Chùa Hồng Liên
Tổng quan
Chùa Hồng Liên là ngôi chùa nhỏ của gia đình họ Nguyễn ở thôn Tây Mỗ, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Tấm bia khắc bằng chữ Nôm đặt ở bên phải cửa chùa, mặt bia hướng vào tam bảo. Từ chân bia đến đỉnh bia cao 130cm. Bia rộng 66cm. Bia bốn mặt, hai mặt bên cạnh chiều rộng chỉ 15cm. Bia còn nguyên vẹn, chất liệu đá xanh mịn bóng, hoạ tiết hình rồng, hoa lá trang trí ở trán bia, diềm bia và đế bia đều rất rõ nét, đẹp và sinh động. Trán bia cao 23cm với họa tiết rồng vờn mây chầu mặt nguyệt, nét khắc uyển chuyển. Thân bia tạc liền với đế. Đế bia chạm mặt rồng phủ phục rất nghệ thuật. Tấm bia này là khối đá thân liền với đế, khác một chút so với nhiều bia khác thường làm thân bia rồi đặt trên đế khắc hình con rùa.
Mặt trước bia khắc toàn bằng chữ Nôm. Mặt sau viết bằng chữ Hán, liệt kê số ruộng giao cho bản chùa canh tác. Mặt bên cạnh, cũng viết bằng chữ Hán, ghi đầy đủ những đồ tế khí và số lượng hoành phi câu đối cùng cách bài trí trong chùa.
Tác giả văn bia - đồng thời cũng là người xây dựng chùa tên là Phạm Thị Mỹ. Bà xuất thân từ một gia đình Nho học ở Hà Bắc. Tuy là phụ nữ nhưng theo con cháu của bà cho biết: bà am tường chữ Nho và giỏi cả chữ Nôm. Là vợ của một vị Tổng đốc song bà sống đức độ, được dân trong vùng yêu trọng.
Phiên âm toàn văn phần Nôm bài văn bia:
Đời có kẻ cậy học khoe tài, thường hay chê bai Phật giáo, cho là tịch diệt hư vô, không thiết đến đời thực dụng. Nhưng than ôi! Cạnh tranh càng khiếp, máu xương tan nát càng nhiều; vật chất càng cao, tinh hoa suy đồi càng lắm, đoái trông những cuộc lầm than giật mình xiết bao kinh sợ!
Sao bằng đạo Phật lấy tinh thần làm bản tướng, phó không sắc ở tự nhiên. Bến giác con thuyền cứu độ sinh linh nơi khổ hải: cành dương giọt nước thoát ly sinh diệt cõi nhân gian. Bởi thế trải mấy nghìn năm đến nay, buổi đời khoa học thịnh hành, mà trước cửa từ bi vẫn không hết người sùng ngưỡng, há không phải là một triệu chứng hiển nhiên ? Ngôi chùa Hồng Liên dựng nên cũng vì nhẽ đó. Hồi tưởng lại mấy năm về trước, Nguyễn tướng công tôi mới treo ấn từ quan trở về cố lý, có khi đàm đạo cùng tôi thường nói: “Tôi đây từ năm Tự Đức Kỷ Mão (1879) tập lãm xuất thân, thấm thoát đến năm Kỷ Mùi (1919) mà quan chức đã lên tới Hà An tổng đốc. Quan bộ hanh thông như thế, đã hay rằng nhờ ở chữ phận chữ tài, song nửa phần thực cũng do ở tấm lòng mộ đạo. Lòng thành mộ đạo rửa sạch trần căn, cho nên trước sau một mực thanh liêm mà đường hoạn không hề chút gì trở ngại. Tới nay công danh đã tắt lửa lòng, điền dã riêng vui cảnh lão. Nhà tuy thanh bạch, song đối với Đại Đức Chân Như dễ lúc nào mà không mến mộ! Nhân thế đến năm Giáp Dần (1914) liền bàn định cùng tôi quyết bề mở mang một tòa pháp sái(4). Mua đất làm nhà, đúc chuông tô tượng, không bao lâu mà công quả viên thành Ngôi chùa Hồng Liên ngày nay tức là miếng đất bỏ hoang khi trước vậy.
Cách đó đến năm Canh Thân Khải Định thứ năm (1920) chẳng may Tướng công tôi thất lộc. Theo lời di chúc để ngay phần mộ trước chùa, cũng muốn gửi thân cửa Phật để trọn tấm lòng qui giới nghìn thu. Giữa năm Kỷ Tỵ Bảo Đại thứ tư (1129) tôi nhân nhớ lời nguyện cũ, nối chí người xưa, bèn thu xếp tiền nong làm thêm một mái giảng đường ở ngay bên cạnh. Giảng đường tuy chẳng cao to song đủ nơi phụng tổ, dù chốn tăng phòng, dưới trên ngăn nắp chẳng mất thanh quy. Đối với tiền nhân cũng tạm gọi là không di hám(5).
Tới nay qua văn cảnh chiền(6), nhác trông Phật tượng nghiêm trang, vườn ao sầm uất, khói hương rực rỡ, hoa cỏ tưng bừng, chạnh lòng nhớ khách Tây phương, nghĩ lại xiết bao hoài cảm!
Tuy nhiên, cuộc đời biến đổi, nghìn xưa dâu bể khôn lường; công kẻ mở mang, một chút hoa hương cũng quí. Tôi nay tuổi ngoại bảy tuần, bóng chiều đã xế. Chỉn e(7) nhất đán vô thường(8), những kẻ sinh sau không biết theo đường nối mối, lỡ ra cửa chiền lạnh lẽo, vắng vẻ khói hương, thì công trước tài bồi luống thành tinh vệ(9).
Vậy nhân đem các thứ nội tự ngoại điền cùng là các thứ tài vật đã cúng vào chùa khắc rõ trong bia hầu để con cháu về sau biết đó mà cùng nối giữ.
Than ôi! cảnh có người, cảnh thêm sầm uất; người có cảnh, người mới lưu truyền. Cảnh đấy người đây, há không nhớ đức Như Lai(10) mà được lâu dài muôn thuở. Dám mong con cháu về sau hết lòng cùng dạ nối gót tiền nhân, dựa theo các lời đã dẫn thủy chung, chớ chút đổi dời, đem tâm thành kính cùng nhau nối giữ cảnh chiền, khiến cho y bát chân truyền(11) ngày thêm rạng vẻ. Trước là khỏi đắc tội pháp luật ở cõi dương gian, sau là khỏi phụ đức từ bi nơi thiên giới. Lòng già hân hạnh biết bao, mấy lời tâm huyết dám mong Bồ Tát(12) chứng tri.
Bia dựng vào tuần rằm tháng tám niên hiệu Bảo Đại 8 (1934).
Nguyên Hà Đông Tổng đốc trí sĩ Tây Đình Nguyễn tướng công chánh thất nhị phẩm phu nhân Phạm Thị Mỹ kính ghi.
CHÚ THÍCH
(1) Xem Tạp chí Hán Nôm, số 2, 1994.
(2) Xin cảm ơn PTS. Cung Văn Lược đã mách chỉ cho tôi in rập tấm bia này.
(3) Xem Nguyễn Thị Lâm: “Hiện tượng ghi âm mang tính chất địa phương trong chữ Nôm”. Nghiên cứu Hán Nôm .1985. tr.78.
(4) Tòa pháp sái: Ngôi chùa.
(5) Di hám: ân hận, hối tiếc.
(6) Chỉn e: chỉ e ngại.
(7) Nhất đán vô thường: Có sự bất ngờ xẩy đến, ý nói tuổi già không biết mất lúc nào.
(8) Tinh vệ: Theo truyền thuyết Trung Quốc, con gái vua Viêm Đế vượt biển đông bị chết chìm, hóa thành chim Tinh Vệ, thường bay đến núi Tây ngậm đá về lấp biển cho người hận. ở đây ý nói: nếu không sẽ để thành nỗi hận.
(9) Chiền: tức chùa.
(10) Đức Như Lai: Đức Phật Như Lai.
(11) Y bát chân truyền: “y”: cái áo cà sa, “bát”: cái bát: “Y” là đồ thường dùng của nhà tu hành. ý nói đạo Phật được lưu truyền.
(12) Bồ Tát: Đức Phật Bồ Tát. (Nguồn: TRƯƠNG ĐỨC QUẢ (Tạp chí Hán Nôm, số 4 (21), 1994))
Toạ độ
Hình ảnh
[xem cả trang] [Google Images]
Bài viết
Bình luận
Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
|
|
Địa chỉ |
65 ĐT70, Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam |
Thêm bởi |
admin |
Vào ngày |
2018-05-21 21:25:22 |
Các thành viên |
|
|
|
(291 m) |
(518 m) |
(863 m) |
(1.13 km) |
(2.77 km) |
(2.95 km) |
(3.02 km) |
(3.17 km) |
|