, vân xoắn thể hiện ước vọng về sự no đủ. Hình thức này tôn trọng đạo lý truyền thống, có hình dáng tổng thể đẹp. Trên cùng là hổ phù, có bệ ở dưới, phía dưới có hình con rùa, hình thức bia biểu thị trục thông tam giới.

Nhà Tiền tế kiến trúc gồm ba gian, bốn  hàng chân cột, đầu hồi bít đốc, hai bộ vì đầu hồi có kiến trúc kiểu kẻ truyền liền bảy, tuy nhiên hai bộ vì này có kiểu hình thức chốn cột gian giữa có lối kiến trúc kiểu chồng rường kết hợp với kẻ liền bảy. Các chồng rường đều được chạm khắc tinh vi, là sản phẩm của thời Nguyễn nhưng vẫn mang đậm nét kiến trúc xuyên suốt từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XX, đặc biệt là các con rường áp sát với nhau tạo thành một mảng để trang trí không có đấu và tạo thành cốn mê. Cốn mê đó được chạm khắc các bức họa có nghệ thuật kiến trúc mang ý nghĩa của Tứ linh. Ngoài cùng là bức Long Mã gắn liền với tích trị thủy, mang ý nghĩa là rồng bay lên. Long mã có hình đầu rồng, thân ngựa, sừng nai, mắt quỷ, vẩy cá chép, chân ngựa, đuôi bò, năm dải tóc tượng trưng cho tia sáng, sấm chớp đánh về năm phương thể hiện ước vọng của người xưa. Ở đây có hai con, thể hiện âm dương đối đại, ước vọng mưa nhuần muôn cõi. Long Mã chạy ngang gắn với vĩ tuyến, gắn với sự tung hoành về không gian và thời gian, khi chuyển động gắn với sự vận động của không gian, còn thời gian tượng trưng cho sức mạnh của thần thánh. Mắt Long Mã nhìn xuống tượng trưng cho sức mạnh của tâm linh để kiểm soát tâm hồn của kẻ hành hương.

Nhà Phương đình có hình thức kiến trúc chồng diềm, đầu dư, xà nách, kẻ ngồi đều chạm lộng rất công phu. Tường hồi hai bên tả hữu có kẻ ô, trong đắp nổi một bên là Thanh Long, một bên là Bạch Hổ. Nhà Phương đình gồm 2 tầng 8 mái, bao giờ cũng đứng riêng, không nối chung với các kiến trúc khác, mang ý nghĩa dịch thuật. Cả tòa nhà tượng trưng cho thái cực động (thái cực dương) gắn với mái trên và thái cực tĩnh (âm) gắn với mái dưới. Mái là tứ tượng: thái dương, thiếu âm, thái âm, thiếu dương. Tám mái là biểu thị của bát quái, có ý nghĩa tạo muôn loài muôn vật. Đôi phượng đứng trong tòa nhà này có 2 con, một con ngậm cánh hoa và một con ngậm sách. “Hoa” ở đây là hoa cúc, là biểu thị của đạo, thuộc về tôn giáo, trí tuệ Phật, còn “Sách” thuộc về Nho giáo, thể hiện sự “Phi trí bất hưng”, đúng với tinh thần của người xưa. Hình ảnh con phượng giang cánh bay là biểu tượng cho sự vận động của bầu trời.

Kiến trúc thể hiện một hàng hiên tạo nên một không gian thống nhất giữa Phương đình và Hậu cung. Ý nghĩa và dịch học của hiện tượng nối Phương đình đã được suy lại. Hàng hiên này dựa vào hai kiến trúc khác nhau đã tạo nên vì cong đỡ 5 hoành mái và bộ mái riêng. Thông thường trên mái này có một máng nước, có kết cấu giống vì vỏ cua ở Hội An và cung đình Huế. Trên vì vỏ cua có điêu khắc hổ phù tì lên đầu con bọ. Trên mặt hổ phù, ván mây là một bông cúc mãn khai nhìn nghiêng cách điệu hóa thân thành hổ phù, quay mặt chữ “Thọ” ra phía ngoài. Đây là sự sáng tạo rất cao trong tạo hình về mặt nghệ thuật. Ở lĩnh vực kiến trúc thì đây là biểu hiện điêu luyện của tạo tác...

Đền Quan Đế là một ngôi đền cổ có giá trị về lịch sử cũng như nghệ thuật tạo hình. Vì vậy, việc tu bổ toàn bộ công trình không chỉ góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa, mà còn tạo nên một địa danh du lịch văn hóa thu hút các khách du lịch trong và ngoài nước. Từ nay, nơi đây còn là Trung tâm Thông tin Phố cổ Hà Nội, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho du khách về lịch sử, văn hóa của cả khu phố cổ Hà Nội.

(Nguồn: Nguyễn Chính)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]





Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Đền Quan Đế
Địa chỉ 28 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2016-12-28 06:12:04
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất