Nhà thờ họ Bùi
NHÀ THỜ TRANG QUỐC CÔNG BÙI QUỐC HƯNG
Tổng quan
Từ xưa đến nay, các bậc anh hùng phò vua giúp nước, khi sống thì cầm quân đánh giặc, lúc thác đi lại hoá anh linh, hộ quốc tý dân, muôn đời tưởng nhớ công lao, hậu thế dốc lòng thờ phụng, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái ngọt nhớ người trồng cây!
Trang quốc công Bùi Quốc Hưng, sinh ra tại làng Cống Khê, huyện Chương Đức, xứ Sơn Nam Thượng, nay thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ông thi đỗ tam trường và có thời gian làm quan trong triều Trần, khi Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, Bùi Quốc Hưng đã vào Thanh Hoá làm môn khách trong nhà Lê Lợi. Khi giặc Minh xâm lược Đại Việt, biết vua đang chiêu hiền đại sĩ chuẩn bị binh lương đợi thời khởi nghĩa, tháng 10 năm Ất Mùi (1415), Bùi Quốc Hưng là một trong những người đầu tiên ghi tên gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Văn tài võ đức, ông vừa giúp Bình Định vương Lê Lợi cầm binh đánh giặc, lại vừa tính kế tham mưu, trực tiếp góp công vào nhiều trận đại thắng, đứng hàng thứ 9 trong danh sách các vị Lũng Nhai khai quốc công thần.Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418) vua dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn tự xưng là Bình Định vương, Bùi Quốc Hưng cùng các ông Lê Văn Linh, Nguyễn Thật Trịnh Khả... cả thảy gồm 50 người được phong làm tướng chia quân đối địch với giặc Minh. Lúc mới khởi nghĩa, vua binh đơn tướng ít nên thua trận phải chạy lên Ninh Sơn, ở đây hết lương lòng quân ly tán, ngài Lê Lợi sai Bùi Quốc Hưng và Lê Văn Linh soạn điệp văn phủ dụ Quốc vương Ai Lao, đề nghị cung cấp lương thực, quân dụng và voi ngựa... Nhờ vậy mà binh tướng Lam Sơn trở nên phấn chấn.Những năm nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu ở miền Tây Thanh Hóa, Bùi Quốc Hưng ngày đêm hầu cận vua, các trận phục binh đánh quân Minh thắng lớn đều có sự đóng góp của ông. Cuối năm Giáp Thìn (1424) sau chiến thắng Trà Long, Khả Liễu, Bùi Quốc Hưng được phong chức Tả bộc xạ. Tháng 9 năm Bính Ngọ (1426) vua Lê Thái Tổ đen tài quân ra Bắc, hai ông Bùi Quốc Hưng và Lê Văn An đã nhanh chóng giải phóng hoàn toàn Nghệ An, rồi cùng kéo quân ra Bắc vây thành Đông Quan...
Với công lao to lớn, sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi lên làm vua, Bùi Quốc Hưng được phong Nhập nội thiếu uý, được ban hiển ngạch công thần "Hương Thượng hầu" (hàng thứ ba trong 8 ngạch). Ông được ban quốc tính nên còn gọi là Lê Quốc Hưng. Đến năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) ông lại được phong Tán trị Hiệp mưu Công thần Nhập nội Tư đồ. Bùi Quốc Hưng làm quan trải suốt ba triều vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông một lòng trung với nước với vua, không ham danh vọng quyền lợi, cho đến cuối đời vẫn giữ được tiết tháo. Ông mất vào năm Thái Hòa thứ 6 (1448) khi đang tại chức. Năm Hồng Đức thứ 15 tặng Thái phó Trang quốc công, con trai Bùi Quốc Hưng là Bùi Quốc Bị đánh giặc Minh trận vong năm 1427 truy phong Mậu Trung hầu gia phong tước quận công, cháu của Bùi Quốc Hưng là Bùi Bang Ngạn cũng được ấm phong Trung Trinh đại phu.
Ngày 28 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) gia phong là Bình Ngô Khai Quốc Dực Vận Tán Trị Suy Trung Bảo Chính Hiệp Mưu công thần, Đặc Tiến Khai Phủ Kim Tử Vinh Lộc Đại phu, Tham dự Triều chính Bình chương sự, Thái phó Trang quốc công Bùi Quốc Hưng tứ quốc tính Lê Quốc Hưng. Bao phong Hùng Tài Vỹ Lược Phù Tộ Thùy Hưu Tường Diên Long Huống Công Hậu Đức Mậu Hiển Thánh Diệu Linh Phong Công Vỹ Tích Danh Vọng Đại Vương.
Đến năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784) lại phong cho con trai là Quản Lĩnh đại vương Lê Quốc Bị, cháu nội là Minh quận công Lê Quốc Ban cùng được phối hưởng thờ cúng!
Lệnh chỉ ngày 18 tháng 9 năm Cảnh Hưng 16 (1775), ban cho con cháu 40 mẫu ruộng tại hai xã Cổ Hiền và Cống Khê. Lệnh chỉ ngày mùng 9 tháng 9 năm Gia Long thứ nhất (1802), chuẩn ban cho con cháu là những người được kế thừa làm nhiêu ấm miễn các loại thuế thân, sưu dịch đời đời lo việc phụng sự Trang quốc công. Ngoài ra còn rất nhiều các bằng sắc, lệnh chỉ của hai triều Lê - Nguyễn đặc ban cho con cháu dòng họ là hậu duệ của Trang quốc công Bùi Quốc Hưng, hiện những tư liệu đó lưu giữ tại nguyên quán Cống Khê và tại nhà thờ họ Bùi thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Cây cối có được cành lá xum xuê tươi tốt cũng bởi gốc cội được chăm sóc tưới vun, sông suối có được rộng dài ra nơi biển lớn cũng vì có nguồn mạch dồi dào. "Bùi Thị từ đường" làng Đạo Ngạn (tên cổ là Đăng Ngạn) nơi thờ ba vị Thượng đẳng đại vương công thần triều Lê, con cháu hậu duệ của Trang quốc công Bùi Quốc Hưng nối đời phụng sự. Nhà thờ hiện còn lưu giữ đầy đủ gia phả, bằng sắc, lệnh chỉ, đối liễn, lư hương cùng nhiều đồ tế tự, một địa chỉ tri ân và giáo dục về lịch sử quê hương đất nước, thật đáng được giữ gìn và trân trọng không những của huyện Chương Mỹ mà mang tầm cỡ quốc gia.
Tài liệu tham khảo:- Đại Việt sử ký toàn thư - Lam Sơn thực lục- Lê triều ngọc phả- Lê triều tập ký- Khởi nghĩa Lam Sơn - Giáo sư sử học Phan Huy Lê- 35 vị Khai quốc công thần triều Lê - ban quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh- Chương Mỹ xưa và nay - UBND huyện Chương Mỹ- Thần tích thần sắc làng Cống Khê, huyện Mỹ Đức, Hà Nội- Tống Sơn Lại gia phả ký - Gia phả, lệnh chỉ, phục sao thần sắc tại nhà thờ Trang quốc công làng Đạo Ngạn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - Giáo sư sử học Phan Huy Lê phiên dịch. (Nguồn: Nguyễn Phong)
Toạ độ
Bài viết
Bình luận
Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
|
|
Địa chỉ |
|
Thêm bởi |
admin |
Vào ngày |
2024-12-14 21:05:25 |
Các thành viên |
|
|
|
(2.46 km) |
(2.61 km) |
(2.90 km) |
(3.38 km) |
(3.67 km) |
(4.21 km) |
(5.73 km) |
(5.86 km) |
|