Landmarks

Chùa Phúc Lâm

Chùa Nhân Hòa

Tổng quan

Chùa Nhân Hòa, tên chữ là Phúc Lâm tự, là một ngôi chùa lớn, cổ kính của thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Văn bia Tân tạo nghĩa điền kim bi niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 2 (1654), ghi việc bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, vợ của một vị Thượng tướng quân Đô chi huy sứ triều Lê cúng ruộng vào chùa. Văn bia khác là Báo ân bi ký dựng vào năm Bảo Thái năm thứ 4 (1723) ghi chép việc phu nhân của Quận công Lê Thì Hiến là Trinh Cẩn Quận chúa cung tiến: ‘’12 mẫu ruộng và 200 quan tiền, chẳng phải là để báo đáp, mà là để mãi mãi làm điều tốt đẹp vậy’’. Vì vậy, ‘’trẻ già trong bốn giáp ngẩng trông cây cao bóng rủ…, bèn cùng nhau bái thỉnh tôn Quận chúa làm Hậu phật ở chùa Phúc Lâm thuộc bản xã, tuế thời phụng tự, mãi mãi không quên’’.
Theo tư liệu lịch sử, Lê Thì Hiến (1609 – 1674), là một trong những danh tướng thời Lê Trung Hưng, cùng thời với Đào Quang Nhiêu, Đinh Văn Tả, từng giúp Trịnh Tạc được phong đến chức Thái phó, khi mất được truy tặng Thái tể, thụy là Nghiêm Trí, phong làm Phúc thần. Người soạn bia là Trương Phác Phủ, sau đổi là Trương Công Giai (1665 – 1728), một nhà khoa bảng thành danh và cũng là một nhân vật chính trị quan trọng buổi đương thời.
Điểm qua ghi chép trong các văn bia tại chùa, có thể thấy từ khoảng giữa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, rất nhiều nhân vật có địa vị cao trong xã hội cúng ruộng đất, của cải cho chùa Phúc Lâm. Điều đó đã cho thấy, chùa Phúc Lâm là một ngôi chùa lớn và có vị thế quan trọng trong vùng.
Chùa được dựng trên một khu đất rộng tại khu cánh đồng làng Nhân Hòa với nhiều cây cổ thụ trong khuôn viên. Kết cấu kiến trúc hoàn chỉnh gồm: Tam quan, Thượng điện, nhà Mẫu, nhà Tổ và sân vườn.
Hạng mục Tam quan được xây năm Bảo Đại thứ 9 (1933), có quy mô khá lớn. Gian chính giữa tầng chồng thêm lên một tầng dạng Gác chuông. Các lối đi được xây cuốn vòm, hệ thống làm kiểu ngói ống, có các góc đao uốn cong.
Qua Tam quan là sân, vườn chùa có các cây ăn quả lưu niên. Từ sân bước lên nhà Tiền đường bảy gian với phần hiên được bó vỉa bằng đá xanh. Đây là nếp kiến trúc tường xây, hồi bít đốc hai mái chảy lợp ngói ta, tường hồi 2 bên nối với 2 cột trụ kiểu truyền thống. Các bộ vì bên trong tạo tác theo cách khác nhau. Bộ vì ba gian giữa làm theo kiểu thượng giá chiêng chồng rường, nách bán giá chiêng chồng rường, hạ kẻ, bẩy hiên. Bộ vì 2 gian tiếp theo làm theo kiểu thượng giá chiêng, chồng rường, nách bán giá chiêng chồng rường, hạ chồng rường, bẩy hiên. Hai gian hồi làm theo kiểu vì kèo quá giang, hạ cốn, bẩy hiên.
Chạm khắc ở Tiền đường tập trung tại các con rường, đấu kê và đặc biệt tại hai bức cốn gian hồi với đề tài tứ linh, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Ban thờ Đức Ông có bức hoành phi Thần công mạc trắc ( Công lao của thần không thể đo lường) niên hiệu Thành Thái. Lòng nhà là nơi bài trí tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác; ban thờ Đức Ông – Thánh Tăng như thường thấy trong nhiều ngôi chùa cổ ở Bắc Bộ.
Nối từ khoảng giữa Tiền đường vào sâu bên trong là Thượng điện – nơi bài trí chính của Phật điện. Bộ vì gian ngoài cùng làm theo kiểu thượng chồng rường, kẻ nách, trốn cột. Phía trên treo bức hoành phi Đại Hùng Bảo Điện có niên đại Khải Định năm thứ 10 (1920). Bộ vì các gian phía sau được làm theo kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Chạm khắc ở hệ vì Thượng điện chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Ở đây treo các cửa võng, hoành phi, câu đối có giá trị nghệ thuật như đôi câu đối chữ Lệ do quan Học chính Bắc Ninh Ngô Giáp Đậu soạn vào năm Canh Thân, Khải Định thứ 10.
Trên cao nhất tại Thượng điện là bộ tượng Tam thế, tiếp đến là bộ tượng A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, A Nam, Ca Diếp; tiếp nữa là tượng Quan Âm Chuẩn Đề; tượng Ngọc Hoàng – Nam Tào, Bắc Đẩu, Phạm Thiên, Đế Thích; cuối cùng là tòa Cửu Long. Hệ thống tượng Phật được tạo hình tinh tế, chạm khắc tinh xảo từ các nếp áo tượng đến các cánh sen, bệ tượng… thực sự là những tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVIII – XIX.
Phía ngoài hai bên sườn Thượng điện là hai dãy nhà kiểu nhà hành lang, dãy bên trái là nơi thờ Mẫu, bên phải làm nhà Khách. Kiến trúc đươc làm đơn giản dạng nhà tường hồi bít đốc, hệ vì kèo quá giang trốn cột, không có các trang trí chạm khắc.
Từ khu Tam bảo qua một khoảng sân sau là đến nhà Tổ. Công trình này cùng với nhà Mẫu, nhà Khách được làm vào năm Đinh Mão, triều Bảo Đại năm thứ 2 (1927). Đây là nơi đặt tượng thờ Tổ Đạt Ma và các vị tổ chùa cùng các bức hoành phi, câu đối và một số đồ thờ có niên đại thời Nguyễn. Bức hoành phi khắc chữ Tam thiên thế giới niên hiệu Bảo Đại năm thứ 3 (1928) viết theo lối chữ Khải chân phương, chắc khỏe là một trong số những hiện vật như thế.
Chùa Nhân Hòa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.

(Nguồn: Cổng thông tin Thanh Trì)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]

CHÙA PHÚC LÂM
Ngôi cổ tự của làng Nhân Hoà, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội được khởi dựng từ thời Lê, thuộc trang Lã Xuyên, phủ Ứng Thiên, xứ Sơn Nam.
Trong chùa còn lưu giữ được những tấm bia quý, ghi lại lịch sử của chùa. Văn bia "Tân tạo nghĩa điền bi" niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 2 (1654), ghi việc bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, vợ của một vị Thượng tướng quân Đô chi huy sứ triều Lê cúng ruộng vào chùa. Tấm bia hậu năm Chính Hoà thứ 3 (1682), chép về bà Nguyễn Thị Hoà, là phu nhân của Hoài Sĩ hầu người huyện Yên Mô cúng cấp Tam bảo đặt hậu. Năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706), có bà Nội thị cung tần Nguyễn Thị Hoan cúng điền sản, kim ngân vào chùa. Văn bia khác là "Báo ân bi ký" dựng vào năm Bảo Thái thứ 4 (1723) ghi chép việc phu nhân của Quận công Lê Thì Hiến là Trinh Cẩn Quận chúa cung tiến: ‘’12 mẫu ruộng và 200 quan tiền, chẳng phải là để báo đáp, mà là để mãi mãi làm điều tốt đẹp vậy’’. Vì vậy, ‘’trẻ già trong bốn giáp ngẩng trông cây cao bóng rủ…, bèn cùng nhau bái thỉnh tôn Quận chúa làm Hậu phật ở chùa Phúc Lâm thuộc bản xã, tuế thời phụng tự, mãi mãi không quên’’.
Năm Bảo Thái thứ 2 (1721) dựng cây hương đá trước cửa chùa. Chùa có hai chiếc chông, chuông lớn đúc thời vua Minh Mạng, chuông nhỏ đúc thời vua Tự Đức. Đến thời vua Khải Định chùa có một đợt trùng tu lớn, đến thời vua Bảo Đại lại có người con gái trong làng là bà Bùi Thị Cả công đức sửa sang chùa cảnh, chiếc tam quan chùa rất đẹp và bề thế là được xây vào thời kỳ này.
Phúc Lâm tự, khuôn viên vừa vặn, rợp bóng cây xanh, thấp thoáng vườn chùa là những ngôi tháp cổ. Quanh năm hoa trái đưa hương, nối đời truyền đăng kế tục, từ khi khởi dựng vào thời Lê trải qua bao biến động dưới thời Nguyễn mà sự truyền nối chẳng khi nào đứt đoạn. Đúng là nơi rừng phúc ánh từ quang chiếu sáng, để muôn dân ân hưởng nhân hoà!












































Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Chùa Phúc Lâm
Địa chỉ
Thêm bởi admin
Vào ngày 2024-06-19 00:45:49
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất