Miếu thờ ông Cộc ông Dài
Tổng quan
ÔNG CỘC - ÔNG DÀI
Thuở xưa, dải sông Đáy giáp ranh giữa hai huyện Thanh Oai và Chương Mỹ, Hà Nội, thường xuyên vỡ đê. Ở tổng Phương Chung, làng Kim Bài có hai vợ chồng đã lớn tuổi mà không có con. Hằng ngày ông bà đánh cá trên sông, hễ thấy chỗ nào đê sạt lở lại đào đất đắp vào, nhờ đó mà mùa nước lớn, các làng xóm trong vùng thoát cảnh lũ lụt hằng năm.
Thương tuổi già côi cút, Thủy Tề Long vương cho hai vị Thái tử làm con của ông bà. Một hôm, khi mò cá trên sông, ông bà bắt được hai quả trứng, nặng như đá. Nghĩ biết là trứng rắn, nên ném trả xuống sông, lúc sau lại mò phải. Thấy chuyện thần kỳ, ông bà mang hai quả trứng về nhà, sau nở ra hai con rắn có mào. Ông bà lão chăm nuôi đôi rắn rất cẩn thận, anh em nhà rắn quấn quýt cha mẹ nuôi suốt ngày. Một hôm, khi theo bố đi ăn cỗ, hai người con quấn lên cổng nhà chủ để đợi, thì một con bị chó cắn đứt đuôi, nên tục gọi là ông Cộc, con rắn còn lại là ông Dài.
Thời gian sau, ông bà lão đột ngột qua đời, bởi không có con nên dân tổng Phương Chung, huyện Thanh Oai đứng ra làm ma. Chưa kịp an táng thì mối đùn trùm kín quan tài. Hai con rắn được ông bà nuôi dưỡng nhớ thương cha mẹ, quẩn quanh bên mộ một thời gian thì bò xuống sông biến mất. Bởi có công với làng xóm, lại hiển ứng uy linh nên cả tổng dựng đền thờ cúng. Thời Lê phong cho ông bà là Dưỡng Bảo Từ Thái Sư và Dưỡng Bảo Từ Thái Mẫu lập đền thờ cúng, tục gọi là đền Hồ. Hai người con là Hoàng Đầu Thái tử và Bảo Trung Thái tử dựng Tối Linh từ, gọi là đền Hàng Tổng. Hiện hai ngôi đền đều thuộc thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Ở mộ ngài Dưỡng Bảo Từ Thái Sư mọc hai cây móc ở hai đầu, trong một trận lũ lớn, nước xoáy đã cuốn trôi ngôi mộ về ngự tại làng Bảo Từ, nay là Đại Từ, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Nguyên làng này cũng đã thờ ông Cộc, ông Dài làm Thành hoàng, nay được mộ cha nuôi của Thành hoàng về ngự tại làng, thật là quý giá. Vì có cả hai cây móc (cây đánh chim, thường lấy lá cắm vào vòng hoa), trôi theo về làm dấu, vì vậy dân tổng Phương Chung nhận được, mong muốn xin đưa mộ về lại đất mình, nhưng Đại Từ xin giữ lại. Từ đó các làng kết chạ, hằng năm vào dịp 12,13 tháng Hai lại rước thánh trên sông Đáy, để gia đình nhà Thánh gặp nhau. Nhưng từ đã lâu, do gặp nhiều điều bất trắc trong mỗi kỳ rước, mà tục này đã bỏ, hai bên chỉ còn dâng lễ giao hảo mỗi dịp hội tế mà thôi.
Lăng mộ của Thái Sư rất linh thiêng, thường gọi là lăng Ông Bõ. Ẩn mình dưới những cây cổ thụ với những khóm móc dày đặc, là con cháu của cây móc đánh dấu thời xưa. Đình làng thờ ông Cộc, ông Dài tức Hoàng Đầu Thái tử và Bảo Trung Thái tử, vẫn còn các sắc phong thời Lê, của các niên hiệu gồm: 1 đạo niên hiệu Vĩnh Khánh, 4 đạo niên hiệu Cảnh Hưng và 2 đạo niên hiệu Chiêu Thống. Dân làng Đại Từ có hèm hội hè không được múa rồng, nhà nào sinh vật nuôi cụt đuôi thì cho rằng đen đủi và phạm húy, nhà tín lễ phải xin khấn Thành hoàng. (Nguồn: Nguyễn Phong)
Toạ độ
Bài viết
Bình luận
Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
|
|
Địa chỉ |
|
Thêm bởi |
admin |
Vào ngày |
2023-09-03 08:04:25 |
Các thành viên |
|
|
|
(1.68 km) |
(1.88 km) |
(1.81 km) |
(2.15 km) |
(2.61 km) |
(4.21 km) |
(4.36 km) |
(4.77 km) |
|