CHÙA CAO - BÀN LONG TỰ
Núi Phổ Đà, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, trong địa giới làng Vĩnh An có một ngôi cổ tự Bàn Long, bởi trên núi nên tục gọi là chùa Cao.
Căn cứ vào một số tư liệu, chùa Cao được khởi dựng vào thời Lê, Sư tổ khởi lập là thiền sư Thích Thanh Quang, tục danh Trần Viên Quang. Nguyên là mệnh quan triều đình nhưng có duyên lành với cửa Phật, ngài đã từ quan để xuất gia! Trên đường du hoá, qua dãy núi Phổ Đà, sư thấy núi non sơn thủy vượng khí thoát lên, bèn lập thảo am làm nơi tu trì, về sau am đó được xây cất thành chùa.
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Cao được dùng làm nơi cất giấu kho bạc của Nhà nước. Năm 1950, xung quanh chùa bị Pháp chiếm đóng, lập vành đai trắng, chùa cảnh tan hoang. Di tích cũ chỉ còn ngôi tháp tổ, chiếc chuông thủng do trúng pháo và chân cột cờ bằng đá xanh.
Năm 1993, Thiền sư Thích Chí Thìn từ Hương Tích về trụ trì, ngài cùng dân làng Vĩnh An, cúng góp vật tài vật lực trung hưng lại ngôi Tam bảo. Từ đó đến nay, chùa cảnh ngày một kiến thiết khang trang, tượng pháp tô đắp ngày ngày một tố hảo. Đường lên chùa cũng được mở nối xây bậc, khách hành hương chiêm bái Phật tích ngày một đông.
Chùa Cao, liên kết cùng nhiều di tích thành một quần thể chùa miếu, hang động, sông hồ... Thật là vùng thắng cảnh hiếm có! Động Quan Âm, với những nhũ đá như rèm buông, măng đá như sen nở, nước trong thánh thót như Cam lồ tịnh thủy. Đỉnh tiên, hoa nở trắng rừng; dưới chân nước xanh uốn lượn; lối mòn quanh co triền núi; thanh cảnh thật như ở chốn Bồng Lai, chuông ngân ngỡ miền Cực Lạc.