Landmarks

Chùa Che

Tổng quan

Chùa Che là ngôi chùa cổ thuộc làng Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Đây là ngôi chùa cổ kính, có niên đại lâu đời, chí ít là từ thời Trần thông qua một vài hiện vật còn sót lại như Bia đá, Sấu đá. Trải qua thời gian gần 700 năm, ngôi chùa đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo, để lại dấu ấn các giai đoạn ở trên Phật điện cũng như kiến trúc xung quanh. 

Bước qua cổng chùa, không khó để nhận ra ngay trước thềm hiên tiền đường là 1 đôi sấu thành bậc có phong cách điêu khắc đời Trần. Nhận định này càng được củng cố hơn bởi 1 tấm bia đá phía bên trái sân Tiền đường, có hoa văn họa tiết mang đầy đủ phong cách, giá trị nghệ thuật thuộc thời Trần. Bia đá này hầu như còn nguyên vẹn, có gãy ngang nhưng đã được gia cố lại theo vị trí cũ, một số chữ đã mất do hậu quả của lần gãy trên. Bia có kích thước vừa phải, quanh diềm bia chạm hoa dây đặc trưng phong cách Lý - Trần, trán bia hiện còn một con rồng mang đặc trưng đời Trần, với những nét khắc rõ ràng, mạch lạc, dưới chân bia là diềm sóng thủy ba cũng là một đặc trưng phong cách đời Trần.

Nội dung bia, theo như sách Mỹ thuật Lý - Trần - Mỹ thuật Phật Giáo thì chép về việc Đời Khai Thái thứ 5, tháng Giêng ngày mồng 7 năm Mậu Thìn (1328) (Nguyên văn:  Duy Hoàng Việt Trần triều đệ  lục đế bi minh tịnh tự - tức đời Trần Minh Tông ) dựng bia ở nơi đây: Viện Diễn Phúc - Lộ Quốc Oai - Hương Già, xóm Quế để kính tặng thường trụ Tam Bảo. Trên là chúc đức Đương Kim Hoàng đế sống lâu... thứ đến nguyện cầu cho vị hương chủ giàu có thắm tươi, nhà nhà sinh con hiền thảo phú quý vinh hoa, xứ xứ vựa kho ngũ cốc dồi dào, sau cùng chúc cho tất cả đồng duyên làm điều tín nghĩa, may mới thoát khỏi mọi trói buộc của lòng ham muốn, mong cho hội chủ cùng tín đồ sớm thoát khỏi nỗi khổ tối tăm và ra khỏi hố mê lầm, cùng vào cảnh giới Như Lai...

Như vậy, qua nội dung văn bia, cùng các hiện vật còn lại là đôi sấu đá trước tiền đường đã chứng minh chùa này xưa kia là một Viện Phật lớn.

Đôi sấu đá của chùa nay còn nguyên vẹn, dù trải ngót 700 năm mưa gió bào mòn, hẳn trước kia nằm trước toà thượng điện theo như cách bài trí của các ngôi chùa thời Trần xưa còn sót lại đến nay. Chúng mang phong cách đục chạm tương tự như đôi sấu trước tam quan chùa Phổ Minh - Nam Định, khá nhỏ bé, nét chạm có phần thô phác, trong tư thế nửa nằm nửa chạy, đầu ngẩng cao, cổ đeo chuông là phiên bản thường thấy ở những sấu đá thời Lý, tuy có đơn giản hơn.

Ngoài ra, ở 2 bên hồi tiền đường chùa Che hiện còn lưu giữ vài mảng đất nung có những hình khối theo phong cách thời Mạc, được các cụ kể lại là xưa nằm trong bệ thờ Tam Bảo của chùa. Các viên gạch này có phong cách tương tự như những viên gạch ở tường Quán Giá, Hoài Đức, Hà Nội, được khắc lên các hình Voi, Ngựa, Người... rất sống động.

Điều này chứng tỏ chùa đã được quan tâm tu sửa vào thời nhà Mạc, mà hiện nay còn để lại được một số hiện vật này.

Đặc biệt, trên Phật điện của chùa còn lưu giữ được 2 pho tượng khá đặc sắc, nhất là ở phần bệ. Lần đầu tiên người viết được thấy pho tượng Quan Âm Nam Hải ngồi trên bệ với tạo hình kỳ lạ như vậy. Dưới cùng là 4 đầu rồng nằm vuông góc với nhau để đỡ tòa sen của tượng. 4 đầu rồng này phong cách chạm khắc tương đương nhau, cùng mang kỹ thuật điêu khắc thời Mạc, so hình tượng Rồng này với Rồng ở đình Tây Đằng không khác nhau là bao. Ắt hẳn xưa kia dưới 4 đầu rồng này còn có phần bệ dưới nữa, mà do thời gian loạn lạc, hoặc lâu đời mà hư hỏng, mất mát. Các lớp cánh sen phía trên cũng được tạo hình đặc trưng thời Mạc, với cánh sen nở xòe ra, phồng múp, dưới mỗi cánh sen lại được tạo hình những viên ngọc bao quanh 1 viên ngọc lớn hơn ở chính giữa.

Ngay lớp dưới pho tượng Quan Âm Nam Hải là pho tượng Phật Thế Tôn. Tượng được tạc đứng liền khối với bệ, dáng cao mà cân đối. Lớp cánh sen cũng nở xòe như của pho tượng Quan Âm phía trên. Dưới cùng là lớp sóng được tạo hình cả 4 mặt của bệ, với những đặc trưng của gia đoạn cuối Tk 16 - đầu Tk 17. Vậy có thể thấy đây là một pho tượng Thế Tôn khá sớm trong hệ thống Phật Điện ở miền Bắc còn lại đến nay.

Ngoài chùa hiện còn một tấm bia đá thời Lê Trung Hưng Tk 18 và 1 cây hương đá có niên đại tương đương. Cây hương này hiện dựng tại bên phải tiền đường, không phải vị trí chính giữa như thường thấy ở các di tích khác, có lẽ đã được chuyển dời trong một lần trùng tu gần đây.

Điều đáng nói là hiện nay, ngôi chùa này chưa hề được xếp hạng, kể cả cấp tỉnh, đó là điều thiệt thòi quá lớn, khi ngôi chùa này đang ngày càng xuống cấp, mặc dù nó chứa đựng biết bao hiện vật quý giá minh chứng cho những bước phát triển thăng trầm của Phật giáo Việt Nam từ thời Trần đến nay.

(Nguồn: Hoài Nam)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]







Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Chùa Che
Địa chỉ Đường đê, Tân Dân, Phú Xuyên, Hà Nội, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2017-09-01 08:12:16
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất