Chùa Thông
NHỮNG DI TÍCH VỀ KHỞI NGHĨA YÊN THẾ ( HUYỆN TÂN YÊN & YÊN THẾ - BẮC GIANG ) |
|
Tổng quan
Chùa Thông nằm trong cụm di tích khởi nghĩa Yên Thế cách trung tâm đồn Phồn Xương khoảng 2km về hướng Đông Bắc. Ngôi chùa tọa lạc gần trục đường 265 tiện cho việc tham quan nghiên cứu. Xưa chùa Thông thuộc làng Nứa, xã Hữu Trung, có thời gian là xã An Lạc, tổng Hữu Thượng, phủ Yên Thế, nay thuộc xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Ngôi chùa được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Khoảng những năm 1901-1902 cùng với nhiều di tích khác trong vùng Yên Thế, chùa Thông được Đề Thám cho tu sửa thêm phần khang trang. Trong cuốn Khởi nghĩa Yên Thế của tác giả Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần ghi: “Chùa chiền, đình miếu, nhà thờ thiên chúa giáo bị hư nát được sửa lại nhiều như các ngôi đình ở Hả, Lan, Cao Thượng, các ngôi chùa Lèo, chùa Thông, Phồn Xương, các nhà thờ thiên chúa giáo...”.
Khu di tích chùa Thông hiện nay gồm các hạng mục công trình: Khuôn viên vườn chùa, nhà Mẫu và khu chùa chính tất cả tọa lạc trên gò đồi có tổng diện tích: 3093 m2. Ngôi chùa hiện nay có bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh gồm toà tiền đường ba gian nối với toà thượng điện hai gian. Phần liên kết vì mái toà tiền đường giống nhau kiểu chồng rường giá chiêng truyền thống các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc nhưng vẫn đượm màu thời gian cổ kính. Toà thượng điện có hai gian, phần liên kết vì mái kiểu vì giá chiêng kẻ chuyền, các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc. Trong chùa bài trí hệ thống tượng Phật đầy đủgồm 17 pho tượng và một số tài liệu, hiện vật, đồ thờ tự có giá trị như mâm bồng, bát hương, đài thờ cổ... có giá trị lịch sử và giá trị nghiên cứu khoa học.
Chùa Thông là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với khởi nghĩa Yên Thế, địa điểm nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp họp ký hòa hoãn lần thứ nhất (1894-1897). Năm 1894, để có thời gian chuẩn bị và củng cố lực lượng Đề Thám đã tổ chức bắt sống tên Sét-nay chủ bút báo Tương lai xứ Bắc Kỳ và nhân viên đi theo Lô-gi-u, tập kích một chuyến xe lửa rồi rút về Phồn Xương. Việc bắt ông Sét-nay đã giáng một đòn mạnh vào dư luận. Bọn tư sản, chủ thầu đòi cứu bằng được. Trước tình thế đó thực dân Pháp đã nhờ giám mục Vê-lát-cô làm môi giới điều đình với nghĩa quân. Cuộc đàm đạo kéo dài trong 15 ngày tại chùa Thông, cuối cùng ngày 23 tháng 10 năm 1894, hai bên đi đến thoả thuận: Ngừng chiến, thả hai người Pháp với tiền chuộc là 15.000 frăng. Đề Thám cai quản 4 tổng: Mục Sơn, Yên Lễ, Nhã Nam, Hữu Thượng thu thuế ở đó trong 3 năm. Việc thương thuyết, điều đình tới ký hiệp ước tại chùa Thông nhiều tài liệu gọi đây là cuộc hoà hoãn lần thứ nhất giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp.
Chùa Thông là nơi tuyển nạp, luyện tập binh sỹ của nghĩa quân Yên Thế. Các thanh niên được tuyển dụng, đào tạovõ nghệ, sử dụng thành thạo vũ khí cung tên, nỏ, dao, kiếm....để cung cấp cho nghĩa quân. Cạnh chùa còn bãi tập trận của nghĩa quân Yên Thế. Đôi câu đối ở chùa còn ghi:
Phiên âm: - Bảo Thông Đồng Lạc nghĩa quân tụ nghĩa binh cơ
Trọng đức chiêu hiền dũng mãnh kiên cường phù đại nghĩa
Dịch nghĩa:-Đồng Lạc, là nơi nghĩa quân tụ họp lĩnh binh cơNơi đây trọng nghĩa, chiêu hiền được sự dũng mãnh kiên cường phò nghĩa lớn.
Ngoài ra, chùa Thông còn là nơi Đề Thám hội kiến với cha đạo Vê-lát-cô là giám mục toà xứ Bắc Ninh trước đây đã đặt quan hệ mật thiết với người thủ lĩnh Yên Thế. Năm 1905, đang trong thời gian hoà hoãn, các nơi ngừng tiếng súng, Vê-lát-cô lên vùng Yên Thế thăm các họ Đạo, Đề Thám biết tin liền mang nghĩa quân đi đón ngang đường. Gặp Vê-lát-cô, Đề Thám mời vào chùa Thông nghỉ chân hội đàm. Sau đó Vê-lát-cô mời Đề Thám cùng lên đường về Nhã Nam và vô hình trung tên toà đại lý Nhã Nam La-côm-bơ buộc phải tiếp đón cụ Đề và nghĩa quân với nghi lễ thượng khách.
Chùa Thông là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương, hội chùa Thông nằm trong không gian văn hóa chung của lễ hội vùng Phồn Xương-Yên Thế. Hằng năm, vào mùa Xuân tháng Giêng, Hoàng Hoa Thám cho mở hội thi làm cỗ, làm bánh, thi thả đèn, thả cá, thả chim rất náo nhiệt. Để củng cố sức mạnh cho nghĩa quân, Đề Thám còn mở hội thi võ, đấu vật và bắn cung, bắn nỏ. Vào mùa thu Đề Thám lại cho mở hội cầu siêu, cho mời nhiều vị cao tăng đức độ đến hành lễ, tổ chức cuộc rước và kết thúc bằng lễ phóng ngư, phóng điểu nói lên khát vọng tự do của nhân dân....Có thể nói cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chính là biểu trưng rực rỡ của của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống xâm lược của nhân dân ta. Lịch sử đã chứng minh rằng, do những hạn chế gắn liền với các giai cấp, tầng lớp vươn lên giữ ngọn cờ giải phóng dân tộc ấy, nên tất thảy các phong trào này đều lần lượt bị thất bại. Đó là một tất yếu lịch sử. Tuy nhiên, cũng chính từ ngọn cờ giải phóng dân tộc lần lượt được thử thách qua các giai tầng trong xã hội Việt Nam đương thời, đã dẫn đến và là bằng chứng khẳng định vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam, với đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Đồng thời cũng từ trong quá trình đó, phong trào yêu nước Việt Nam đã được phát triển ngày càng mạnh mẽ, rộng khắp trở thành một trong 3 yếu tố cơ bản (lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước) dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Ngày nay, hội chùa Thông vẫn được tổ chức theo không gian văn hóa chung của lễ hội vùng Phồn Xương - Yên Thế ngày 16 tháng 3 dương lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.
Là di tích đặc biệt, nơi ghi dấu sự kiện lịch sử về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chùa Thông là một trong 23 điểm di tích thuộc Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được Thủ tướng chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. (Nguồn: bacgiang.gov.vn)
Toạ độ
Bài viết
Bình luận
Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
|
|
Địa chỉ |
TL265, Yên Thế, Bắc Giang, Vietnam |
Thêm bởi |
admin |
Vào ngày |
2017-10-21 03:58:29 |
Các thành viên |
|
|
|
(2.39 km) |
(2.79 km) |
(3.31 km) |
(5.10 km) |
(5.58 km) |
(6.19 km) |
(6.72 km) |
(6.90 km) |
|