KHÚC THỦY XÃ NGHĨA DÂN
Ngay từ thời Bắc thuộc, làng Khúc Thủy ở vào nơi hợp lưu giữa sông Nhuệ và sông Hoà Bình nên có điều kiện lưu thông đi các nơi. Nhiều nhà sư từ Tây Trúc, Trung Hoa đã đến nơi đây hành đạo, các bậc danh tăng Đại Việt còn lưu sự tích.
Khúc Thủy được vua Lê Đại Hành chọn đất cất chùa, vua Lý Thái Tổ trùng tu Tam Bảo, Thắng Nghiêm cổ tự in đậm dấu tích ngàn năm. Nơi đây, thái ấp của Hưng Đạo Đại Vương, dân xã đầu quân chống giặc Nguyên Mông cả mấy trăm người. Thành hoàng làng là Linh Thông Hoà thượng Trần Thông đại vương, con của danh tướng Trần Khát Chân. Ngài Trần Thông phù giúp Giản Định đế dẹp giặc Minh rồi về ẩn tu tại Khúc Thủy, chăm đời tươi tốt, tu đạo cứu sinh nhân dân vô cùng biết ơn mà dựng đình lập miếu tôn thờ, hiện nay vẫn còn 33 đạo sắc phong của lịch đại đế vương ban tặng, chủ yếu là thời Lê Trung hưng. Việc khoa bảng cũng vô cùng rực rỡ, từ thời Lê sơ đã có mấy vị tiến sĩ nổi danh, nối đời kế tiếp, sự học tăng tiến, tú tài, tiến sĩ đề danh tại văn chỉ chật kín cả tấm bia lờn.
Nước nạn thì đầu quân đánh giặc, buổi trị bình thì khoa cử thành danh gắng tâm phù trợ quốc gia. Chăm lo sản xuất, buôn bán gần xa ích nước lợi nhà, làng xóm nhà cửa khang trang, các biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp vẫn còn đầy dẫy đến nay. Những điều hay lẽ phải cả nước đều hay, thế nên vua Tự Đức sắc tứ cho tấm biển "Mỹ Tục Khả Phong" vua Kiến Phúc lại cho 5 chữ "KHÚC THỦY XÃ NGHĨA DÂN".
Của lắm ruộng nhiều, đến thời vua Khải Định xã dân cùng nhau tu bổ lại đình làng vô cùng bề thế. Hoành phi câu đối trang nghiêm, cột kèo chạm khắc tinh xảo, bên ngoài đắp vẽ cầu kỳ. Hướng đình nhìn ra sông Nhuệ, sau lưng là ngôi Văn chỉ khanh trang, mái tiếp mái trùng trùng điệp điệp, rợp bóng cổ thụ in trong nước biếc, cảnh thanh bình sung túc của một làng cổ ven đô hiếm nơi đâu có được.