Chùa Mật Sơn
Chùa Đại Bi
Tổng quan
Tọa lạc phía nam thành phố Thanh Hóa, chùa Đại Bi thuộc phường Đông Vệ (xưa thuộc làng Mật, xã Bố Vệ, tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn), chùa Đại Bi dựng dưới chân núi Kỳ Lân (một trong quần thể “tứ linh”: long – ly – quy – phụng vòng cung các núi phía tây bao quanh thành phố Thanh Hóa). Vì ở làng Mật cho nên dân gian gọi núi Kỳ Lân là núi Mật, chùa Đại Bi còn có tên là chùa Mật.
Cảnh quan thiên nhiên
Phía sau chùa núi Mật, có hang đá và mạch núi vọt lên có hình cô gái, xưa gọi là hòn Ngọc Nữ. Nhiều tao nhân mặc khách du thắng nơi đây đã vịnh cảnh đề thơ khắc trên vách đá như Lê Thánh Tông, Lê Thế Tông, Nguyễn Khuyến. Trong hang có bàn cờ tiên, có tấm bia chữ đã mờ. Theo sách Thanh Hóa đẹp như tranh, học giả H. Le Breton có ghi: Bia đề niên hiệu Quang Hưng năm thứ 21 triều Lê Thế Tông (1573 – 1599).
Chùa Mật phía sau có núi, phía trước có kênh Vi, xa xa là kênh Bố Vệ; sông núi hữu tình trông thật đẹp. Thời nhà Trần đây là cửa biển. Nơi đây cũng là nơi bố trí phòng vệ của Thượng vị Chương Hiến hầu Trần Kiện chặn đường quân Nguyên do Toa Đô từ Nam Chiếu ra hợp quân với Ô Mã Nhi ở sông Bạch Đằng. Xưa trên kênh Bố Vệ có cầu lớn bằng gỗ có mái lợp ngói, hàng quán bán trên cầu cho nên gọi là cầu Bố (cầu Cha). Nơi đây cũng được coi là một vùng phát tích của họ Lê, quê hương của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh, thân mẫu của vua Lê Hiến Tông, Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Diễm là thân mẫu của vua Lê Thế Tông và Thần nữ Lê Thị Ngọc Đường. Hương Bố Vệ là nơi Lê Duy Bang từng ở, sau này được Thái vương Trịnh Kiểm tôn phò lập làm vua Lê Anh Tông Tuấn Hoàng đế và là nơi đặt lăng mộ của vua Lê Anh Tông, Lê Kính Tông, Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh, Thần nữ Lê Thị Ngọc Đường... Thời Nguyễn, lập nghĩa địa Đồng Châu cũng ở nơi đây để chôn cất hoàng tộc từ Huế ra làm quan ở Thanh Hóa. Năm 1805 vua Gia Long đưa 28 bài vị ở Thái Miếu Lam Kinh và Thái miếu Thăng Long bị tàn phá về lập Thái miếu nhà Lê ở Bố Vệ, làm cho vùng đất quanh chùa Đại Bi trở thành vùng đất địa linh – văn hóa.
Lược sử
Sách Đại Nam nhất thống chí (sách biên soạn từ thời Tự Đức thứ 18) khi nói về các chùa ở Thanh Hóa có ghi về chùa Đại Bi: Chùa Đại Bi có một tên nữa là chùa Mật Sơn ở núi Ngọc Nữ, thôn Mật Sơn, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn trông ra kênh Vi. Vua Lê Thần Tông lên núi chơi sai dựng chùa ở cạnh núi, tạc chân dung vua, dân sở tại thờ.
Sách Từ điển di tích Việt Nam ghi: Chùa dựng năm Tân Hợi, niên hiệu Cảnh Trị thứ 9 (1671) xây toàn bằng đá, có gác chuông hai tầng, treo quả chuông đúc năm 1679. Gác chuông này nguyên xưa ở phía sau chùa, năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) gác chuông bị bão đổ. Khi dựng lại, được dựng ra trước chùa. Trong chùa có tượng A Di Đà cao gần 3m, tượng Hộ pháp cao 2,3m, bên tả có tượng Lê Thần Tông, tượng Đoan Từ Thuần Mỹ Thái hoàng Thái hậu, tượng Y Đức Phong Mỹ Hoàng Thái hậu và bốn phi tần.
Hiện vật văn bia để xác định chính xác thời điểm xây dựng chùa có thể bị hủy hoại trong chiến tranh hoặc vùi lấp trong đổ nát, nhưng qua sách ta nhận ra chùa Đại Bi được xây dựng vào cuối đời Lê Huyền Tông (1663 – 1671) theo thác mệnh di lời của vua cha (bộ tượng có lẽ làm sau khi Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và Thần nữ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, thân mẫu của vua Lê Huyền Tông qua đời).
Điêu khắc và kiến trúc
Vua băng hà được đặt tượng thờ ở chùa. Đây là nét độc đáo nhất của một ngôi chùa ở Thanh Hóa gắn bó với cuộc đời của một vị vua. Phải là đất thiêng, đất đẹp mới được chọn đặt tượng thờ đế vương. Theo lời kể của các vị cao niên và căn cứ nền móng của chùa còn lại, trước đây chùa Đại Bi nguy nga bề thế. Dọc đường vào điện thờ chùa Đại Bi là hai dải tả vu, hữu vu, trong chùa có hàng trăm pho tượng Phật, La Hán là những tác phẩm nghệ thuật quý, điêu khắc vào thế kỷ XVII. Chùa xây dựng bố cục hình chữ Đinh. Bái đường gồm 5 gian, Chính điện gồm 3 gian cách kênh Vi chừng 200m. Sân chùa bài trí rất nhiều hiện vật bằng đá như: voi, ngựa, nghê, bia đá, khánh đá. Tam quan xây kiểu chồng diêm ba tầng mái cong, phía trên cùng treo chuông đồng nặng hai tạ. Ở điện thờ gian thứ nhất (tính từ trong ra) là Phật điện có ba pho Tam Thế. Gian thứ hai là tượng Quan Thế Âm. Gian thứ ba chia làm hai, bên phải là tượng Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, bên trái là tượng vua Lê Thần Tông đặt cao, phía dưới mặt thấp hơn là tượng sáu Hoàng phi mặc quốc phục mang sắc phục 6 dân tộc khác nhau: Kinh – Thái – Mường – Hán – Lào – Hà Lan. Chỉ có một pho ngự trên tòa sen hai lớp, còn các pho khác đội vương miện trong tư thế toạ Thiền.
Tượng vua Lê Thần Tông tạc bằng gỗ theo tỉ lệ 1:1, khuôn mặt trái xoan, đôn hậu nhưng cương nghị, da mặt ngăm ngăm đen. Uy phục theo nghi lễ thiết triều, không có đai vàng, ngồi theo tư thế tọa Thiền, hai tay nắm vòng trước bụng che khuất bởi hai ống tay áo rộng. Tượng ngồi trên bệ cao với ba lớp cánh hoa. Bệ sen được tạo giống như ngai vàng của Thượng đế. Thần thái pho tượng đúng như sách Đại Việt sử ký tục biên ghi lại: Vua sống mũi cao, mặt rồng thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi. Vua Lê Thần Tông lên ngôi năm Kỷ Mùi (1619) niên hiệu đầu là Vĩnh Tộ. Đến ngày 3-11-1643 nhường ngôi cho con (vua Chân Tông) lên Thái Thượng hoàng. Lê Chân Tông băng hà (1649) vua lại cầm quyền chính, đến năm 1662 vua Lê Thần Tông băng hà hưởng dương 56 năm, trị vì ngôi vua 35 năm. Trong lịch sử triều đại phong kiến Việt Nam, đây là vị vua có thời gian trị vì lâu năm chỉ sau vua Lê Thánh Tông trị vì 38 năm. Đây cũng là vua có bốn vị hoàng tử đều thay nhau trị vì đất nước (Lê Chân Tông (1643 – 1649), Lê Huyền Tông (1663 – 1671), Lê Gia Tông (1672 – 1675), Lê Hy Tông (1679 – 1705). Như vậy 5 cha con vua Lê Thần Tông giữ yên đất nước kéo dài 84 năm. Thời vua Lê Thần Tông lên ngôi, đất nước thanh bình, nhân dân no ấm, dân gian có câu:
Đời vua Vĩnh Tộ lên ngôi,
Cơm nguội đầy nồi, trẻ chẳng buồn ăn
Pho tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Quận chúa thứ 22 của Nghị vương Trịnh Tráng); năm 1630 nhập cung vua Lê Thần Tông, năm 1654 được lập làm Hoàng hậu, năm 1663 sinh Lê Duy Du, hình dáng kỳ vĩ nuôi trong phủ Chúa, lên ngôi Hoàng đế năm 1675 lấy hiệu là Lê Hy Tông. Năm 1644 Hoàng hậu lấy hiệu Phật là Pháp Tính cho xây chùa Tháp Bút (tỉnh Bắc Ninh), đến năm 1647 hoàn thành. Ngôi chùa là một trong số những công trình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam. Bà đã biên soạn bộ sách Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (Ký hiệu AB.372 Thư viện Hán Nôm Việt Nam). Nhiều học giả coi đó là bộ từ điển song ngữ cổ nhất Việt Nam có tính chất một bách khoa toàn thư. Bà được coi là nhà văn học, ngôn ngữ học, nghiên cứu Phật học khá sâu rộng. Giáo sĩ Alaxanđre de Rhodes (1591-1660) tới Thăng Long đã viết về Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc: Bà thông chữ Hán, giỏi về thơ. Chúng tôi gọi bà là Catêrina vì bà giống thánh nữ về nhiệt tâm cũng như về đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ. Báo Phụ nữ Thủ đô viết: Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc xứng đáng là danh nhân văn hóa vẻ vang truyền thống của phụ nữ trí thức Việt Nam.
Khi viết về pho tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ở chùa Mật Sơn Thanh Hóa, sách Lược sử mỹ thuật Việt Nam viết: Đây là pho tượng nổi tiếng về tạo hình, chạm khắc đẹp mà mang yếu tố chân dung rõ nét… Thể hiện tính hiền hòa, thông tuệ, nội tâm nhân hậu. Pho tượng thể hiện được chân dung, thần thái được chạm khắc vào thế kỷ XVII như pho tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc thì quả là kiệt tác nghệ thuật. Pho tượng này hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội.
Có thể nói, bộ tượng Lê Thần Tông và các vị Hoàng phi là di sản văn hóa quý của quốc gia hiện còn lưu giữ ở chùa Đại Bi, cùng với giếng chùa thế kỷ XVII. Giếng Tiên chùa Mật Sơn là công trình nghệ thuật, thành đá giếng được xây dựng bằng đá phiến ghè đẽo công phu theo độ cong của giếng. Sân giếng, đáy giếng được lát một lớp đá phiến, mỗi tảng đá đều chạm nổi hình tôm, cua, cá. Có thể nói đáy giếng Tiên trong suốt như một thủy cung, tất cả đều được xây bằng đá núi Nhồi.
Nhà Đại sảnh và Hậu cung thông với nhà Tổ, nhà Tăng, tiếp theo vườn hoa là phủ Thánh Mẫu, sân chùa rộng rãi, lát đá thênh thang, xen lẫn bồn hoa, cây cảnh, non bộ. Xung quanh là cây đại thụ như cây đa, cây đề, cây ngâu, cây đại, gió nhẹ thoảng qua ngào ngạt hương hoa, chim hót véo von làm tổ gọi bầy trên cây, trên núi.
Danh thắng cổ tự Đại Bi – núi Kỳ Lân không chỉ mang dấu ấn xưa mà còn làm say đắm bao lớp trẻ. Tiểu thuyết Ngơ ngác của Nhà cách mạng, nhà văn Trần Mai Ninh đã ghi lại những buổi chiều Chủ nhật dạo chơi bên bờ Nông giang hay trèo núi Long, núi Hổ, tắm trong hang núi Long của học sinh trường Colle Thanh Hóa. Tại chùa Mật Sơn, sáng chủ nhật ngày 27 tháng 3 năm 1927, bất chấp sự nghiêm cấm của chính quyền Pháp, 200 học sinh các trường trong thị xã đã tụ hội về tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh. Và trên ngọn núi Kỳ Lân, ngày 19 tháng 8 năm 1945 lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn tung bay báo một kỷ nguyên độc lập tự do của đất nước. Chùa Đại Bi – núi Kỳ Lân đã được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là cụm Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh. (Nguồn: Chùa Xứ Thanh (Tập I), ThS. Trịnh Quốc Tuấn)
Toạ độ
CHÙA MẬT SƠN
Hương Bố Vệ, huyện Đông Sơn, xứ Thanh Hoa, nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá, được coi là một trong những nơi phát tích của Hoàng Triều Hậu Lê. Đây chính là quê hương của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh, thân mẫu của vua Lê Hiến Tông, Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Diễm thân mẫu của vua Lê Thế Tông. Hương Bố Vệ còn là nơi vua Lê Anh Tông sinh sống khi còn tiềm đế, về sau các vua Anh Tông, Kính Tông cũng được an táng tại đây.
Đến thời Nguyễn, triều đình cho lập nghĩa địa Đồng Châu để làm nơi chôn cất hoàng tộc từ Huế ra Thanh Hóa làm quan, bởi vì trong khu vực Bố Vệ là nơi sinh sống của nhiều vị quan thuộc Tôn Thất nhà Nguyễn, hiện nay con cháu vẫn còn khá nhiều.
Đặc biệt, Bố Vệ có miếu thờ, lăng tẩm của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh, do hậu duệ nối đời coi sóc, thổ trạch điền sản rất nhiều. Bởi thế năm 1805 theo nguyện vọng của Tông thất Hoàng Lê, vua Gia Long đã cho rước các thánh vị ở Thái Miếu Lam Kinh và Thái miếu Thăng Long về lập thờ tại Thái miếu nhà Lê trên đất Bố Vệ này, khi đó hai nơi miếu cũ đã đổ nát, con cháu lại ở xa.
Trong hương có núi Kỳ Lân, trên núi có hang động và mạch đá nhô lên mang hình một cô gái nên gọi tên là hòn Ngọc Nữ. Dưới chân núi có thôn nhỏ Mật Sơn, vì thế cũng gọi là núi Mật. Cảnh sắc tuyệt mỹ, từ xa xưa nhiều tao nhân mặc khách đến đây du ngoạn mà tức cảnh vịnh thơ, bạt đá đề bia như vua Lê Thánh Tông, vua Lê Thế Tông, danh nhân Nguyễn Khuyến.... Trong động lại có tấm bia niên hiệu Quang Hưng năm thứ 21 triều Lê Thế Tông nhưng nay đã mờ.
Vua Lê Thần Tông thường lên núi vãn cảnh, bèn cho dựng chùa Đại Bi dưới chân núi, tục gọi chùa đó theo tên làng là Mật Sơn, lại sai người tạc chân dung vua, ban cho dân sở tại thờ cúng. Năm Cảnh Trị thứ 9 (1671), vua Lê Huyền Tông theo di nguyện của tiên đế đã cho trùng tu chùa, tạc thêm tượng các vị Hoàng thái hậu cùng các phi tần từng phụng hầu vua Lê Thần Tông.
Đây có thể là ngôi chùa duy nhất thờ vua cùng các bà vợ theo kiểu "hậu Phật". Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chùa Mật bị tàn phá nặng nề, bộ tượng vua Lê Thần Tông cùng 6 bà vợ, tương truyền thuộc 6 tộc người là: Kinh, Thái, Mường, Hán, Lào và Hà Lan cùng một số tượng, bia, đồ thờ cúng được đưa về Thái Miếu Nhà Hậu Lê. Gần đây, chùa Mật Sơn được khôi phục, đã rước tượng vua cùng chư vị hậu phi về lại chùa, riêng pho tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Quận chúa thứ 22 của Nghị vương Trịnh Tráng) thì đã được đưa về bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam từ trước đó, hiện nay tôn tượng đã được liệt vào danh sách Bảo vật quốc gia, tại chùa có làm một phiên bản để thờ nhưng không được giống như bản gốc.
Hiện nay, tại Thái miếu vẫn còn một tấm bia đá, tượng tổ, tượng thánh....nguyên xưa của chùa Đại Bi.
Bài viết
Bình luận
Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
|
|
Địa chỉ |
|
Thêm bởi |
admin |
Vào ngày |
2023-12-10 04:04:31 |
Các thành viên |
|
|
|
(776 m) |
(2.56 km) |
(3.07 km) |
(3.32 km) |
(3.88 km) |
(4.99 km) |
(5.15 km) |
(5.26 km) |
|