Landmarks

Nghè Nếnh

Tổng quan

Nghè Nếnh thuộc thị trấn Nếnh huyện Việt Yên, Nghè nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 13 km về phía Tây Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 38 km về phía Đông Bắc.

Theo các cụ cao niên ở đây cho biết, Nghè Nếnh xưa được xây dựng có quy mô đồ sộ theo kiểu Tiền nhất hậu đinh, phía trước là tòa tiền tế 5 gian bằng gỗ lim, phía sau là tòa đại bái 5 gian nối với hậu cung một gian. Toàn bộ các cột, xà, hoành đều được dựng bằng gỗ lim to, chắc, khỏe. Hai bên tả, hữu ở phía trước sân còn có hai dẫy nhà, mỗi dẫy 3 gian, ngoài cùng là hồ nước của Nghè rộng khoảng 7 sào Bắc bộ và một số cây cổ thụ như cây Gạo có đường kính trung bình khoảng 1m, cây Ngâu được trồng ở phía trước của Nghè cũng khá to, xum xuê bóng mát. Tương truyền Nghè Nếnh xưa còn là pháp trường xử án những người có tội với dân, với nước, vì vậy Nghè Nếnh khi đó còn có khu gọi là khu sau dinh, tức là phía sau Nghè nơi thờ Hán Quận Công Thân Công Tài.

Theo lời kể của các cụ cao niên thì Nghè Nếnh xưa rất linh thiêng, nếu mọi người dù là quan hay dân thường đi qua cửa Nghè đều phải xuống ngựa đi bộ. Nếu từ phía Bắc Ninh đi lên phải xuống ngựa từ khu Tam Tầng ( xưa ở đó có đặt tấm bia Hạ Mã), đi qua tấm bia Hạ Mã ở Sen Hồ mới được lên ngựa và ngược lại, nếu từ Bắc Giang đi xuống cũng phải xuống ngựa từ Sen Hồ qua Tam Tầng mới được lên ngựa.
Nghè Nếnh xưa có khá nhiều tài liệu, hiện vật quý từ thời Lê, Nguyễn như: Bia đá xanh, sắc phong, bát bửu, ngai thờ, bài vị… song rất tiếc, các hiện vật này đều bị hư hỏng, thất lạc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nghè Nếnh cũng bị hư hỏng năm 1948 – 1949, hiện vật duy nhất còn đến nay là tấm bia đá xanh có niên hiệu Đức Nguyên năm thứ nhất( 1672). Tấm bia đá tứ diện này được coi là báu vật không những ở nội dung mà nó còn là tấm bia có kiểu dáng độc đáo nhất từ trước tới nay được phát hiện ở tỉnh Bắc Giang. Toàn thân bia được chạm khắc tinh sảo, đề tài các linh vật, cây cối, hoa lá như: Rồng, Ngựa, Trâu, Mèo, cá Chép, cây dừa, hoa sen… hoặc cảnh người ở các cấp độ, hoàn cảnh khác nhau như: cảnh nho sinh cưỡi ngựa, tàn ô võng lọng vinh quy, cảnh đôi trai gái tròng ghẹo nhau bên bến ao làng… Tất cả các hoạt cảnh này được nghệ nhân khéo tạo trong một tổng thể thống nhất, sinh động mà vẫn hài hòa giữa người và cảnh vật.

Theo nội dung của văn bia này cho biết: Người được thờ ở đây là Quận Công Thân Công Tài ( 1620 – 1683). Thân Công Tài là người xã Nghi Thiết, nay là Thôn Như Thiết xã Hồng Thái, huyện Việt Yên. Năm 1672 ông làm quan Trị nội Thư tả, Đề đốc các xứ Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn và được phong tước Hán Quận Công. Khoảng thời gian này, Quận Công nhiều lần qua lại miền biên ải Lạng Sơn, thấy việc giao lưu, buôn bán vùng này kém phát triển, ngài đã cùng Vũ Quận Công Vi Đức Thắng – là người địa phương đứng ra lập nên chợ Kỳ Lừa, tạo ra nơi buôn bán, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương miền biên giới 2 nước Trung Quốc và Đại Việt. Chợ Kỳ Lừa ngày càng phát triển cho nên 13 huyện của Trung Quốc đã lập miếu thờ ông. Ở Lạng Sơn, chợ Kỳ Lừa hiện vẫn còn đền thờ ông, có tấm bia tạo dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686) khi dựng Tả Phủ, cho biết ông được nhân dân hai nước tôn làm  “ Sư phụ” và là “ Lưỡng quốc khách nhân”.

Đối với nhân dân địa phương, ông đã có công lao ban phát tiền bạc, ruộng đất cho dân lành cầy cấy, làm ăn, vì vậy được nhân dân tôn sùng, ghi nhớ công ơn to lớn của ông nên đã bầu làm Hậu thần thờ ở trong Đình, Đền, Nghè của địa phương, trong đó Nghè Nếnh là một địa điểm.

Hàng năm, hội lệ địa điểm Nghè Nếnh xưa được tổ chức vào hai dịp tháng giêng và tháng tám. Hội lệ tháng Giêng được diễn ra từ ngày 10 đến hết ngày 14. Trong những ngày hội này có tổ chức các trò vui như: Vật, kéo chữ; Trình quan đại hội, Thiên hạ thái bình… Nay hội tháng Giêng chỉ tổ chức một ngày. Hội lệ tháng tám âm lịch diễn ra vào ngày 12 có tục cúng thần bằng bánh dày.

Năm 2010, Nghè Nếnh đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sau khi được xếp hạng, nhân dân địa phương đã khôi phục Nghè Nếnh trên nền đất nghè năm xưa để làm nơi thờ Hán Quận công Thân Công Tài, người có công với dân, với nước. Di tích cũng được bảo vệ, tôn tạo và luôn mở cửa đón du khách thập phương tới thăm quan, nghiên cứu.

(Nguồn: Nguyễn Hạnh)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]



 © Bia đá xanh tứ diện thời Lê (thế kỷ XVII) tại Nghè Nếnh.


Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Nghè Nếnh
Địa chỉ phố nếnh, Việt Yên, Bắc Giang, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2018-10-30 06:51:53
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất