Landmarks

Chùa Quán Huyền Thiên

Chùa Hàng Khoai

Hà Nội của chúng ta | Phố Hàng Khoai xưa cũ và hiện tại | HANOITV

Tổng quan

Chùa Huyền Thiên hiện toạ lạc ở số 54, phố Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Chùa xưa kia là một trong tứ quán của kinh thành Thăng Long gồm: Trấn Vũ (Quán Thánh), Huyền Thiên, Đồng Thiên (đền Kim Cổ) và Đế Thích (chùa Vua).

Lịch sử - Truyền thuyết

Theo truyền thuyết và sử sách dân gian ghi lại thì thời nhà Thục (năm 257 TCN) có một vị thần duệ hiệu là Huyền Thiên, cùng với thần Kim Quy đã giúp An Dương Vương trừ Bạch Kê tinh đắp thành Cổ Loa và sau đó đã tặng vua Thục móng chân để chế lấy nỏ thần. Ghi nhớ công đức ấy. An Dương Vương đã lập quán thờ Ngài, đặt tên là Huyền Thiên Đại quán ở núi Thất Diệu - nơi Huyền Thiên đã tu hành kiếp trước. Núi này hiện ở thôn Thuỵ Lôi, huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, Sau khi lập quán, có lệ hàng năm vua ngự đến quán làm lễ tạ ơn. Đến thời nhà Lý (1010), vua Lý Thái Tổ cho dời Kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Do việc đi lại quán trở nên thưa dần, vua bèn cho dựng Quán Trấn Vũ (tức Quán Thánh) bên bờ hồ Dâm Đàm (hồ Tây) để thờ phụng ngài.

Còn chùa Huyền Thiên tức Huyền Thiên cổ quán ở phố Hàng Khoai không biết dựng khi nào nhưng  căn cứ vào bài thơ vịnh quán của cụ Trần Nguyên Đán (1326 - 1390) thì quán được xây dựng từ trước thế kỉ XIV. Sau đó, chùa được tu bổ qua các triều đại: Thiệu Bình năm thứ 6 (1439), Cảnh Trị thứ 6 (1668), Tự Đức thứ 21 (1868), Bảo Đại thứ 5 (1930). Mỗi lần tu bổ chùa lại rộng và khang trang thêm. Trong chùa còn có một chuông đồng nặng 500kg, cao 1m6, đúc từ thời Cảnh Thịnh đại nguyên niên (1793, triều Tây Sơn). Theo các cụ già kể lại, đất chùa trước đây vốn nằm trên một bán đảo có hình vành khuyên (còn gọi là hồ Tay Ngai) bao quanh tạo thành thế quy xà hội tụ. Hồ này nằm ở khu vực bao gồm phố Gầm Cầu, Nguyễn Thiệp, Hàng Khoai và một phần phố Hàng Giấy hiện nay. Trên đảo có hai giếng Tiên rất đẹp. Tục truyền có lần Huyền Thiên đại đế qua đây, thất cảnh đẹp, dừng lại tắm ở giếng này và phù trợ cho dân trong vùng. Sau đấy, dân lập quán thờ ngài.

Quán và phong cảnh xung quanh đã tạo thành một danh lam thắng cảnh tuyệt vời. Tiếc rằng sau này khi quân Pháp đô hộ đã cho lấp hồ để mở mang phố xá và xây dựng cầu Long Biên, làm mất đi một danh lam thắng cảnh tuyệt vời. Hơn thế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947, chùa Huyền Thiên là một điểm quyết chiến trong trận chiến đấu chợ Đồng Xuân giữa ta và địch nên cũng bị tàn phá nặng nề. Tượng Đức Huyền Thiên cao 3,5m bằng gỗ trầm hương, được tạc từ đời Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) bị đốt ra tro. Sư bà Thích Đàm Mùi bị giết dưới chân bệ Phật. Cũng có tự vệ chiến đấu hi sinh ở đây. Do đó, Huyền Thiên cổ quán chẳng những là một di tích lịch sử mà còn là một di tích cách mạng.

Chùa Huyền Thiên là một nơi vừa thờ Phật vừa thờ Thần, thờ Mẫu, thể hiện tam giáo đồng nguyên. Do đó mà quán vẫn được người dân gọi là chùa. Cũng tại nơi đây, vào thế kỉ XVIII, tiến sĩ Ngô Thì Nhậm đã thuyết pháp cùng hai đạo hữu là Hải Hà và Hải Tịnh. Một đặc điểm nữa của chùa Huyền Thiên là tuy ở trung tâm thủ đô nhưng vẫn mang tính chất của một chùa làng. Làng Huyền Thiên tuy không còn, dân làng phân tán khắp nơi nhưng vẫn tồn tại hội đồng quản trị làng. Có hai ngày hội của chùa trong năm: ngày 3/3 và 9/9 ÂL, tức ngày sinh và ngày hoá của đức Huyền Thiên.

Từ năm 1948, sư cụ Thích Đàm Huệ đã đứng ra khuyến hoá dân làng và khách thập phương góp công góp của tạc lại tượng, xây lại chùa. Sau đó, công cuộc trùng tu chưa được tiếp tục do cụ Lê Sỹ Lâm, kiến trúc sư đã  nghỉ hưu. Mặc dù vậy nhưng cảnh quan bên trong chùa hiện nay đã được tu bổ nhiều và vẫn thể hiện được vẻ đẹp của thắng tích một thời.

Kiến trúc - Di vật

Kiến trúc ban đầu của chùa Huyền Thiên được xác định gồm Tiền đường - Thiêu hương - Thượng điện, Hậu đường và hành lang hai bên trái, phải, cùng gác chuông, tam quan. Như vậy, quần thể kiến trúc này tương tự các ngôi chùa lớn thời Trần và các ngôi chùa lớn khác cùng thời Sau khi xây dựng lại hoàn hảo, năm 1668, chùa Huyền Thiên được ‘đúc chuông mới và san khắc sách Thánh đạo giáo kinh khoa cả thảy 4 quyển lưu tại bản quán’. Việc trùng tu quán với quy mô lớn lần này là do chúa Trịnh ban Lệnh chỉ, nên có cung tần trong phủ chúa, cùng quan lại trong triều đóng góp xây dựng.

Dấu tích hiện tại của chùa mang đậm kiến trúc từ thời Lê. Chùa cũng là nơi còn lưu giữ một hệ thống văn bia đồ sộ. Có thể nói, đây là một trong những di tích ở khu phố cổ Hà Nội còn bảo tồn được một lượng văn bia lớn, được viết cả bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Những bia này đều được ốp lên hai bên toà tiền đường và toà chính điện của chùa. Các bia hiện có tại chùa gồm:

1. Huyền Thiên quán bi kí 玄天觀碑銘 Vĩnh Hựu thứ 5 (1739)

2. Huyền Thiên quán trùng tu bi kí 玄天觀重修碑記 Bảo Đại thứ 5 (1930)

3. Trùng tu Huyền Thiên quán bi kí 重修玄天觀碑記 Cảnh Trị thứ 6 (1668)

4. Tiền tài hậu công đồng đắc phúc 前財後功同得福 Cảnh Trị thứ 6 (1668)

5. Huyền Thiên thôn 玄天村 Bảo Đại thứ 5 (1930)

6. Trùng tu Huyền Thiên quán bi kí 重修玄天觀碑記 Tự Đức thứ 21 (1868)

7. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑 Bảo Đại thứ 5 (1930)

8. Huyền Thiên quán chung các bi 玄天觀鍾閤碑

9. Hậu Phật bi kí 后佛碑記Tự Đức thứ 25 (1872)

10. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑Bảo Đại thứ 5 (1930)

11. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑 Bảo Đại thứ 6 (1931)

12. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑 Bảo Đại thứ 19 (1944)

13. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑 Bảo Đại thứ 5 (1930)

14. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑 Bảo Đại thứ 18 (1943)

15. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑 Bảo Đại thứ 5 (1930)

16. Hậu Phật thần bi kí 后佛神碑記 Minh Mệnh thứ 10 (1829)

17. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑 Bảo Đại thứ 9 (1934)

18. Phụ bi kí 附碑記

19. Hậu bi kí 後碑記

20. Huyền Thiên kí hậu bi 玄天寄后碑 Khải Định thứ 9 (1924)

21. Huyền Thiên kí hậu bi 玄天寄后碑 Bảo Đại thứ 18 (1943)

22. Huyền Thiên kí hậu bi 玄天寄后碑

23. Huyền Thiên kí hậu bi 玄天寄后碑 Giáp Ngọ

24. Huyền Thiên kí hậu bi 玄天寄后碑

25. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑

26. Huyền Thiên kí hậu bi 玄天寄后碑 Bảo Đại thứ 19 (1944)

28. Huyền Thiên thôn hậu bi 玄天村后碑 Bảo Đại thứ 15 (1940)

29. Huyền Thiên thôn hậu bi 玄天村后碑 Bảo Đại thứ 5 (1930)

30. Huyền Thiên thôn hậu bi 玄天村后碑 Bảo Đại thứ 18 (1943)

31. Bảo hậu bi 保後碑

32. Huyền thiên kí kị bi 玄天寄忌碑Bảo Đại thứ 5 (1930)

33. Huyền Thiên quán bi kí 玄天觀碑記 Tự Đức thứ 21 (1868)

34. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑 Bảo Đại thứ 5 (1930)

35. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑 Bảo Đại thứ 5 (1930)

36. Huyền Thiên kí kị bi 玄天寄忌碑 Bảo Đại thứ 10 (1935)

37. Huyền Thiên bi hậu kí 玄天碑后記 Giáp Ngọ

38. Huyền Thiên cổ quán 玄天古觀 Canh Dần

39. Huyền Thiên bảo điện 玄天寶殿

40. Huyền Thiên cổ quán 玄天古觀 Cảnh Thịnh thứ 1 (1793).

Ngoài 40 văn bia khắc bằng chữ Hán Nôm thì còn nhiều bia được viết bằng chữ quốc ngữ, chủ yếu được dựng sau năm 1954.

Hiện nay, nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân đã sao chép lại nội dung văn bia và dịch nghĩa để cung cấp tư liệu cần thiết cho việc nghiên cứu về phố cổ Hà Nội.

Phiên âm:

Trùng tu Huyền Thiên quán bi minh

Phụng Thiên phủ Thọ Xương huyện Đồng Xuân phường Huyền Thiên quán trụ trì bản quán Tế sinh đường Bùi Hữu Lễ tự Huệ Thắng, Bùi Hữu Doanh tự Huệ Tâm đẳng cung phụng… phụ đức công thần uy minh thánh Tây vương ngự ban hưng công trùng tu bản quán chư vị Phật tượng cập thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang chung các tam quan các liên cưu công viên tất…

Phụng hưng công cấu tác bản quán Gia Lâm huyện Như Kinh xã phụng lệnh chỉ trụ trì bản quán Tế sinh đường Bùi Hữu Lễ, Bùi Hữu Oanh cập nam tử Bùi Đức Nhuận, Bùi Hữu Pháp, tín nữ Vương Thị Luyện, Vương Thị Khẩn, Đinh Thị Tất, Lê Thị Tiến…

Công đức Từ Liêm huyện Minh Cảo xã Ốc Thượng Hồng phủ Đường An huyện Trâu Dã xã Vũ Thị Ngọc Xuyến hiệu Huệ Trường, Kiên Cố bồ tát sử tiền tứ thập quan.

Đồng Xuân phường quan viên Lưu Quang Tán, Nguyễn Tuyển Sĩ, Nguyễn Quang, Phạm Đắc Danh, Bùi Tuấn Ngạn, Nguyễn Công Luận, Nguyễn Công Bình, Nguyễn Thạc Vọng, Nguyễn Đăng Doanh, Phạm Đăng Triều, Nguyễn Công Kiêm, Phương Hữu Thực, Chu Bá Tài, Trần Văn Kiêm, phường quan Nguyễn Thế Kế, phường sử Hồ Công Thạc.

Thị nội cung tần Trần Thị Chiêm hiệu Đạo Đức pháp Thiên Bản huyện Đồng Đội xã cúng nhị thập quan. Phạm Đắc Trương tự Phúc Lễ, Lang Tài huyện Trâu Khê xã, thê Trịnh Thị Tuế hiệu Từ Nghĩa, Biện Thượng xã sử tiền tam quan, Lê Thị Sử hiệu Từ Phẩm, Phiên Khê xã sử tiền nhất quan.

Thiệu Nghĩa công chánh phu nhân Trịnh Thị Ngọc Nghiêu hiệu Diệu Huệ, thân tôn Trịnh Tăng, Trịnh Thị Khuông cổ tiền ngũ quan, Bùi Thuyên thê Hoàng Thị Trinh, Trần Thị Lộng, Gia Phúc huyện sử tiền thập ngũ quan.

Chánh đội trưởng Vinh Thiêm hầu Trịnh Vĩnh Cổn tự Pháp Trí hiệu Phúc Đức, thê Lê Thị Miên hiệu Diệu Bảo, thân mẫu Nguyễn Thị Hân hiệu Từ Hạnh, ngoại thân Nguyễn Thị Bích hiệu Diệu Ngọc, nữ tử Trịnh Thị Chẩm, nam tử Trịnh Vĩnh Tào, thiếp Nguyễn Thị Quân, Lê Thị Miên, Đào Thị Huyên…

Cảnh Trị lục niên tuế thứ Mậu Thân mạnh đông tiết cốc nhật.

Tiền tài hậu công đồng đắc phúc

Phụng hưng công Kinh Bắc đạo Thuận An phủ Gia Lâm huyện Như Kinh xã phụng lệnh trụ trì bản quán Tế sinh đường Bùi Hữu Lễ, Bùi Hữu Doanh đẳng nguyên tiền thân phụ Chính giác Hòa thượng Bùi Đại Điển tự Huệ Tông hiệu Vương Kinh, phụng lệnh trụ trì bản quán chí Nhâm Thân niên tái chú hồng chung nhất kiện tính san hiến Thánh đạo giáo kinh khoa cộng tứ quyển lưu tại bản quán… sở hữu công đức các gia khai trần vu hậu.

Hà ích Quan thê Lê Thị Hỉ, Vũ Tất Khang…

Trung thư giám câu khể Diễn Trạch nam Lê Thiên tuế tiền tả công đức hậu tả Trần Quang Đĩnh. Ngọc thạch cục Đàm Ninh tự Chân Phúc thuyên bi.

Dịch nghĩa:

Văn bia và minh văn ghi lại việc sửa quán Huyền Thiên

Tại quán Huyền Thiên phường Đồng Xuân huyện Thọ Xương phủ Phụng Thiên có vị trụ trì là Tế sinh đường Bùi Hữu Lễ tự Huệ Thắng và Bùi Hữu Doanh tự Huệ Tâm kính phụng đức phụ công thần uy minh thánh Tây vương ban lệnh chỉ cho sửa sang quán và tô lại tượng Phật. Các việc sửa sang Thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, hành lang bên trái bên phải, gác chuông tam quan, tất cả đều hoàn tất.

Phụng lệnh chỉ để xây dựng bản quán là vị trụ trì bản quán tên là Tế sinh đường Bùi Hữu Lễ tự Huệ Thắng người xã Như Kinh huyện Gia Lâm và con trai Bùi Đức Nhuận, Bùi Hữu Pháp, tín nữ Vương Thị Luyện, Vương Thị Khẩn, Đinh Thị Tất, Lê Thị Tiến…

Công đức Vũ Thị Ngọc Xuyến người xã Minh Cảo huyện Từ Liêm trú quán tại xã Trâu Dã huyện Đường An phủ Thượng Hồng xã, hiệu Huệ Trường, Kiên Cố bồ tát cúng sử tiền 40 quan.

Đồng Xuân phường quan viên Lưu Quang Tán, Nguyễn Tuyển Sĩ, Nguyễn Quang, Phạm Đắc Danh, Bùi Tuấn Ngạn, Nguyễn Công Luận, Nguyễn Công Bình, Nguyễn Thạc Vọng, Nguyễn Đăng Doanh, Phạm Đăng Triều, Nguyễn Công Kiêm, Phương Hữu Thực, Chu Bá Tài, Trần Văn Kiêm, phường quan Nguyễn Thế Kế, phường sử Hồ Công Thạc.

Thị nội cung tần Trần Thị Chiêm hiệu Đạo Đức người xã Đồng Đội huyện Thiên Bản cúng 20 quan. Phạm Đắc Trương tự Phúc Lễ, người xã Trâu Khê huyện Lang Tài và vợ là Trịnh Thị Tuế hiệu Từ Nghĩa, người xã Biện Thượng cúng sử tiền 3 quan, Lê Thị Sử hiệu Từ Phẩm, Phiên Khê xã cúng sử tiền 1 quan.

Thiệu Nghĩa công chánh phu nhân Trịnh Thị Ngọc Nghiêu hiệu Diệu Huệ, thân tôn Trịnh Tăng, Trịnh Thị Khuông cúng cổ tiền 5 quan, Bùi Thuyên và vợ Hoàng Thị Trinh, Trần Thị Lộng, người huyện Gia Phúc cúng sử tiền 15 quan.

Chánh đội trưởng Vinh Thiêm hầu Trịnh Vĩnh Cổn tự Pháp Trí hiệu Phúc Đức và vợ Lê Thị Miên hiệu Diệu Bảo, mẹ đẻ Nguyễn Thị Hân hiệu Từ Hạnh, ngoại thân Nguyễn Thị Bích hiệu Diệu Ngọc, con gái Trịnh Thị Chẩm, con trai Trịnh Vĩnh Tào, vợ lẽ Nguyễn Thị Quân, Lê Thị Miên, Đào Thị Huyên…

Ngày lành tiết mạnh đông năm Mậu Thân, Cảnh Trị thứ 6 (1668).

Kê người công đức tiền của:

Hưng công phụng lệnh trụ trì bản quán Tế sinh đường Bùi Hữu Lễ, Bùi Hữu Doanh người xã Như Kinh huyện Gia Lâm phủ Thuận An đạo Kinh Bắc vốn trước ngày có thân phụ là Chính giác hoà thượng Bùi Đại Điển tự Huệ Tông hiệu Vương Kinh, phụng lệnh trụ trì bản quán. Đến năm Nhâm Thân lại đúc một quả chuông lớn và san khắc sách Thánh đạo giáo kinh khoa cả thảy 4 quyển lưu tại bản quán… Các vị công đức kê ra sau đây.

Hà ích Quan thê Lê Thị Hỉ, Vũ Tất Khang…

Trung thư giám câu khể Diễn Trạch nam Lê Thiên soạn, Trần Quang Đĩnh viết. Ngọc thạch cục Đàm Ninh tự Chân Phúc khắc bia"

Hiện nay, chùa Huyền Thiên là điểm đến tham quan của nhiều du khách, đồng thời cũng là điểm đến quan trọng của các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là khu vực phố cổ.

(Nguồn: coviet.vn)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]


 © Thoạt nhìn, chùa Huyền Thiên như bị lấn át bởi cảnh chợ búa nhộn nhịp.

 © Hai cửa phụ của cổng tam quan đã bị chiếm dụng làm cửa hàng từ nhiều thập niên trước.

 © Nhưng bước qua cổng chùa, một không gian yên tĩnh, tràn ngập màu xanh của cây cối hiện ra.

 © Sau nhiều biển động của lịch sử, chùa vẫn giữ được những đường nét kiến trúc mang dấu ấn của thời Lê và một...

 © Trên tam quan của chùa vẫn còn quả chuông đồng nặng 500kg, cao 1,6m, đúc từ thời Cảnh Thịnh đại nguyên niên (triều đại...

 © Vẻ rêu phong cổ kính...

 © ...cùng sự yên tĩnh bao trùm lên không gian của chùa.

 © Bước vào sân chùa, những ưu tư trong cuộc sống thường nhật như tan biến...

 © ... và nhường chỗ cho sự bình yên trong tâm hồn.

 © Các khóa lễ trong chùa diễn ra đều đặn trong không khí tôn nghiêm, thành kính.

 © Đối lập với chốn tĩnh tâm ấy là một cuộc sống sôi động, ồn ã, đổi thay không ngừng.

 © Với nhiều người Việt Nam, cửa chùa là nơi để tìm lại sự cân bằng về tinh thần trong cuộc sống.

 © Có thể cảm nhận sâu sắc điều này khi ghé thăm chùa Huyền Thiên - chốn tĩnh lặng bên chợ Đồng Xuân.


Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Chùa Quán Huyền Thiên
Địa chỉ 48 Hàng Khoai, Đồng Xuân, Hoan Kiem District, Hanoi, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2012-10-13 23:24:01
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất