Chùa Đại Phùng
Chùa Tam Giáo
Rước bằng và bên trong chùa Tam Giáo - Đại Phùng - Đan Phượng - Hà Nội |
|
Tổng quan
Chùa Đại Phùng là một trong số ít những ngôi chùa trong vùng thờ Tam giáo, tức Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Hiện nay, trong chùa không chỉ có các tượng Phật mà còn có tượng thờ Khổng Tử và Lão Tử. Tên chữ của chùa từ xưa đến nay là Tam Giáo tự (三教寺) - chùa Tam Giáo.
Tên gọi Tam Giáo tự được ghi nhận trên văn bia thời Mạc (niên đại Hồng Ninh nguyên niên - 1591) cùng các di vật khác như: Chuông đồng (Chính Hòa bát niên - 1687), khánh đá thời Lê (Vĩnh Thịnh tam niên - 1707); khánh đồng (Gia Long 14 - 1815), bia đá thời Nguyễn (Bảo Đại Canh thìn - 1940), hoành phi thời Nguyễn (các niên đại thời Tự Đức, Duy Tân). Không chỉ vậy, trên văn bia thời Mạc hiện dựng tại chùa còn ghi, chùa có tên là Tam Giáo từ lâu, đến năm thứ 9 niên hiệu Sùng Khang (1574) đã tiến hành trùng tu, theo đó, tên chữ của chùa là Tam Giáo tự hẳn có từ lúc khởi dựng chùa đến nay. Rất hiển nhiên, ngay từ giai đoạn sớm, chùa này đã thờ Tam giáo, điều đó phân biệt với nhiều di tích vốn dĩ là đạo quán, sau đó bị “tự hóa”, hay các di tích ban đầu là chùa Phật về sau mới dung hội thêm nội dung Đạo giáo và Nho giáo. Hiện nay, trong chùa có đầy đủ hệ thống tượng thờ tương ứng với các chức năng thờ tự vốn có, gồm: Hệ thống tượng Phật, tượng Khổng Tử và Lão Tử.
Toạ độ
NHÃN VÔ TỤC CHƯỚNG!
Chùa Tam Giáo - làng Đại Phùng - thị trấn Phùng - Đan Phượng - Hà Nội. Đại Phùng và Đông Khê là hai làng cổ ngay ven đê sông Đáy! Quanh gần ven đê, nhiều chùa cổ, vẫn còn tượng pháp bia cổ, kiến trúc lưu dấu thời gian. Làng Đông Khê và Đại Phùng làm mộc, kết cấu làng rất đẹp, ngay ngắn, sạch sẽ, kiến trúc nhìn thích mắt ....
Chùa Tam Giáo, có bia thời Mạc do ông Mạc Ngọc Liễn, công chúa Mạc Ngọc Lâm góp công xây dựng. Trải bao năm tháng, kiến trúc quy cách chắc còn giữ được từ xưa, nhưng tượng pháp, đối liễn thì không còn giữ được. Chùa thời Mạc có cái bia, còn lại đa phần đối liễn, tượng pháp...cuối 19 đầu thế kỷ XX. Tượng đất cũng có.
Chùa nghèo, dân chiếm đất mất nhiều, sư cô sau khi tốt nghiệp Trung cấp về trông chùa. Chùa ngay chợ, chợ to, nhưng tiền công đức cũng không phải là lớn, dù sao, cũng đủ tiêu sửa tý chút. Sư cô vẫn lam lũ làm lụng như bao thế hệ tăng ni ở các chùa làng xã người Việt.
Sư cô không giàu, không khéo, lành tính, thuần thành người con Phật, chăm đứa bé nhặt được cổng chùa, cùng đỡ sư phụ tuổi cao đau ốm mười mấy năm. Nhân chùa đình nhà nước cho trùng tu, làm là quý hóa, nhưng vào mới thấy đúng là cha chung không ai khóc, lỗi giữa khoảng Hộ Pháp và chính điện không đủ 1 người đi. trùng tu hỏng nhiều tượng đất. Tượng pháp mất tai, gẫy nhiều ...Vài ảnh mình chụp, mọi người xem chắc thấy.
Tượng thờ có Khổng Tử, Lão Tử (như ảnh dưới) cùng ban Phật cuối Nguyễn, tượng cũng không tinh xảo, nhưng nhẹ nhàng, thuần hậu kiểu truyền thống nông thôn chùa Việt :D
Tam quan sập sệ, như bác Nguyễn Đại Đồng đưa hôm trước, gạch chất, trên tam quan còn chuông, khánh dày đặc chữ mà chả dám lên. Tường xung quanh không tốt. Ôi! May vẫn còn giữ được, sửa sang thì tính dần rồi đâu vào đấy thôi!
Chùa, như bao chùa quê, đẹp, yên bình! Yên, đẹp như tấm lòng của Phật, thấm vào tâm bao người con Phật!
Ai có tấm lòng từ thiện, góp kinh phí trùng tu chùa, chăm trẻ nhỏ, người già, cũng có thể đến chùa ấy!
(Thiền Phong Phạm Văn Tuấn)
Bài viết
Bình luận
Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
|
|
Địa chỉ |
Đại phùng, tt. Phùng, Đan Phượng, Hà Nội, Vietnam |
Thêm bởi |
admin |
Vào ngày |
2017-08-29 20:59:20 |
Các thành viên |
|
|
|
(119 m) |
(3.40 km) |
(3.52 km) |
(4.03 km) |
(3.92 km) |
(4.11 km) |
(4.68 km) |
(6.06 km) |
|